Rubella là một căn bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm mà mẹ bầu cần lưu ý. Mắc rubella khi mang thai sẽ khiến thai nhi có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Mẹ bầu hãy tham khảo những chia sẻ trong bài viết này để biết cách điều trị bệnh.
Rubella là bệnh gì?
Rubella là một căn bệnh sốt phát ban lành tính. Đối với người bình thường, bệnh không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh rubella khi mang thai lại rất nghiêm trọng đối với bà bầu và thai nhi. Thai nhi có khả năng bị dị tật bẩm sinh do bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con thông qua đường máu. Mỗi năm, có khoảng 700.000 trẻ em trên thế giới chết vì bị rubella bẩm sinh.
Virus rubella là tác nhân gây bệnh và con người là ổ chứa duy nhất. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 14 đến 21 ngày, trung bình là 18 ngày. Rubella lây truyền qua đường hô hấp, khi mẹ bầu hít phải dịch tiết mũi họng từ bệnh nhân bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc mẹ tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của người bệnh. Trong môi trường sống khép kín, đa phần những người cảm nhiễm đều có thể nhiễm virus.
Dấu hiệu của bệnh rubella khi mang thai
Rubella có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em nhưng mẹ bầu bị nhiễm rubella khi mang thai thì đặc biệt nguy hiểm. Thời gian ủ bệnh trong 2 tuần. Khi phát bệnh, mẹ bầu có dấu hiệu sốt phát ban, sốt nhẹ, mệt mỏi, sưng hạch, nhức đầu. Các nốt phát ban sẽ lặn từ 1 đến 7 ngày.
Ở thai phụ, bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng nhưng hết sức nguy hiểm với thai nhi. Bệnh rubella có dấu hiệu tiêu biểu là phát ban nhưng lại biểu hiện không rõ ràng trên mẹ bầu. Triệu chứng rubella khi mang thai phát triển theo nhiều giai đoạn khác nhau bao gồm:
Thời kỳ ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh rubella thai kỳ là 16 đến 18 ngày, có thể dao động trong 14 - 23 ngày, từ khi tiếp xúc đến lúc sốt thường là 10 ngày. Trong thời gian này, mẹ bầu đã nhiễm virus nhưng chưa có dấu hiệu bệnh.
Vào thời kỳ khởi phát khi mẹ mang thai bị nhiễm rubella, mẹ sẽ phát ban từ 1 đến 7 ngày, bị đau đầu, mệt mỏi, sốt, sưng hạch, viêm kết mạc nhẹ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể mắc một số triệu chứng nhẹ về hô hấp hoặc không có.
Thời kỳ toàn phát
Bệnh rubella ở phụ nữ mang thai sẽ gây nổi ban với các đặc điểm: Ban nổi trên trán, mặt rồi lan xuống lưng và các chi. Ban màu sáng, dạng dát sẩn nhỏ, có thể mọc thành quầng đỏ, rộng. Nốt ban tồn tại từ 1 đến 5 ngày nhưng đa phần là 3 ngày.
Các khớp cổ tay, ngón tay, khớp gối bị sưng đau, đặc biệt rõ rệt trong giai đoạn phát ban.
Thời kỳ lui bệnh
Triệu chứng của rubella khi mang thai kéo dài từ 3 đến 4 ngày rồi tự hết. Tuy vậy, chứng đau các khớp có thể kéo dài từ 1 đến 14 ngày sau khi các biểu hiện khác của bệnh biến mất.
Mắc Rubella khi đang mang thai có nguy hiểm không?
Nhiều mẹ bầu bị rubella khi mang thai nhưng chỉ có biểu hiện sốt nhẹ lâm sàng hoặc không có biểu hiện gì thường có tâm lý chủ quan, bỏ qua bệnh. Tuy nhiên, nếu như biết được đáp án của thắc mắc “Mẹ bị rubella khi mang thai có nguy hiểm không?” thì bạn chắc chắn sẽ bất ngờ.
Đối với mẹ
Vào thời gian đầu mẹ bầu mang thai, nhất là vào 3 tháng đầu thai kỳ thì các biến chứng của bệnh rubella rất nguy hiểm. Bệnh có thể khiến mẹ bị sảy thai. Nguy cơ mẹ sinh ra bé mắc rubella bẩm sinh từ 70 đến 90%.
Đối với thai nhi
Mẹ bầu bị nhiễm rubella khi mang thai có nguy cơ khiến thai nhi bị mắc hội chứng rubella bẩm sinh rất cao. Do đó, nếu mẹ mang thai bị nhiễm rubella trong tam cá nguyệt thứ nhất thì bác sĩ sẽ tư vấn đình chỉ thai kỳ.
Nguy cơ và độ trầm trọng của dị tật tùy thuộc tuổi thai lúc bị nhiễm virus:
-
90% trẻ bị dị tật nếu mẹ bị nhiễm khi thai dưới 12 tuần.
-
30 - 40% trẻ bị dị tật nếu mẹ nhiễm ở tuổi thai 13 - 14 tuần.
-
20% trẻ bị dị tật nếu mẹ nhiễm ở tuổi thai 15 - 16 tuần.
-
10% trẻ bị dị tật nếu mẹ nhiễm ở tuổi thai 17 - 20 tuần.
-
Rất hiếm gặp dị tật nếu mẹ bị mắc bệnh sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ.
Dị tật bẩm sinh trên thai nhi bị rubella thường không thể khắc phục hoặc chỉ có thể khắc phục một phần cho dù mẹ đã phát hiện bệnh sớm từ các tháng đầu thai kỳ. Nếu mẹ bị rubella khi mang thai vào những tháng giữa thì bác sĩ cần chẩn đoán, kiểm tra thêm nhằm xác nhận dị tật, khả năng phục hồi, khả năng sống của trẻ để quyết định nên giữ hay bỏ thai.
Các đường lây truyền
Vào 1 tuần trước khi phát ban và lúc phát ban là thời gian thuận lợi nhất để virus rubella lây lan trong cộng đồng. Bệnh bùng phát nhanh qua đường hô hấp với một số cách lây truyền sau:
-
Lây truyền khi bệnh nhân hắt hơi, ho, khạc nhổ: Các giọt chứa virus rubella sẽ được giải phóng khi người mang virus rubella ho hoặc hắt hơi. Nếu người xung quanh hít phải virus thì sẽ bị lây bệnh dễ dàng.
-
Lây truyền từ mẹ sang con qua đường máu: Khi thai nhi nhiễm virus có thể bị gián đoạn hoặc rối loạn phát triển. Thai nhi có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như tổn thương tim, bại não, mù mắt…
-
Trong dịch tiết hầu họng của bé bị nhiễm rubella bẩm sinh: Trẻ sơ sinh nhiễm virus sẽ đào thải nhiều virus trong nước tiểu và dịch tiết hầu họng. Đây là nguồn truyền nhiễm cho người xung quanh hoặc tiếp xúc với nơi chứa nguồn bệnh.
Điều trị rubella ở người có thai như thế nào?
Mẹ bị rubella khi mang thai cần làm gì? Khi mẹ bầu mắc bệnh sẽ có triệu chứng bị sốt, mệt mỏi. Mẹ cần điều trị những biểu hiện này như hạ nhiệt, giảm đau. Ngoài ra, mẹ bầu cần tránh gió, giữ ấm, kiêng nước trong thời gian bị phát ban để tránh bội nhiễm và viêm đường hô hấp. Thai phụ cũng cần chú ý xây dựng chế độ dinh dưỡng với đầy đủ chất, ăn thêm trái cây và rau xanh nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Xem thêm: Sâu răng khi mang thai có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Lưu ý khi người mang thai mắc rubella
Khi mẹ mang thai bị nhiễm rubella thì nguy cơ thai nhi bị rubella bẩm sinh rất cao. Bác sĩ sẽ tư vấn đình chỉ thai kỳ khi mẹ bị nhiễm trong 3 tháng đầu. Ở những mẹ bị tái nhiễm rubella khi mang thai, tức là trước đó đã từng nhiễm bệnh hoặc trước khi mang thai đã từng tiêm phòng thì không lo bệnh ảnh hưởng đến thai nhi.
Khi mẹ bầu xét nghiệm dương tính với virus rubella, mẹ hãy bình tĩnh. Không phải bất kỳ trường hợp nào mang thai cũng cần phải bỏ thai. Mẹ hãy thăm khám để nhận đầy đủ tư vấn từ bác sĩ. Đây là điều quan trọng và hết sức cần thiết để chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ lẫn con.
Phòng, tránh bệnh rubella khi mang thai
Nhiễm rubella khi mang thai là một điều hết sức nguy hiểm. Cách tốt nhất là mẹ hãy thực hiện tốt cách phòng bệnh rubella khi mang thai bao gồm:
Tiêm phòng rubella
Cách tốt nhất để phòng tránh mang thai bị rubella hữu hiệu chính là đi tiêm phòng vaccine cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sau khi tiêm phòng, mẹ cần áp dụng các biện pháp tránh thai trong liên tục 3 tháng, gồm 1 tháng trước tiêm và 2 tháng sau tiêm.
Xét nghiệm bệnh rubella
Xét nghiệm bệnh rubella sẽ được thực hiện với những mẹ bầu chưa từng mắc bệnh và chưa được tiêm ngừa vaccine phòng rubella. Thời gian tốt nhất để mẹ tiến hành xét nghiệm rubella là vào 7 đến 10 tuần của thai kỳ. Khi nhai nhi được hơn 16 tuần tuổi, mẹ bầu không nên làm xét nghiệm. Nguyên nhân là giai đoạn này sẽ khó giải thích kết quả, thai nhi cũng đã lớn nên sẽ khó giải quyết. Mẹ bầu tốt nhất vẫn nên tiêm ngừa vaccine phòng chống rubella trước khi mang thai.
Trong thai kỳ, mẹ bầu bị nhiễm rubella sẽ ảnh hưởng nhiều đến thai nhi. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp mẹ có thêm nhiều kiến thức hữu ích về bệnh rubella khi mang thai. Thai phụ cần thường xuyên đi khám, kiểm tra sức khỏe để sớm phát hiện bệnh và dị tật nhằm điều trị kịp thời.