zalo
Top 15 kỹ năng sống cho trẻ cha mẹ nên dạy cho bé
Kỹ năng sống

Top 15 kỹ năng sống cho trẻ cha mẹ nên dạy cho bé

Hồng Nhung
Hồng Nhung

09/06/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Có được các kỹ năng sống giúp con có thể ứng xử và xử lý mọi tình huống khi con gặp phải một cách tốt nhất. Những kỹ năng sống cho trẻ nào cha mẹ cần dạy cho bé? Hãy cùng Monkey xem những kỹ năng nào cha mẹ cần dạy cho con ngay từ sớm nhé.

Kỹ năng sống là gì?

Kỹ năng sống là tập hợp các hành vi tích cực và khả năng thích nghi của mỗi cá nhân đối với các nhu cầu và thử thách của cuộc sống hằng ngày.

Những kỹ năng này có thể có được nhờ sự tiếp thu thông qua giáo dục và những trải nghiệm thực tế của con người nhằm đáp ứng những tình huống khi gặp phải và đưa ra cách xử lý phù hợp.

Đối với trẻ nhỏ, việc được dạy kỹ năng sống càng sớm càng tốt giúp bé có thể tự xử lý các tình huống cần thiết, tự bảo vệ và chăm sóc cho bản thân mình.

Dạy trẻ kỹ năng sống giúp bé tự tin hơn khi bước vào đời. (Ảnh: Nguồn Internet)

Top 15 kỹ năng sống cho trẻ giúp bé tự lập

Trẻ sẽ có được sự tự tin, khả năng ứng xử khéo léo và tự lập trong mọi tình huống khi được trang bị 15 kỹ năng sống dưới đây:

Kỹ năng giao tiếp

Đây là một một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng cho trẻ. Không chỉ là việc nói ra những con chữ, trẻ cần biết cách biểu đạt đầy đủ nội dung và ý nghĩa của câu từ. Bằng cách biểu đạt cảm xúc, ánh mắt và cử chỉ, thông điệp mà bé muốn truyền tải sẽ đến với mọi người một cách tốt hơn.

Cha mẹ cần dạy cho con cách sử dụng từ ngữ hợp với từng hoàn cảnh: Khi nào thì con cần nói cảm ơn, khi nào con cần xin lỗi hay các kỹ năng chào hỏi lễ phép, tôn trọng ý kiến và lắng nghe người đối diện như thế nào,...

Có được kỹ năng này trẻ sẽ mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp với người khác. Hãy tạo cho con môi trường giao tiếp phù hợp, hòa đồng thân thiện để con có thể giao tiếp tốt. Cha mẹ cũng chính là người đồng hành bên cạnh con, dành thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng con. Dù có bận rộn đến mức nào thì cũng nên dành ít nhất 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để trò chuyện cùng con nhé.

 

Kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp bé có cách ứng xử phù hợp. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trẻ cần biết xin lỗi và cảm ơn chân thành

Học được cách xin lỗi và cảm ơn chân thành giúp bé được người khác đón nhận và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp. Trẻ cần được biết cảm ơn người khác khi nhận được sự giúp đỡ và nhận quà tặng từ người khác. Lời cảm ơn phải thật chân thành sẽ khiến người khác vui vẻ và cảm thấy bé được dạy dỗ thật tốt.

Tương tự khi mắc lỗi sai, bé cần nhận thấy lỗi lầm của mình và thành thật xin lỗi mong được tha thứ. Điều này thể hiện bé dám dũng cảm đối diện với sai lầm của mình và ghi nhớ để lần sau không tái phạm. 

Cha mẹ nên giải thích lý do cho con, khen ngợi con kịp thời và đúng lúc. Tuy nhiên cùng cần nghiêm khắc để con nhìn nhận được những điểm sai của mình và tâm sự cùng con. Hãy là những người tiên phong thực hiện để con cảm nhận rằng đây là điều cần thiết và cảm thấy tôn trọng bố mẹ mình.

Bé cần biết xin lỗi và cảm ơn người khác. (Ảnh: Nguồn Internet)

Xem thêm: Dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi chân thành

Kỹ năng tôn trọng, giúp đỡ người khác

Trẻ cũng nên học thói quen văn minh nữa đó chính là tôn trọng người khác. Hành động tôn trọng này thể hiện qua việc lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm người khác. Trẻ cần học cách lắng nghe hết ý kiến của người khác, không cắt ngang lời, dù có bất đồng quan điểm cũng đợi cho người khác nói hết rồi mới đưa ra ý kiến của mình. Khi nói chuyện cần có thái độ ôn hòa, không hét to hay tỏ vẻ khó chịu khi nói chuyện với người đối diện. Cha mẹ cần cho bé hiểu rằng nếu muốn được người khác tôn trọng thì con cũng cần học được cách tôn trọng người khác.

Một kỹ năng nữa mà cha mẹ cũng nên dạy cho con chính là việc biết giúp đỡ mọi người. Đơn giản nhất là con có thể phụ cha mẹ làm việc nhà, dọn dẹp nhà cửa, rửa bát hay nấu cơm. Khi người khác gặp khó khăn hay vấn đề mà con có thể đáp ứng trong khả năng của mình thì hãy đưa tay giúp đỡ họ.

Con có thể giúp đỡ bà cụ qua đường, giúp em nhỏ tuổi hơn khi đi lạc đường, dỗ em khi em khóc hoặc chia sẻ với người khuyết tật,...Trẻ sẽ học được cách yêu thương người khác thông qua những hành động nhỏ này, con sẽ sống tình cảm và biết yêu thương hơn.

Hãy dạy bé dù ở bất kỳ trường hợp nào cũng cần có thái độ tôn trọng người khác. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng tự lập

Ở bất kỳ độ tuổi nào cha mẹ cũng nên dạy cho con cách sống tự lập. Khi trẻ được 2 - 3 tuổi hãy để cho bé tự xúc cơm, tự lựa chọn quần áo hay từ cất đồ chơi,...Lớn hơn bé có thể chủ động chuẩn bị sách vở, tự dọn dẹp bàn học hay sắp xếp đồ đạc của riêng mình. Nhờ đó bé sẽ có thói quen sống một cách lành mạnh, ngăn nắp, có kỷ luật hơn mà không cần có cha mẹ bên cạnh.

Hãy kiên nhẫn dạy con một cách chậm rãi từ từ và khen ngợi con khi con làm đúng. Cha mẹ có thể giao nhiệm vụ cho bé để bé cảm thấy mình có trách nhiệm và thực hiện một cách nghiêm túc hơn. Đây là hành trang vững chắc cho bé bước vào đời.

Tự đọc sách trau dồi kiến thức

Sách là nguồn kiến thức vô tận giúp con tìm hiểu và khám phá vô vàn điều mới lạ. Việc đọc sách thường xuyên giúp con mở mang được kiến thức, hiểu biết sâu rộng hơn. Có kiến thức đầy đủ sẽ giúp con tự tin hơn trong giao tiếp, có nhiều chủ đề hơn để nói chuyện cùng người khác.

Trẻ đọc nhiều sách cũng sẽ điềm đạm và tự giác hơn do có thể yên tĩnh tìm hiểu trong thời gian dài. Cha mẹ hãy tìm cho con đa dạng các loại sách để con có thể tìm hiểu. Không nên chỉ ép buộc con học trong sách giáo khoa sẽ dễ gây nhàm chán cho trẻ.

Cha mẹ có thể lựa chọn các đầu sách về chủ đề mà con yêu thích như truyện cổ, khoa học, sách giải đố, hay các kiến thức về lịch sử, địa lý,...

Nếu có thể hãy cùng con đọc sách, giải thích ý nghĩa của các vấn đề giúp con hiểu sâu hơn đồng thời hiểu rõ sở thích của bé và gắn kết các thành viên trong gia đình.

 Đọc sách mang lại nguồn tri thức vô tận. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng sơ cứu vết thương

Hãy dạy cho con kỹ năng này để con có thể xử lý thật tốt ngay cả khi không có ba mẹ ở bên. Nếu trẻ không may bị thương nhẹ, cũng không nên lo lắng thái quá, hãy bình tĩnh hướng dẫn con cách xử lý tốt nhất tình trạng này. Điều này vừa giúp bé có thể bình tĩnh hơn khi gặp tai nạn, tự sơ cứu vết thương khi bị đau, hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và hơn nữa bé cũng có thể giúp đỡ người khác khi cần thiết.

Kỹ năng quản lý, sắp xếp thời gian

Học được cách quản lý và sắp xếp thời gian giúp bé có thể kiểm soát lịch sinh hoạt, học tập và vui chơi của mình một cách hợp lý. Ngay từ khi còn nhỏ, hãy dạy cho con tự chuẩn bị đồ, tự mặc quần áo để đi học và đi học đúng giờ. Phân bổ thời gian học và thời gian chơi hợp lý, xác định khoảng thời gian làm trong bao lâu. Dần dần sẽ tạo được thói quen tốt cho trẻ, bé sẽ biết cách sắp xếp và phân bổ thời gian sao cho hợp lý.

Tập luyện cho bé dần dần và nghiêm khắc khi thực hiện để bé vào nề nếp. Nếu bé ngủ dậy muộn hoặc làm việc chậm chạp không đúng thời gian hãy để cho bé đi học muộn, cho bé thấy tác hại khi không đúng giờ giấc và giải thích cho bé tại sao cần như vậy. Cha mẹ cũng cần làm gương cho bé để bé có thể thực hiện theo.

Dạy bé quản lý thời gian để bé sống có giờ giấc, quy củ. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng quản lý tài chính

Trẻ nhỏ chưa thể tự làm ra tiền nhưng cần biết cách sử dụng tiền vào mục đích chính đáng. Hãy dạy con cách chi tiêu hợp lý, chỉ mua những gì thật sự cần thiết, tránh việc sử dụng lãng phí. Có thể cho bé tự đi mua đồ ở các cửa hàng hay siêu thị và dạy cho con cách so sánh giá tại các cửa hàng khác nhau để xem nơi nào có giá cả hợp lý hơn.

Cho trẻ quản lý tiền bạc từ sớm giúp bé có khả năng quản lý tài chính tốt hơn. Dạy con biết trân trọng đồng tiền bằng cách trả công cho con khi làm việc nhà, giúp mẹ dọn dẹp, trông em hay nấu ăn. Tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng để tránh việc bé bị ỉ lại và chỉ giúp bố mẹ khi được trả công.

Dạy bé cách tiết kiệm tiền và chi tiêu hợp lý. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng nấu nướng 

Một kỹ năng vô cùng cần thiết nữa đó chính là kỹ năng nấu nướng. Khi còn nhỏ cha mẹ có thể dạy bé nhặt rau, dạy con cách cầm dao và sử dụng một số dụng cụ nhà bếp. Dần dần cha mẹ có thể dạy cho con cách nấu một số một số món ăn cơ bản. 

Kỹ năng này giúp con có thể tự phục vụ bản thân khi cha mẹ không có nhà và có thể giúp đỡ cha mẹ khi cha mẹ bận việc. Ban đầu bé chỉ có thể nấu một vài món ăn cơ bản như rán trứng, luộc rau, rang thịt,...nhưng dần cha mẹ có thể dạy bé nấu các món ăn phức tạp hơn.

Để bé tự trổ tài vừa giúp bé tăng khả năng nấu nướng, vừa giúp bố mẹ đỡ bận, sau này con lớn lên đi ra ngoài cũng không cần quá lo lắng.

Kỹ năng tự dọn dẹp chỗ ở

Một kỹ năng nữa bé cần học được đó là tự dọn dẹp chỗ ở, vệ sinh thật sạch sẽ. Trước hết là bé học được cách dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc trong phòng của mình. Sạch sẽ ngăn nắp sẽ tạo cho bé thói quen tốt giúp bé sống có kỷ luật hơn.

Ngoài dọn phòng của mình thì ba mẹ cũng nên yêu cầu bé dọn dẹp toàn bộ nhà cửa, nhà tắm hay nhà vệ sinh để giữ sạch sẽ. Ban đầu bé cần học cách dùng chổi, khăn lau để quét cho sạch bụi bẩn sau đó học cách sử dụng những chất tẩy rửa chuyên dụng, không độc hại và nên dọn dẹp như thế nào.

Có nếp sống sạch sẽ giúp con có kỷ luật và được mọi người quý mến hơn. Đây là điều tối thiểu nhưng lại vô cùng cần thiết mà bất kì ai cũng nên có.

Dọn dẹp nhà cửa tạo cho bé có thói quen vệ sinh, ngăn nắp. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng tự vệ

Kỹ năng tự vệ cũng khá quan trọng với con giúp con tránh các nguy hiểm và chấn thương không cần thiết. Trẻ cần học được cách bảo vệ mình trước nguy hiểm khi không có cha mẹ ở bên cạnh. Cha mẹ có thể giả lập các tình huống để xem cách ứng xử của con, từ đó đưa ra cho con các lời khuyên hữu ích.

Khi gặp người lạ con nên giữ khoảng cách như thế nào, cần phòng bị ra sao nếu con bị người khác xâm hại. Hãy dạy cho con cách chống trả và bỏ chạy cùng với kêu cứu khi cần thiết. Trẻ cần nhận biết được các mối quy hại để có thể phòng tránh một cách tốt nhất.

Có thể cho trẻ tham gia một số lớp học võ tự vệ để bé có thể tự bảo vệ chính mình như học taekwondo, karate hay võ cổ truyền,...vừa nâng cao sức khỏe vừa có thể phòng vệ chính đáng khi cần thiết.

Học võ tự vệ giúp bé có thể tự bảo vệ bản thân khi cần thiết. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng bơi lội

Một trong những kỹ năng sống cho trẻ rất được các ba mẹ quan tâm và đưa vào giảng dạy ở rất nhiều trường học đó chính là kỹ năng bơi lội. Bộ môn này vừa giúp cho trẻ phát triển toàn diện về cả trí tuệ và thể chất vừa giúp bé có thể linh hoạt ứng biến khi gặp các tình huống nguy hiểm liên quan đến sông nước.

Tình trạng trẻ đuối nước diễn ra khá phổ biến vì trẻ không biết bơi và chưa có các kỹ năng để xử lý khi gặp nguy hiểm. Đây là mối quan tâm và lo lắng của rất nhiều bậc cha mẹ. Con biết bơi giỏi và có các kỹ năng phòng chống đuối nước sẽ giảm nguy cơ bị tai nạn, có thể bảo vệ chính bản thân mình và hơn nữa có thể giúp đỡ người khác.

Không chỉ trẻ em sống ở vùng sông nước mà tất cả các trẻ em nên có kỹ năng này. Cha mẹ có thể cho con tham gia các khóa học bơi mùa hè để con có thể tập luyện, học cách bơi và các kỹ năng xử lý khi ở dưới nước. Vừa có lợi cho bé vừa khiến cha mẹ yên tâm hơn.

Kỹ năng bơi lội vô cùng cần thiết cho trẻ giúp phòng chống nguy cơ bị đuối nước. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng làm việc nhóm

Làm việc nhóm chính là giúp con giao tiếp với nhiều người khác nhau, con có thể xử lý các tình huống một cách thật đa dạng. Các kỹ năng giao tiếp và khả năng ứng biến nhanh của con sẽ phát huy hơn rất nhiều.

Cha mẹ có thể cho con tham vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa, cho con chơi với bạn bè gần nhà, hoặc rủ con chơi trò chơi để con có thể hòa nhập và giao tiếp nhiều hơn.

Con sẽ học được cách tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác, đồng thời đưa ra ý kiến cá nhân để đóng góp, xây dựng. Hay con có thể học được cách thuyết trình, tư duy phản biện để mọi người có thể đồng tình với ý kiến của mình

Cha mẹ tâm sự thường xuyên với con và đặt câu hỏi với các trường hợp xảy ra thì cách xử lý của con sẽ như thế nào. Từ đó đưa ra cho con lời khuyên hữu ích. Giúp con nhận ra mình nên ứng xử như thế nào. Đây là kỹ năng vô cùng tốt giúp con phát triển đường dài.

Làm việc nhóm giúp trẻ vận dụng được các kỹ năng khi cần thiết. (Ảnh: Nguồn Internet)

Kỹ năng tự sửa chữa một số vật dụng cơ bản

Trẻ nhỏ luôn tò mò và đương nhiên những thiết bị ở nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại di động cũng là những vật mà bé luôn thắc mắc bên trong nó có gì. Cha mẹ có thể hướng dẫn con tìm hiểu một cách thật an toàn. 

Cha mẹ có thể dạy cho bé cách lắp lại xích xe đạp khi bị tuột, sửa vòi nước, tắt bếp ga, bếp điện hay thay bóng đèn,...Tuy nhiên cha mẹ cần dạy cho trẻ luôn nhớ thực hiện an toàn điện trước khi sử dụng các thiết bị điện.

Một kỹ năng nữa các bé cần được học đó là cách sử dụng kim chỉ. Bé có thể tự khâu lại quần áo khi bị sứt chỉ, đơm nút áo quần hay may lại quai cặp khi bị đứt mà không cần mua mới.

Kỹ năng sử dụng phương tiện công cộng

Dạy cho bé cách sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển một cách thuận lợi. Không phải lúc nào cha mẹ cũng gần kề bên con để đưa đón, vì thế kỹ năng này cần được bổ trợ cho con càng sớm càng tốt. 

Cha mẹ nên cho con học cách đi xe buýt đến trường thay vì để cha mẹ chở bằng xe gắn máy hay xe hơi như mọi ngày. Để con có thể chủ động đi lại hơn phòng khi cha mẹ bận không thể đưa rước.

Hãy cho con trải nghiệm nhiều phương tiện công cộng khác nhau như xe khách, tàu hỏa, xe buýt, máy bay,..để con có thể hiểu rõ các tiện ích của từng phương tiện và có kỹ năng ứng xử phù hợp khi tiếp xúc với nhiều người khác nhau.

Dạy bé sử dụng các phương tiện công cộng để bé có thể chủ động đi lại khi không có ba mẹ. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trang bị kỹ năng sống cho trẻ giúp con tự tin hơn khi bước vào đời. Cha mẹ luôn là những người thầy đầu tiên dẫn dắt các con. Hãy luôn đồng hành cùng con và luôn kiên nhẫn chỉ dạy cho con. Hành trình nuôi dạy con không hề đơn giản nhưng nhờ có cha mẹ chỉ dạy con bạn sẽ dần hoàn thiện mình và trở thành người thành công trong cuộc sống.

11 Life Skills You Should Teach Your Kids - Ngày truy cập: 8/6/2022

https://www.verywellfamily.com/teaching-children-life-skills-early-4144959

TEACHING KIDS LIFE SKILLS: 7 ESSENTIAL LIFE SKILLS TO HELP YOUR CHILD SUCCEED - Ngày truy cập: 8/6/2022

https://www.brighthorizons.com/family-resources/teaching-kids-life-skills-seven-essential-life-skills-to-succeed

Hồng Nhung
Hồng Nhung

Tôi là Hồng Nhung, biên tập viên có nhiều năm kinh nghiệm làm việc bên lĩnh vực mẹ và bé. Hy vọng sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho người đọc.

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!
Mã mới