Trong ngày 26/08/2022 vừa qua, Buổi 2 với chủ đề “Cha mẹ quản trị hành vi và cảm xúc để làm gương cho con” nằm trong Khóa đào tạo miễn phí cùng chuyên gia: “Cha mẹ thay đổi” đã được diễn ra với sự tham gia của PGS. TS. Trần Thành Nam.
Tại buổi livestream, thầy Nam đã đem đến cho ba mẹ theo dõi những kiến thức cũng như những phương pháp đúng cách để quản trị hành vi cảm xúc của bản thân.
1. Tầm quan trọng của việc quản trị hành vi và cảm xúc
Theo thầy Nam, trong bối cảnh ngày nay, chỉ số thông minh (IQ) chỉ giúp chúng ta thành công đến 20%, 80% còn lại đến từ chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ). Nếu muốn con cái có chỉ số EQ cao, bố mẹ cũng cần phải quản trị cảm xúc của mình trước để con học theo. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cha mẹ có cách hành xử ấm áp và nguyên tắc nhất quán thì con lớn lên cũng sẽ hạnh phúc, có khả năng vượt qua khó khăn và cân bằng cảm xúc tốt hơn.
Bên cạnh đó, quan niệm phạt roi vọt trong thời buổi hiện nay cũng không còn được khuyên sử dụng nữa bởi có thể vi phạm đến truyền trẻ em và xử phạt hành chính.
2. Các phương pháp giúp cha mẹ quản trị hành vi cảm xúc
Tham gia cùng buổi đào tạo là chị Lê Thị Thu Hằng, 36 tuổi, sống tại Hải Phòng và hiện có một bé 8 tuổi. Cũng giống nhưng rất nhiều ba mẹ khác, chị Hằng gặp khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc khiến bé thường xuyên có những biểu hiện cáu giận, thậm chí là chai lì, có những hành vi tự làm đau mình.
Từ các vấn đề của chị Hằng, PGS. TS Trần Thành Nam đã khái quát thành những giải pháp thiết thực và dễ áp dụng nhất để chia sẻ với các ba mẹ theo dõi livestream buổi học.
Giải pháp 1 - Cách cha mẹ làm gương và tạo sự tôn trọng với con
Nếu muốn con cái tự giác và có những hành vi tốt, trước hết, ba mẹ phải trở thành “ông chủ tốt” của con, để con cảm thấy vui, được tin tưởng và lắng nghe khi bên ba mẹ.
Con cái là tài sản lớn nhất của mỗi bậc phụ huynh. Vì vậy, mỗi ngày đi làm việc, sau những bộn bề của công việc, ba mẹ hãy dành ra 15 phút “chơi đặc biệt” với con. Đây là thời gian ba mẹ hãy gác bỏ điện thoại và tập trung tuyệt đối vào con. Trong 15 phút này, ba mẹ cho con tự lựa chọn những trò chơi con thích, chơi cùng con một cách hứng thú và tôn trọng từng suy nghĩ ngây ngô của trẻ.
Sau khoảng 15 phút “chơi đặc biệt” này, ba mẹ cũng có thể giao cho con một số nhiệm vụ và biến khoảng thời gian này thành phần thưởng hiệu quả để khuyến khích những hành vi tốt của con.
Giải pháp 2 - Cách đưa ra chỉ dẫn và nói “không” với con để con vâng lời
Muốn con vâng lời và làm những nhiệm vụ mình giao, trước hết, ba mẹ cần biết đưa ra những chỉ dẫn đúng cách. Trên thực tế, rất nhiều ba mẹ hiện nay đang gặp phải những sai lầm trong việc đưa ra những lời chỉ dẫn cho con.
Theo lời khuyên từ PGS. TS Trần Thành Nam, ba mẹ nên tránh đưa ra quá nhiều chỉ dẫn cùng một lúc vì sẽ khiến bé dễ bị nhiễu loạn, và không thể nhớ hết tất cả các nhiệm vụ. Hơn nữa, khi thực hiện đưa ra chỉ dẫn, ba mẹ cần nói nhẹ nhàng và ở lại cùng con tới khi còn hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình chỉ dẫn, gia đình cũng cần có sự nhất quán để tránh làm con sao nhãng hoặc đưa ra những chỉ dẫn mơ hồ.
Bên cạnh chỉ dẫn đúng cách, trong nhiều trường hợp, lời nói “không” là cần thiết để con rèn luyện tính kỷ luật. Trước hết, trong gia đình cần có sự kiên định và thống nhất giữa các thành viên, tránh tình trạng người này nói “không” nhưng người khác lại “đồng ý” khiến bé dễ sinh ra ỷ lại.
Ba mẹ có thể cho bé làm quen với những lời nói “không” bằng cách có phần thưởng khích lệ hợp lý mỗi khi bé nghe theo mình. Phần thưởng ở đây không có nghĩa phải là phần thưởng vật chất, thay vào đó, ba mẹ hãy chọn những phần thưởng tinh thần để khuyến khích bé.
Giải pháp 3 - Cách kiểm soát cảm xúc tức giận khi dạy con
Trong quá trình nuôi dạy con, không thể tránh khỏi những lúc ba mẹ cảm thấy tức giận. Với những trường hợp ấy, thay vì phủ nhận sự tức giận ấy, ba mẹ hãy thừa nhận và nhìn sâu vào nguyên nhân đằng sau sự tức giận ấy. Sự tức giận có thể bắt nguồn từ sự yêu thương và quan tâm của mình tới con hay do những áp lực công việc vốn khiến mình cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ba mẹ nên thực hiện những hành vi tiêu cực hay trút giận lên con.
Ba mẹ có thể kiềm chế cảm xúc bằng việc thực hiện những hành động khiến mình sao nhãng như cắn môi, bấm ngón tay, hay mời con ra góc trấn tĩnh để mình điều hòa cảm xúc. Không chỉ với bản thân, ba mẹ cũng có thể áp dụng những kỹ thuật làm sao nhãng khi bé nhà mình có những biểu hiện của sự tức giận hay bất ổn về mặt cảm xúc. Một số cách thức được thầy Nam đưa ra có thể kể đến như yêu cầu con đánh vần ngược tên của mình, làm phép tính trừ.
Những lời khuyên dù có hữu ích đến đâu, cũng cần có sự nghiêm túc thực hiện của người nghe mới có hiệu quả. Ba mẹ hãy áp dụng những chia sẻ từ thầy Nam để thấy được những biến chuyển tích cực mỗi ngày trong con của mình nhé!
Đừng quên chúng ta vẫn còn buổi 3 với chủ đề “Cha mẹ đầu tư thời gian chất lượng bên con” cùng ThS. Nguyễn Tú Anh. Ba mẹ đăng ký TẠI ĐÂY để không bỏ lỡ những kiến thức nuôi dạy con đúng cách cũng như nhận về những phần quà hấp dẫn từ chương trình nhé!