zalo
Bé học vẽ cần chuẩn bị những gì? Hướng dẫn dạy bé học vẽ đơn giản tại nhà
Tips học tập

Bé học vẽ cần chuẩn bị những gì? Hướng dẫn dạy bé học vẽ đơn giản tại nhà

Hoàng Hà
Hoàng Hà

30/06/20233 phút đọc

Mục lục bài viết

Vẽ tranh là một bộ môn giúp kích thích sự sáng tạo và niềm đam mê nghệ thuật của bé từ nhỏ, cũng như giúp con phát triển cả thể chất và tinh thần của mình. Vậy nên, trong nội dung bài viết sau đây Monkey sẽ hướng dẫn bố mẹ cách dạy bé học vẽ tại nhà đơn giản, để bé thoả sức sáng tạo hơn.

Lợi ích của việc bé học vẽ từ sớm

Học vẽ là bộ môn nghệ thuật mà chắc hẳn bé nào cũng đều yêu thích trong sự thích thú. Ngoài ra, việc cho bé học vẽ từ sớm còn mang đến nhiều lợi ích quá trình phát triển của trẻ như:

  • Tăng cường trí nhớ: Bởi vì thông qua quá trình vẽ, bé sẽ phải nhớ lại ký ức của những sự vật, hiện tượng mới có thể vẽ lại. Đây là một phương pháp giúp con rèn luyện, tăng cường trí nhớ tốt hơn.

  • Nâng cao khả năng quan sát: Khi bé vẽ, các con sẽ phải quan sát kỹ những vật thể muốn vẽ của mình. Thông qua đó giúp con tăng khả năng quan sát cuộc sống bằng cái nhìn đa chiều tốt hơn.

  • Gia tăng trí tưởng tượng, sáng tạo: Khi bé vẽ tranh không chỉ vẽ những gì con quan sát được, thay vào đó bé sẽ tưởng tượng, sáng tạo ra những điều, hiện tượng, sự vật mà bé yêu thích trong bức tranh của mình. Điều này hoàn toàn kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của bé khi còn nhỏ hiệu quả nhất.

  • Dễ dàng bày tỏ cảm xúc của mình: Thông qua hoạt động vẽ tranh sẽ giúp con thể hiện được cảm xúc của mình. Điều này giúp ba mẹ dễ dàng nắm bắt, thấu hiểu được suy nghĩ của con trẻ tốt hơn.

  • Phát triển trí não: Việc dạy bé học vẽ tranh sẽ giúp não bộ hoạt động tốt hơn thông qua việc nhận thức, xác định màu sắc, vị trí không gian, bố cục…

Vẽ là bộ môn giúp kích thích tư duy, sáng tạo của trẻ khá tốt. (ảnh: Sưu tầm internet)

Dạy bé học vẽ cần chuẩn bị những gì?

Để dạy bé học vẽ, phụ huynh cần phải chuẩn bị những yếu tố sau:

Không gian vẽ

Để bé thỏa sức sáng tạo khi học vẽ, bố mẹ nên chuẩn bị một không gian vẽ thoải mái với bàn ghế phù hợp, không dùng những đồ dùng khó giặt tẩy khi bị dính màu sơn. Đồng thời, không nên cho bé nằm giữa nhà để vẽ, vì dễ tạo thói quen không tốt khi con học tập.

Tốt nhất, bố mẹ có thể đăng ký những lớp học vẽ chuyên nghiệp sẽ vừa có môi trường để bé học tập, vừa có bạn bè cùng học và vẽ với nhau sẽ hiệu quả hơn.

Mặc quần áo thoải mái

Khi cho bé học vẽ lâu dài, bố mẹ nên chuẩn bị cho con một chiếc tạp dề học vẽ, hay tận dụng những áo quần cũ để con mặc. Với trang phục này sẽ giúp bé tự do với màu sắc mà không lo sơn, màu bám vào quần áo giặt không ra.

Nên cho bé mặc những trang phục thoải mái khi học vẽ. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Dụng cụ vẽ tranh, tô màu

Để hỗ trợ quá trình học vẽ của bé thuận lợi, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết. Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bạn có thể mua những bộ bút sáp, bút chì màu để con tập vẽ. Với các bé lớn hơn thì có thể dùng tời các loại màu nước, bút lông hay thử sức với tranh sơn dầu.

Bên cạnh đó, nên chuẩn bị giấy vẽ cho bé tập vẽ. Lưu ý, nên chọn các loại giấy vẽ chuyên dụng thay vì cho trẻ vẽ trực tiếp trên sách vở, như vậy sẽ tạo thói quen “bạ đâu vẽ đấy” là không tốt.

Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để hỗ trợ bé học vẽ. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Một số kỹ năng quan trọng khi dạy bé học vẽ

Trước khi hướng dẫn học vẽ cho bé, ba mẹ cần trang bị cho bé những kỹ năng sau đây:

Làm quen với các loại dụng cụ vẽ

Mỗi dụng cụ vẽ như bút màu, bút sáp, bút lông, màu nước,… thường sẽ có những đặc điểm khác nhau về cách sử dụng. Vậy nên, phụ huynh cần giải thích kỹ cho bé từng loại dụng cụ vẽ về công dụng, cách sử dụng chúng như thế nào để phù hợp và an toàn khi dạy bé vẽ.

Kỹ năng cầm bút vẽ

Để học vẽ tranh an toàn và đúng chuẩn, ba mẹ cần dạy bé cách cầm bút khi vẽ sao cho đúng. Điều này sẽ giúp trẻ có tư thế chuẩn khi vẽ, ngồi học an toàn hơn, cũng như không gây ảnh hưởng tới thị lực.

Kỹ năng cầm bút chuẩn khi vẽ như sau:

  • Cầm bút bằng ba ngón: Lần lượt với ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa. Trong đó, ngón cái và ngón trỏ giữa 2 bên thân bút, còn ngón giữa sẽ đỡ lấy phần bút. Lưu ý nhắc bé không nên cầm bút hay sáp màu quá chặt rất dễ gãy.

  • Không nên cầm bút màu dựng đứng 90 độ: Nhiều bé cầm bút màu vẽ thường dựng thẳng đứng là sai. Thay vào đó, chỉ nên nghiêng về phía vai phải một góc khoảng 60 độ như cầm bút viết, đảm bảo cánh tay và lòng bàn tay tạo thành đường thẳng. Đồng thời, khoảng cách giữa những đầu ngón tay với đầu bút màu cách khoảng 2.5cm.

  • Trường hợp bé cầm bút sai: Phát hiện bé cầm bút sai ngay từ đầu ba mẹ nên sửa ngay cho con để tránh tạo thói quen. Bởi vì việc cầm bút sai sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình học vẽ, cũng như khi cầm bút viết bài, làm hại tư thế ngồi viết của trẻ.

Dạy trẻ cách cầm bút đúng khi học vẽ. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Tư thế ngồi đúng khi học vẽ

Khi học vẽ, nên tạo cho bé một cảm giác thoải mái thay vì như bị bắt ép ngồi vào bàn học. Đồng thời, có thể cho trẻ ngồi vẽ ở bất kỳ không gian nào yêu thích như trên bàn, ghế sofa, trên giường… Nhưng cũng nên có một môi trường để con ngồi vẽ, cũng như vui đùa với màu sắc mà không lo ngại tới việc gây bẩn ra giường, chiếu, sàn nhà, tường nhé.

Giúp bé khái niệm cơ bản trong học vẽ

Với những bé học vẽ chuyên nghiệp, ba mẹ nên tìm hiểu kỹ thông tin về các khái niệm, kiến thức cơ bản để truyền lại cho bé như thế nào là gam màu nóng, gam màu lạnh? Sắc độ đậm – nhạt của màu? Trục đối xứng, bố cục, hình khối, độ tương phản là gì?...

Các phương pháp dạy bé học vẽ từ những cái cơ bản nhất

Vẽ là bộ môn phụ thuộc vào đam mê và khả năng của mỗi trẻ. Vậy nên, giai đoạn đầu mới học vẽ, ba mẹ có thể hướng dẫn bé học thông qua những phương pháp sau đây:

Dạy bé vẽ các hình khối, màu sắc

Trong giai đoạn đầu, ba mẹ nên bắt đầu bằng việc dạy bé vẽ những hình khối đơn giản như hình tròn, hình chữ nhật, vuông, tam giác… Khi mới vẽ, chắc chắn con sẽ thường vẽ các nét sẽ bị méo, nguệch ngoạc. Tuy nhiên, nếu được rèn luyện nhiều các nét vẽ của bé sẽ dần hoàn thiện hơn.

Đi cùng với đó, bạn nên hướng dẫn và dạy bé nhận biết được các màu sắc cơ bản, giúp con nhận diện được các màu trong bảng màu cơ bản, phân biệt từng màu sắc.. Khi trẻ đã vẽ thuần thục các hình khối, nhận diện được màu sắc thì sẽ dần phát triển khả năng hội hoạ của mình hơn.

Dạy bé làm quen với những hình khối cơ bản. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Dạy bé vẽ các con vật cơ bản

Phương pháp tiếp theo chính là hướng dẫn con vẽ các con vật đơn giản. Nhưng trước hết, ba mẹ phải cho trẻ nhận biết được từng bộ phận đặc trưng của con vật, sau đó phác thảo chúng thông qua các đường nét hình khối tương ứng. Chẳng hạn vẽ con rùa phần mai sẽ là hình trong, cái cổ dài hình chữ nhật nhỏ, chân hình chữ nhật bẽ….

Trường hợp ba mẹ không có nhiều kinh nghiệm, có thể tham khảo hướng dẫn trên internet để truyền lại cho con dễ hiểu nhất.

Dạy bé học vẽ thông qua những con vật đơn giản. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Phương pháp dạy bé tô màu khi học vẽ

Sau khi đã hiểu và phân biệt được các màu sắc trong bảng màu, ba mẹ có thể hướng dẫn bé tô màu sao cho đúng. Về phương pháp này, ba mẹ nên chọn những loại tranh tô màu với chủ đề mà bé yêu thích, rồi đưa bảng màu cho bé sẽ tô vào những vùng tương ứng.

Đặc biệt, trong quá trình con tô màu, bạn nên quan sát cách bé tô và sự tập trung của trẻ. Khi nhận thấy bé bắt đầu chán hãy khuyến khích, động viên và khen ngợi thành quả của trẻ nhé.

Dạy con cách tô, phối màu trong từng bức tranh. (ảnh: Sưu tầm internet)

Phương pháp tạo nên câu chuyện

Vẽ tranh không đơn thuần là vẽ những gì bé nhìn thấy, thay vào đó con thường sẽ thích sáng tạo ra những câu chuyện của riêng mình thông qua bức tranh. Vậy nên, ba mẹ nên khuyến khích trẻ vẽ những gì mà con yêu thích, vẽ ra câu chuyện, giấc mơ hoặc có thể đóng chúng thành một cuốn sách riêng của mình. Chắc chắn điều này sẽ tạo sự hứng thú cho trẻ khi học vẽ hơn rất nhiều đấy.

Dạy bé vẽ tranh thông qua việc sáng tạo từng câu chuyện. (ảnh: Sưu tầm internet)

Phương pháp quan sát khi dạy bé học vẽ

Trong quá trình dạy trẻ học vẽ, ba mẹ đừng quên nhắc nhở bé quan sát mọi vật xung quanh. Thông qua việc quan sát sẽ giúp trẻ cảm nhận được mọi thứ đa chiều hơn từ đó dễ dàng vẽ lại những gì mà bé nhìn thấy.

Nên đặt ra những câu hỏi cho bức tranh của con

Khi dạy vẽ cho bé, ba mẹ nên đặt ra những câu hỏi mở cho bé, thay vì hỏi những gì mà con tưởng tưởng thì nên hỏi những điều mà con nhìn thấy được. Bên cạnh đó, bạn có thể gợi ý những chủ đề mà bé chưa bao giờ vẽ, hay cho trẻ sáng tạo ra những chủ đề mà con yêu thích để nhận biết được khả năng quan sát cuộc sống, tư duy sáng tạo và nhận biết kỹ năng vẽ của bé như thế nào.

Ba mẹ nên đặt ra những câu hỏi xoay quanh tranh vẽ của bé. (ảnh: Sưu tầm internet)

Xem thêm: Học vẽ tranh 3D: Kỹ thuật và hướng dẫn học chi tiết nhất

Một số thể loại tranh vẽ thường gặp cho bé

Một trong những yếu tố quan trọng khi dạy bé học vẽ chính là giới thiệu về các thể loại tranh thường gặp, để bé có thể chọn được loại mà mình yêu thích. Chẳng hạn như:

  • Vẽ tranh hoạt hình: Thường ba mẹ có thể hướng dẫn bé vẽ minh hoạ truyện tranh, tranh biếm hoạ nhân vật đơn giản, để qua đó giúp bé gia tăng trí tưởng tượng, sáng tạo của mình hơn.

  • Vẽ minh họa: Ở đây, ba mẹ có thể cho con vẽ lại những sự vật, sự việc quen thuộc mà bé nhìn thấy hàng ngày.

  • Vẽ phong cảnh: Bé sẽ tập trung vẽ những gì mà mình nhìn thấy vào bức tranh thiên về các hoạt động, phong cách thiên nhiên để con thỏa sức sáng tạo.

  • Vẽ trừu tượng: Hình thức nghệ thuật này cho phép bé truyền tải những thông điệp của mình bằng ẩn dụ, nó có sức sáng tạo lớn tùy theo cảm nhận của bé mà không bị bó buộc bởi quy tắc nào.

  • Vẽ họa tiết: Đa phần các bé sẽ bắt đầu việc học vẽ theo mẫu hoa văn, hoạ tiết có sẵn để giúp các con thư giãn, sáng tạo hiệu quả.

Có nhiều thể loại tranh vẽ để bé thoả sức sáng tạo. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Một số lưu ý khi dạy bé học vẽ

Để giúp quá trình học vẽ của bé hiệu quả, vui vẻ hơn thì ba mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nên tạo tâm lý thoải mái cho bé khi học vẽ

  • Ba mẹ nên đặt sự kiên nhẫn lên hàng đầu khi con nghịch màu, vẽ lung tung theo sở thích của mình.

  • Hướng dẫn bé học vẽ với những nét đơn giản với tâm lý nhẹ nhàng.

  • Tổ chức nhiều hoạt động cho trẻ vừa học vẽ, vừa vui chơi.

  • Lựa chọn các tranh vẽ tô màu sẵn để con rèn luyện kỹ năng cầm bút, vẽ hình khối, phân biệt màu sắc…

  • Bố mẹ nên đồng hành cùng con trong quá trình học vẽ, dành lời động viên và khen ngợi để con có thêm động lực và sự hứng thú khi học hơn.

  • Nên tham khảo các lớp học, khóa học vẽ được giảng dạy bởi giáo viên sẽ giúp bé được học vẽ một cách bài bản hơn.

Kết luận

Trên đây là những thông tin hướng dẫn dạy bé học vẽ với nhiều phương pháp khác nhau. Hy vọng với những chia sẻ trên bố mẹ và các bé sẽ có những phút giây cùng nhau chơi đùa với màu sắc, cũng như giúp bé phát triển sự sáng tạo của mình tốt nhất nhé.

Hoàng Hà
Hoàng Hà

Mình là Hoàng Hà, chuyên viên content writer tại Monkey. Hy vọng với những nội dung mình mang đến sẽ truyền tải được nhiều giá trị cho bạn đọc.

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!