zalo
Tất tần tật những điều bạn cần biết khi chuẩn bị mang thai lần 2
Chuẩn bị mang thai

Tất tần tật những điều bạn cần biết khi chuẩn bị mang thai lần 2

Đào Nhàn
Đào Nhàn

17/05/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Mang thai là cả một quá trình dài chất đầy gian nan và vất vả đối với phụ nữ. Ngay kể cả những người đã từng có kinh nghiệm sinh con vẫn không nên chủ quan để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mẹ và bé. Vậy chuẩn bị mang thai lần 2 cần lưu ý những gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Những điều cần chuẩn bị trước khi mang thai lần 2

Nhiều bà mẹ tuy đã từng sinh con một lần nhưng lại rất lúng túng không biết chuẩn bị mang thai lần 2 cần làm gì để tốt cho cả mẹ và bé. Dưới đây là những điều chị em cần lưu ý khi chuẩn bị mang thai lần 2:

Xác định thời gian mang thai lần 2

Khi mang thai bé thứ hai, mức độ vất vả đối với người mẹ tăng lên rất nhiều lần vì cùng lúc phải chăm sóc cả cho bé lớn và sức khỏe thai kỳ. Sự thay đổi của cơ thể khi mang thai càng khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, áp lực. 

Xác định thời gian sẵn sàng cho việc mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, các chị em cần xác định rõ thời gian sẵn sàng để mang thai lần 2 là khi nào. Tránh được tình huống mang thai ngoài ý muốn sẽ giúp mẹ bầu giảm bớt áp lực hơn. Thời điểm lý tưởng để mang thai lần thứ 2 là sau khi sinh con lần thứ nhất từ 3-5 năm.

Khám sức khỏe tiền sản

Khi đã xác định thời gian mong muốn có thai lần 2 thì điều đầu tiên các chị em cần quan tâm đến chính là khám sức khỏe tiền sản. Bởi khi mang thai, mẹ và bé có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ra bởi các yếu tố di truyền, bệnh lý của bố mẹ hoặc do tác động từ môi trường.

Khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ kiểm tra, đánh giá thể trạng và các yếu tố nguy cơ di truyền sang con. Đồng thời phát hiện các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, từ đó đưa ra những lời khuyên và biện pháp xử lý kịp thời. 

Điều này nhằm đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển bình thường, phòng tránh nguy cơ trẻ sinh ra mắc các dị tật bẩm sinh, chậm phát triển hay các biến chứng khác ảnh hưởng đến mẹ và bé.

Tiêm vaccine phòng bệnh

Tương tự như lần mang thai đầu tiên, phụ nữ chuẩn bị mang thai lần 2 vẫn cần phải tiêm phòng đầy đủ. Một số mũi tiêm vaccine cần lưu ý như: viêm gan B, cúm, sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, ho gà, uốn ván,... 

Tiêm vaccine phòng bệnh trước khi mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong đó, cúm và viêm gan B nếu bỏ lỡ chưa tiêm trước giai đoạn mang bầu thì có thể tiêm bù lại trong thai kỳ. Các mũi tiêm sởi - quai bị - rubella và thủy đậu được cảnh báo không được tiêm khi đang mang thai. Trường hợp đã tiêm phòng mới phát hiện mang thai cần báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra và theo dõi chặt chẽ sức khỏe thai kỳ và sự phát triển của thai nhi.

Ngoài ra còn vaccine phòng bệnh uốn ván cũng cần được tiêm khi đang mang thai. Số mũi tiêm và thời gian tiêm còn tùy thuộc vào thời gian mẹ tiêm trước đó là bao lâu. Cụ thể:

  • Mang thai lần 2 cần tiêm vaccine uốn ván vào 3 tháng giữa của thai kỳ nếu trong 5 năm chưa tiêm mũi nhắc lại.

  • Thai phụ đã được tiêm 3 mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván từ khi còn nhỏ nên tiêm thêm 1 mũi ở tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 5 của thai kỳ.

  • Mẹ bầu từng tiêm 3-4 mũi uốn ván, mũi cuối cùng cách thời gian mang thai hơn 1 năm nên tiêm thêm mũi nhắc lại.

  • Người đã tiêm đủ 5 mũi uốn ván không cần tiêm bổ sung. Riêng trường hợp tiêm mũi thứ 5 hơn 10 năm thì nên tiêm nhắc lại 1 mũi trong thai kỳ.

Tuân thủ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý

Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi được tốt nhất, cơ thể của mẹ phải được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý. 

Các chuyên gia khuyến cáo, trong giai đoạn mang thai, mẹ và thai nhi cần được cung cấp tối thiểu 300 calo. 

Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, trước và trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu cần dung nạp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng gồm: chất béo, chất đạm, chất bột đường, vitamin và các khoáng chất cần thiết. Bạn nên sử dụng protein từ đậu nành, đậu hà lan,...thay vì sử dụng nhiều protein từ thịt để tăng khả năng thụ thai. Bên cạnh đó, rau xanh và trái cây tươi là những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe mẹ bầu nên ăn nhiều.

Bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm, các chị em có thể bổ sung thêm bằng cách uống thuốc bổ. Trong đó:

  • Sắt: Phụ nữ mang thai lần 2 có nguy cơ bị thiếu sắt cao hơn so với lần mang thai đầu tiên. Sự thiếu hụt sắt của cơ thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung 60mg sắt mỗi ngày ngay từ khi có ý định mang thai.

  • Axit folic: Loại chất này đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh. Thời gian tốt nhất để bổ sung axit folic là trước khi mang thai lần 2 tối thiểu 3 tháng đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ. Hàm lượng cần uống cho các mẹ từ 400 - 600g

  • Canxi và vitamin D: Khi mang thai, cơ thể người mẹ cần cung cấp một lượng lớn vitamin và khoáng chất này để đủ sức khỏe và nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, mỗi ngày mẹ cần bổ sung khoảng 1000mg canxi và kết hợp sử dụng vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, phụ nữ chuẩn bị mang thai lần 2 còn phải rèn luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày. Điều này giúp mẹ tăng cường sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch để phòng tránh bệnh và giảm các triệu chứng thai nghén.

Các chị em cần lưu ý tránh các bài tập với cường độ mạnh có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Một số bài tập nhẹ nhàng, vừa sức mà phụ nữ chuẩn bị mang thai nên lựa chọn như đạp xe, đi bộ, yoga,...

Chuẩn bị tài chính

Ngoài yếu tố sức khỏe thì tài chính cũng là yếu tố quan trọng cần chuẩn bị trước khi mang thai lần 2. Bởi ngoài chi phí chuẩn bị sinh con, các cặp vợ chồng còn phải “gánh” thêm nhiều khoản khác như ăn uống, sinh hoạt, bỉm sữa, tiền học, quần áo cho con và cả gia đình,... Vì vậy, hãy cân nhắc tài chính thật kỹ trước khi mang thai để đảm bảo cho con được cuộc sống đầy đủ nhất.

Sẵn sàng tài chính để sinh con trong điều kiện tốt nhất. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Sẵn sàng tâm lý sinh con lần 2

Bởi khi có thêm một đứa con, nỗi vất vả, mệt mỏi và lo toan của người mẹ phải tăng lên rất nhiều lần. Điều này khiến mẹ không còn nhiều thời gian để chăm sóc cho bản thân mình. Đó là lý do khiến nhiều bà mẹ gặp tình trạng trầm cảm sau sinh vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, chuẩn bị tâm lý để sinh con lần 2 là yếu tố quan trọng giúp mẹ vượt quá những khó khăn trong thời kỳ mang thai và sau sinh. 

Chuẩn bị tâm lý cho bé đầu khi sắp làm anh hoặc chị

Không ít trường hợp trẻ sau khi có thêm em trở nên tự kỉ, thay đổi tính nết, thậm chí ghét em vì cho rằng mẹ không còn thương mình. Vì vậy, trước khi mang thai lần 2, mẹ hãy thường xuyên nói chuyện với bé về việc gia đình sắp có thêm thành viên mới. 

Chuẩn bị tâm lý cho bé lớn khi chuẩn bị làm anh hoặc chị. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong quá trình mang thai, mẹ có thể gắn kết tình cảm giữa các con bằng cách tạo thói quen con lớn trò chuyện với thai nhi, cho con xem phim hoặc kể những câu chuyện về tình cảm anh chị em để bé dần dần hiểu được. Đặc biệt, sau khi sinh bé thứ 2, đừng để cho bé lớn phải chịu ám ảnh bởi câu nói “cho con ra rìa”. Điều này hoàn toàn không tốt đối với tâm lý của một đứa trẻ.

Bên cạnh việc đả thông tư tưởng tâm lý, mẹ cũng cần tập cho bé tính tự lập bằng cách ra ngủ riêng, tự làm những công việc nhỏ như đánh răng, mặc quần, mặc áo hay cất dọn đồ chơi,...để trẻ bớt làm nũng mẹ khi có em.

Xem thêm:

Đối tượng phụ nữ mang thai lần 2 có thể gặp nguy hiểm

Mẹ từng sinh mổ lần đầu chưa lâu

Các bác sĩ chuyên khoa sản cho biết, phụ nữ có tiền sử sinh mổ có thể mang thai lại sau thời gian tối thiểu từ 28-23 tháng. bởi sau khi mổ, cơ thể người mẹ còn rất yếu, cần nhiều thời gian để cổ tử cung phục hồi và vết mổ ở thành bụng, cổ tử cung được lành lại.

Mẹ từng sinh mổ cần cẩn thận khi quyết định mang thai lần 2. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nếu khoảng cách thời gian giữa hai lần mang thai sau sinh mổ quá gần, mẹ bầu có thể phải đối mặt với nguy cơ bị vỡ cổ tử cung, chảy máu nhiều đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé. Vì vậy, phụ nữ từng sinh mổ trước khi có ý định mang thai lần 2 nên đi khám sức khỏe và lắng nghe tư vấn của bác sĩ để tránh tình huống xấu xảy ra.

Mẹ có tiền sử bệnh tật hoặc sinh con bị dị tật

Phụ nữ có tiền sử sinh con bị dị tật cần lưu ý tiến hành các biện pháp xét nghiệm, sàng lọc trước sinh. Mục đích của việc này để giúp mẹ nắm rõ tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, tầm soát nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Một số trường hợp phụ nữ mắc các bệnh lý như: u xơ tử cung, hở eo tử cung, tiểu đường, huyết áp,...nếu không được điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. Cả mẹ và bé có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như sảy thai, sinh non, tiền sản giật, băng huyết, thai nhi bị dị tật bẩm sinh,...

Phụ nữ mang thai lần 2 cần chú ý những gì?

Bên cạnh nỗi lo lắng chuẩn bị gì trước khi mang thai lần 2 thì các chị em còn phải chú ý một số vấn đề khi mang thai. 

Tầm soát dị tật thai nhi

Tiến hành xét nghiệm sàng lọc trước sinh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tùy vào từng thời điểm của thai kỳ mà phụ nữ mang thai cần tiến hành các biện pháp xét nghiệm sàng lọc dị tật trước sinh khác nhau. Một số biện pháp tầm soát dị tật thai nhi phổ biến như:

  • Siêu âm

    • Biện pháp này có thể kiểm tra được sự phát triển của thai nhi, đồng thời phát hiện một số dị tật bẩm sinh như thai vô sọ, thoát vị rốn, khe hở cột sống,... 

    • Có 3 mốc thời gian siêu âm quan trọng mẹ bầu cần nhớ gồm: tuần 11-13, tuần 18-22 và tuần 30-32 của thai kỳ.

  • Double test, Triple test

    • Đây là hai phương pháp xét nghiệm sinh hóa có thể phát hiện hội chứng Down, Edwards, dị tật ống thần kinh, không não,...sớm ở thai nhi với kết quả chính xác cao lên đến hơn 90%.

    • Thời gian để tiến hành xét nghiệm Double test là khi thai nhi được 11-13 tuần tuổi, thời gian xét nghiệm Triple test từ tuần 16 - 18 của thai kỳ.

  • NIPT

    • Đây là phương pháp xét nghiệm dị tật thai nhi tiên tiến nhất, có độ chính xác lên đến 99% được áp dụng trong y khoa hiện nay. 

    • NIPT thường được khuyến cáo thực hiện đối với các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao sinh con bị dị tật, phát hiện sớm các bệnh như Down, Edwards,...

Ngoài những biện pháp trên còn có nhiều phương pháp sàng lọc và chẩn đoán dị tật thai nhi khác. Các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tiến hành để đảm bảo an toàn nhất cho cả mẹ và bé.

Cai sữa bé đầu lòng

Cai sữa bé đầu để cơ thể đủ sức nuôi thai nhi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi đã chắc chắn mình mang thai, các mẹ cần cai sữa cho bé lớn sớm. Vì nếu tiếp tục cho bé bú, sức khỏe của mẹ sẽ bị suy kiệt, không đủ sức để tiết ra sữa nuôi bé lớn và nuôi dưỡng cả thai nhi trong bụng. Đặc biệt với những thai phụ có nguy cơ sinh non, sảy thai hoặc xuất hiện, việc tiếp tục cho con bú khiến tử cung co bóp mạnh hơn, làm tăng nguy cơ sảy thai.

Sự thay đổi của cơ thể khi mang thai lần 2

Khi mang thai lần 2, cơ thể của mẹ bầu sẽ thay đổi nhiều và có sự khác biệt so với lần mang thai đầu tiên. Cụ thể như:

  • Cân nặng tăng nhiều hơn trước

  • Bụng to và thấp hơn

  • Đi tiểu nhiều hơn

  • Thai nhi có cử động sớm

  • Quá trình chuyển dạ nhanh và dễ hơn

Như vậy, qua bài viết này chắc hẳn các chị em đã nắm rõ những vấn đề cần lưu ý khi chuẩn bị mang thai lần 2. Hy vọng các mẹ sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh để đón bé chào đời.

Preparing for a Second Pregnancy: What You Need to Know - Ngày truy cập: 16/05/2022

https://www.sog.com.sg/resource-center/preparing-for-a-second-pregnancy-what-you-need-to-know/

Second Pregnancy Planning - Ngày truy cập: 16/05/2022

https://www.whattoexpect.com/getting-pregnant/second-pregnancy.aspx

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!