zalo
Bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì? Top 15 điều thai phụ cần lưu ý
Thai kỳ

Bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì? Top 15 điều thai phụ cần lưu ý

Đào Nhàn
Đào Nhàn

18/08/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Bước vào tháng thứ 8 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ khá bận rộn với việc chuẩn bị đồ đạc cho con yêu. Thế nhưng cũng đừng vì vậy mà quên một điều quan trọng rằng:  bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì để mẹ và bé đảm bảo sức khỏe “vượt cạn”? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 15 điều mẹ bầu cần tránh.

Kiêng ăn các loại thực phẩm gây hại cho mẹ và thai nhi

Theo các chuyên gia, chế độ ăn của người mẹ sẽ quyết định đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, việc mẹ bầu ăn uống đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cả thể chất và trí não của thai nhi phát triển. Ngược lại, việc mẹ bầu ăn uống những thực phẩm không tốt có thể gây hại tới thai nhi.

Bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, để đảm bảo cho bé luôn phát triển khỏe mạnh, bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì? Cùng theo dõi những thực phẩm cần tránh dưới đây.

Thực phẩm nhiều chất béo

Mẹ bầu tháng thứ 8 không nên ăn thực phẩm quá nhiều chất béo. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Những thực phẩm chứa nhiều chất béo như mỡ động vật hay các món chiên rán sẽ rất dễ bị biến đổi chất. Đặc biệt là mỡ rán đi rán lại nhiều lần có khi còn gây nguy cơ ung thư cho những người khỏe mạnh. Vì vậy, khi đang mang thai, mẹ bầu nên kiêng những thực phẩm nhiều chất béo.

Nội tạng động vật

Những nội tạng động vật như gan, phổi… thì mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn. Gan động vật chứa lượng vitamin A rất lớn, nếu mẹ bầu ăn nhiều sẽ rất dễ gây dị tật bẩm sinh cho con. Một số dị tật do hấp thụ nhiều vitamin A có thể gặp phải đó là hở môi, hở hàm ếch, dị dạng tai mắt. Vậy nên, các mẹ lưu ý hạn chế ăn nội tạng động vật trong thai kỳ nhé.

Hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao

Mặc dù hải sản là thực phẩm tốt và nhiều dinh dưỡng, thế nhưng không phải loại nào cũng tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Lý do là  hàm lượng thủy ngân khá cao trong một số loại hải sản có thể gây tổn hại đến hệ thần kinh của thai nhi.

Bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng các loại hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Một số loại hải sản chứa hàm lượng thủy ngân cao mẹ bầu cần tránh là cá ngừ, cá kình, cá kiếm, cá thu, cá mập, cá nhám… Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên hạn chế ăn các loại sò, ốc, hàu vì chúng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh từ thủy sản hải.

Sữa chưa tiệt trùng

Mặc dù canxi rất cần thiết cho cơ thể mẹ bầu nhưng không uống sữa chưa qua tiệt trùng lại là câu trả lời cho câu hỏi bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì. 

Các loại sữa tươi chưa tiệt trùng rất dễ chứa các vi khuẩn listeria. Loại vi khuẩn này có thể gây ra bệnh tật, sảy thai hay thậm chí là đe dọa tới tính mạng của mẹ bầu và thai nhi. Vì vậy, chị em không nên uống các loại sữa tươi chưa qua tiệt trùng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con nhé.

Xem thêm:

Các món ăn mặn

Các món ăn có vị mặn là do chứa nhiều lượng muối natri clorua. Việc tích trữ nhiều muối natri clorua trong cơ thể sẽ khiến lượng nước trong cơ thể mất cân bằng. Khi cơ thể tích nước và muối rất dễ gây tình trạng phù nề, tăng huyết áp cho mẹ bầu hay thậm chí là gây nhiễm độc thai nghén.

Ăn mặn có thể gây nhiễm độc thai nghén. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Hơn thế nữa, mẹ bầu ăn mặn cũng gây ảnh hưởng không tốt đến thận của thai nhi. Vì các cơ quan như thận và hệ tiêu hóa của bé đang hình thành nên việc tích trữ nhiều muối rất dễ khiến thận em bé bị tổn thương.

Các món ăn chua

Nhiều chị em khi mang thai rất mê đồ ăn chua. Tuy nhiên, ăn nhiều đồ chua rất dễ gây ra hiện tượng táo bón, thai nhi sau khi sinh rất dễ mắc bệnh mẩn ngứa. Vậy nên, mẹ bầu phải hạn chế tuyệt đối các món ăn chua trong những tháng cuối thai kỳ này nhé.

Đồ ăn tái/sống

Bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng đồ ăn tái sống (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ có thai khi ăn đồ ăn tái hoặc sống sẽ có nguy cơ mắc bệnh listeriosis và toxoplasmosis. Đây là những bệnh có thể gây sảy thai hoặc khiến thai nhi bị dị tật sau sinh. Vì vậy, mẹ bầu cần phải kiêng các món sống hoặc chưa chín hẳn để cả mẹ và bé có một sức khỏe tốt nhất nhé.

Đồ uống có cồn/ga/chất kích thích

Các loại đồ uống có chất kích thích như trà, cà phê hay nước uống có ga… là những tác nhân gây mất ngủ và những hệ lụy nghiêm trọng khác cho cơ thể mẹ và bé. Rượu bia có thể truyền từ mẹ tới thai nhi thông qua nhau thai và dây rốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.

Kiêng tập luyện các môn thể thao mạnh

Phụ nữ tập luyện thể thao nhẹ nhàng trong khi mang thai sẽ giúp tinh thần và sức khỏe ổn định, thai nhi phát triển tốt và quá trình sinh đẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu các chị em tập luyện không đúng cách thì rất dễ gây ra nguy hiểm đến sức khỏe cả mẹ và bé.

Bà bầu tháng thứ 8 cần tránh tập luyện thể thao với cường độ mạnh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bà bầu tập luyện các môn thể thao mạnh, mức cân nặng lớn ở thai kỳ tháng thứ 8 là nguyên nhân khiến cho mồ hôi đổ nhiều, nhiệt độ cơ thể tăng lên. Điều này dễ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.

Đối với những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, nếu tập luyện với cường độ quá lớn sẽ có thể gây áp lực lên xương chậu và bụng của mẹ bầu. Từ đó dễ gây ra nguy cơ sinh non hoặc sảy thai.

Vì vậy, các chị em khi mang thai tuyệt đối không tập luyện các môn thể thao mạnh như tập tạ hay tập luyện một mình với cường độ cao.

Kiêng đi giày, dép cao gót

Đối với câu hỏi bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì thì tránh đi giày, dép cao gót là một trong những câu trả lời quan trọng nhất. Khi mang thai, cân nặng của chị em sẽ tăng cao khiến trọng tâm cơ thể thay đổi. Việc đi giày, dép cao gót dễ khiến mẹ bầu đau lưng, chuột rút và phù nề nặng hơn.

Bà bầu cần tránh đi giày dép cao gót. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Đặc biệt, với thiết kế của đôi giày cao gót, các mẹ bầu rất dễ bị ngã và gây nguy hiểm cho sự an toàn của cả mẹ và bé, thậm chí là ảnh hưởng cả tính mạng.

Không tự ý sử dụng thuốc

Trong suốt thời kỳ mang thai, các mẹ bầu tuyệt đối phải cẩn thận và không được tự ý sử dụng thuốc nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc có những thành phần gây hại cho thai nhi như cản trở sự phát triển cân nặng và trí não của bé hoặc gây ra dị tật bẩm sinh. 

Bà bầu cần hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, để đảm bảo em bé được khỏe mạnh, chị em hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nhé!

Không xông hơi hoặc tắm nước quá nóng

Xông hơi hoặc tắm nước quá nóng sẽ có thể gây hại cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Nguyên nhân nhiệt độ quá cao dễ gây tình trạng tụt huyết áp cho thai phụ, nguy cơ ngã quỵ gây chấn thương, sảy thai, sinh non hoặc gây dị tật bẩm sinh. Vì vậy, mẹ bầu chú ý tắm với nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.

Không đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ

Mẹ bầu tháng thứ 8 không nên ngồi một chỗ quá lâu. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì? Câu trả lời là cần kiêng việc đứng, ngồi quá lâu một chỗ. Bởi đứng ngồi quá lâu một chỗ khi mang thai rất dễ gây ra vấn đề về tĩnh mạch như phù chân. Nếu không được kiểm soát, phù chân có thể gây ra nguy hiểm cho thai phụ như tiền sản giật hay tụ máu…

Không tự lái xe đường xa

Ở tháng thứ 8 thai kỳ, bụng mẹ bầu có kích thước rất lớn. Do đó, việc giữ thăng bằng  và xử lý nhanh khi gặp sự cố đối với mẹ bầu rất khó khăn.

Bà bầu không nên tự lái xe đường xa. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Hơn nữa, khi mang thai, mẹ bầu dễ bị chóng mặt, mệt mỏi. Nếu thai phụ đang lái xe mà gặp tình trạng này thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, các mẹ cần lưu ý luôn đi cùng người thân và hạn chế đi đường xa.

Không mang vác đồ nặng

Mẹ bầu cần tránh mang vác vật nặng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Càng về những tháng cuối thai kỳ, các mẹ bầu càng phải cẩn thận hơn để quá trình sinh nở của mình được thuận lợi. Việc mang vác đồ nặng rất dễ khiến chị em mất sức, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi hoặc thậm chí là ảnh hưởng tính mạng cả hai mẹ con. 

  • Ảnh hưởng đến thai nhi: Việc mẹ bầu mang vác đồ nặng dễ khiến cơ thể mệt mỏi, thai nhi có thể bị nhẹ cân làm chậm quá trình phát triển. Ngoài ra, em bé thiếu cân khi sinh có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh tim, phổi và tiêu hóa.

  • Gây nguy cơ sinh non hoặc sảy thai: Phụ nữ mang thai vác đồ nặng dễ khiến máu đông bị phá vỡ gây hiện tượng xuất huyết. Nghiêm trọng hơn là việc này có thể dẫn tới nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc sảy thai.

  • Dễ ngã: Mẹ bầu tháng thứ 8 thường có phần bụng khá lớn. Vì vậy, mang vác đồ nặng dễ khiến mẹ bầu mất thăng bằng và ngã. Điều này gây ra những hậu quả nặng nề như việc chuyển dạ sớm hoặc tách nhau thai.

  • Đau lưng: Mang vác đồ nặng còn có thể gây đau lưng với người bình thường, vậy nên mẹ bầu sẽ rất dễ bị ảnh hưởng cột sống. Thậm chí cơn đau lưng có thể kéo dài suốt thai kỳ và cả sau khi sinh.

Không leo trèo, lên xuống cầu thang nhiều hoặc với tay lên cao

Mẹ bầu tháng thứ 8 có trọng lượng cơ thể rất lớn khiến đôi chân phải chịu một lực lớn. Việc leo trèo cầu thang sẽ khiến mẹ bầu dễ đau chân, mệt mỏi, mất thăng bằng và bị ngã. Điều này rất nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của mẹ và con.

Mẹ bầu tháng thứ 8 không nên leo cầu thang. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bà bầu mang thai tháng thứ 8 nhón chân sẽ khiến thân thể dùng gấp đôi sức lực để giữ thăng bằng, gây áp lực lớn lên cơ thể. Mẹ bầu khi cố gắng với tay lên cao dễ gặp trường hợp đồ đạc rơi xuống người. Trường hợp đồ nặng có thể gây nguy hiểm làm tổn thương mẹ và thai nhi.

Tránh nóng giận, bực tức

Bà bầu tháng thứ 8 nên kiêng gì? Câu trả lời là cần kiêng sự nóng giận và bực tức. Việc thay đổi nội tiết tố khi mang thai cộng thêm cảm giác lo lắng, sợ hãi khiến cho mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn bình thường. 

Nóng giận bực tức có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý, thai nhi có thể trải nghiệm được cảm xúc của người mẹ. Nóng giận khi mang thai có thể gây ra tình trạng sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc ảnh hưởng đến tính cách của em bé như dễ mắc chứng hiếu động.

Vì vậy, nếu chị em cảm thấy sợ hãi và thường tức giận, hãy thử chia sẻ với những người thân xung quanh hoặc tìm đến chuyên gia tâm lý nhé!

Không xem phim, đọc sách báo có nội dung rùng rợn, giật gân

Những bộ phim hay sách báo có nội dung rùng rợn thường gây ra những căng thẳng cho thai phụ. Điều này dễ dẫn tới những thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. 

Trong một số trường hợp khác, căng thẳng quá mức khiến máu lưu thông chậm, tim đập nhanh. Khi đó,  lượng máu và oxy cung cấp cho bé gặp cản trở dẫn tới sảy thai hoặc sinh non.

Không nằm ngửa

Nằm ngửa có thể gây tác hại xấu đến thai nhi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi mang thai đến tháng thứ 8, bụng bầu đã trở nên rất lớn. Nếu nằm ngửa sẽ làm áp lực xuống phía sau tử cung tăng lên, gây chèn ép thai nhi và cản trở lưu thông máu. Bà bầu ngủ thường xuyên trong tư thế này dễ gây khó thở, thậm chí khiến thai chết lưu.

Mặt khác, điều này còn làm cản trở quá trình đào thải chất độc, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì vậy, để tránh những ảnh hưởng xấu cho mẹ và bé, mẹ bầu nên áp dụng tư thế nằm đúng khi ngủ.

Kiêng hành động kích thích đầu vú

Ngực bà bầu những tháng cuối thai kỳ thường căng to hơn, nhũ hoa sẽ có dây thần kinh nối với tử cung. Vì vậy, việc kích thích đầu vú hay xoa nắn ngực sẽ khiến tử cung mẹ bầu co thắt.

Mẹ bầu tháng thứ 8 không nên kích thích đầu vú. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi đó sẽ làm tăng các cơn gò cứng, ra máu, gây nguy cơ động thai và sinh non. Vì vậy, nếu hỏi bà bầu tháng 8 nên kiêng gì thì đây là hành động cần đặc biệt phải kiêng.

Kiêng quan hệ tình dục nhiều

Các mẹ bầu trong giai đoạn cuối thai kỳ cần lưu ý về tần suất và thời gian quan hệ phù hợp. Quan hệ nhiều dễ gây co bóp tử cung và xung huyết, thậm chí dẫn đến sảy thai. Vì vậy, mẹ bầu tháng không nên quan hệ quá lâu hoặc nhiều lần tránh mệt mỏi và ảnh hưởng tới thai nhi. 

Mẹ bầu tháng thứ 8 không nên quan hệ tình dục nhiều. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Đặc biệt với những thai phụ có tiền sử sảy thai hoặc sinh non thì nên kiêng hẳn việc quan hệ tình dục đến thời điểm sinh con.

Tránh tiếp xúc gần gũi với động vật

Ở các động vật có những loại vi khuẩn và mầm bệnh khó lường. Ví dụ như trong chất thải của mèo chứa ký sinh trùng toxoplasmosis có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nếu mẹ bầu tiếp xúc và bị nhiễm vi khuẩn hay mầm bệnh này sẽ rất dễ gây hại tới bản thân và cả thai nhi.

Vi khuẩn ở động vật có thể gây hại cho thai nhi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, vật nuôi trong nhà thường được tiêm chủng định kỳ và vệ sinh sạch sẽ. Vì vậy nếu thú cưng có sức khỏe tốt và được tiêm phòng đầy đủ thì chúng hoàn toàn có thể vui vẻ loanh quanh trong nhà.

Nếu bạn là một người yêu thú cưng thì hãy nhờ người thân chăm sóc chúng trong khoảng thời gian này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và thai nhi nhé!

Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc bà bầu tháng 8 nên kiêng gì? Hy vọng, thông qua bài viết này, Monkey đã giúp bạn nắm rõ hơn những kiến thức thai kỳ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.

11 Things to Avoid During Pregnancy - What Not to Do - Ngày truy cập: 18/08/2022

https://www.healthline.com/health/pregnancy/things-not-to-do-while-pregnant

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey