zalo
Muối là gì? Tổng hợp kiến thức từ A-Z và bài tập thực hành
Kiến thức cơ bản

Muối là gì? Tổng hợp kiến thức từ A-Z và bài tập thực hành

Đào Vân
Đào Vân

29/04/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Muối là bài học quan trọng trong chương trình Hóa phổ thông. Bài viết dưới đây của Monkey sẽ tổng hợp lại toàn bộ kiến thức liên quan đến chủ đề “muối là gì” để các bạn học sinh dễ dàng tra cứu và ôn tập.

Định nghĩa muối là gì?

Nắm rõ kiến thức muối là gì, các bạn học sinh sẽ dễ dàng giải quyết các dạng bài tập liên quan đến nhận biết các chất, chuỗi phản ứng hóa học hay các dạng bài tập về dung dịch điện li.

Nhắc đến khái niệm muối là gì, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến muối mà chúng ta vẫn sử dụng làm gia vị trong các bữa ăn mỗi ngày (muối NaCl) nhưng thực tế, muối trong hóa học còn nhiều biến thể khác nhau.

Muối ăn (Nacl). (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vậy cụ thể muối là gì? Định nghĩa về muối trong sách giáo khoa Hóa học 8, trang 128 phát biểu: “Phân tử muối gồm có một hay nhiều nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều gốc axit”.

Sách giáo khoa Hóa học lớp 11, trang 9 định nghĩa chi tiết: “Muối là hợp chất khi tan trong nước phân li ra cation kim loại (hoặc cation NH4+) và anion gốc axit".

Ví dụ như: 

(NH4)2SO4 2NH4+ + SO42-

NaHCO3  Na+ + HCO3-

  • Công thức hóa học của muối gồm có 2 phần: Kim loại và gốc axit.

  • Một số muối thường gặp là: NaCl, NaNO3, CuSO4, NaHCO3…

Cách đọc tên muối như thế nào?

Sau khi tìm hiểu định nghĩa muối là gì? Hẳn nhiều bạn sẽ thắc mắc không biết gọi tên từng muối như thế nào. Thực tế, cách gọi tên muối khá đơn giản bằng tên của kim loại (kèm hóa trị nếu kim loại đó có hóa nhiều hóa trị) và tên gốc axit.

Học cách đọc tên muối. (Ảnh: Shutterstock.com)

Ví dụ cách đọc tên muối là gì:

  • Fe(NO3)3: Sắt (III) nitrat.

  • Na2SO4: Natri sunfat.

  • KHCO3: Kali hidro cacbonat.

  • Na2SO3: Natri sunfit.

  • ZnCl2: Kẽm clorua.

Phân loại muối

Chương trình Hóa học lớp 8 và lớp 11 đều có nội dung hướng dẫn phân loại của muối.

Muối Natri Cacbonat. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Dựa vào thành phần, muối được chia làm 2 loại: Muối trung hòa và muối axit.

  • Muối trung hòa: Là muối mà trong gốc axit không có nguyên tử hidro có thể thay thế bằng nguyên tử kim loại. Một cách định nghĩa nâng cao về muối trung hòa là muối mà anion gốc axit không còn hidro có khả năng phân li ra ion H+ (hidro có tính axit). Một số muối trung hòa phổ biến là: Na2CO3, Na2SO4.
  • Muối axit: Muối axit là muối mà trong đó có gốc axit còn nguyên tử hidro H chưa được thay thế bằng nguyên tử kim loại. Hóa trị của gốc axit bằng số nguyên tử hidro đã được thay thế bằng nguyên tử kim loại. Một cách hiểu nâng cao hơn, nếu anion gốc axit của muối ăn vẫn còn hidro có khả năng phân li ra ion H+ thì muối đó được gọi là muối axit. Một số ví dụ về loại muối này là: NaH2PO4, NaHCO3, NaHSO4.

Tính chất vật lý của muối là gì?

Tìm hiểu muối là gì, chúng ta không thể bỏ qua các tính chất vật lý của chúng như: Màu sắc, hương vị, tính tan, điểm nóng chảy hay tính dẫn điện của muối. Cụ thể:

Các muối rắn có xu hướng trong suốt. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Về màu sắc của muối

Các muối rắn có xu hướng trong suốt chẳng hạn như muối ăn NaCl (Natri chloride). Muối tồn tại ở nhiều màu sắc khác nhau, phát sinh từ cation hoặc anion.

Ví dụ như như muối natri cromat (Na2CrO4) mang màu vàng do ion cromat; Muối đồng (II) sunfat  (CuSO4) mang màu xanh lam; Kali Dichromate (K2Cr2O7) có màu da cam do ion dicromat…

Hương vị của muối

Mỗi muối khác nhau có thể tạo ra những vị cơ bản khác nhau. Ví dụ như muối ăn (NaCl) có vị mặn, Kali bitartrate (KC4H5O6) có vị chua, magie sunfat (MgSO4) có vị đắng…

Tính chất về mùi của muối

Muối của axit mạnh và base mạnh (“muối mạnh”) không bay hơi và thường không có mùi. Ngược lại, “muối yếu" có thể có mùi của axit liên hợp (ví dụ như giấm) hoặc base liên hợp của các ion thành phần (Theo Wikipedia.org).

Tính tan của muối

Các muối phân ly trong dung dịch các thành phần anion và cation. Độ hòa tan của chúng được quyết định bằng năng lượng mạng tinh thể và lực kết dính giữa các ion này trong chất rắn. Ngoài ra, độ hòa tan còn phụ thuộc vào mức độ tương tác của mỗi ion với dung môi.

Ví dụ như muối kali hay natri thường hòa tan trong nước.

Điểm nóng chảy của muối

Muối có nhiệt độ nóng chảy cao. Ví dụ như để muối ăn nóng chảy ở 801 độ C. Một số muối có năng lượng mạng tinh thể thấp là chất lỏng ở (hoặc gần) nhiệt độ phòng.

Tính dẫn điện của muối

Muối là chất cách điện. Ngược lại, muối nóng chảy hoặc dung dịch của muối thì có thể dẫn điện. Chính bở lý do này mà muối nóng chảy và dung dịch có chứa muối hòa tan được gọi là chất điện ly.

Tính chất hóa học của muối là gì?

Ngoài tính chất vật lý, tìm hiểu muối là gì không thể không đề cập đến những tính chất hóa học của chúng.

Tìm hiểu tính chất hóa học của muối. (Ảnh: Shutterstock.com)

Muối tác dụng kim loại

Dung dịch của muối có thể tác dụng với kim loại tạo thành muối mới và kim loại mới.

Ví dụ chứng minh: Ngâm một đoạn dây đồng trong dung dịch bạc nitrat sẽ xuất hiện hiện tượng có màu kim loại xám bám ở ngoài dây đồng. Dung dịch ban đầu từ không màu chuyển sang màu xanh lam. Quan sát hiện tượng ta có thể rút ra kết luận, đồng đã đẩy bạc ra khỏi dung dịch bạc nitrat và một phần đồng bị hòa tan tạo ra dung dịch đồng nitrat.

Ta có phương trình phản ứng: 

Cu (r) + 2AgNO3 (dd) Cu(NO3)2 (dd) + 2Ag (r)

Ngoài Cu, các kim loại như sắt (Fe), kẽm (Zn) cũng tác dụng với dung dịch CuSO4, AgNO3…

Tác dụng axit

Muối có thể tác dụng với axit, tạo ra sản phẩm là muối mới và axit mới.

Thí nghiệm chứng minh: Tiến hành nhỏ một vài giọt dung dịch axit sunfuric vào ống nghiệm có chứa khoảng 1ml dung dịch muối BaCl2 (Bari clorua) hoặc Ba(NO3)2 (Bari Nitrat) sẽ thấy kết tủa trắng xuất hiện. Sau phản ứng có sự xuất hiện của muối mới là BaSO4 và axit mới HCl.

BaCl2 (r) + H2SO4 (dd) BaSO4 (r) + 2HCl (dd)

Tác dụng với muối

2 muối có thể tác dụng với nhau tạo thành 2 muối mới.

Thí nghiệm chứng minh: Nhỏ một vài giọt dung dịch bạc nitrat (AgNO3) vào ống nghiệm có 1ml dung dịch natri clorua (NaCl). Quan sát ống nghiệm ta thấy có kết tủa trắng lắng xuống đáy của ống nghiệm.

AgNO3 (dd) + NaCl (dd) AgCl (r) + NaNO3 (dd)

Tác dụng bazơ

Dung dịch muối có thể tác dụng với dung dịch bazơ tạo thành những muối mới và bazo mới.

Thí nghiệm chứng minh: Nhỏ một vài giọt dung dịch muối CuSO4 vào ống nghiệm đựng 1 ml dung dịch NaOH. Quan sát chúng ta sẽ thấy chất màu xanh lơ không ta lơ lửng trong ống nghiệm. Như vậy muối CuSO4 đã tác dụng với dung dịch NaOH tạo ra đồng (II) oxit Cu(OH)2 có màu xanh không tan.

Phương trình phản ứng:

CuSO4 (dd) + 2NaOH (dd) Cu(OH)2 (dd) + Na2SO4 (r)

Phản ứng phân hủy muối

Nhiều muối bị phân hủy ở nhiệt độ cao như KClO3, CaCO3, KMnO4…

2KClO3 (r) t° 2KCl (r) + 3O2 (k)

CaCO3 (r) t°CaO (r) + CO2 (k)

Nhận xét về các phản ứng hóa học của muối

Phản ứng trong dung dịch của muối với axit, với bazơ, với muối xảy ra có sự trao đổi các thành phần với nhau để tạo ra những hợp chất mới.

BaCl2 (dd) + Na2SO4 (dd)  BaSO4 (r) + 2NaCl (dd)

Xem thêm:

Điều chế muối như thế nào? 

Có rất nhiều cách để điều chế muối như cho kim loại tác dụng với phi kim, kim loại tác dụng với axit, kim loại tác dụng với bazơ…

Bài tập về muối, tính chất hóa học của muối sách giáo khoa kèm lời giải

Để hiểu rõ muối là gì, ngoài nắm vững kiến thức lý thuyết, các bạn nên làm các bài luyện tập trong sách giáo khoa để củng cố và ôn tập kiến thức vững chắc.

Giải bài tập muối là gì? (Ảnh: Shutterstock.com)

Bài tập 1 (Sách giáo khoa Hóa học 9, trang 33)

Hãy dẫn ra một dung dịch muối khi tác dụng với một dung dịch chất khác thì tạo ra:

a) Chất khí.

b) Chất kết tủa.

Viết các phương trình hóa học.

Gợi ý đáp án:

a) Tạo ra chất khí, ví dụ muối cacbonat (CaCO3, Na2CO3, NaHCO3) hoặc dung dịch muối sunfit (Na2SO3) tác dụng với axit (HCl, H2SO4 loãng):

CaCO3 + H2SO4  CaSO4 + CO2 + H2O

Na2CO3 + 2HCl  2NaCl + CO2 + H2O

Na2SO3 + H2SO4  Na2SO4 + SO2 + H2O

b) Tạo chất kết tủa, ví dụ dung dịch muối (BaCl2, Ba(CH3COO)2, Ba(NO3)2 ...) tác dụng với dung dịch H2SO4 tạo ra kết tủa BaSO4.

BaCl2 + H2SO4  BaSO4 + 2HCl

Ba(CH3COO)2 + H2SO4  BaSO4 + 2CH3COOH

Hoặc những dung dịch muối bari tác dụng với dung dịch muối cacbonat (Na2CO3, K2CO3) tạo ra BaCO3 kết tủa.

Ba(NO3)2 + Na2CO3  BaCO3 + 2NaNO3

Bài tập 2 về muối là gì (Sách giáo khoa Hóa học 9, trang 33)

Có 3 lọ không nhãn, mỗi lọ đựng dung dịch muối sau: CuSO4, AgNO3, NaCl. Hãy dùng những dung dịch có sẵn trong phòng thí nghiệm để nhận biết chất đựng trong mỗi lọ. Viết các phương trình hóa học.

Gợi ý đáp án

Đầu tiên, chúng ta trích mẫu thử và đánh số thứ tự. Dùng dung dịch NaCl có sẵn trong phòng thí nghiệm lần lượt cho vào từng mẫu thử trên. Nếu có kết tủa trắng xuất hiện đó là sản phẩm của AgNO3 và không có hiện tượng gì là CuSO4 và NaCl.

NaCl + AgNO3  AgCl + NaNO3

Tiếp tục dùng dung dịch NaOH có trong phòng thí nghiệm cho vào 2 mẫu còn lại: Mẫu nào có kết tủa đó là sản phẩm của CuSO4, còn lại là NaCl.

CuSO4 + 2NaOH  Cu(OH)2 + Na2SO4.

Bài tập 3 (Sách giáo khoa Hóa học 9, trang 33)

Có những dung dịch muối sau: Mg(NO3)2, CuCl2. Hãy cho biết muối nào có thể tác dụng với:

a) Dung dịch NaOH.

b) Dung dịch HCl.

c) Dung dịch AgNO3.

Nếu có phản ứng, hãy viết các phương trình hóa học.

Gợi ý đáp án

a) Tác dụng với dung dịch NaOH là dung dịch các muối Mg(NO3)2 và CuCl2 vì sinh ra Mg(OH)2 kết tủa, Cu(OH)2 kết tủa.

Viết phương trình hóa học: 

Mg(NO3)2 + 2NaOH  Mg(OH)2  + 2NaNO3

CuCl2 + 2NaOH  Cu(OH)2  + 2NaCl

b) Không muối nào tác dụng với dung dịch HCl.

c) Tác dụng với dung dịch AgNO3 là dung dịch muối CuCl2 tạo AgCl kết tủa trắng.

Viết phương trình hóa học: 

CuCl2 + 2AgNO3  2AgCl + Cu(NO3)2

Trên đây là những thông tin tổng hợp chi tiết muối là gì. Các bạn đừng quên ghé đọc website thường xuyên để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức cơ bản thú vị về các môn học nhé!

Đào Vân
Đào Vân

Tôi là Đào Vân, biên tập viên có hơn 4 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey