Côn trùng xuất hiện ở khắp mọi nơi khiến trẻ rất dễ bị tấn công bởi trẻ vô cùng hiếu động, thường chạy nhảy khắp nơi. Tuy những vết cắn nhỏ nhưng lại khiến trẻ vô cùng khó chịu. Cha mẹ cần làm gì khi bé bị côn trùng cắn sưng cứng, ngứa ngáy?
Dấu hiệu trẻ bị côn trùng cắn
Các loại côn trùng như kiến, muỗi, bọ chét, rệp thường gây ngứa và để lại các nốt đỏ trên da. Kích thước của vùng da sưng đỏ thường không to quá 1 cm, nếu kích thước này lớn hơn thì có thể bé đang bị bất thường. Một số vị trí nhạy cảm như mắt có thể sưng to trong khoảng 2 ngày sau khi bị đốt.
Muỗi chính là loại côn trùng hay tấn công trẻ nhất vì chúng sinh sôi nhanh, có khả năng thích ứng với nhiều môi trường khác nhau. Khi trẻ bị muỗi đốt, trên da sẽ nổi lên một cục sưng và mẩn đỏ, khiến bé ngứa ngáy khó chịu. Chúng thường tấn công vào các vị trí không được che bởi quần áo. Nếu đốt vào những vị trí nhạy cảm thì tình trạng sưng cứng sẽ kéo dài rất lâu.
Dấu hiệu cho thấy trẻ bị bọ chét và rệp cắn đó là trên da bé nổi các mụn nước nhỏ ở dưới lớp quần áo. Chúng gây đau và khó chịu cho trẻ.
Các vết cắn gây sưng to và đau là do các loại côn trùng như chuồn chuồn, kiến lửa, bọ cánh cứng và rết. Kiến lửa là loại kiến có độc, chúng có thể gây nổi mụn nước và mụn nhọt trong vài giờ đầu.
Cũng có một số trường hợp trẻ bị côn trùng cắn nhưng không hề có bất kỳ biểu hiện nào là bị cắn. Một số loại côn trùng có chứa mầm bệnh cũng không để lại dấu hiệu nào.
Cách làm dịu nhanh sưng cứng, ngứa khi côn trùng cắn
Khi phát hiện trẻ bị côn trùng cắn, cha mẹ có thể thực hiện và dạy trẻ các bước làm dưới đây để xử lý sơ bộ giúp giảm tình trạng sưng cứng, ngứa ngáy:
-
Đầu tiên cần loại bỏ vết đốt, nọc độc và lông của của côn trùng dính trên da
-
Dùng xà phòng và nước để rửa sạch vùng da bị côn trùng cắn
-
Dùng đá lạnh chườm lên vết thương khoảng 5 phút để giảm cảm giác sưng cứng và ngứa ngáy
-
Có thể dùng gel bôi làm dịu vết thương để giảm sưng
Lưu ý:
-
Sử dụng dụng cụ đã được sát khuẩn để lấy nọc độc, tuyệt đối không dùng tay nặn tránh độc tố lan rộng ra
-
Ngăn không cho trẻ gãi vào vết thương tránh làm xước da gây nhiễm trùng
-
Khi gặp những biến chứng nặng cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được chữa trị kịp thời
Hướng dẫn xử lý khi trẻ bị côn trùng cắn sưng cứng
Khi trẻ bị côn trùng cắn sưng cứng cần xử lý như thế nào? Dưới đây là một số hướng dẫn cách làm giảm cảm giác sưng cứng cho trẻ khi bị côn trùng cắn.
Xử lý thế nào khi trẻ bị muỗi đốt
Vết đốt của trẻ nhỏ thường to hơn so với người lớn bởi trẻ có hệ miễn dịch yếu. Muỗi có thể mang mầm bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, zika,...vì thế cha mẹ cần đặc biệt lưu ý. Khi trẻ bị muỗi đốt sưng to, cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị muỗi cắn sưng to? Những mẹo dưới đây sẽ giúp ích cho cha mẹ để làm giảm các tình trạng sưng, ngứa cho trẻ khi bị muỗi đốt:
-
Dùng baking soda (Muối nở): baking soda được sử dụng nhiều trong làm bánh, hỗ trợ làm đẹp, vệ sinh vết bẩn. Có thể dùng loại muối nở này để làm dịu các vết sưng tấy do côn trùng cắn khá hiệu quả. Cho muối nở vào hòa với nước sau đó bôi dung dịch này lên vết muỗi đốt sẽ làm dịu da, giảm sưng to khiến bé dễ chịu hơn.
-
Gel nha đam (lô hội): Nha đam chính là phương thuốc thần kỳ giúp giảm các triệu chứng viêm da, kích ứng da. Sử dụng gel nha đam bôi lên vết côn trùng cắn sẽ nhanh chóng làm giảm bớt sự khó chịu cho trẻ, làm giảm các vết sưng đỏ một cách an toàn.
-
Kem đánh răng: Kem đánh răng có thành phần hỗ trợ kháng viêm hiệu quả vì thế có thể sử dụng bôi vào vết thương của trẻ khi bị côn trùng cắn sưng cứng để ngăn chặn sự xâm nhập của vi trùng gây bệnh. Tuy nhiên chỉ nên thoa một lớp mỏng để tránh trường hợp trẻ bị bỏng rát da.
Làm dịu vết sưng cứng do kiến cắn
Kiến là loại côn trùng xuất hiện rất nhiều ở mọi nơi và chúng cũng có nhiều chủng loại. Đối với một số loại kiến như kiến ba khoang cắn khiến bé bị nổi dị ứng hay rộp nước trên da, hoặc bị cắn tại một số vị trí nguy hiểm như mí mắt thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Với những trường hợp chỉ nổi đỏ, sưng cứng thông thường, cha mẹ có thể xử lý tại nhà bằng cách sau:
-
Bôi giấm vào vết kiến cắn: Trẻ bị kiến cắn bôi gì? Sử dụng giấm ăn bôi vào vết cắn sẽ giúp sát khuẩn, làm dịu da, đồng thời làm giảm cảm giác ngứa rát tại vết cắn cho trẻ. Pha loãng giấm ăn với một chút nước trước khi bôi lên da cho trẻ để làm giảm tính kiềm giúp bảo vệ da bé an toàn hơn.
-
Dùng túi lọc trà đắp lên vết cắn: Túi lọc trà rất hữu ích trong việc làm dịu các vết cắn do kiến đốt do có chứa thành phần axit tannic có tác dụng kháng khuẩn và làm dịu da tuyệt vời. Vì thế cha mẹ đừng vội vứt túi trà ngay sau khi sử dụng mà có thể tận dụng để đắp lên vết côn trùng cắn cho bé nhé
-
Muối ăn làm giảm sưng ngứa: Muối ăn có tác dụng vô cùng tuyệt vời giúp làm dịu cảm giác sưng ngứa do côn trùng cắn. Sử dụng nước muối được pha loãng xoa lên vết thương sau khi đã rửa sạch vùng da bị tổn thương bằng xà phòng. Nước muối sẽ giúp khử trùng và giảm sưng ngứa hiệu quả.
Vết ong đốt sưng cứng phải làm sao?
Khi trẻ bị ong đốt sưng cứng cần làm thế nào? Những cách làm nào giúp làm dịu da, giảm bớt cảm giác đau rát cho trẻ? Ong là loại côn trùng có thể để lại vết sưng to và đau nhiều sau khi đốt. Tùy thuộc vào tình trạng cơ thể của bé và loại ong tấn công mà các biểu hiện sau khi bị ong đốt cũng khác nhau.
Khi phát hiện trẻ bị ong đốt cần lấy được ngòi ong ra để tránh độc tố lan nhanh hơn. Tuyệt đối không dùng tay để nặn lấy ngòi ong vì chúng có thế gây nguy cơ lan độc tố sang các khu vực khác. Sử dụng nhíp gắp đã được sát khuẩn để lấy ngòi ong là đúng cách nhất:
-
Chườm đá lạnh: Dùng túi nước đá hoặc đá lạnh để chườm lên vết thương trong khoảng 5-10 phút sẽ giúp làm giảm cac cơn đau do máu không được lưu thông nhanh. Có thể sử dụng cách này cho nhiều loại côn trùng khác nhau vô cùng hiệu quả.
-
Thoa nước tỏi: Đối với trẻ lớn cha mẹ có thể lấy vài tép tỏi đập dập hoặc nghiền nát để lấy tinh dầu rồi bôi lên vết côn trùng đốt sưng tấy cho trẻ. Để lưu lại trên da khoảng 20 phút sau đó rửa sạch lại da bằng nước sạch.
-
Tinh dầu hoa oải hương: Tinh dầu hoa oải hương có tác dụng trị vết ong đốt và muỗi đốt khá hiệu quả. Có thể pha tinh dầu hoa oải hương cùng với dầu dừa hoặc dầu hạnh nhân, dầu ô liu,...theo tỉ lệ 1:1 rồi thoa lên da của trẻ để trung hòa nọc độc, giúp bé làm dịu các vết đốt, giảm đau.
Xem thêm: Hướng dẫn cách làm dịu da khi trẻ bị côn trùng đốt ngứa
Hướng dẫn phòng ngừa nguy cơ côn trùng đốt ở trẻ
Cha mẹ có thể phòng ngừa côn trùng đốt trẻ bằng các biện pháp dưới đây:
-
Cho trẻ mặc quần áo dài tay để hạn chế côn trùng tấn công
-
Luôn bỏ màn cho trẻ khi ngủ
-
Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên để côn trùng không còn chỗ ẩn nấp
-
Phát quang bụi rậm, cây cối xung quanh nhà để giảm côn trùng tìm đến
-
Không để đồ ăn có đường, mật ong bên ngoài khiến côn trùng bị dụ đến
-
Úp thau chậu, chum, vại, những vật dụng có thể chứa nước khi không dùng đến để tránh việc muỗi sinh sản
-
Sử dụng kem bôi chống côn trùng cho trẻ khi ra ngoài
Bé bị côn trùng cắn sưng cứng không quá nguy hiểm tuy nhiên cha mẹ cũng cần theo dõi để xem các biểu hiện sau khi bị cắn của trẻ. Nếu phát hiện ra các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được xử lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hay chữa trị khiến vết thương trở nên nặng hơn.
First Aid: Insect Stings and Bites- Ngày truy cập: 17/8/2022
https://kidshealth.org/en/parents/insect-stings-sheet.html
Insect Stings in Children- Ngày truy cập: 17/8/2022
https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=insect-stings-in-children-90-P02854#