Hướng dẫn tập đọc và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4 , 5 bài Các em nhỏ và cụ già trang 62 SGK tiếng Việt lớp 3 tập 1 chi tiết nhất. Các em học sinh hãy đọc kỹ phần soạn bài này để nắm rõ nội dung bài học. Quý thầy cô cùng các bậc phụ huynh cũng có thể tham khảo để dễ dàng hướng dẫn trẻ học hơn.
Phần I: Soạn bài Tập đọc lớp 3 các em nhỏ và cụ già
Trong phần soạn bài các em nhỏ và cụ già lớp 3 gồm 3 mục chính: tìm hiểu nội dung bài học, trả lời câu hỏi và rút ra kết luận. Monkey sẽ cùng với các em lần lượt đi tìm hiểu từng phần dưới đây.
Tập đọc bài các em nhỏ và cụ già
Khi tập đọc bài các em nhỏ và cụ già dưới đây, các em học sinh nên đọc đi đọc lại bài nhiều lần. Đây là cách để giúp các em nắm rõ, ghi nhớ nội dung bài học, đồng thời rèn luyện kỹ năng đọc hiểu của mình tốt hơn.
Nội dung bài các em nhỏ và cụ già lớp 3
Bài các em nhỏ và cụ già lớp 3 được chia thành 4 phần, đánh số theo thứ tự từ 1 đến 4. Trong những câu hội thoại, các em hãy cố gắng thể hiện giọng đọc trong sáng, ngây thơ, tình cảm. Chú ý khi đọc một số từ khó trong bài như: đàn sếu, ríu rít, lộ rõ, u sầu, xe buýt,...
Nội dung của bài các em nhỏ và cụ già tiếng Việt lớp 3 như sau:
CÁC EM NHỎ VÀ CỤ GIÀ 1. Mặt trời đã lùi dần về chân núi phía tây. Đàn sếu đang sải cánh trên cao. Sau một cuộc dạo chơi, đám trẻ ra về. Tiếng nói cười ríu rít. 2. Bỗng các em dừng lại khi thấy một cụ già đang ngồi ở vệ cỏ ven đường. Trông cụ thật mệt mỏi, cặp mắt lộ rõ vẻ u sầu. – Chuyện gì xảy ra với ông cụ thể nhỉ ? – Một em trai hỏi. Đám trẻ tiếp lời, bàn tán sôi nổi : – Chắc là cụ bị ốm ? – Hay cụ đánh mất cái gì – Chúng mình thử hỏi xem đi ! 3. Các em tới chỗ ông cụ, lễ phép hỏi : Thưa cụ, chúng cháu có thể giúp gì cụ không ạ ? – Cụ già thở nặng nhọc, nhưng đôi mắt ánh lên những tia ấm áp : – Cảm ơn các cháu. Nhưng các cháu không giúp ông được đâu. 4. Cụ ngừng lại, rồi nghẹn ngào nói tiếp : – Ông đang rất buồn. Bà lão nhà ông nằm bệnh viện mấy tháng nay rồi. Bà ốm nặng lắm, khó mà qua khỏi. Ông ngồi đây chờ xe buýt để đến bệnh viện. Ông cảm ơn lòng tốt của các cháu. Dẫu các cháu không giúp gì được, nhưng ông cũng thấy lòng nhẹ hơn. 5. Đám trẻ lặng đi. Các em nhìn cụ già đầy thương cảm. Một lát sau, xe buýt đến. Giúp ông cụ lên xe rồi, các em còn đứng nhìn theo mãi mới ra về. Theo XU-KHÔM-LIN-XKI (Tiếng Việt 3, 1995) |
Giải nghĩa từ ngữ trong bài
Trong bài các em nhỏ và cụ già tập đọc lớp 3 có một số từ ngữ các em cần lưu ý như sau:
-
Sếu: loài chim lớn, cổ và mỏ dài, chân cao, kêu rất to, sống ở phương bắc, mùa đông thường bay về phương nam tránh rét.
-
U sầu: buồn bã
-
Nghẹn ngào: không nói được vì quá xúc động.
Trả lời câu hỏi bài các em nhỏ và cụ già tiếng Việt lớp 3
Sau khi đọc bài các em nhỏ và cụ già lớp 3, các em hãy dựa vào nội dung bài để trả lời các câu hỏi dưới đây.
Câu 1: Điều gì gặp trên đường khiến các bạn nhỏ phải dừng lại?
Câu trả lời: Khi đi trên đường, điều khiến các bạn nhỏ phải dừng lại là: Các bạn nhỏ nhìn thấy một cụ già đang ngồi một mình ở ven đường, dáng vẻ cụ mệt mỏi và cặp mắt lộ rõ vẻ u sầu.
Câu 2: Các bạn nhỏ quan tâm đến ông cụ như thế nào?
Câu trả lời: Các bạn nhỏ quan tâm đến cụ già nên đã băn khoăn và trao đổi với nhau về nguyên nhân nỗi buồn của cụ, sau đó các em đã đến hỏi cụ già xem có thể giúp gì cho cụ không.
Câu 3: Ông cụ gặp chuyện gì buồn?
Câu trả lời: Ông cụ gặp chuyện buồn là: Bà lão nhà ông nằm bệnh viện mấy tháng nay, khó mà qua khỏi, ông đang chờ xe buýt để đến bệnh viện thăm bà.
Câu 4: Vì sao trò chuyện với các bạn nhỏ, ông cụ thấy lòng nhẹ hơn?
Câu trả lời: Tuy các bạn nhỏ không giúp được gì cho ông cụ nhưng sau khi trò chuyện với các bạn nhỏ, ông cụ thấy lòng nhẹ hơn vì nỗi buồn đã được chia sẻ. Ông cụ rất cảm động trước sự quan tâm, an ủi của bọn trẻ, đó là những hành động, cử chỉ vô cùng ấm áp.
Câu 5: Chọn một tên khác cho truyện theo gợi ý.
a) Những đứa trẻ tốt bụng.
b) Chia sẻ.
c) Cảm ơn các cháu.
Câu trả lời: Em có thể chọn tên khác cho truyện như: Những trái tim ấm áp, Lòng chân thành, Sự sẻ chia quý giá, ...
Kết luận ý nghĩa nội dung bài các em nhỏ và cụ già
Sau khi tập đọc và trả lời các câu hỏi ở trên, chúng ta rút ra kết luận về ý nghĩa nội dung bài Các em nhỏ và cụ già sách tiếng Việt lớp 3 như sau:
Mọi người trong cộng đồng phải biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau. Sự quan tâm, chia sẻ sẽ giúp cho mọi người cảm thấy những lo lắng, buồn phiền như dịu bớt đi, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. |
Phần II: Soạn bài Kể chuyện các em nhỏ và cụ già lớp 3
Yêu cầu: Kể lại câu chuyện Các em nhỏ và cụ già theo lời một bạn nhỏ.
Gợi ý trả lời: Em hãy nhớ lại nội dung bài các em nhỏ và cụ già lớp 3 và kể lại câu chuyện. Lưu ý lời kể xưng: tôi, tớ hoặc mình. Giọng kể chuyện cần thể hiện được cảm xúc phù hợp với nội dung truyện. Ví dụ như ngạc nhiên khi thấy ông cụ ngồi bên vệ đường, hoặc giọng buồn bã, xúc động khi nghe ông cụ kể về câu chuyện buồn của mình.
Trời đã ngả về chiều. Mặt trời sắp lặn. Đàn sếu đang mải miết bay qua bầu trời. Chúng tôi dạo chơi đã thoả thích nên vui vẻ ra về. Chợt tôi và các bạn nhìn thấy một cụ già ngồi đơn độc bên vệ đường với dáng vẻ mệt mỏi, âu lo. Không ai bảo ai mà tất cả bọn tôi cùng dừng lại. Chúng tôi thì thầm trao đổi với nhau xem vì lí do gì mà cụ già lại lặng lẽ ngồi kia. Thế rồi chúng tôi quyết định tiến đến gần cụ hơn. Thay mặt cho cả bọn, tôi lễ phép hỏi cụ: - Thưa cụ, chúng cháu có thể giúp gì cho cụ không ạ ? Cụ già vẫn thở mệt mỏi và nặng nề nhưng mắt cụ sáng lên những tia ấm áp. Cụ chậm rãi nói : - Cảm ơn các cháu. Nhưng các cháu chẳng giúp được ông đâu. Bà lão nhà ông đang nằm bệnh viện mấy tháng nay, khó lòng mà qua khỏi, ông đang chờ xe để đến thăm bà ấy. Dẫu các cháu không giúp gì được, nhưng ông vẫn thấy vui vì tấm lòng của các cháu. Chúng tôi lặng đi vì lòng đầy thương cảm. Xe buýt đến, chúng tôi chờ cụ lên xe rồi mới ra về. |
Phần III: Soạn bài Chính tả các em nhỏ và cụ già lớp 3
Câu 1: Nghe - viết : Các em nhỏ và cụ già (đoạn 4)
Cụ ngừng lại, rồi nghẹn ngào nói tiếp: - Ông đang rất buồn. Bà lão nhà ông nằm viện mấy tháng nay rồi. Bà ốm nặng lắm, khó mà qua khỏi. Ông ngồi đây chờ xe buýt để đến bệnh viện. Ông cảm ơn lòng tốt của các cháu. Dẫu các cháu không giúp gì được, nhưng ông cũng thấy lòng nhẹ hơn. Đám trẻ lặng đi. Các em nhìn cụ già đầy thương cảm. Một lát sau, xe buýt đến. Giúp ông cụ lên xe rồi, các em còn đứng nhìn theo xe mãi mới ra về. |
Hướng dẫn viết:
Khi viết chính tả lớp 3 các em nhỏ và cụ già, các em hãy chú ý:
-
Viết nắn nót, cẩn thận từng câu chữ để vở sạch chữ đẹp.
-
Viết hoa các chữ cái đầu câu.
-
Chú ý vị trí của các dấu chấm, dấu phẩy trong câu và các dấu thanh của chữ.
Câu 2: Tìm các từ:
a) Chứa các tiếng bắt đầu bằng d, gi hoặc r, có nghĩa như sau:
-
Làm sạch quần áo, chăn màn,… bằng cách vò, chải, giũ… trong nước : ....
-
Có cảm giác khó chịu ở da, như bị bỏng : ...
-
Trái nghĩa với ngang: ....
Câu trả lời:
-
Làm sạch quần áo, chăn màn,… bằng cách vò, chải, giũ… trong nước : Giặt.
-
Có cảm giác khó chịu ở da, như bị bỏng : Rát.
-
Trái nghĩa với ngang: Dọc.
b) Chứa tiếng có vần uôn hoặc uông, có nghĩa như sau:
-
Trái nghĩa với vui : ....
-
Phần nhà được ngăn bằng tường, vách kín đáo : ....
-
Vật bằng kim loại, phát ra tiếng kêu để báo hiệu : .....
Câu trả lời:
-
Trái nghĩa với vui : Buồn
-
Phần nhà được ngăn bằng tường, vách kín đáo: Buồng.
-
Vật bằng kim loại, phát ra tiếng kêu để báo hiệu: Chuông.
Soạn bài tập đọc: Cửa tùng lớp 3 trang 109 SGK tiếng Việt tập 1
Soạn bài tập tiếng Việt lớp 2: Tóc xoăn và tóc thẳng sách Chân trời sáng tạo
Soạn bài và giải bài tập tiếng Việt Âm thanh thành phố lớp 3 chi tiết nhất
Trắc nghiệm luyện tập tiếng việt lớp 3 các em nhỏ và cụ già
Để giúp các em ghi nhớ bài học các em nhỏ và cụ già tốt hơn, Monkey đã chuẩn bị một số câu hỏi trắc nghiệm luyện tập dưới đây. Các em hãy đọc kĩ từng câu hỏi và trả lời cho chính xác nhé.
Câu 1. Câu chuyện diễn ra vào khoảng thời gian nào?
- Vào buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn.
- Vào buổi trưa nắng ấm.
- Vào một buổi bình minh.
Đáp án đúng: A - Vào buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn.
Câu 2. Các em nhỏ đã nìn thấy gì lạ trên đường về?
- Thấy một chiếc xe buýt.
- Thấy ông cụ đang ngồi vệ cỏ.
- Thấy đàn sếu sải cánh trên cao.
Đáp án đúng: B - Thấy ông cụ đang ngồi vệ cỏ.
Câu 3. Gương mặt của ông cụ trông ra sao?
- Trầm ngâm suy nghĩ.
- Rất xúc động.
- Lộ rõ vẻ u sầu.
Đáp án đúng: C - Lộ rõ vẻ u sầu.
Câu 4. Những đứa trẻ đã có hành động gì với cụ?
- Vừa đi về, vừa bàn tán với nhau về ông cụ.
- Đỡ ông cụ lên xe buýt.
- Tiến tới hỏi han ông cụ.
Đáp án đúng: C - Tiến tới hỏi han ông cụ.
Câu 5. Thái độ của cụ già sau câu hỏi của bọn trẻ là gì?
- Ánh lên niềm vui.
- Cụ thở nặng nhọc, đôi mắt ánh lên tia ấm áp.
- Cụ cười hiền hậu.
Đáp án đúng: B - Cụ thở nặng nhọc, đôi mắt ánh lên tia ấm áp.
Câu 6. Cụ già có chuyện gì buồn?
- Bà lão nhà ông mới qua đời.
- Ông bị ốm phải đi viện.
- Bà lão nhà ông bị ốm nặng và khó qua khỏi.
Đáp án đúng: C - Bà lão nhà ông bị ốm nặng và khó qua khỏi.
Câu 7. Vì sao khi trò chuyện với các em nhỏ, ông cụ lại thấy lòng nhẹ nhàng hơn?
- Vì nỗi buồn của cụ đã được các bạn quan tâm, chia sẻ.
- Vì cụ cảm động trước tấm lòng tốt của các bạn nhỏ.
- Vì cụ có thêm niềm tin là vợ mình sẽ khỏi bệnh.
- Vì cụ chẳng cần phải lo nghĩ gì nữa.
Đáp án đúng: A - Vì nỗi buồn của cụ đã được các bạn quan tâm, chia sẻ.
Câu 8. Dòng nào sau đây nói đúng nghĩa của từ “nghẹn ngào”?
- Không nói được vì quá xúc động.
- Buồn bã.
- Chán nản.
Đáp án đúng: A - Không nói được vì quá xúc động.
Câu 9. Theo em, nội dung câu chuyện này là gì?
- Nỗi buồn của ông cụ khi cụ bà ốm và sắp không qua khỏi.
- Những đứa trẻ ngoan ngoãn và có tấm lòng tốt.
- Mọi người trong cộng đồng phải biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau.
Đáp án đúng: C - Mọi người trong cộng đồng phải biết quan tâm chia sẻ lẫn nhau.
Câu 10. Các em hãy điền từ trong ngoặc đơn (ông cụ, chia sẻ, các em nhỏ) thích hợp vào chỗ trống:
- …đã làm được một việc tốt, mang lại sự ấm áp cho người khác.
- …đã phần nào vơi bớt nỗi buồn vì được chia sẻ.
- Trong cuộc sống, sự … sẽ đưa mọi người tới gần nhau hơn.
Đáp án đúng:
- Các em nhỏ.
- Ông cụ.
- Chia sẻ.
Như vậy, bài viết này đã giúp các em nắm rõ nội dung bài học tiếng Việt lớp 3: Các em nhỏ và cụ già. Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức hơn về môn tiếng Việt, các em hãy truy cập website monkey.edu.vn thường xuyên. Đặc biệt là đừng quên học ứng dụng VMonkey mỗi ngày nhé.
Đây là ứng dụng dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non và tiểu học theo chương trình GDPT mới. Để giúp các em tiếp thu và ghi nhớ kiến thức tốt hơn, VMonkey đã áp dụng nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, điển hình là dạy qua hình ảnh, âm thanh và trò chơi.
Khi học VMonkey, trẻ sẽ nhanh chóng biết đánh vần, rèn luyện kĩ năng phát âm, tăng khả năng đọc hiểu nhờ vào hơn 700 truyện tranh tương tác, hơn 300 sách nói cùng 1500+ câu hỏi tương tác sau truyện. Bên cạnh đó, trí tuệ cảm xúc của trẻ cũng được phát triển, nhân cách đạo đức được hình thành, nuôi dưỡng ngay từ nhỏ thông qua hơn 1.000 truyện cổ tích dân gian, thơ, bài học cuộc sống chọn lọc.
Hiện nay, VMonkey đang là ứng dụng số 1 về dạy tiếng Việt cho trẻ, được hơn 10 triệu phụ huynh trên khắp thế giới tin tưởng lựa chọn . Các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới đã kiểm duyệt và trao tặng nhiều giải thưởng danh giá cho VMonkey, điển hình như: Giải Nhất Nhân tài Đất việt 2016, Giải Nhất Sáng kiến Toàn cầu, Giải Vàng ASEAN ICT Awards, Giải Nhất Doanh Nhân châu Á (AEA) tại Nhật Bản và Bằng Khen của Thủ tướng Chính Phủ.
Chính vì vậy, với những trẻ chưa được học VMonkey, ba mẹ hãy tải ứng dụng và đăng ký gói học ngay hôm nay để giúp con tiếp cận với nhiều kiến thức sớm nhé.
VMonkey - Giải pháp số 1 giúp trẻ Học Đánh Vần, Nuôi Dưỡng Tâm Hồn, Làm Giàu Vốn Từ Tiếng Việt. ĐĂNG KÝ GÓI HỌC ngay hôm nay để nhận ƯU ĐÃI lên tới 40% và nhận nhiều quà tặng giá trị khác. |
Video giới thiệu ứng dụng VMonkey.
Xem thêm: