zalo
Bị quai bị có ảnh hưởng đến sinh sản không? Biện pháp phòng tránh và điều trị
Chuẩn bị mang thai

Bị quai bị có ảnh hưởng đến sinh sản không? Biện pháp phòng tránh và điều trị

Đào Nhàn
Đào Nhàn

19/04/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Quai bị là căn bệnh lây nhiễm, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy bị quai bị có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Nguyên nhân gây bệnh quai bị là gì?

Quai bị là căn bệnh lây nhiễm do virus Mumps virus thuộc họ Paramyxoviridae gây ra. Thế mạnh của loại virus này là có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể người rất lâu. Cụ thể, với điều kiện từ 15 - 200 độ C, virus quai bị có thể sống được 30 - 60 ngày và bị tiêu diệt khi nhiệt độ lên đến 560 độ C hoặc phải tiếp xúc với hóa chất diệt khuẩn.

Bệnh quai bị lây qua các giọt bắn. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bệnh quai bị lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, đường ăn uống và những giọt nước bọt khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện. Vì thế, nguy cơ lây bệnh từ người khác khi tiếp xúc không đeo khẩu trang và chưa được tiêm phòng rất cao. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 14 - 24 ngày.

Khi bị quai bị, người bệnh sẽ có biểu hiện sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi và không có cảm giác ăn ngon. Đối với nam giới còn có dấu hiệu sưng, đau tinh hoàn. Sau khoảng 2 ngày mắc quai bị, bệnh nhân sẽ bị đau nhức tuyến nước bọt, tuyến mang tai bị sưng, đau khiến khuôn mặt bị biến dạng. Dấu hiệu này gây cản trở việc nhai, nuốt thức ăn của người bệnh.

Trước đây, quai bị là căn bệnh phổ biến và thường xảy ra ở trẻ em và nam giới. Đến nay tuy chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng cũng đã có vaccine MMR phòng bệnh nên số ca mắc quai bị ít hơn rất nhiều. Tuy nhiên, khi virus quai bị xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Xem thêm:

Bị quai bị có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Quai bị ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản người bệnh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Rất nhiều bệnh lý có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của người bệnh nên không ít người lo ngại quai bị cũng để lại hậu quả tương tự. Vậy bị quai bị có ảnh hưởng đến sinh sản không? Có khiến người bệnh vô sinh không?

Các chuyên gia cho biết, đối với nữ giới, quai bị có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở mức nhẹ hơn so với nam giới. Có khoảng 7% nữ giới mắc quai bị sẽ bị viêm buồng trứng sau tuổi dậy thì. Biểu hiện của bệnh viêm buồng trứng là rong kinh và đau bụng dưới nhưng ít khi dẫn đến vô sinh ở phụ nữ.

Đối với phụ nữ mang thai bị bệnh quai bị trong ba tháng đầu có nguy cơ cao bị sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh con bị dị tật bẩm sinh. Nếu mắc bệnh ở ba tháng cuối của thai kỳ dễ dẫn đến sinh non, thai chết lưu.

Trong khi đó, đối với nam giới mắc bệnh quai bị lại có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng sinh sản nguy hiểm hơn, thậm chí vô sinh. Trong số các loại biến chứng của bệnh quai bị thì viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn là tình trạng thường gặp và có nguy cơ gây vô sinh nhất, chiếm khoảng 20 – 35% số ca mắc quai bị ở nam giới sau tuổi dậy thì.

Tùy từng trường hợp mà thời điểm biến chứng này xảy ra trước hoặc sau khi viêm tuyến tai từ 7-10 ngày và cũng có thể xảy ra đồng thời. Biến chứng viêm tinh hoàn do bệnh quai bị gây ra khiến nam giới bị sưng, đau tinh hoàn, mào tinh căng lên. Tình trạng sốt và viêm tinh hoàn kéo dài có thể dẫn tới teo tinh hoàn, suy giảm chất lượng tinh trùng, gây vô sinh ở nam giới.

Quai bị làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Viêm tinh hoàn không chỉ gây vô sinh mà còn có thể khiến người bệnh bị nhồi máu phổi. Đây là hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến. Tình trạng thiếu máu ở phổi, có thể dẫn đến hoại tử mô phổi.

Ngoài ra, bệnh quai bị còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như viêm tụy và tổn thương thần kinh. Trong số các ca mắc quai bị có 3 - 7% bệnh nhân bị biến chứng viêm tụy. Đây là một biểu hiện nặng của bệnh, khiến người bệnh bị đau bụng, ói nhiều và tụt huyết áp.

Những tổn thương về thần kinh gồm có viêm đa rễ thần kinh, viêm tủy sống cắt ngang, tổn thương thần kinh sọ não gây mù và điếc hoặc viêm não dẫn đến co giật, rối loạn tri giác, thị giác, não úng thủy,...

Như vậy có thể thấy, quai bị gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên chỉ có các biến chứng như viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn hay viêm buồng trứng của bệnh quai bị gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản người bệnh. Song mức độ ảnh hưởng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và bác sĩ sẽ đưa ra kết luận dựa trên kết quả xét nghiệm.

Hơn nữa, nếu chỉ viêm một bên tinh hoàn hay một bên buồng trứng thì cũng không quá đáng lo ngại, người bệnh vẫn có thể sinh con. Vì thế, khi bị bệnh chúng ta không nên quá lo lắng mà hãy tập trung điều trị bệnh cho nhanh khỏi, đây là tiền đề giúp giảm thiểu biến chứng sinh sản sau này. Bên cạnh đó cũng cần phải tự cách ly để không lây lan bệnh cho người khác.

Cách điều trị bệnh quai bị

Điều trị bệnh quai bị để tránh gây biến chứng nguy hiểm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thông qua những phân tích ở trên chúng ta đã có đáp án cho câu hỏi “bị quai bị có ảnh hưởng đến sinh sản không?” Để tránh  tổn hại đến sức khỏe, đặc biệt là làm giảm khả năng sinh con sau này, bệnh nhân mắc quai bị cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phương pháp.

Vì đây là căn bệnh rất dễ lây nhiễm nên ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán chính xác, người bệnh cần thực hiện cách ly 2 tuần kể từ khi phát hiện bệnh và không dùng chung đồ với người khác. Điều này nhằm giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho những người xung quanh. 

Bên cạnh đó, bệnh quai bị đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng và nghỉ ngơi tại nhà. Một số điều mà bệnh nhân quai bị cần lưu ý khi điều trị tại nhà như sau:

  • Sử dụng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau để làm giảm nhẹ triệu chứng.

  • Uống nhiều nước và điện giải, nên uống nhiều thuốc Oresol để bù nước

  • Chườm mát vùng mặt bị sưng, đau để giảm bớt tình trạng.

  • Nên ăn thức ăn dạng mềm, lỏng để hạn chế nhai nhiều, dễ nuốt như cháo, súp,... và không ăn các loại cay, nóng, có tính acid và thức ăn quá nhiều gia vị.

  • Lưu ý không tự ý dùng thuốc, chỉ sử dụng kháng sinh khi nghi ngờ bội nhiễm và được bác sĩ chỉ định.

  • Nghỉ ngơi, tránh ra gió và lạnh vì có thể khiến má sưng to hơn.

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ thường xuyên.

  • Nếu bệnh nhân nam có các biểu hiện bị viêm tinh hoàn hoặc nữ bị viêm buồng trứng cần được đưa đến bệnh viên khám và theo dõi tránh để lại hậu quả đáng tiếc.

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và hậu quả mà căn bệnh quai bị gây ra cho sức khỏe con người không hề nhỏ nhưng chúng ta không nên quá lo lắng. Khi bị bệnh, nếu được chăm sóc, nghỉ ngơi điều trị đúng cách thì hoàn toàn có thể đẩy lùi được những ảnh hưởng tiêu cực đó. Còn với những ai chưa mắc bệnh này thì cần tuân thủ các phương pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Phương pháp phòng tránh bệnh quai bị

Phòng tránh bệnh quai bị. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có thể nói, duy trì lối sống lành mạnh góp phần quan trọng trong việc phòng tránh nhiều loại bệnh không chỉ riêng quai bị. Mỗi chúng ta cần phải luôn tuân thủ quy tắc:

  • Giữ vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên.

  • Giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, vệ sinh các đồ dùng cá nhân, đồ chơi của trẻ em.

  • Không tiếp xúc với người mắc quai bị.

  • Đeo khẩu trang đến nơi đông người, nơi có nguy cơ cao lây các bệnh như ở bệnh viện, đặc biệt là trẻ em.

Tiêm phòng quai bị sớm đề phòng tránh nguy cơ mắc bệnh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài những phương pháp phòng tránh trên còn có tiêm vắc xin là yếu tố quan trọng giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc bệnh quai bị. Loại vaccine được sử dụng hiện nay là MMR, bao gồm phòng tránh bệnh sởi, quai bị và rubella giúp giảm độc lực để không có khả năng gây bệnh. Đối tượng nên tiêm bao gồm cả trẻ em và người lớn. Trong đó:

  • Người lớn chỉ tiêm duy nhất một liều 0.5ml trên bắp tay

  • Trẻ em được tiêm 2 mũi vaccine phòng bệnh. Mũi thứ nhất khi trẻ được 12 - 18 tháng tuổi; mũi 2 khi trẻ được 3 - 5 tuổi hoặc tiêm trước khi trẻ đi học. Khoảng cách tối thiểu giữa hai mũi tiêm là 1 tháng. Nếu trẻ chưa được tiêm mũi nào trong các mốc thời gian trên, cha mẹ có thể cho trẻ tiêm bất cứ độ tuổi nào, không nên bỏ qua mũi tiêm quan trọng này.

  • Riêng với phụ nữ đang có ý định mang thai cần xét nghiệm trước khi tiêm phòng quai bị. Sau khi tiêm ít nhất một tháng cần tránh thai an toàn. Phụ nữ mang thai và cho con bú nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella.

Vừa rồi Monkey đã giải đáp thắc mắc “bị quai bị có ảnh hưởng đến sinh sản không?” cho quý độc giả. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp mọi người hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh và biết cách phòng tránh, điều trị bệnh an toàn.

Complications -Mumps - Ngày truy cập: 18/04/2022

https://www.nhs.uk/conditions/mumps/complications/#:~:text=Just%20under%20half%20of%20all,large%20enough%20to%20cause%20infertility

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey