Học đánh đàn là một loại hình nghệ thuật âm nhạc mang đến những giai điệu trầm bổng với chất riêng của từng người học. Nếu bé nhà bạn yêu thích bộ môn này, hãy giúp con lựa chọn loại đàn phù hợp và hỗ trợ con theo hướng dẫn trong bài viết này!
Học đánh đàn & những lợi ích tuyệt vời
Tuổi thơ của con sẽ thật tẻ nhạt nếu chúng chỉ được tiếp cận những bộ môn khoa học đầy chữ & số. Vậy nếu ba mẹ cho con cơ hội học thêm một loại nhạc cụ thì sao? Sẽ rất thú vị và mang lại nhiều lợi tuyệt vời cho bé đấy!
-
Thư giãn tâm trí: Sau những giờ học dài trên trường, luyện tập nhạc cụ & thưởng thức các giai điệu âm nhạc do chính mình tạo nên sẽ giúp con được thư giãn, giải tỏa sự căng thẳng đầu óc khi phải tiếp nhận khá nhiều kiến thức chữ, số trên trường.
-
Cân bằng cảm xúc: Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong điều hòa cảm xúc, dễ cáu gắt, ương bướng, thay đổi tùy hứng. Âm nhạc sẽ giúp con tập trung, mang lại tâm trạng thoải mái để điều phối cảm xúc một cách dễ dàng.
-
Tăng khả năng cảm thụ âm nhạc: Bằng những kiến thức về nhạc lý, con có thể khám phá những biến thể khác nhau của âm thanh, nhịp điệu và cảm nhận chúng rõ ràng hơn.
-
Mở rộng hiểu biết về âm nhạc: Thông qua việc tìm hiểu và chơi các loại nhạc cụ, con có thể mở rộng hiểu biết về văn hóa âm nhạc giữa các nước, hiểu về nguồn gốc của nhạc cụ, biết thêm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và những tuyệt phẩm của họ.
-
Tăng sự phối hợp linh hoạt giữa tay mắt: Để học tốt một loại nhạc cụ, con sẽ cần luyện tập khả năng kết hợp tay, mắt & khả năng cảm thụ nhịp điệu. Với mỗi nhịp độ cao thấp khác nhau, đôi tay cần sự di chuyển linh hoạt cùng mức độ nặng nhẹ phù hợp để tạo nên giai điệu hoàn hảo.
Có thể thấy, học đàn là bộ môn nghệ thuật hoàn hảo mà ba mẹ có thể ứng dụng trong quá trình nuôi dạy con. Hãy tận dụng thời gian học hè của bé hoặc những khoảng thời gian rảnh rỗi để cùng con học thêm một loại nhạc cụ nhé!
Các bước cơ bản để bắt đầu học đánh đàn
Tương tự những bộ môn nghệ thuật khác, học đánh đàn cần có sự chuẩn bị trước khi học và có phương pháp đúng trong quá trình học để việc tập luyện đạt hiệu quả.
Trước khi học đàn
Để quá trình học đàn thuận lợi và có sự tiến bộ nhanh, ba mẹ nên giúp con lựa chọn loại nhạc cụ phù hợp với sở thích & tính cách. Ngoài ra, bạn cũng cần cân nhắc đến khả năng tiếp thu kiến thức của bé để chọn loại đàn có độ khó vừa phải.
Chọn loại đàn muốn học
Đa số người học đánh đàn sẽ lựa chọn một trong các loại đàn như: Piano, organ, guitar, ukulele, violin,... nhưng mỗi loại đàn lại khác nhau về kỹ thuật đánh, nguyên tắc tạo ra âm thanh, độ phù hợp với từng thể loại nhạc, v.v… Do đó, nếu muốn giúp bé chọn loại nhạc cụ phù hợp bạn có thể đặt một vài câu hỏi như:
-
Con có yêu thích một loại đàn cụ thể nào không? Vì sao?
-
Con thích thể loại nhạc nào nhất? Vì sao?
-
Những bài hát nào khiến con cảm thấy thích nhất?
Cùng với việc đặt câu hỏi tham khảo ý kiến của bé, ba mẹ nên kết hợp tham vấn cùng các thầy cô dạy nhạc tại trung tâm, nếu có người quen biết là chuyên gia về âm nhạc thì càng tốt. Với bước này, bạn có thể hỏi tư vấn trước sau đó trao đổi cùng con. Khi đã có ý kiến của trẻ, hãy trao đổi lại với thầy cô để đưa ra quyết định cuối cùng.
Tìm nguồn học phù hợp cho trẻ
Học đàn không khó nhưng cũng không dễ mà bộ môn này đòi hỏi sự chăm chỉ, kiên trì & khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Với các bé mới học, các con nên kết hợp học tại trung tâm hoặc thầy cô dạy 1:1 & luyện tập tại nhà để làm quen nhanh.
Ngoài học trực tiếp với thầy cô, bé có thể học thêm qua sách tài liệu, video dạy đàn trên các kênh Youtube, website dạy nhạc, v.v… để tự luyện tập thêm hoặc củng cố những phần nhạc lý chưa hiểu rõ khi học trên lớp.
Xây dựng lịch tập luyện
Như đã đề cập, chơi đàn thành thạo cần có sự chăm chỉ & kiên trì, vì vậy bạn nên cùng con sắp xếp lịch tập đàn tại nhà phù hợp với lịch học của con. Lưu ý, không nên ép con tập với cường độ cao, không la mắng khi con tập chưa tốt, không yêu cầu con chơi bài dài, bài khó,...để bé có thể tự đánh giá và điều chỉnh việc luyện tập sao cho phù hợp.
Trong quá trình học đàn
Đa số các bé mới học đều được ba mẹ cho học tại trung tâm hoặc học 1:1 với thầy cô riêng, vì vậy lộ trình học của con đã được xây dựng sẵn. Vai trò của ba mẹ chính là đồng hành cùng con khi luyện tập tại nhà. Về cơ bản, con sẽ cần ôn luyện kiến thức & thay đổi các hình thức tập nhạc để tiến bộ nhanh hơn.
Học cơ bản về nhạc lý
Nhạc lý được hiểu là lý thuyết âm nhạc cung cấp cho con những khái niệm đơn giản để con hiểu, diễn giải và sử dụng âm nhạc một cách linh hoạt. Một số kiến thức có thể con đã được học tại trường như: Nốt nhạc, số chỉ nhịp, các cung (đơn vị đếm cao độ), dấu hóa, hóa biểu,...
Tập trung các kỹ thuật cơ bản
Song song với lý thuyết, các buổi học sẽ kết hợp phần học kỹ thuật đánh đàn. Tùy mỗi loại đàn, con sẽ cần học những động tác từ dễ đến khó, bắt đầu từ việc làm quen với các bộ phận của đàn cho đến phối hợp tay, mắt để đánh một đoạn nhạc hoàn chỉnh.
Chẳng hạn, với các loại đàn có dây, bé cần nắm được cách cầm đàn chắc chắn, nhận biết & bấm đúng dây với cường độ phù hợp, cách dùng ngón tay trên mỗi dây đàn, v.v… Với các loại đàn như organ, piano, con sẽ bắt đầu từ việc ghi nhớ phím đàn, làm quen cách bấm phím, cách di chuyển ngón tay trên phím để đánh đàn thành thạo.
Tập luyện từ cơ bản đến nâng cao
Hãy cùng con bắt đầu làm quen với đàn bằng những bản nhạc ngắn, nhiều âm đơn, tốc độ chậm vừa phải để làm quen với các thao tác đánh đàn. Hơn thế nữa, khi chơi các bản nhạc ngắn và chậm, con có thể tự luyện khả năng cảm thụ âm nhạc qua việc lắng nghe kỹ các giai điệu trong bản nhạc đó.
Hướng dẫn chọn loại đàn phù hợp với người mới bắt đầu
Lựa chọn loại đàn phù hợp có lẽ là bước quan trọng và cũng là bước khó nhất trước khi học đánh đàn. Vì vậy, ba mẹ cần hỗ trợ con tìm hiểu & quyết định dựa trên một số tiêu chí sau:
Chọn theo sở thích
Nếu con bạn thực sự thích một loại đàn cụ thể, vậy thì hãy giúp bé tập trung theo học loại đàn đó. Trong trường hợp chưa thể quyết định hoặc con có nhiều sự lựa chọn, hãy đưa bé đến trung tâm dạy nhạc và trao đổi cùng thầy cô phụ trách để có quyết định tốt nhất.
Cân nhắc ngân sách
So với nhiều bộ môn, học đàn chiếm một phần chi phí không nhỏ bởi ngoài việc học trung tâm, con cần có nhạc cụ riêng tại nhà để luyện tập thêm. Một số loại đàn như piano hoặc guitar điện có giá thành cao hơn so với ukulele hoặc harmonica nên ba mẹ có thể cân nhắc trước khi cho con theo học.
Xem xét loại hình kích thước
Ba mẹ cần xem xét đến loại hình, kích thước của đàn để chọn loại đàn phù hợp với nhu cầu sử dụng, diện tích căn nhà, v.v…Nếu bạn muốn loại đàn có thể giúp con mang đi dễ dàng thì có thể chọn ukulele hoặc guitar cỡ nhỏ, hoặc harmonica. Mặt khác, với các loại đàn lớn như organ, piano thì ba mẹ nên cân nhắc loại đàn có kích thước phù hợp với diện tích nhà & chức năng tương ứng với mức độ sử dụng của con.
Tham khảo tư vấn từ giáo viên
Với các vấn đề kể trên như sở thích, ngân sách, loại hình và kích thước đàn, ba mẹ có thể tham vấn ý kiến từ thầy cô dạy nhạc. Nếu bạn cho con học tại trung tâm, hãy hỏi thăm thầy cô về loại đàn tương tự với loại đàn dạy trên lớp để việc tập luyện dễ dàng hơn.
Thử nghiệm trước khi mua
Trong trường hợp đã chọn được loại đàn cụ thể là ghi ta, piano hay violin, v.v…, bạn sẽ cần cân nhắc đến việc chọn mẫu đàn nào trong số nhiều mẫu tại cửa hàng. Để có lựa chọn tốt nhất, hãy cho con trực tiếp thử nghiệm các mẫu đàn và cho phép con chọn loại đàn mà con cảm thấy thoải mái, dễ sử dụng nhất. Hầu như các loại nhạc cụ đều khá đắt nên việc chọn mua cẩn thận sẽ giúp ba mẹ tối ưu chi phí hơn thay vì quan điểm đàn càng đắt thì càng tốt.
Cách tăng cường kỹ năng đánh đàn
Với bất kỳ môn học nào, muốn nâng cao kỹ năng, người học cần phải có thái độ nghiêm túc kết hợp với những phương pháp luyện tập đúng. Những cách học gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn và con có những giờ học đánh đàn hiệu quả.
Lựa chọn nguồn học đáng tin cậy
Sau bước xác định loại đàn học phù hợp, ba mẹ cần tìm trung tâm hoặc thầy cô dạy nhạc phù hợp để việc học của bé có tiến triển thuận lợi.
-
Nếu chọn trung tâm dạy nhạc, bạn cần tham khảo thông tin các lớp học, chương trình giảng dạy, nhạc cụ học tập & đánh giá từ những người học trước.
-
Nếu chọn thầy cô dạy 1:1, bạn có thể nhớ người quen giới thiệu (nếu có) hoặc xin ý kiến, tham khảo qua các nhóm dạy nhạc trên Facebook, zalo,... Đa số đánh giá trên các trang mạng xã hội đều thiết thực nên bạn có thể an tâm cân nhắc kỹ trước khi cho con theo học.
Tập luyện thường xuyên
Cùng với việc lựa chọn thầy cô tốt, các con cần luyện tập đều đặn tại nhà, đặc biệt là trong giai đoạn làm quen với đàn. Ba mẹ hãy giúp con sắp xếp lịch tập đàn phù hợp với lịch học, lịch sinh hoạt của bé nhé!
Chú trọng luyện kỹ thuật cơ bản
Đừng bỏ qua các kỹ thuật cơ bản! Hãy chắc chắn rằng con bạn nắm vững cách cầm đàn, cách bấm dây, cách chuyển ngón và các kỹ thuật cơ bản khác. Điều này là nền tảng quan trọng giúp con tiến xa hơn.
Tập chơi các bài hát khác nhau
Trong cùng một cấp độ, ba mẹ nên khuyến khích bé chơi nhiều bản nhạc khác nhau để tự cảm nhận sự khác biệt về nhịp độ, giai điệu, v.v… của mỗi bài. Tuy nhiên, cần lưu ý với mỗi bản nhạc, con cần tập luyện trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi thành thạo, không nên đề cao số lượng mà hãy tập trung vào chất lượng bản nhạc do mình thể hiện.
Ghi âm bản nhạc và tự đánh giá
Bước này khá giống với việc học hát, học nói tiếng Anh, với mỗi bản nhạc ba mẹ hãy giúp con ghi âm lại toàn bộ quá trình đánh nhạc. Sau đó, hãy cho con nghe lại để phát hiện và khắc phục lỗi sai hoặc những đoạn chưa hay. Đây là cách để con tự đánh giá mức độ tiến bộ của mình và xác định đúng những điểm cần cải thiện trong quá trình học đánh đàn.
Tìm bạn hoặc nhóm bạn học chung
Trong trường hợp chọn học tại trung tâm, bé sẽ được học cùng nhiều bạn và có thể tìm được một nhóm bạn phù hợp để luyện tập chung. Hãy tạo điều kiện để các con được học và cùng nhau tiến bộ mỗi ngày nhé! Đừng quên chuẩn bị đồ ăn nhẹ như một phần thưởng để các con có thêm niềm vui, tránh mệt mỏi trong quá trình tập luyện.
Có thể thấy, học đánh đàn quan trọng nhất là việc lựa chọn đúng loại đàn phù hợp, tìm được trung tâm hoặc thầy cô giảng dạy tốt kết hợp với thái độ học tập chăm chỉ, nghiêm túc của con. Tuy nhiên cũng không thể thiếu sự trợ giúp của ba mẹ để bé có điều kiện tập luyện tại nhà, vì vậy hãy đồng hành và ủng hộ sở thích để tuổi thơ của con thật ý nghĩa với những khoảnh khắc vừa học vừa chơi vui vẻ cùng gia đình.