zalo
Tất tần tật những thông tin quan trọng bà bầu tháng cuối cần ghi nhớ
Thai kỳ

Tất tần tật những thông tin quan trọng bà bầu tháng cuối cần ghi nhớ

Đào Nhàn
Đào Nhàn

19/08/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Thời gian gần cuối thai kỳ là giai đoạn nước rút quan trọng cho cả mẹ bầu và em bé. Chính vì vậy, mẹ bầu cần trang bị một số kiến thức thai kỳ cơ bản để đảm bảo mẹ tròn con vuông sau khi sinh. Trong bài viết này, Monkey sẽ chia sẻ những thông tin quan trọng mà bà bầu tháng cuối cần biết.

Sự phát triển của thai nhi và những thay đổi ở bà bầu tháng thứ cuối

Tháng cuối là giai đoạn mẹ bầu chuẩn bị đón con chào đời. Đây cũng là tháng mà sức khỏe của mẹ và bé có nhiều sự thay đổi đáng chú ý. Vì vậy, việc theo dõi tình hình sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi sát sao là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo quá trình vượt cạn thành công.

Sức khỏe bà bầu tháng thứ 9 thay đổi như thế nào?

Sức khỏe bà bầu tháng thứ 9. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tháng cuối là thời điểm thách thức nhất trong suốt 40 tuần thai. Bà bầu tháng cuối sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe dưới đây.

Khó ngủ trong tháng cuối thai kỳ

Việc mẹ bầu thường xuyên mất ngủ hoặc cảm thấy khó ngủ trong tháng cuối thai kỳ là hiện tượng khá phổ biến. Nguyên nhân của việc này chủ yếu là do những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể, ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa người mẹ. Từ đó gây chứng ợ hơi, táo bón, đầy bụng dẫn đến chứng mất ngủ.

Bà bầu tháng thứ 9 thường xuyên dễ mất ngủ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài ra, bà bầu tháng cuối có thể mất ngủ vì một số nguyên nhân khác như vị trí ngủ không thoải mái, chuột rút, đi tiểu liên tục…

Để khắc phục chứng mất ngủ, các chị em có thể kê gối cao đầu giúp hạn chế sự khó chịu do hệ tiêu hóa gây ra khi ngủ. Ngoài ra, chị em có thể thử đọc sách, vận động nhẹ nhàng, ngâm chân nước ấm để ngủ ngon và hạn chế chuột rút.

Khó thở nhiều hơn trong tháng thứ 9

Trong tháng cuối thai kỳ, phụ nữ mang thai sẽ thường cảm thấy khó thở hơn trước. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là do sự gia tăng horm

one, đặc biệt là progesterone kích thích đến phổi và trung tâm hô hấp ở não. Khi đó, thai phụ sẽ cảm thấy hơi thở nặng nề và gấp gáp hơn.

Bà bầu thường thấy khó thở hơn trong tháng cuối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài ra, tình trạng này còn do việc tử cung mở rộng sẽ chèn ép và làm cơ hoành bị hạn chế hoạt động gây ra sự khó thở cho thai phụ.

Đi lại khó khăn hơn trong tháng cuối thai kỳ

Kích thước bụng của bà bầu tháng cuối ngày càng lớn làm tăng áp lực lên đôi chân. Thậm chí, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, đôi chân bị phù nề, bụng bầu to khiến chị em dễ mất thăng bằng hoặc rất khó khăn để di chuyển.

Bên cạnh đó, khi thai nhi càng phát triển là lúc chứng đau nhức ở cơ thể mẹ càng gia tăng. Sức khỏe bà bầu tháng thứ 9 thường bị ảnh hưởng với những cơn đau ở vùng mông và háng, lưng và ngực khiến cho việc đi lại càng thêm khó khăn.

Việc đi lại trở nên khó khăn hơn trong tháng cuối thai kỳ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để giảm bớt tình trạng phù nề, thai phụ có thể mặc trang phục thoải mái kết hợp massage chân nhẹ nhàng và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng. Tập thể dục nhẹ nhàng và nghỉ ngơi thường xuyên cũng là cách hữu hiệu giúp mẹ bầu đỡ đau hơn trong tháng thứ 9.

Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 9

Tháng thứ 9 sẽ là tháng mà thai nhi lớn nhanh như thổi. Vì vậy, sự phát triển và trọng lượng thai nhi thế nào là cân đối là điều mà bà bầu tháng cuối cần biết.

Càng gần ngày lâm bồn, trọng lượng của bé càng tăng nhanh. Các cơ quan cũng dần hoàn thiện, đặc biệt là não thai nhi có thể đạt tới 25% trọng lượng não của người trưởng thành.

Thai nhi tháng thứ 9 phát triển rất nhanh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Cụ thể, ở tuần thứ 33, các giác quan của bé đã có thể hoạt động. Não bé cũng đang phát triển nhanh chóng. Lúc này, cân nặng của bé xấp xỉ 1,9 kg hoặc nặng hơn, chiều cao của bé khoảng 43 cm.

Sang tuần thứ 34, thai nhi đã phát triển khá lớn trong tử cung, dẫn tới không còn chỗ để quẫy đạp. Vì vậy nếu các mẹ thấy em bé không còn đạp nhiều như trước thì cũng đừng quá lo lắng nhé. Tuy nhiên, bà bầu tháng cuối cũng nên quan sát kỹ và thông báo cho bác sĩ nếu thấy bất thường nào khác ở bé để được can thiệp kịp thời.

Tới tuần thứ 35, trong khi hệ thần kinh trung ương đang được hoàn thiện thì phổi của bé đã sẵn sàng cho quá trình hít thở không khí. Một số bé đã có thể chào đời vào thời điểm này và hoàn toàn khỏe mạnh.

Tuần thứ 36 là các bé đã dài khoảng 50cm, nặng từ 3 đến 3,5 kg hoặc hơn. Các cơ quan của bé đã được phát triển toàn diện. Bà bầu tháng thứ 9 hãy luôn sẵn sàng đón em bé chào đời bất cứ lúc nào.

Tuần 37 đến 40, một số bé đã ra đời sớm từ tuần trước còn số khác lại chưa muốn ra. Nếu cận ngày sinh mà các bé chưa ra thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc nên sinh nở tự nhiên hay cần mổ đẻ nhé!

Những điều quan trọng bà bầu tháng thứ 9 cần biết

Càng về tháng cuối, trọng lượng của bé càng tăng nhanh làm tăng áp lực tĩnh mạch khiến quá trình lưu thông máu ở mẹ bầu chậm lại. Sức khỏe bà bầu tháng 9 sẽ bị ảnh hưởng như cảm thấy mệt mỏi, cơ thể lúc nào cũng ê ẩm và đi lại khó khăn. Vì vậy, đây chính là giai đoạn quan trọng cần tăng cường chất dinh dưỡng để cơ thể mẹ và bé khỏe mạnh.

Xem thêm:

Chế độ dinh dưỡng khoa học dành cho bà bầu tháng 9

Bà bầu tháng thứ 9 cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Một chế độ dinh dưỡng khoa học cho bà bầu tháng cuối phải đáp ứng các tiêu chí lành mạnh, cung cấp tốt năng lượng cho mẹ và bé. Đồng thời, chế độ này cần đảm bảo thúc đẩy sự phát triển của thai nhi và giảm các biến chứng thai kỳ.

Bà bầu tháng cuối nên ăn gì?

Vậy bà bầu tháng cuối nên ăn gì? Dưới đây là những loại thực phẩm mẹ bầu nên bổ sung:

  • Thực phẩm giàu chất sắt: Lòng đỏ trứng, thịt gà, thịt bò, các loại cá, rau dền, nho khô là những thực phẩm cung cấp chất sắt rất tốt cho thai phụ.

  • Thực phẩm giàu chất xơ: Các loại rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, rong biển…

  • Thực phẩm chứa vitamin A: Rau cải bó xôi, gấc, cà rốt, khoai lang…

  • Thực phẩm chứa vitamin C: Cam, chanh, đu đủ, dâu tây, cà chua… là những thực phẩm giàu vitamin C rất tốt cho sức khỏe bà bầu tháng cuối.

  • Thực phẩm giàu axit folic: Cải bó xôi, rau dền, các loại đậu và hạt.

  • Thực phẩm giàu canxi: Các loại đậu, sữa, súp lơ xanh, yến mạch, các loại hạt như hạnh nhân, hạt mè…

Bà bầu tháng cuối cần chú ý lựa chọn thực phẩm sao cho sạch và an toàn, đảm bảo rau củ không qua phun thuốc trừ sâu. Tháng cuối thai kỳ là lúc bé sẽ phát triển rất nhanh. Vì vậy, mẹ bầu cần bổ sung nhiều hơn từ 200 đến 300 calories so với bình thường để đảm bảo dinh dưỡng cho bé.

Bà bầu tháng cuối không nên ăn gì?

Ngoài việc thiết lập chế độ ăn khoa học và đầy đủ dinh dưỡng, các chị em cũng cần lưu ý tránh sử dụng một số thực phẩm dưới đây:

  • Thực phẩm nhiều chất béo: Các thực phẩm qua chiên rán, chứa nhiều mỡ động vật, thực phẩm chiên qua dầu dùng nhiều lần…

  • Nội tạng động vật: Đặc biệt là gan động vật.

  • Các loại hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao: Cá ngừ, cá kình, cá mập, cá kiếm, cá thu, cá nhám…

  • Sữa chưa qua tiệt trùng.

  • Các món ăn mặn, chua.

  • Đồ ăn chưa chín kỹ.

  • Đồ uống chứa cồn/ga/chất kích thích.

Chế độ sinh hoạt khoa học bà bầu tháng thứ 9 cần tuân thủ

Vậy bà bầu tháng cuối nên làm gì để chuẩn bị một sức khỏe thật tốt trước khi sinh con? Đó là cần đảm bảo chế độ sinh hoạt khoa học, vận động kết hợp ngủ nghỉ đúng và đủ.

Chế độ ngủ, nghỉ

Mẹ bầu nên có chế độ ngủ nghỉ thích hợp trong tháng cuối thai kỳ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Mẹ bầu nên dành khoảng 7-9 tiếng cho giấc ngủ ban đêm và một giấc ngủ trưa ngắn để đảm bảo sức khỏe của bản thân và sự phát triển khỏe mạnh cho con.

Tuy nhiên, tháng cuối cùng thường các chị em sẽ rất dễ bị mất ngủ và khó ngủ nhất trong suốt giai đoạn thai kỳ. Vì vậy, các mẹ có thể thử những cách sau để có một giấc ngủ ngon hơn:

  • Ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ.

  • Sử dụng 1 chiếc gối ôm.

  • Massage cơ thể, đặc biệt là phần chân.

  • Nghe nhạc thư giãn hoặc đọc sách.

Chế độ vận động

Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng trong tháng cuối thai kỳ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bà bầu tháng 9 có thể đi bộ nhẹ nhàng khoảng 20 phút mỗi ngày. Mẹ bầu nên duy trì việc vận động ở những nơi thoáng mát, có nhiều cây xanh, không khí trong lành. Tuyệt đối tránh việc vận động quá sức, đặc biệt là các hoạt động nặng gây ép bụng vì sẽ làm ảnh hưởng tới thai nhi.

Vệ sinh cá nhân

Chị em cần chú ý tắm rửa và thay quần áo hàng ngày. Nhà tắm nên kín gió tránh việc bị cảm lạnh. Ngoài ra, mẹ bầu chú ý dùng vòi hoa sen hoặc gáo gội rửa sạch bên ngoài vùng kín, không xịt trực tiếp vòi nước hoặc đưa ngón tay vào bên trong.

Mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng trong tháng cuối thai kỳ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Một điều cần lưu ý nữa là chị em cần dùng khăn mềm và ấm để lau ngực mỗi ngày. Trong khi vệ sinh vùng ngực, thao tác cần phải nhẹ nhàng, tránh kích thích đầu vú. Vì dưới đầu vú được kết nối với vùng tử cung nên khi chịu kích thích mạnh có thể dọa sinh non gây ảnh hưởng sức khỏe cả mẹ và bé.

Bà bầu tháng cuối có nên quan hệ tình dục

Theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe sinh sản, thời điểm tháng cuối thai kỳ, việc kiêng quan hệ tình dục sẽ là tốt nhất. Bởi nếu tư thế không phù hợp trong quá trình “yêu” sẽ có thể gây co thắt tử cung, ảnh hưởng lượng huyết dịch được cung cấp cho thai nhi, dễ dẫn tới sinh non.

Mặc dù vậy nhưng vợ chồng hoàn toàn có thể hâm nóng tình cảm bằng những cử chỉ vuốt ve, âu yếm nhẹ nhàng. 

Tất nhiên nếu muốn, vợ chồng vẫn có thể “chăn gối” nhẹ nhàng và đảm bảo tư thế phù hợp, tuyệt đối không đè áp lên bụng bầu. Cường độ “yêu” cần giảm tối đa, mỗi tuần chỉ nên “yêu” 1-2 lần để đảm bảo sức khỏe mẹ bầu ổn định.

Tư thế nằm ngủ tốt nhất cho sức khỏe bà bầu tháng thứ 9

Bụng bầu ngày càng lớn khiến bà bầu tháng cuối khó khăn hơn khi nằm. Vì vậy, chị em hãy chọn tư thế nằm nghiêng, chân hơi co để giảm căng cơ và tránh phần bụng đè lên mạch máu chính. 

Tư thế nằm ngủ của mẹ bầu tháng cuối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Về việc nằm nghiêng bên nào tốt hơn thì các mẹ có thể yên tâm là bên nào cũng được miễn cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải ưu tiên bên trái hơn bởi việc thường xuyên nằm nghiêng bên phải có thể khiến mạch máu bị kéo dãn, ảnh hưởng đến việc cung cấp oxi cho em bé.

Khi nằm nghiêng, chị em có thể kê gối nhỏ hoặc chăn mỏng để kê phần bụng. Tuyệt đối tránh nằm nghiêng co lưng như lưng tôm.

Khi nào bà bầu tháng cuối cần đi khám ngay

Tháng cuối là lúc sức khỏe mẹ bầu cần được theo dõi sát sao nhất vì em bé có thể chào đời bất cứ lúc nào. Bà bầu tháng cuối cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ để đảm bảo cuộc vượt cạn được diễn ra suôn sẻ.

Lịch khám thai

Mẹ bầu nên đi khám thai thường xuyên vào tháng cuối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Lịch khám thai tháng cuối thai kỳ sẽ dày hơn để bác sĩ theo dõi sự phát triển của thai nhi. Tháng thứ 9, mẹ bầu cần đi khám 2 tuần 1 lần định kỳ và khám thêm một lần cuối trước khi sinh.

Trong những lần khám thai tháng cuối, thai phụ sẽ biết ngôi thai thuận không, thai nhi có khả năng lọt qua khung xương chậu người mẹ không, lượng nước ối ra sao, bánh nhau phát triển thế nào… Từ đó, bác sĩ sẽ tiên lượng cuộc sinh này là sinh thường hay phải mổ, thời gian nhập viện và địa điểm sinh nở.

Một số dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần lưu ý

Những dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần lưu ý. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Dấu hiệu chuyển dạ thường xuất hiện vào khoảng tuần thứ 40 của thai kỳ. Trong một số trường hợp, dấu hiệu này có thể xuất hiện sớm hơn. Dưới đây là những dấu hiệu bà bầu tháng cuối cần lưu ý.

  • Cơn co thắt xuất hiện nhiều: Các cơn co thắt xuất hiện nhiều và liên tục (10-15 phút một lần) là dấu hiệu cho thấy thai phụ sắp chuyển dạ. Một số người còn có chứng chuột rút, ra máu…

  • Cảm giác thai “tụt” xuống: Đây được gọi là tình trạng sa bụng, thường diễn ra 2-4 tuần trước khi chuyển dạ thật.

  • Ra máu, tăng tiết dịch âm đạo: Dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn, từ loãng và quánh trở nên dày hơn và có thể lẫn máu đỏ. Nếu dịch âm đạo có màu đỏ nhiều hơn chất màu trắng, mẹ bầu nên nhập viện sớm. Bởi nếu dấu hiệu ra máu xuất hiện thì cơn chuyển dạ sẽ tới sớm nhất trong vòng từ 3-4 ngày.

  • Vỡ nước ối: Thường thì tử cung sẽ có thắt trước, sau đó nước ối mới vỡ. Tuy nhiên vẫn có trường hợp nước ối vỡ bất ngờ. Đây là dấu hiệu của việc chuyển dạ, vì vậy bạn cần đến bệnh viện ngay nếu gặp dấu hiệu này.

Trên đây là bài viết về những thông tin quan trọng bà bầu tháng cuối cần nhớ. Mong rằng, thông qua bài viết này, Monkey đã giúp bạn nắm rõ hơn về những kiến thức thai kỳ trong tháng cuối để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn thành công.

What to Expect at 9 Months Pregnant - Ngày truy cập: 18/08/2022

https://www.healthline.com/health/pregnancy/9-months-pregnant

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey