zalo
Mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý
Thai kỳ

Mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý

Thúy Anh
Thúy Anh

15/06/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Sữa non là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh. Thai phụ cần biết mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non để có cách chăm sóc tốt nhất nguồn sữa này. 

Sữa non là gì?

Khi mang thai, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, trong đó có xuất hiện sữa non để chuẩn bị cho bữa ăn đầu tiên của em bé. Sữa non là loại sữa đầu tiên mà cơ thể mẹ bầu tạo ra để chuẩn bị sẵn sàng cho bé bú ngay sau khi sinh. Nếu thai phụ tiết sữa non khi mang bầu là bình thường và không có gì phải lo ngại.

Sữa non dù không nhiều nhưng rất quý. Nó được các chuyên gia trong giới y học mệnh danh là vàng lỏng vì có giá trị dinh dưỡng vô cùng dồi dào và là kháng thể tự nhiên rất tốt cho trẻ sơ sinh. 

 Sữa non là gì? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Đặc điểm và giá trị dinh dưỡng của sữa non

Sữa non có những đặc điểm khác biệt và giá trị dinh dưỡng nhiều hơn so với sữa mẹ thông thường. Cụ thể:

Đặc điểm

Sữa non có những đặc điểm sau: 

  • Màu sữa sẽ phụ thuộc vào cơ địa của từng người nhưng thường sẽ là trắng đục, cam, vàng hoặc vàng nhạt, đôi khi lại trong suốt, có thể có màu đỏ, hồng, nâu nếu bị máu trong ống dẫn sữa rỉ vào.

  • Có dạng đặc hơn sữa mẹ và hơi dính.

  • Vị mặn và hơi ngọt, cảm giác ngầy ngậy.

  • Khối lượng rất ít.

  • Chỉ tồn tại trong vòng 72 giờ đầu sau khi mẹ sinh.

Giá trị dinh dưỡng

Sữa non rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu chứng minh rằng, nó có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 10 lần so với sữa chuyển tiếp - xuất hiện 6 đến 10 ngày sau sinh và sữa sữa vĩnh viễn - xuất hiện ngày 11 trở đi sau sinh. 

Những giá trị dinh dưỡng sữa non mang lại cho em bé bao gồm:

  • Chứa các tế bào sống vốn là kháng sinh tự nhiên tốt nhất, có khả năng kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể tự nhiên, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các tác nhân gây bệnh.

  • Chứa nhiều kháng thể – Protein miễn dịch trong cơ thể chống lại vi khuẩn, vi rút khi cơ thể bị nhiễm. 

  • Nhóm chất ganglioside giúp cho não bộ của trẻ phát triển tốt.

  • Chứa hàm lượng protein cao hơn, ít chất béo và đường hơn so với sữa mẹ nên dễ hấp thụ và tiêu hóa.

  • Có tác dụng nhuận tràng, kích thích cơ thể bài tiết phân su giúp đào thải bilirubin dư thừa vốn là nguyên nhân các loại bệnh như vàng da, mẫn cảm và dị ứng.

  • Hàm lượng cao immunoglobulin A giúp chống lại viêm nhiễm và bảo vệ hệ thống đường ruột.

  • Có các khoáng chất, bạch cầu, enzyme, amino acid và vitamin A, E,K…

Giá trị dinh dưỡng của sữa non. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Dấu hiệu nhận biết bà bầu có sữa non

Để biết được mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non cần căn cứ vào các dấu hiệu sau:

  • Núm vú có những đốm trắng nhỏ li ti, trông giống như mụn.

  • Ngực bị căng cứng và đau, gần giống hiện tượng căng sữa sau sinh.

  • Cơ thể cảm giác không thoải mái, khó chịu.

  • Tuyến vú cần phát triển nhiều hơn nên sẽ thấy da bầu ngực nổi rõ các mạch máu xanh, đỏ.

  • Tiết ra một ít sữa khi núm vú bị kích thích. 

  • Có thể sẽ bị rò rỉ sữa non từ ngực với những giọt nước nhỏ hơi đục trắng hoặc có màu vàng nhạt trên núm vú khiến áo ngực có vết ố vàng.

Dấu hiệu nhận biết bà bầu có sữa non. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tại sao khi mang thai lại tiết sữa non?

Phụ nữ khi có thai sẽ chịu ảnh hưởng của rất nhiều nội tiết tố khác nhau. Trong đó, estrogen có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển của các tế bào tuyến vú; prolactin kích thích nở ngực và sản xuất ra sữa, nhất là sau sinh; progesteron có tác dụng trong việc hình thành và tăng trưởng của các tế bào tạo ra sữa trong các tuyến vú.

Mẹ đang mang thai có sữa non là do hormone prolactin bắt đầu hoạt động, thường là trong tam cá nguyệt thứ ba. Tuy nhiên, khi mẹ bầu chưa sinh, nội tiết tố estrogen và progesterone luôn có nồng độ cao hơn prolactin, giúp kiểm soát quá trình tạo sữa non nên sữa không tiết ra nhiều.

Sữa non có thể tiết ra một ít khi nồng độ prolactin cao hơn một chút so với estrogen và progesterone. Càng gần ngày sinh, sữa non tiết ra càng nhiều. Sau sinh, prolactin chiếm ưu thế giúp ngực mẹ tiết ra lượng sữa đều đặn và nhiều hơn khi mang thai.

Như vậy, chính sự phối hợp hoạt động của các nội tiết tố trên, nhất là prolactin là yếu tố quyết định mẹ bầu bao nhiêu tuần thì có sữa non.

 Tại sao khi mang thai lại tiết sữa non? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Mẹ bầu bao nhiêu tuần thì có sữa non?

Tùy vào cơ địa và thể trạng của từng thai phụ mà thời gian xuất hiện sữa non sẽ khác nhau. Thông thường, sữa non được hình thành khi mẹ bầu mang thai từ tháng thứ 7 trở đi, tức là khoảng 24 đến 28 tuần và chỉ xuất hiện nhiều trong 48 giờ đầu sau khi sinh con.

Nếu chị em mang thai ở tháng thứ 7 mà chưa có sữa non thì cũng đừng lo lắng quá. Bởi có mẹ xuất hiện sữa non sớm ở tháng thứ 4, 5, 6 của thai kỳ và có trường hợp không có sữa non khi mang thai, chỉ đến khi chuyển dạ và bé chào đời được 1 – 2 ngày thì sữa non mới về.

Vì vậy, nếu bạn đang băn khoăn mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non thì không cần quá lo lắng. Sớm muộn gì thai phụ cũng có vì điều này đã được cơ thể phụ nữ lập trình sẵn để thực hiện thiên chức làm mẹ.

Bà bầu có sữa non không phải là dấu hiệu của việc sinh non nếu không có dấu hiệu gì bất thường kèm theo. Đây chỉ là hiện tượng bình thường khi mẹ mang thai. Nhưng sau khi có sữa non, thai phụ cần để ý những biểu hiện của cơ thể để đối phó với trường hợp không hay có thể xảy ra. 

 Mẹ bầu bao nhiêu tuần thì có sữa non? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Mẹ bầu tiết sữa non cần làm gì?

Phụ nữ có bầu xuất hiện sữa non thường sẽ không ảnh hưởng gì đến mẹ. Tuy nhiên, nếu sữa non rỉ với lượng hơi nhiều sẽ khiến chị em cảm thấy không thoải mái.

Tốt nhất là mẹ đừng nên lo lắng về hiện tượng sữa non xuất hiện. Hãy tập trung vào việc chăm sóc vùng ngực đúng cách để cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn và đảm bảo nguồn sữa luôn tốt. 

Đối vối với vấn đề sữa non trong thai kỳ, chị em ngoài việc cần biết mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non, còn phải nắm rõ cách chăm sóc bầu ngực được tốt sau khi có sữa. Sau đây là những lời khuyên cho phụ nữ mang thai:

  • Tác động nhẹ lên bầu ngực để giúp sữa ngưng chảy bằng cách khoanh tay hoặc tỳ cẳng tay lên đầu ngực.

  • Không nên nặn sữa non vì có thể khiến bầu ngực bị kích thích, gây sinh non hoặc nhiễm trùng, viêm vú.

  • Chọn áo ngực làm bằng chất liệu cotton để đem đến sự thoải mái, kích thước cần phù hợp với vòng một của mẹ, tránh mặc áo ngực size nhỏ sẽ chèn ép khiến bầu ngực bị kích thích.

  • Dùng miếng lót thấm sữa đặt vào phía trong áo ngực để giúp thấm hút sữa non rò rỉ, nên thường xuyên thay miếng lót để vùng ngực luôn sạch.

  • Dùng khăn mềm thấm nước ấm để vệ sinh ngực, không nên dùng xà phòng và các mỹ phẩm để tránh bị kích ứng gây đau rát.

  • Chọn trang phục phù hợp với váy áo có nhiều họa tiết để che giấu trong trường hợp sữa chảy nhiều, thấm ra ngoài.

  • Lúc mới sinh, trong vòng 48 giờ sữa non về nhiều khiến bầu ngực sưng đau và cứng, hãy lấy tay mát xa vú và vắt một ít sữa cho vào bình, khi cho con bú thì lấy khăn lạnh áp vú để giảm đi sự khó chịu, có thể sử dụng dụng cụ vắt sữa hoặc áo ngực hỗ trợ.

Mẹ bầu tiết sữa non cần làm gì? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Xem thêm: Mẹ bầu bao nhiêu tuần thì sinh con an toàn, khỏe mạnh? 

Những dấu hiệu bất thường của sữa non mẹ chớ chủ quan

Sữa non xuất hiện khi mẹ mang thai trong những trường hợp sau đây là dấu hiệu cảnh báo sự bất thường không thể chủ quan:

  • Có sớm vào tháng thứ 4, 5, 6 của thai kỳ và tiết ra nhiều: Thai có thể bị chết lưu, cần được phát hiện sớm và lấy thai nhi ra, tránh ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ.

  • Có sớm kèm chảy máu ở âm đạo và đau bụng dữ dội, kéo dài: Dấu hiệu cho thấy thai nhi đang gặp vấn đề về nhau thai và sự phát triển.

  • Có màu trong suốt, hoặc trong như nước: Có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể mẹ đang bị thiếu chất. 

  • Có lẫn máu và kèm theo đầu ngực bị đau nhức: Có thể bị viêm nhiễm.

Những dấu hiệu bất thường của sữa non. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tốt nhất, thai phụ phải đi khám bác sĩ ngay nếu có những dấu hiệu bất thường trên để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Hiện tượng tiết sữa non khi mang thai là rất bình thường, nhưng có thể khiến mẹ hơi bối rối. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp chị em giải đáp được mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non. Chúc mẹ có thai kỳ thật khỏe mạnh!

Collecting colostrum and how to express - Truy cập ngày 10/06/2022

http://west-sussex-family-assist.custhelp.com/app/answers/detail/a_id/47/~/collecting-colostrum-and-how-to-express

Colostrum (Leaking Breasts) During Pregnancy - Truy cập ngày 10/06/2022

https://www.whattoexpect.com/pregnancy/symptoms-and-solutions/leaking-colostrum.aspx

Thúy Anh
Thúy Anh

Với kinh nghiệm 3 năm viết bài đa lĩnh vực và thực hành nuôi dạy con thông qua ứng dụng Monkey hàng ngày. Tôi mong muốn chia sẻ những kiến thức dạy trẻ tốt nhất cho các phụ huynh đang đọc bài viết của mình

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey