zalo
Tết trung thu ngày mấy? Nguồn gốc & Ý nghĩa về ngày Tết đoàn viên
Tình cảm gia đình

Tết trung thu ngày mấy? Nguồn gốc & Ý nghĩa về ngày Tết đoàn viên

Phương Đặng
Phương Đặng

26/08/20243 phút đọc

Mục lục bài viết

Tết Trung Thu ngày mấy ở Việt Nam? Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ hội này là gì? Cùng Monkey tìm hiểu về ngày hội truyền thống này nhé!

Trung thu là ngày gì? Ngày bao nhiêu?

Tết Trung thu ở Việt Nam còn gọi là Tết đoàn viên, Tết trông trăng hay Tết thiếu nhi. Theo Âm lịch, trung thu là ngày Rằm tháng 8 hàng năm. Vào ngày lễ này, các gia đình thường ăn bánh nướng, bánh dẻo và thưởng thức các hoạt động như rước đèn, múa lân, phá cỗ, v.v…

Vậy trung thu năm 2023 vào ngày nào? Còn bao nhiêu ngày nữa đến trung thu? Năm nay, Tết trung thu ở Việt Nam rơi vào Thứ 6, ngày 29/09/2023 Dương lịch. Hôm nay là ngày 15/09/2023, như vậy còn 14 ngày nữa là đến Tết trung thu rồi đấy!

Lịch Tết trung thu năm 2023. (Ảnh: Internet)

Nguồn gốc Tết trung thu & Ý nghĩa 

Như vậy là bạn đã biết còn mấy ngày nữa đến trung thu rồi. Ở phần này, chúng mình thử tìm hiểu xem Tết trung thu có từ khi nào và nó mang ý nghĩa gì nhé!

Những sự tích về ngày trung thu

 Nói về nguồn gốc của lễ hội truyền thống này, Tết Trung thu bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc. Tính đến hiện tại, Trung thu đã có lịch sử hơn 3000 năm và được tổ chức rộng rãi ở các quốc gia Đông Nam Á & Đông Á như: Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore. Trong đó, có một vài sự tích nổi tiếng được biết đến như:

Tết đoàn viên - Tết thiếu nhi ở Việt Nam

Tết Trung thu ở Việt Nam xuất hiện do ảnh hưởng của nền văn hóa Hán học. Truyền thuyết về lễ hội này được biết đến nhiều nhất là hình ảnh Hằng Nga và Hậu Nghệ, chú Cuội trong cổ tích Việt Nam.

Tết Trung thu ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Về ý nghĩa, Trung thu ở Việt Nam là ngày Tết đoàn viên. Ban ngày các gia đình sẽ làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ đợi trăng rằm lên đến đỉnh thì cả gia đình sẽ cùng quây quần bên nhau để phá cỗ. Mâm cỗ Trung thu đơn giản thường có bánh nướng, bánh dẻo, các loại ngũ quả nhiều màu sắc với đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy trung thu.

Mặt khác, Tết Trung thu cũng là lễ hội đáng mong chờ của trẻ em và còn được gọi với cái tên Tết thiếu nhi. Đồ chơi trẻ em ngày này là các thứ bồi bằng giấy như bươm bướm, bọ ngựa, voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, ông phỗng, ông đánh gậy trung thu....Trẻ em buổi tối đêm trung thu, dắt díu nhau kéo co, bắt cái hồ khoan, rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la.

Đặc biệt, trong ngày này không thể thiếu tập tục múa lân. Điều này bắt nguồn từ sự tích Phật Di Lặc hạ trần chế ngự lân để bảo vệ dân lành. Ta vẫn thường thấy trong màn trình diễn múa lân có một ông bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo đùa giỡn lân và khách xem múa, mà mọi người gọi là ông Địa, đó chính là Đức Phật Di Lặc hoá thân thành để chế ngự con lân. 

Tết đoàn viên ở Trung Quốc

Xuất hiện từ thời nhà Thương (1600 - 1046 TCN) nhưng mãi cho đến thời đại nhà Đường, Tết Trung thu mới phổ biến ở Trung Quốc. Theo Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục, tục treo đèn bày cỗ do điển xưa về việc vua Đường Minh Hoàng vào ngày sinh nhật đã truyền cho thiên hạ đâu đâu cũng treo đèn và bày tiệc ăn mừng, từ đó thành tục.

Tết đoàn viên ở Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Tục rước đèn có từ đời nhà Tống, do tục truyền rằng: Trong đời vua Tống Nhân Tông, có con cá chép thành yêu, cứ đêm trăng hiện lên biến thành con gái để đi hại người. Bấy giờ có viên quan Bao Công mới hạ lệnh cho dân gian làm đèn con cá giống như hình của nó rồi đem mang ra chơi ngoài đường để cho nó sợ mà không dám hại người.

Tết thịt nướng ở Đài Loan

Ở Đài Loan, ngày Tết Trung Thu là ngày nghỉ lễ chính thức cho cả nước và những buổi nướng thịt ngoài trời đã trở thành dịp để thắt chặt tình cảm giữa gia đình và đồng nghiệp trong công ty.

Lễ hội bánh Trung thu ở Singapore

Phần lớn dân cư sinh sống tại Singapore là người gốc Hoa nên Tết Trung thu cũng được coi là lễ truyền thống. Vào ngày này, mọi người cùng nhau trang trí đường phố và chơi các trò chơi giải trí như: Múa lân, múa rồng, rước đèn,… Tất nhiên là không thể thiếu tập tục tặng nhau những chiếc bánh trung thu ngon lành đã được chuẩn bị trước.

Giới thiệu các hoạt động trong ngày Tết Trung thu

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, chúng ta thường tổ chức rất nhiều hoạt động đặc sắc như:

Rước đèn

Tại một số vùng nông thôn, người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm trung thu. Trên thành phố, những gia đình ở gần nhau trong cùng một ngõ sẽ tổ chức rước đèn, một số gia đình ở chung cư thì lại dẫn con đến trung tâm thương mại để tận hưởng không khí Trung thu.

Múa lân

Múa lân ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Khác với rước đèn, hoạt động múa lân lại rất phổ biến ở thành phố. Mỗi đoàn múa đều có sự xuất hiện của đầu sư tử, ông địa. Truyền thuyết kể vào thuở khai thiên lập địa, Lân là một con thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người và năm nào cũng xuất hiện phá phách vào mỗi dịp tết Trung Thu. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho nó ăn và thu phục được nó, biến nó thành con thú hiền lành không còn quậy phá dân lành và chỉ biết ăn thực vật.

Làm đồ chơi trung thu

Mặt nạ, đèn ông sư, đèn ông sao và đầu sư tử là các loại đồ chơi phổ biến nhất trong dịp lễ tết Trung thu. Ở miền Nam, hai thành phố Hội An và Sài Gòn nổi tiếng khắp nước về thủ công nghệ làm lồng đèn trang trí và các loại đèn giấy dùng trong ngày tết Trung Thu. Do đó, trẻ em ở vùng này thường quen thuộc với các loại đèn hơn. 

Tại miền Bắc, khi còn trong thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), các đồ chơi cho trẻ em vào dịp tết Trung thu rất hiếm, phần lớn các gia đình thường tự làm lấy đồ chơi như trống bỏi, đèn ông sư, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, tò he, chong chóng… Nếu ba mẹ muốn tự làm đồ chơi có thể học theo hướng dẫn sau phần này. 

Làm bánh

Làm bánh trung thu ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Từ xa xưa, bánh trung thu truyền thống chỉ gồm 2 loại là Bánh nướng và Bánh dẻo. Về cơ bản thì cách làm 2 loại bánh tương đối giống ở khâu nặn bánh và dập khuôn tạo hình. Chúng khác nhau ở cách tạo phần vỏ. Cụ thể:

  • Bánh nướng: Được làm với lớp vỏ bánh là bột mì và có chút dầu ăn. Đường để trộn vào vỏ bánh thường được nấu với mạch nha để chuyển thành màu hổ phách và để càng lâu càng tốt. Nhân bánh nướng thường là nhân thập cẩm, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xưởng.

  • Bánh dẻo: Theo truyền thống bánh dẻo trung thu được làm với vỏ bánh là bột gạo nếp rang xay mịn, nước đường kính trắng đun sôi để nguội (không dùng mạch nha như bánh nướng), nước hoa bưởi. Nhân bánh làm từ các thực phẩm, nguyên liệu đã chín. Bánh được nặn xong ép khuôn và có thể sử dụng ngay không cần cho vào lò nướng.

Bày mâm ngũ quả trung thu

Để thờ cúng gia tiên, các gia đình Việt Nam mâm ngũ quả trung thu đơn giản với 5 loại quả khác nhau mang ý nghĩa ngũ phúc lâm môn, cầu "Phúc, quý, thọ, khang, ninh". Các loại quả thường thấy gồm chuối, bưởi, hồng, lựu, na (mãng cầu).

Về màu sắc, mâm ngũ quả thường có quả xanh mang tính dương, quả chín mang tính âm thể hiện sự kết hợp âm dương, cân bằng trong vũ trụ. Tùy từng vùng miền, các loại quả trên mâm có thể thay đổi khác nhau.

Bày mâm ngũ quả trung thu. (Ảnh: Internet)

Ca hát nhảy múa & phá cỗ

Khác với mâm ngũ quả, mâm phá cỗ Trung Thu có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm.

Vào thời điểm trăng lên đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, người lớn và trẻ em cùng quây quần bên nhau ca hát những bài hát truyền thống và thưởng thức hương vị bánh kẹo ngày Tết đặc biệt này.

Nên tặng quà Trung thu gì cho bé? Hướng dẫn tự làm quà tặng cho con

Một số món quà truyền thống mà ba mẹ có thể tặng cho bé gồm: Trang phục múa lân và mặt nạ trung thu, đèn ông sao, đèn lồng, trống ếch, tò he, v.v… Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn nhiều món đồ chơi khác tùy thuộc vào giới tính và sở thích của bé.

Mặt khác, ba mẹ có thể tự làm quà tặng cho các bé thay vì mua chúng. Điều này thực sự ý nghĩa với các con, món quà có thể là kỷ niệm đẹp giữa bạn và bé trong ngày đặc biệt này.

Tự làm đèn ông sao đơn giản

Chuẩn bị: 10 thanh tre vót dẹp, mỏng, dài khoảng 50cm/thanh (độ dài cần đều nhau), 5 thanh tre dẹp dài 8 cm/thanh, hồ dán, giấy kiếng màu, kéo, kềm, dây kẽm mỏng.

Cách làm

Bước 1: Tạo khung

  • Dùng 10 thanh tre nối thành 2 hình ông sao 5 cánh. Cố định các đầu nối bằng dây kẽm, dùng kềm vặn cho chắc chắn.

  • Chồng 2 hình ngôi sao lên nhau và cố định 5 điểm nối bằng dây kẽm như bước 1.

  • Dùng các đoạn tre ngắn chống vào các điểm giao nhau ở phần hình ngũ giác để tạo thành khung. Tiếp tục cố định các điểm với keo dán. 

Tạo khung cho đèn ông sao. (Ảnh: Internet)

Chồng 2 hình ngôi sao lên nhau và cố định. (Ảnh: Internet)

Dùng các đoạn tre ngắn chống vào các điểm giao nhau. (Ảnh: Internet)

Bước 2: Dán giấy kiếng 

Bôi hồ dán lên các thanh của hình ngôi sao, sau đó áp miếng giấy lên và điều chỉnh sao cho mặt giấy không bị nhăn. Bạn nên làm lần lượt từng cánh sao để đảm bảo giấy không bị nhăn rách. Khi dán để chừa lại 2 ô ở đáy và 2 ô bên trên để gắn que cầm tay và thông khí.

Bôi hồ lên 2 mặt của ngôi sao. (Ảnh: Internet)

Dán giấy kiếng lên khung đèn. (Ảnh: Internet)

Bước 3: Trang trí

Cuối cùng, bạn hãy trang trí thêm họa tiết cho đèn ông sao thêm độc đáo. Thường thì các loại đèn bán ở ngoài sẽ gắn thêm dây kim tuyến quanh khung đèn để che bớt phần thanh tre. 

Trang trí đèn theo sở thích. (Ảnh: Internet)

Lồng đèn bằng giấy

Chuẩn bị: Giấy bìa cứng nhiều màu, bút chì, thước kẻ, hồ dán, băng dính, dây len.

Cách làm:

  • Bước 1: Chọn giấy màu yêu thích, gập đôi tờ giấy hình chữ nhật.

  • Bước 2: Dùng thước đo và vẽ các đường thẳng song song trên mặt tờ giấy rộng khoảng 2cm, 2 đầu mép giấy để chừa lại khoảng 3cm. Tiếp đó dùng kéo cắt theo những đường đã vẽ. 

  • Bước 3: Trang trí thêm họa tiết

  • Bước 4: Cuộn tròn tờ giấy lị và dán nối 2 mép giấy đầu và cuối với nhau để tạo khung đèn.

  • Bước 5: Ở 2 bên mép trên của đèn, bạn đục 2 lỗ để xỏ dây làm quai.

Ngoài cách làm trên, bạn cũng có thể làm đèn lồng giấy kiểu dáng khác theo hướng dẫn ở video dưới đây:

Mặt nạ giấy

Chuẩn bị: Giấy bìa cứng nhiều màu, kéo, bút vẽ, màu tô, băng dính 2 mặt, dây thun.

Mặt nạ giấy Trung thu. (Ảnh: Internet)

Cách làm:

  • Bước 1: Tạo hình mặt nạ, ba mẹ cần vẽ hình mặt nạ bằng bút chì, sau đó dùng bút dạ tô lại. Thông thường, mỗi mặt nạ sẽ có nhiều phần ghép thành nên bạn hãy vẽ từng phần riêng trên các tờ giấy màu tương ứng.

  • Bước 2: Ở bước này, bạn tô màu cho mặt nạ để hoàn thiện các phần mảnh ghép. 

  • Bước 3: Sau đó, hãy cắt các phần đã vẽ ra khỏi miếng bìa. Tiến hành dán theo hình dáng dự kiến ban đầu hoặc theo mẫu có sẵn.

  • Bước 4: Ở 2 cạnh bên của mặt nạ, bạn đánh dấu điểm chính giữa và đục 1 lỗ nhỏ ở điểm đó để luồn dây chun. Để chắc chắn thì bạn nên ướm thử lên mặt bé và chọn điểm nối dây sao cho phù hợp để khi bé đeo không bị tuột.

Cách làm rối bóng

Chuẩn bị: Hộp ngũ cốc rỗng, giấy A4, băng dính, giấy bìa màu đen, que gỗ nhỏ. 

Cách làm rối bóng. (Ảnh: Internet)

Cách làm:

  • Bước 1: Tháo các mặt nắp của hộp ngũ cốc và trải phẳng ra.

  • Bước 2: Cắt 2 hình chữ nhật lớn trên mỗi mặt của hộp ngũ cốc với kích thước 19 x 28cm.

  • Bước 3: Khoét 1 mặt và dán giấy A4 phủ lên để tạo màn hình.

  • Bước 4: Lắp lại hộp và cắt bỏ nắp hộp thừa.

  • Bước 5: Cắt các hình thù con rối bằng giấy A4 đen và dính vào đầu cây gỗ.

  • Bước 6: Trang trí và để ở mặt sau 1 bóng đèn chiếu.

Những bài hát trung thu hay và ý nghĩa nhất cho bé

Bên cạnh những món bánh truyền thống, những món đồ chơi quen thuộc, không khí trung thu không thể thiếu những bản nhạc vui nhộn dành cho các bé. Dưới đây là những giai điệu thân quen mà chúng ta thường nghe trong dịp Tết đoàn viên này:

Các bài nhạc trung thu vui nhộn. (Ảnh: Internet)

Bài hát

Nhạc sĩ

Link nghe nhạc

Chiếc đèn ông sao

Phạm Tuyên

Link

Rước đèn tháng Tám

Đức Quỳnh (Vân Thanh)

Link

Thằng Cuội

Lê Thương

Link

Ông trăng xuống chơi

Phạm Duy

Link

Vầng trăng cổ tích

Phạm Đăng Khương (phổ thơ Đỗ Trung Quân)

Link

Tết suối hồng

Trịnh Công Sơn

Link

Đêm trung thu

Phùng Như Thạch

 

Em đi rước đèn

 

Link

Vầng trăng yêu thương

Lê Quốc Thắng

Link

Mừng trung thu

Nhạc Xuân Hoàng - Thơ Trần Văn Phúc

 

Cắc tùng cắc tùng

 

Link 

Đếm sao

Văn Chung

Link

Qua bài viết này, bạn đã biết chính xác năm nay Tết trung thu ngày mấy cũng như hiểu được ý nghĩa và nguồn gốc của lễ hội này. Hãy cùng bé chuẩn bị một mâm cỗ Trung thu hấp dẫn và một món quà ý nghĩa để dành tặng con nhân dịp này nhé!

Phương Đặng
Phương Đặng

Tôi là Phương - Biên tập viên Content Marketing hơn 3 năm kinh nghiệm đa dạng lĩnh vực.

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey