Cho con bú được xem là một phương pháp tránh thai có độ an toàn tương đối cao. Tuy nhiên, khả năng bạn có thể mang thai hoàn toàn có thể xảy ra. Dưới đây là 9 dấu hiệu có thai khi đang cho con bú chính xác mà các chị em cần lưu ý.
Khả năng mang thai khi đang cho con bú
Theo các chuyên gia sản khoa, cho con bú còn được gọi là một phương pháp tránh thai vô kinh cho bú (LAM) vì nó có khả năng kiểm soát sinh sản tạm thời tương đối tốt. Số liệu thống kê cho thấy, trong số 100 người cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh chỉ có 1-2 người mang thai.
Tuy nhiên, để phương pháp LAM đạt hiệu quả thì chúng ta cần phải thỏa mãn các điều kiện như sau:
-
Thời gian sinh dưới 6 tháng và chưa có kinh nguyệt trở lại.
-
Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn.
-
Cho trẻ bú theo nhu cầu.
-
Cho trẻ bú trực tiếp không sử dụng núm ti giả.
Khi cho trẻ bú sữa trực tiếp, cơ thể của sản phụ sẽ tiết ra hormone oxytocin giúp mang lại cảm giác thư giãn, đồng thời tạo ra các phản xạ tiết sữa. Đặc biệt, nhờ có oxytocin truyền tín hiệu đến não mà mà trứng sẽ không rụng, giúp các chị em tạm thời tránh thai an toàn. Trong khi đó, hành động hút sữa bằng máy sẽ không có tác dụng được như vậy.
Cùng với oxytocin, hormone prolactin trong cơ thể cũng sẽ tăng cao khi núm ti của mẹ bị kích thích bởi hành động mút, bú của trẻ. Loại hormone này này cao đồng nghĩa với việc khả năng mang thai sẽ giảm đi do quá trình rụng trứng và kinh nguyệt không diễn ra.
Tuy nhiên, rất khó để xác định thời điểm rụng trứng vì quá trình này có thể diễn ra trước cả khi chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi sinh xuất hiện. Nếu quan hệ không dùng các biện pháp tránh thai an toàn thì khả năng thụ tinh thành công sẽ rất cao. Khi đó, những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú sẽ bắt đầu xuất hiện.
Vì vậy, để phòng tránh khả năng mang thai ngoài ý muốn khi đang cho con bú, tốt nhất các chị em cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn khác.
9 dấu hiệu có thai khi đang cho con bú
Không có biện pháp tránh thai nào an toàn 100% kể cả phương pháp cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Khả năng thụ thai sẽ càng tăng lên khi chu kỳ kinh nguyệt quay trở lại. Dưới đây là 8 dấu hiệu có thai khi đang cho con bú mà chị em cần nắm rõ để tự nhận biết khi gặp phải.
Thường xuyên khát nước
Thông thường sau khi sinh, nhu cầu uống nước của sản phụ cũng tăng lên rất nhiều để cung cấp nguyên liệu sản xuất sữa cho bé bú. Tuy nhiên, cảm giác khát nước tăng lên bất thường rất có thể là dấu hiệu có thai sớm khi đang cho con bú mà các mẹ cần lưu ý. Lý do bởi lúc này, cơ thể mẹ cần cung cấp nhiều nước hơn để vừa đáp ứng cho quá trình sản xuất sữa, vừa nuôi dưỡng cho thai nhi.
Cơ thể mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú rất phổ biến. Thông thường ở bà bầu, cảm giác mệt mỏi sẽ bắt đầu ở cuối tam cá nguyệt thứ nhất. Tuy nhiên, với các bà mẹ đang cho con bú lại khác, cảm giác mệt mỏi sẽ đến rất sớm ngay từ những tuần đầu của thai kỳ.
Sau khi cấn bầu, bà mẹ bỉm sữa sẽ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức lực dù chỉ làm những công việc rất nhỏ nhặt. Nguyên nhân khiến mẹ bầu đang cho con bú mệt mỏi sớm như vậy là do cơ thể vẫn đang trong quá trình hồi phục sau sinh, chất dinh dưỡng đi vào cơ thể phải phân chia ra để nuôi thai nhi và tiết ra sữa cho bé bú.
Vì vậy, để giảm bớt cảm giác mệt mỏi, phụ nữ mang thai khi đang cho con bú nên nghỉ ngơi nhiều và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.
Ngực đau và mềm
Ngực đau và mềm là một trong những dấu hiệu có thai khi chưa có kinh sau sinh khiến nhiều chị em nhầm lẫn rằng chu kỳ kinh nguyệt sắp quay trở lại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phân biệt ngực thay đổi là dấu hiệu có thai khi đang cho con bú hay không bằng cách chú ý về thời gian và tần suất đau. Nếu là dấu hiệu mang thai, cảm giác ngực căng tức, đau nhức sẽ ngày càng tăng lên, đặc biệt là khi cho con bú.
Lượng sữa giảm
Các chuyên gia đã chứng thực, lượng sữa tiết ra ở phụ nữ mang thai khi đang cho con bú giảm đi rõ rệt. Nhiều trường hợp thai phụ sẽ giảm lượng sữa trong vòng 2 tháng đầu của thai kỳ nhưng cũng có nhiều mẹ giảm mạnh ngay trong tháng đầu tiên.
Bé chán sữa mẹ
Cùng với sự thay đổi về lượng sữa tiết ra thì mùi vị của sữa mẹ cũng có sự thay đổi khi mang thai. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể mẹ. Hậu quả dẫn đến là khiến bé chán bú sữa mẹ, bú ít hoặc thậm chí có thể bị tiêu chảy. Vì vậy, nên mẹ cần chú ý đến thái độ, cảm giác của bé khi bú mẹ. Nếu thấy sự thay đổi về lượng sữa tiết ra và mùi sữa thì rất có thể bạn đã mang thai.
Nôn và ốm nghén
Nôn và ốm nghén không chỉ là dấu hiệu có thai khi mẹ đang cho con bú mà còn là triệu chứng xuất hiện ở hầu hết bà bầu. Tuy nhiên, hiện tượng này xảy ra ở phụ nữ đang cho con bú sẽ ở mức độ nặng hơn, với các biểu hiện như: buồn nôn, đau đầu, choáng váng, xây xẩm mặt mày,...
Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai. Trong khi đó, cơ thể của mẹ chưa hoàn toàn bình phục sau khi sinh nên các cảm giác khó chịu rất dễ lấn át mẹ bầu. Tuy nhiên, bạn cần phải chú ý bồi bổ sức khỏe thật tốt để có đủ sữa nuôi con, vừa có đủ dinh dưỡng nuôi thai nhi trong bụng.
Tăng cảm giác đói
Phụ nữ mang thai khi cho con bú rất hay cảm thấy đói và thèm ăn. Đó là dấu hiệu cơ thể đòi hỏi một lượng lớn chất dinh dưỡng để cung cấp cho thai nhi và quá trình sản xuất sữa nuôi con. Vì vậy, khi thấy cơ thể thường xuyên xuất hiện cơn đói và kèm theo một vài triệu chứng khác thì bạn nên nghĩ đến trường hợp mang thai.
Chuột rút
Một dấu hiệu có thai khi đang cho con bú chính xác nhất phải kể đến đó chính là chuột rút. Hiện tượng này xảy ra ở hầu hết mẹ bầu, đặc biệt là những bà mẹ đang cho con bú. Khi bị chuột rút, các chị em sẽ cảm thấy đau nhói, khó chịu và ảnh hưởng đến một số hoạt động khác.
Vì vậy, để phòng tránh và giảm bớt hiện tượng này xảy ra nhiều, các chị em chú ý đi lại, vận động thường xuyên. Việc đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ sẽ gia tăng tình trạng chuột rút ở bà bầu.
Xuất hiện khối u trong vú
Các khối u trong vú có thể là túi sữa bị tắc (còn gọi là u nang sữa), các u nang chứa chất lỏng hoặc u xơ tuyến. Nguyên nhân khiến các khối u này hình thành là do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể giai đoạn sau sinh và mang thai. Tuy nhiên, để chắc chắn đây là dấu hiệu có thai khi đang cho con bú, bạn cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng hơn.
Xem thêm:
- 7 dấu hiệu có thai với người kinh nguyệt không đều và cách xác định chuẩn nhất
- Thèm ăn, ăn nhiều có phải dấu hiệu mang thai không?
Mang thai có thể tiếp tục cho con bú không?
Mang thai có thể tiếp tục cho con bú không là điều thắc mắc của mọi bà mẹ gặp tình huống này. Theo các chuyên gia, quyết định có tiếp tục cho bé bú sữa mẹ khi đang mang thai hay không hoàn toàn tùy thuộc vào cảm giác và nguồn sữa có thể đáp ứng cho trẻ.
Cụ thể, nếu tiếp tục cho bé bú mà mẹ không cảm thấy khó chịu, đau tức ngực và nguồn sữa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng thì việc này hoàn toàn nên làm. Vì trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết giúp cho bé phát triển toàn diện về thể chất và trí não, tăng cường đề kháng.
Tuy nhiên, mùi vị của sữa mẹ có sự thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chán bú, bỏ bú. Bên cạnh đó, một số trường hợp do quá trình sản xuất sữa bị giảm mạnh khi mang thai nên mẹ bầu đã quyết định cai sữa cho bé. Chính vì vậy, để tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ khi mang thai thì việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể là điều vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, trường hợp các sản phụ có tiền sử sảy thai, sinh non cần cân nhắc thật kỹ về vấn đề tiếp tục cho con bú khi mang thai. Bởi khi trẻ bú sữa mẹ, tử cung có thể bị có thắt do cơ thể tiết ra hormone oxytocin. Cùng với đó là hiện tượng chuột rút xuất hiện khi trẻ bú mẹ sẽ tiềm ẩn nhiều bất lợi cho sự an toàn của thai nhi.
Mẹ cần lưu ý gì khi mang thai trong giai đoạn cho con bú
Việc xuất hiện các dấu hiệu mang thai khi đang cho con bú khiến cơ thể sản phụ bị yếu đi rất nhiều. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé được tốt nhất, các chị em cần chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt.
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
Dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai khi đang cho con bú có vai trò vô cùng quan trọng, nhất là với những người vẫn tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Bởi lúc này, dinh dưỡng không chỉ có nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho mẹ bầu mà còn có vai trò sản xuất sữa cho bé và nuôi thai nhi phát triển.
Vì vậy, ngay từ khi mới xuất hiện những dấu hiệu mang thai khi đang cho con bú, các chị em cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng gồm: chất đạm, chất béo, chất tinh bột, vitamin, chất khoáng và chất xơ. Bên cạnh đó còn có sắt, canxi, axit folic cũng rất cần thiết đối với sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi ngày mẹ bầu cần đáp ứng được lượng calo tùy vào độ tuổi của trẻ đang bú sữa mẹ. Cụ thể, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi và bú mẹ hoàn toàn, bạn cần bổ sung khoảng 650 calo/ngày. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi và đã ăn dặm thì có thể bổ sung khoảng 500 calo/ngày. Bước sang tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu cần tăng thêm 350 calo/ngày cho cơ thể và 450 calo/ngày khi ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ.
Để giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn thì mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Điều quan trọng là mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe thai kỳ như: sữa và các chế phẩm từ sữa, thịt nạc, trứng, cá hồi, khoai lang, các loại đậu, các loại rau xanh, ngũ cốc, dầu gan cá,...
Ngoài ra, các bà mẹ cũng cần lưu ý tránh ăn các thực phẩm gây hại cho cả mẹ và bé như:
-
Thực phẩm chế biến sẵn, đồ đóng gói, đóng hộp chứa chất bảo quản, phụ phẩm,..
-
Thực phẩm chưa chế biến chín
-
Các loại đồ ăn, đồ uống chứa chất kích thích, chứa cồn, caffein,...
-
Các loại sữa, nước trái cây chưa tiệt trùng…
Theo dõi sự phát triển của bé đang bú mẹ
Đối với trường hợp tiếp tục cho bé bú sữa mẹ khi mang thai thì việc theo dõi sự phát triển của trẻ là rất quan trọng. Bởi khi mang thai, nội tiết tố thay đổi ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị của sữa. Điều này khiến bé bú được ít hơn hoặc không đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, từ đó dẫn đến còi cọc, chậm phát triển. Nếu thấy trẻ tăng cân chưa tốt, mẹ cần cân nhắc thêm việc cho con ăn sữa ngoài hoặc ăn dặm để đảm bảo sự phát triển cân đối.
Giữ sức khỏe và tinh thần tốt
Sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi và chất lượng sữa cho trẻ nhỏ. Vì vậy, mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc quá sức và căng thẳng. Thường xuyên tâm sự, chia sẻ với những người thân xung quanh hoặc nghe nhạc vui vẻ cũng là cách giúp cho tâm trạng bà bầu thoải mái hơn.
Khám thai định kỳ
Ngoài các vấn đề kể trên thì khám thai định kỳ cũng là việc quan trọng mà các bà mẹ cần lưu ý nếu phát hiện dấu hiệu có thai khi đang cho con bú. Việc khám thai sẽ giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi, tầm soát sớm các nguy cơ có thể xảy ra và có phương án xử lý kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Trên đây là những chia sẻ của Monkey về 9 dấu hiệu có thai khi đang cho con bú và 4 vấn đề quan trọng cần lưu ý. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp các bà mẹ biết cách chăm sóc sức khỏe của cả mẹ và bé thật tốt.
How Fast Can You Get Pregnant While Breastfeeding? - Ngày truy cập: 26/07/2022
https://parenting.firstcry.com/articles/pregnancy-while-breastfeeding-symptoms-and-health-tips/