Những thay đổi ở cơ thể mẹ bầu tuần 9 giúp bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi tiếp tục phát triển. Đây cũng là giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên nên người mẹ không được chủ quan, nhất là khi nhận thấy mình có những dấu hiệu bất thường.
Thai nhi 9 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Ở tuần 9, thai nhi tiếp tục quá trình phát triển với những đặc điểm như:
-
Cân nặng khoảng 9g và chiều dài từ đỉnh đầu đến mông đạt khoảng 2,5 đến 3cm.
-
Bắt đầu quá trình hoá xương, hệ xương cũng bắt đầu cứng cáp hơn.
-
Ngón chân, ngón tay, khuỷu tay, đầu gối bắt đầu phát triển.
-
Các nang lông, núm vú cũng dần được hình thành.
-
Đường ruột tiếp tục dài ra, các cơ quan như tuyến tụy, ống mật, túi mật và cả 4 ngăn tim đã được hình thành.
-
Bắt đầu hình thành các cơ quan của hệ thống sinh sản.
-
Hệ cơ đã dần được hình thành và có thể có những cử động nhẹ nhàng.
-
Chóp mũi đã hình thành nhưng còn nhỏ xíu, mẹ có thể thấy được thông qua phim chụp.
-
Bắt đầu hình thành mí mắt, tuy nhiên chỉ có thể nhìn được rõ điều này trong vài tuần tới.
Sự thay đổi trên cơ thể bà bầu 9 tuần
Cơ thể mẹ bầu tuần 9 cũng bắt đầu có sự thay đổi rõ hơn so với tuần trước đó.
-
Tử cung: Tiếp tục có sự thay đổi, phát triển to dần lên để sau này có thể đón thai nhi di chuyển dần xuống.
-
Tâm trạng: Ổn định hơn so với trước đó khi mẹ đã dần quen với việc mình đang mang bầu. Tuy nhiên có thể có sự thay đổi cảm xúc thất thường. Đôi khi phấn chấn, vui khi mang bầu nhưng cũng có thể bất chợt lo lắng, rầu rĩ.
-
Chảy máu âm đạo: Đây là một triệu chứng bất thường mà phụ nữ mang thai có thể gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ. Chảy máu âm đạo là dấu hiệu cho thấy thai có thể đang ở ngoài tử cung hoặc là cảnh báo nguy cơ sảy thai. Nếu bạn có biểu hiện này, tốt nhất hãy chủ động thăm khám để tránh tình huống xấu xảy ra.
-
Lượng máu: Lượng máu trong cơ thể thai phụ tiếp tục tăng. Đây là điều cần thiết để bảo vệ thai nhi trong bụng khi người mẹ đứng lên hoặc ngồi xuống. Đồng thời bảo vệ thai phụ tránh bị mất máu trong quá trình chuyển dạ và sinh nở.
-
Mạch máu: Hệ thống mạch máu tăng đảm bảo cung cấp đủ máu cho thai nhi. Bạn có thể nhận thấy điều này thông qua những mạch máu nổi rõ ở tay, chân.
-
Ngực: Mẹ bầu có thể nhận thấy ngực của mình ngày càng đầy đặn hơn. Đây là quá trình chuẩn bị cho việc tiết sữa nuôi con sau này.
-
Núm vú: Không còn là màu hồng nhạt mà chuyển dần sang màu sậm hơn.
-
Vòng eo: Có thể nhận thấy rõ thông qua kích thước vòng eo ngày càng lớn. Đây cũng là giai đoạn mà người mẹ bắt đầu tăng cân.
-
Hormon: Nồng độ hormone tăng lên đến mức tối đa dưới tác động của quá trình mang thai.
-
Thường xuyên đi tiểu: Kích thước thai nhi ngày càng lớn thì bàng quang sẽ càng bị chèn ép nhiều hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến cho bà bầu buồn tiểu và đi tiểu nhiều hơn.
-
Tóc: Dày và đẹp hơn, không còn rụng nhiều như trước.
-
Móng tay: Có thể dài nhanh hơn trước do các hormone trong thời kỳ mang thai tăng mạnh.
-
Làn da: Không còn tình trạng nổi mụn nhiều như các tuần trước đó. Tuy nhiên chị em nên chú ý dùng những loại sữa rửa mặt nhẹ nhàng, uống nhiều nước và ăn nhiều rau, trái cây tươi.
Một số triệu chứng mẹ có thể gặp
Bên cạnh những thay đổi về cơ thể, phụ nữ mang bầu tuần 9 còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như:
Mệt mỏi nhiều hơn trước
Nguyên nhân là bởi ở giai đoạn này cơ thể mẹ đang nỗ lực để hình thành nhau thai cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều sức lực.
Ngoài ra tốc độ chuyển hóa và lượng hormone ở giai đoạn này cũng rất cao. Điều này khiến cho người mang bầu bị tụt huyết áp và giảm đường huyết, dẫn đến cảm giác mệt mỏi càng trở nên trầm trọng hơn. Tình trạng này có thể giảm đi sau khi nhau thai được hình thành một cách hoàn thiện.
Buồn nôn và nôn nhiều hơn
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi của nội tiết tố tuyến sinh dục người mẹ. Cơ thể thai phụ sản xuất lượng lớn hormone progesterone khiến các cơ của hệ tiêu hóa giãn ra. Thức ăn bên trong dạ dày sẽ bị đẩy lên thực quản và gây nên cảm giác buồn nôn.
Vùng ngực căng, đau
Trong quá trình mang thai ngực người mẹ sẽ to dần lên và có cảm giác đau, khó chịu, bởi lẽ lúc này cơ thể đang trong quá trình giúp bầu ngực tạo ra sữa cho em bé sau này. Cảm giác này sẽ giảm dần đi sau thai kỳ và ngực cũng sẽ dần trở lại bình thường sau khi sinh.
Thèm ăn một số đồ nhất định
Theo thống kê từ một số nghiên cứu, khoảng 80% phụ nữ mang thai có cảm giác thèm ăn và có thể ăn mãi một món. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là sự tăng nhanh của hormone estrogen và progesterone. Hai loại hormone này có ảnh hưởng đến não khiến cho khẩu bị tăng lên và sinh ra cảm giác thèm ăn dữ dội.
Khứu giác nhạy cảm hơn
Khi mang thai khứu giác trở nên nhạy cảm hơn là do nội tiết tố trong cơ thể thai phụ thay đổi. Lượng estrogen tăng đột biến khiến cho mẹ bầu có thể dễ dàng ngửi thấy những mùi mà bình thường không nhận thấy được.
Chuột rút và đau ở bắp chân
Bà bầu bị chuột rút và có cảm giác đau ở bắp chân có thể là do:
-
Thai nhi ngày càng lớn, trọng lượng cơ thể người mẹ cũng tăng dần lên gây áp lực đến các cơ bắp chân.
-
Tử cung người mẹ ngày càng lớn dần nên chèn ép lên các mạch máu, các dây thần kinh.
-
Cơ thể mẹ bầu bị thiếu nước hoặc bị rối loạn điện giải.
-
Người mẹ không được cung cấp đầy đủ canxi, thiếu hụt canxi gây các cơn co cứng, chuột rút, đau ở bắp chân.
Một số triệu chứng khác
Bên cạnh đó mẹ bầu tuần 9 có thể gặp thêm những triệu chứng như:
-
Việc bổ sung các loại vitamin có kim loại nặng như sắt, kẽm có thể khiến cho miệng luôn có cảm giác có vi kim loại rất khó chịu,
-
Thường xuyên có những cơn đau đầu.
-
Âm đạo có một lượng nhỏ dịch trắng đục.
-
Hay bị đầy hơi và có cảm giác chướng bụng.
Xem thêm: Mẹ bầu 8 tuần cần lưu ý những gì?
Những lưu ý dành riêng cho phụ nữ mang thai 9 tuần
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh những biến chứng không hay xảy ra, mẹ bầu tuần 9 cần nắm chắc những lưu ý sau đây:
Các xét nghiệm cần làm
Mẹ bầu tuần 9 cần thường xuyên thăm khám kiểm tra theo lịch hẹn của bác sĩ để nắm được quá trình phát triển của em bé trong bụng. Đồng thời phát hiện được sớm những bất thường, xử lý kịp thời nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra. Thông thường sẽ bao gồm những xét nghiệm cần làm sau:
-
Siêu âm: Để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi. Phát hiện những bất thường như chảy máu âm đạo, các yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Đồng thời kiểm tra được sức khỏe buồng trứng, nhau thai, tử cung và tình trạng nước ối.
-
Xét nghiệm dịch âm đạo: Thực hiện khi có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo như: Khí hư có màu sắc lạ, có mùi hôi, tanh khó chịu. Vùng kín ngứa ngáy, chảy máu âm đạo bất thường.
-
Thực hiện Double test, Triple Test hoặc NIPT: Nhằm tầm soát dị tật thai nhi. Khi phát hiện có dị tật bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra các phương pháp can thiệp kịp thời.
Chế độ dinh dưỡng
Mẹ bầu tuần 9 cần chú ý:
-
Bổ sung đầy đủ axit folic cho cơ thể với liều lượng 1.000mcg/ngày.
-
Mỗi ngày cần nạp khoảng 800mg canxi cho cơ thể.
-
Mỗi ngày cần cung cấp khoảng 61g protein cho cơ thể. Các thực phẩm có nhiều protein mà mẹ bầu nên ăn như thịt nạc, đậu phụ, trứng, hải sản.
-
Nên nạp hoảng 46.5 - 58.5g chất béo cho cơ thể từ các thực phẩm như bơ, các loại hạt hay dầu ô liu.
-
Cung cấp cho cơ thể khoảng 28g chất xơ có nhiều trong các loại rau xanh và trái cây như lê, dâu tây, táo, mâm xôi…
Ngoài ra phụ nữ mang thai còn cần tránh một số loại thực phẩm có hại như:
-
Đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, đồ uống có cồn như rượu, bia.
-
Các loại nước giải khát có ga cũng không tốt cho sức khỏe bà bầu.
-
Tuyệt đối tránh xa khói thuốc lá.
-
Không ăn nhiều các loại bánh ngọt, thực phẩm có chất béo vì dễ khiến cho mẹ bầu tăng cân quá mức.
-
Không nên ăn các món tái, chưa nấu chín kỹ, các loại thịt nguội.
Chế độ vận động
Mẹ bầu tuần 9 nên tập những bài thể dục nhẹ nhàng vừa có lợi cho sức khỏe, vừa tốt cho sự phát triển của thai nhi.
-
Một vài động tác aerobic nhẹ nhàng giúp thai phụ thư giãn, thoải mái tinh thần, ngủ ngon giấc.
-
Bơi lội giúp cho cơ thể tăng sức bền, hỗ trợ chuyển dạ nhanh hơn và giúp làm giảm biến chứng sau sinh.
-
Đi bộ giúp tăng cường hoạt động cho tim, phổi, không làm đau đầu gối hay mắt cá chân bà bầu.
-
Yoga với những động tác phù hợp giúp làm dẻo dai các khớp, giúp cơ thể săn chắc hơn, tinh thần minh mẫn, thư thái hơn.
Vận động nhẹ nhàng sẽ tốt cho sức khỏe mẹ bầu cũng như em bé trong bụng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn tốt nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi lựa chọn môn tập. Tập với cường độ và thời gian phù hợp, không tập quá sức.
Trên đây là những thông tin về sự thay đổi ở mẹ bầu tuần 9 mà bạn cần nắm được. Hy vọng đã giúp chị em có thêm được nhiều thông tin hữu ích.
9 Weeks Pregnant - Truy cập ngày 4/06/2022
https://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-9.aspx
You and your baby at 9 weeks pregnant - Truy cập ngày 4/06/2022
https://www.nhs.uk/pregnancy/week-by-week/1-to-12/9-weeks/
9 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and More - Truy cập ngày 4/06/2022
https://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-symptoms-week-9