zalo
Chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em như thế nào?
Chuẩn bị mang thai

Chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em như thế nào?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

20/05/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em là việc hết sức cần thiết để giúp con tránh những sự thay đổi không tốt về mặt tâm lý, nhận thức,...Để làm được điều đó, cha mẹ cần phải lưu ý những gì?

Vì sao cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi chuẩn bị có em?

Nhiều người cho rằng, việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi có em hoàn toàn không cần thiết. Bởi khi trẻ được “lên chức”, chúng sẽ vui hơn khi có người chơi cùng. Tuy nhiên, đấy lại chính là một cú sốc lớn đối với trẻ khi trong gia đình bất ngờ có thêm một đứa trẻ, thậm chí nó còn trở thành nỗi ám ảnh của tuổi thơ, ảnh hưởng tâm lý đến mãi sau này.

Chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em rất quan trọng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trước khi có em, trẻ luôn được cha mẹ và những người thân trong gia đình hết lòng chăm sóc và chiều chuộng. Tuy nhiên, đến ngày bất ngờ có thêm một đứa em, trẻ phải san sẻ tất cả mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần. 

Đầu tiên là việc mẹ bỗng dưng “biến mất” mấy ngày vì sinh em ở viện. Sau khi về nhà, hình ảnh mẹ thường xuyên bồng bế, chăm sóc và cho em bú. Ngay cả những người thân xung quanh cũng đến thăm hỏi, bế ẵm em bé mà quên đi sự hiện diện của “anh cả” hoặc “chị hai” trong nhà. 

Đỉnh điểm là khi những lời nói trêu đùa của mọi người xung quanh được thốt ra như: “từ nay mẹ cho chị ra rìa”, “mẹ chỉ yêu em bé thôi”,...càng khiến trẻ bị tổn thương. Điều này khiến con rơi vào trạng thái “không thể chấp nhận” được, sinh ra những thay đổi nghiêm trọng về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển và tính cách sau này của trẻ.

Vì vậy, ngay từ khi có ý định sinh thêm bé thứ hai, cha mẹ hãy chuẩn bị tâm lý cho trẻ để giúp con tránh được những cú sốc đầu đời.

Nhận biết dấu hiệu thay đổi tâm lý ở trẻ

Việc chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em không tốt có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và tính cách của trẻ. Biểu hiện và của sự thay đổi thể hiện khác nhau tùy vào từng độ tuổi, giới tính và sự quan tâm của bố mẹ ở mức độ nào.

Trẻ có dấu hiệu thay đổi tâm lý. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Song về cơ bản, những biểu hiện về sự thay đổi tâm lý của trẻ có thể được thể hiện như:

  • Trẻ hay khóc lóc, ăn vạ

  • Bé không nghe lời bố mẹ, khó bảo và lầm lì hơn.

  • Trẻ có sự so sánh về thái độ, cách đối xử của bố mẹ, người thân đối với mình và em bé.

  • Ghét em, có những hành động gây tổn thương cho em bé như: cấu, đánh,...

Những biểu hiện của sự thay đổi đó đều xuất phát từ tâm lý lo sợ em bé sẽ “cướp” mất bố mẹ. Những hành động đối xử vô tâm của bố mẹ rất dễ tạo nên tổn thương, ám ảnh đối với con trẻ. Vậy làm sao để có thể chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em được một cách tốt nhất?

Những việc nên làm để chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em

Khi đã làm cha, làm mẹ thì ai cũng phải học hỏi thêm rất nhiều điều, từ chăm sóc đến nuôi dạy con cái,...Chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em tưởng chừng là việc rất đơn giản nhưng thật ra lại không phải như vậy. Cha mẹ có thể chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em bằng một số phương pháp sau đây:

Cho trẻ đi thăm những em bé mới sinh

Cho trẻ đi thăm em bé mới sinh để bé tập quen dần. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trước khi mẹ sinh em bé hãy nên đưa con lớn đi thăm những em bé mới sinh trong gia đình họ hàng, bạn bè,... Sau một vài lần tiếp xúc, trẻ sẽ hình dung ra một em bé mới sinh sẽ như thế nào. 

Những câu hỏi như “con có thích em bé không?”, “con thấy em bé có dễ thương không”, hoặc là lời giải thích để con hiểu rằng, em bé mới sinh ra còn rất nhỏ nên cần được bố mẹ chăm sóc đặc biệt hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà cha mẹ không còn dành tình cảm yêu thương cho con nữa. Dần dần, trẻ sẽ hiểu và có thể đồng hành cùng mẹ trong việc chăm sóc em bé.

Cho trẻ xem lại ảnh hồi nhỏ

Những tấm ảnh kỉ niệm sẽ giúp con nhận ra rằng, mình cũng từng là một em bé. Đồng thời, ba mẹ nên kết hợp gợi ý cho con về sự xuất hiện của một em bé khác trong gia đình. Để đến khi em bé được sinh ra, trẻ sẽ không cảm thấy bất ngờ và hụt hẫng.

Đọc, kể chuyện về tình cảm anh em, cậu bé cho trẻ nghe

Kể chuyện về tình cảm anh em cho bé. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trẻ nhỏ thường rất dễ bị thu hút, kích thích trí não bởi những câu chuyện, đặc biệt là truyện tranh. Vì vậy, ba mẹ hãy tận dụng điều đó để kể cho con nghe những câu chuyện về tình yêu thương, chăm sóc giữa anh em, chị em. Từ đó sẽ khiến trẻ thích thú và háo hức mong đợi cơ hội được chăm sóc em giống như trong truyện.

Rèn luyện tính tự lập cho trẻ trước khi có em

Rèn cho trẻ tính tự lập từ sớm, đặc biệt là giai đoạn trước khi có em có tác dụng giúp giảm bớt gánh nặng trong việc chăm sóc và nuôi dạy con của mẹ bỉm sữa. Một số thói quen sinh hoạt trẻ nên được rèn luyện tự lập sớm như: tự xúc ăn, dọn đồ chơi, đánh răng, rửa mặt, đi giày dép, tự cởi hoặc mặc quần áo, đỡ đần bố mẹ một số việc nhà,...

Không để trẻ thành người bị “ra rìa”

Các chuyên gia tâm lý cho biết, nguyên nhân chính khiến trẻ ghét em là bởi bố mẹ đã vô tình khiến trẻ cảm thấy lạc lõng, bị bỏ rơi. Từ đang được mọi người yêu chiều nhất bỗng trở thành người bị cho “ra rìa” khiến trẻ tủi thân, dẫn đến tâm lý muốn được làm em bé để được ôm, được bế và được chiều nhiều hơn.

Tạo không gian riêng với trẻ để con không cảm thấy bị ra rìa. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, bố mẹ hãy thật tinh tế trong những hành động, lời nói của mình cần tránh làm tổn thương trẻ. Đôi khi con có mong muốn được ôm, được bế hoặc đưa đi chơi, mẹ hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu đó để trẻ thấy mình vẫn được quan tâm và yêu thương.

Ngoài ra, ba mẹ cũng nên thỉnh thoảng dành một chút thời gian riêng tư cho “anh cả” hoặc “chị cả” bằng cách gửi em bé cho ông bà để đưa trẻ đi chơi. Điều này giúp trẻ cảm thấy bố mẹ vẫn luôn quan tâm đến mình.

Thường xuyên bế trẻ

Không chỉ những trẻ phải “lên chức” làm anh làm chị sớm có nhu cầu được bế, được ôm cao mà ngay cả trẻ đã lớn 4-5 tuổi cũng vậy. Khi thấy em bé thường xuyên được ba mẹ bế, chúng sẽ càng “ghen” và muốn được bế, được ôm như vậy. Vì thế, hãy bế con nhiều hơn để trẻ bớt suy nghĩ tiêu cực.

Xem thêm:

Những việc nên làm giúp trẻ yêu thương em

Bên cạnh những điều cần làm để không ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi có em, bố mẹ cũng nên học cách giúp trẻ có tình cảm và yêu thương em mình hơn. Yếu tố này rất quan trọng đối với tình cảm gia đình sau này khi cả hai đứa trẻ lớn lên. 

Rủ trẻ tham gia vào quá trình chăm sóc em

Rủ trẻ cùng tham gia vào quá trình chăm sóc em. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi tự tay tham gia vào quá trình chăm sóc em bé, đứa trẻ sẽ dần dần tăng thêm tình cảm, lòng yêu thương với em. Mẹ có thể nhờ trẻ làm giúp một số việc nhỏ như: lấy quần, áo, bỉm cho em, đưa võng, xúc xắc đồ chơi hoặc cầm điện thoại chụp em bé,...Đừng quên sau mỗi lần làm việc tốt của trẻ là một lời cảm ơn đầy yêu thương để khích lệ tinh thần cho con.

Tuyệt đối tránh những lời nói làm tổn thương trẻ

Những lời nói làm tổn thương trẻ, càng khiến trẻ ghét em hơn như: “con là anh/chị, con phải nhường em”, hay “mẹ chỉ yêu em bé thôi”,....ba mẹ cần tuyệt đối không được nói ra. Thay vào đó hãy sử dụng những lời nói âu yếm, có thể gọi trẻ bằng tên riêng để con không bị áp lực bởi “danh hiệu” làm anh, làm chị.

Nói cho trẻ biết rằng em hoặc chị rất yêu thương con

Trong giao tiếp hàng ngày, mẹ nên nói cho trẻ biết là em bé rất yêu con và con cũng rất yêu em bé. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy vui hơn và mong muốn làm những điều gì đó tốt cho em. Từ đó gia tăng tình cảm giữa hai đứa trẻ.

Qua những chia sẻ trong bài viết này, chắc hẳn các mẹ đã biết nên làm những gì để chuẩn bị tâm lý cho bé khi có em được tốt nhất. Hy vọng mỗi gia đình sẽ là cái nôi nuôi dưỡng những đứa trẻ được đầy đủ và phát triển tốt nhất về thể chất và tinh thần.

TIPS AND ADVICE FOR EMOTIONALLY PREPARING FOR A BABY - Ngày truy cập: 18/05/2022

https://www.brighthorizons.com/family-resources/articles/e-news/tips-for-emotionally-preparing-for-a-baby

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!