Mẹ bầu bao nhiêu tuần thì sinh còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thai phụ cũng cần nắm được các dấu hiệu chuyển dạ để phòng tránh nguy cơ sinh non hoặc sinh quá muộn.
Cách tính tuổi thai chính xác nhất
Cách tính tuổi thai chính xác nhất là theo tuần. Các bác sĩ sẽ lấy ngày đầu tiên trong chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của thai phụ để làm mốc thời gian tính tuần thứ nhất, bởi hiện tại chưa có phương pháp nào xác định được chính xác thời điểm thụ thai.
Như vậy, tuần mang thai đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Các tuần sau cứ lần lượt cộng thêm vào 7 ngày. Cùng với ngày kinh cuối cùng, bác sĩ kết hợp với siêu âm và khám sức khỏe để dự tính trước ngày sinh của người có thai.
Mẹ bầu bao nhiêu tuần thì sinh con đủ tháng?
Với câu hỏi mẹ bầu bao nhiêu tuần thì sinh mới đủ tháng thì câu trả lời là 40 tuần tuổi, nhưng em bé cũng có thể chào đời sớm hoặc muộn hơn. Số liệu thực tế ghi nhận như sau:
-
57,5% trẻ sinh từ tuần 39 đến 41.
-
26% trẻ sinh từ tuần 37 đến 38.
-
6,5% trẻ sinh ở tuần 41 hoặc muộn hơn.
Thực ra, không có con số tuyệt đối chính xác cho việc mẹ bầu mang thai bao nhiêu tuần thì sinh mới an toàn. Thế nhưng, theo các bác sĩ chuyên khoa sản, thời điểm lý tưởng nhất là khi thai được 39 đến 41 tuần, vì sinh trong thời gian này trẻ và mẹ sẽ ít có biến chứng nhất.
Về việc em bé sinh có đủ tháng hay không, bác sĩ sẽ dựa vào số tuổi thai lúc con chào đời và phân chia ra như sau:
-
Trẻ sinh non: Sinh ra khi chưa được 37 tuần thai.
-
Trẻ sinh sớm: Sinh ra trong khoảng từ 37 đến 38 tuần.
-
Trẻ sinh đủ tháng: Sinh ra trong khoảng từ 39 đến 40 tuần.
-
Trẻ sinh cuối thời hạn: Sinh ra lúc 41 tuần.
-
Trẻ sinh già tháng: Sinh ra từ 42 tuần trở lên.
Như vậy, em bé sinh trong khoảng từ 37 đến 42 tuần thì thai phụ hoàn toàn có thể yên tâm bởi thai nhi đã trưởng thành và có khả năng phát triển khỏe mạnh khi chào đời. Có những bé chào đời sớm hơn ngày dự sinh 7 đến 10 ngày vẫn xem là đủ tháng và không có biến chứng.
Mẹ bầu bao nhiêu tuần thì sinh không chỉ dựa vào tuổi thai mà còn phụ thuộc vào các yếu tố như sức khỏe thai, tâm lý và cơ địa của mẹ bầu… Vì vậy mẹ không nên lo lắng nếu sinh muộn 1-2 tuần so với ngày dự sinh.
Tốt nhất, thai phụ nên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sự phát triển của em bé trong từng giai đoạn thai kỳ. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy tuổi thai và thời điểm dự sinh trùng khớp với sự tăng kích thước của bụng bầu thì bé đang phát triển bình thường và sẽ chào đời trong, hoặc quanh thời điểm dự sinh vài ba ngày.
Thời điểm sinh với từng thai phụ
Việc mẹ bầu thường sinh ở tuần bao nhiêu có thể phụ thuộc vào số lần mang thai cũng như số lượng thai nhi.
Đối với phụ nữ mang thai lần đầu
Thường phụ nữ mang thai lần đầu sẽ lâm bồn sớm hơn ngày dự sinh từ 1 đến 2 tuần, tức là khoảng từ tuần 37 đến 39. Mẹ bầu mang thai lần đầu hãy chuẩn bị trước đồ sinh để chủ động khi có dấu hiệu chuyển dạ sớm hơn dự kiến.
Đối với phụ nữ mang thai lần 2
Bà bầu mang thai lần 2 trở đi sẽ có nhiều khác biệt hơn so với lần đầu. Thống kê cho thấy, thời điểm mẹ chuyển dạ có thể nằm trong khoảng từ tuần 37 đến 42 nhưng đa phần là từ 39 đến 41 tuần, muộn hơn so với lần sinh thứ nhất.
Đối với phụ nữ mang song thai
Mẹ mang song thai phần lớn sẽ không sinh con đủ tháng. Theo thống kê, chỉ có một nửa số ca trong trường hợp này có thai kỳ kéo dài hơn 37 tuần còn hầu hết sẽ sinh ở tuần 36 đến 37. Tuy nhiên, nếu mẹ và bé có dấu hiệu bất ổn, bác sĩ thường chỉ định sinh mổ sớm, ngay cả khi thai nhi mới được 34 tuần.
Sự phân chia việc mẹ bầu thường sinh ở tuần bao nhiêu như trên chỉ mang tính chất tương đối. Thời gian sinh không đồng đều ở mọi thai phụ bời nó còn phụ thuộc vào tình trạng thai, sức khỏe và tâm lý của người mang thai, sự kích thích từ môi trường bên ngoài…
Điều đó có nghĩa là, nếu sức khỏe của bà bầu và bé ổn định, con vẫn sẽ chào đời khi đủ 9 tháng 10 ngày dù mang thai lần đầu; Nếu mẹ đã có tiền sử sinh non ở lần sinh nở trước thì khả năng cao sẽ sinh sớm ở lần có thai sau. Tốt nhất, thai phụ đừng chủ quan, thăm khám đúng lịch và phải theo dõi kỹ các dấu hiệu chuyển dạ.
Những ai có nguy cơ sinh non?
Có 3 nhóm phụ nữ có nguy cơ sinh non trong thai kỳ mà mẹ cần phải biết:
-
Nhóm nguy cơ do thai như song thai và đa thai, thai quá lớn, nước ối quá nhiều... làm tử cung căng to quá mức dễ dẫn tới chuyển dạ sớm.
-
Nhóm nguy cơ do mẹ gồm tử cung bất thường như u xơ và hở eo, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường..., nhẹ cân hoặc thừa cân, bị sốt cao khiến nhiễm trùng toàn thân hoặc phẫu thuật vùng bụng khi đang mang bầu…
-
Nguy cơ do thói quen bao gồm không khám thai đều đặn, sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia… hoặc dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ…
Sinh quá sớm hoặc quá muộn có nguy hiểm không?
Việc sinh non hoặc sinh già tháng đều khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng về sức khỏe. Cụ thể:
Sinh quá sớm
Trẻ sinh quá sớm đồng nghĩa với sinh non, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện sẽ khiến cơ thể con có thể gặp phải những tình trạng sau:
-
Rối loạn hô hấp do thiếu hụt chất surfactant khiến cho các phế nang không dãn nở tốt dẫn đến tím tái, khó thở.
-
Dễ bị vàng da hơn do chức năng gan chưa hoàn thiện, có thể gây độc thần kinh khiến tử vong hoặc mang di chứng suốt đời.
-
Chức năng miễn dịch chưa đầy đủ nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm ruột, viêm phổi, nhiễm trùng huyết,…
-
Bị số bệnh lý như thiếu hụt yếu tố đông máu, rối loạn chuyển hóa, xơ võng mạc,…
-
Xuất huyết phổi hoặc não.
-
Thấp bé và nhẹ cân, chậm phát triển.
-
Thị giác và thính giác có vấn đề như tầm nhìn bị hạn chế, hay nheo mắt, dễ bị kích thích bởi tiếng ồn, bị khiếm thính…
-
Khó cho bú như ngậm không tốt, không thể phối hợp bú và nuốt.
-
Bị tình trạng hạ thân nhiệt hoặc hạ đường huyết.
Sinh quá muộn
Trong trường hợp này, mẹ sẽ phải sử dụng các biện pháp giục sinh. Nếu vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai. Sinh mổ khiến mẹ bầu phải chịu các biến chứng như chảy máu sau sinh, tổn thương khung chậu, tăng thời gian nằm viện, nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết sau sinh cũng cao hơn.
Bé sinh già tháng rất dễ bị các tình trạng như ngạt, sặc nước ối do có lẫn phân su, lượng nước ối không đủ, dây rốn bị chèn ép khiến con không nhận đủ oxy dẫn đến suy thai, nhiễm trùng ối... Đây là những nguyên nhân có thể khiến trẻ sơ sinh tử vong. Trẻ sinh càng muộn thì nguy cơ tử vong càng cao so với sinh đủ tháng.
Xem thêm: Cân nặng của mẹ bầu theo tuần thay đổi như thế nào là đạt chuẩn WHO?
Dấu hiệu chuyển dạ mẹ cần biết
Thai phụ không nên chỉ quan tâm đến mẹ bầu bao nhiêu tuần thì sinh mà còn phải để ý kỹ các dấu hiệu chuyển dạ sau đây để chủ động trong mọi tình huống, phòng trường hợp sinh non hoặc sinh già tháng.
-
Ra máu âm đạo ở những tuần cuối của thai kỳ với lượng ngày càng nhiều.
-
Ra nước ối âm đạo nhiều hơn bình thường, có mùi tanh, hơi nhớt có thể là dấu hiệu vỡ ối hoặc rỉ ối.
-
Vùng tử cung và bụng dưới đau bất thường với các cơn co thắt có chu kỳ, liên tục và kéo dài, không mất đi dù có nghỉ ngơi.
-
Thai cử động ít hơn bình thường (ít hơn 4 đợt cử động trong 1 giờ) hoặc không cử động.
-
Các dấu hiệu đột ngột khác như sốt trên 38 độ, ngất xỉu, khó thở, đau đầu dữ dội, nôn ói, rối loạn thị giác, co giật…
Khi xuất hiện những dấu hiệu trên, bà bầu cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, cần can thiệp sớm nếu có bất thường xảy ra, việc chậm trễ có thể khiến con bị sinh non hoặc thai lưu.
Bài biết trên đã giúp chị em giải đáp được thắc mắc "Mẹ bầu bao nhiêu tuần thì sinh". Mẹ hãy chăm sóc bản thân thật tốt và khám thai định kỳ để thai nhi phát triển khỏe mạnh bởi đây là tiền đề quan trọng giúp em bé sinh đủ tháng.
How Early Can You Safely Give Birth? - Truy cập ngày 10/06/2022
https://www.healthline.com/health/pregnancy/how-many-weeks-is-it-safe-to-give-birth
Why Is 40 Weeks so Important? - Truy cập ngày 10/06/2022
https://www.health.ny.gov/community/pregnancy/why_is_40_weeks_so_important.htm
Baby due date - Truy cập ngày 10/06/2022
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/baby-due-date