Vừa qua, vào tối ngày 26/10, Đài truyền hình Việt Nam VTV đã chính thức công bố mua được bản quyền World Cup từ FIFA sau thời gian đàm phán. Người hâm mộ bộ môn thể thao vua này đang rất háo hức mong chờ những trận cầu hấp dẫn nhất thế giới trên sóng truyền hình quốc gia.
Mua bản quyền World Cup có khó?
Việc đàm phán mua bản quyền World Cup trên lãnh thổ Việt Nam giữa các đơn vị truyền thông ở VIệt Nam và phía đối tác nước ngoài, cụ thể là Infront Sport & Media đã có nhiều thời điểm đóng băng. Quá trình sở hữu bản quyền của Giải vô địch bóng đá thế giới này rất khó mua, nguyên nhân là bên bán đưa ra mức giá quá cao.
Theo báo Thanh niên, các đơn vị truyền thông Việt Nam đã thương lượng, đàm phán hơn 6 tháng nhưng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Một số đơn vị còn đưa ra phương án chỉ mua gói tin nhỏ hoặc highlight trận đấu với mức chi phí thấp hơn để phục vụ khán giả Việt Nam. Thậm chí, các đơn vị còn định góp chung vốn để mua. Tuy nhiên, khi suy đi tính lại thì nguy cơ bị lỗ rất nặng nên họ đành bỏ cuộc.
Việt Nam có bản quyền World Cup 2022
Cách đây khoảng 3 tháng, các đơn vị truyền hình trong nước đã đi đến quyết định ngừng đàm phán. Những tưởng năm 2022, Việt Nam sẽ không được xem giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh thì VTV đã quyết định quay lại đường đua đàm phán sau khi cân nhắc mọi yếu tố. Đài truyền hình quốc gia Việt Nam đặt mục tiêu quyền lợi khán giả lên hàng đầu chứ không phải là vấn đề thương mại.
Đồng hành cùng thương lượng mức giá mua bản quyền World Cup với VTV là những doanh nghiệp lớn và một số ngân hàng để gánh vác khoản chi phí khổng lồ. Ngoài mức giá mua bản quyền, VTV còn phải đầu tư thêm chi phí truyền dẫn, tức là phí nhận tín hiệu từ quốc gia đăng cai World Cup 2022 - Qatar. Cuối cùng, vào ngày 26/10, VTV đã vui mừng thông báo chính thức sở hữu bản quyền truyền thông, trở thành đơn vị phát sóng FIFA World Cup 2022 độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam.
Mức giá mà VTV phải trả cho đại lý ủy quyền của FIFA Infront Sports & Media được một số kênh truyền thông Đông Nam Á tiết lộ rơi vào khoảng 14 triệu USD (khoảng 350 tỷ đồng). Việt Nam là một trong những đất nước sở hữu bản quyền truyền thông Cúp bóng đá thế giới 2022 đầy đủ nhất khu vực. VTV sẽ tường thuật trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu hấp dẫn trên các kênh VTV2, VTV3, VTV5, VTV Cần Thơ và ứng dụng VTVGo.
Xem thêm: World Cup 2022: Tại sao lại là giải đấu ‘điên rồ’ nhất lịch sử?
Mức giá mà các nước khác phải trả khi mua bản quyền World Cup
Với cương vị là một trong các giải đấu lớn nhất hành tinh, World Cup đã chứng minh sức hút vô cùng lớn của mình. Các công ty truyền thông, đài truyền hình trên toàn thế giới luôn cố gắng đàm phán để sở hữu quyền phát sóng, dù đơn vị sở hữu đã đưa ra mức giá cao chóng mặt.
Tiền bán bản quyền World Cup 2018 và 2022 cho các đài truyền hình, đơn vị khai thác trên thế giới đã mang về cho FIFA 1.85 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, mức giá bán bản quyền Cúp bóng đá thế giới tại Việt Nam chỉ cao thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.
Indonesia là nước phải trả giá cao nhất lên đến gần 39 triệu euro (hơn 960 tỷ đồng) để nhận quyền phát sóng giải World Cup. Tuy đây là con số khổng lồ so với GDP đầu người tại Indonesia nhưng quốc gia này vẫn không sở hữu trọn gói quyền phát sóng trực tiếp tất cả các trận đấu. Xứ sở Vạn đảo chỉ được phát sóng 56 trên tổng số 64 trận đấu. Người hâm mộ nếu muốn xem 8 trận lượt cuối vòng bảng đá cùng giới thì phải trả 5.11 euro (khoảng 126.000 đồng) cho mỗi trận.
Philippines đứng thứ hai khi phải chi trả 34.7 triệu euro (hơn 855 tỷ đồng) để mua gói bản quyền truyền thông world Cup 2022. Kế tiếp là Singapore mất 17.87 triệu euro (hơn 440 tỷ đồng). Tuy nhiên, 2 quốc gia này phát sóng World Cup rộng rãi cho người dân trên sóng truyền hình quốc gia. Người hâm mộ bóng đá Philippines muốn xem thì phải trả tiền theo từng trận, khoảng 34.67 euro (khoảng 855 000 đồng) mỗi trận.
Trong 6 nước có nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia sở hữu bản quyền với mức giá rẻ nhất, chỉ khoảng 7 triệu euro (hơn 172 tỷ đồng). Tuy chỉ chi trả khoản phí bằng một nửa giá bản quyền tại Việt Nam nhưng người dân nước này chỉ được xem trực tiếp 27/64 trận đấu qua hệ thống truyền hình phổ cập. Họ phải trả 38.3 euro (khoảng 944 000 đồng) cho mỗi trận nếu muốn xem 37 trận đấu còn lại.
Tuy nhiên, khoản tiền mà Indonesia chi trả vẫn chưa phải là con số kỷ lục ở Đông Nam Á. Đến nay, Thái Lan là nước vẫn chưa đàm phán thành công để mua bản quyền phát sóng. Ủy ban Phát thanh truyền hình và Ủy ban viễn thông quốc gia (NBTC) và Tổng cục thể thao Thái Lan (SAT) tiết lộ họ đã chuẩn bị 1.6 tỷ bath (hơn 1000 tỷ đồng) để sở hữu quyền phát sóng World Cup 2022.
Chỉ còn chưa đầy một tuần lễ nữa, các tín đồ bóng đá trên khắp thế giới sẽ bước vào những ngày ăn ngủ cùng World Cup. Thật vui khi sau một thời gian đàm phán, Việt Nam đã sở hữu bản quyền World Cup thỏa lòng khán giả hâm mộ thể thao cả nước. Đài truyền hình Việt Nam dự kiến sẽ sản xuất và phát sóng các bản tin, đổi mới format bình luận giải để mang đến cho khán giả những giây phút xem trận đấu đáng nhớ nhất!