zalo
Top 5 biến chứng thai sản nguy hiểm nhất mẹ bầu cần lưu ý
Thai kỳ

Top 5 biến chứng thai sản nguy hiểm nhất mẹ bầu cần lưu ý

Đào Nhàn
Đào Nhàn

18/03/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa sự sống còn của bản thân và thai nhi. Vì vậy, hiểu rõ các biến chứng thai sản nguy hiểm để biết cách phòng tránh và có phương án xử lý kịp thời là vô cùng cần thiết.

Thế nào là biến chứng thai sản?

Các vấn đề nguy hiểm xảy ra trong thai kỳ được gọi là biến chứng thai sản. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Biến chứng thai sản là các vấn đề nguy hiểm xảy ra trong thai kỳ, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Các biến chứng sản khoa có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. 

Bên cạnh đó, bất kể phụ nữ mang thai nào cũng có nguy cơ đối mặt với các biến chứng thai kỳ. . Vì vậy, việc hiểu rõ về các yếu tố gây mất an toàn cho mẹ và bé, từ đó phát hiện và xử lý kịp thời là điều mà các mẹ bầu nên làm.

Nguyên nhân gây biến chứng thai sản

Đặc điểm thể chất và xã hội, tuổi tác, rối loạn của người mẹ,...có thể gây ra biến chứng thai sản. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các bác sĩ chuyên khoa sản cho biết, có nhiều yếu tố gây nên biến chứng thai kỳ, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân như:

  • Phụ nữ mang thai có độ tuổi nhỏ hơn 17 và cao hơn 40 tuổi.

  • Sản phụ làm việc trong môi trường độc hại hoặc tiếp xúc với độc chất,…hoặc có lối sống không lành mạnh như: hút thuốc lá, uống rượu hay sử dụng ma túy…

  • Mẹ sử dụng thuốc khi mang thai không theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ.

  • Mẹ có tiền sử phẫu thuật: mổ lấy thai, mổ khối u ở tử cung, hoặc mổ ở ổ bụng.

  • Biến chứng thai kỳ: Vị trí thai bất thường, thai nhi chậm phát triển, bất đồng nhóm máu Rh (rhesus).

  • Đa thai: Nguy cơ bị sinh non, tiền sản giật. Nhiều nghiên cứu cho biết, hơn ½ ca chửa song thai và khoảng 93% chửa tam thai phải sinh non trước 37 tuần.

  • Mẹ bầu có bệnh lý nền như thừa cân, béo phí, tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đường, bệnh thận,...cũng có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng. Trong đó:

    • Thừa cân và béo phì: nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, thai chết lưu, khuyết ống thần kinh,... Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NICHD) đã nghiên cứu và cho thấy, béo phì có thể làm tăng 15% nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho trẻ sơ sinh.

    • Tăng huyết áp thai kỳ: Tăng nguy cơ mẹ bị suy thận hoặc tổn thương thận, trẻ sinh ra nhẹ cân hoặc tiền sản giật.

    • Hội chứng buồng trứng đa nang: Nguy cơ sảy thai trước 20 tuần tuổi rất cao, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và mổ lấy thai. 

    • Tiểu đường: Tăng nguy cơ thai to, thai lưu, trẻ sinh ra dễ bị hạ đường huyết.  

    • Bệnh thận: Trẻ có thể bị sinh non,nhẹ cân hoặc tiền sản giật.

    • Bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống, bệnh xơ cứng rải rác… làm tăng nguy cơ sanh sớm, thai lưu… 

    • Ngoài ra các bệnh lý khác như: Bệnh tuyến giáp, HIV/AIDS, Nhiễm Zika trong thai kỳ cũng có nguy cơ cao xảy ra biến chứng thai sản.

Có thể thấy, người mẹ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng thai sản nguy hiểm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Các biến chứng thai sản cũng được phân chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn trong thời kỳ mang thai và giai đoạn chuyển dạ.

Xem thêm: Bị vảy nến khi mang thai có nguy hiểm không? Cách điều trị bệnh như thế nào?

5 biến chứng sản khoa thường gặp mẹ bầu cần biết

Rất nhiều biến chứng thai sản có thể xảy ra với mẹ bầu trong suốt thời gian mang thai và giai đoạn chuyển dạ. Trong số đó có 5 biến chứng sản khoa thường gặp nhất và có mức độ nguy hiểm cao nhất đối với cả mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể:

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là tình trạng phôi thai làm tổ ngoài tử cung, có thể ở các vị trí như: vòi tử cung, cổ tử cung, buồng trứng hoặc ổ bụng. Trong đó, trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung chiếm tới hơn 95%. Thai ngoài tử cung không được buồng tử cung bảo vệ, nguy cơ vỡ túi thai khiến máu chảy ồ ạt vào ổ bụng vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của mẹ bầu.

Hơn 95% trường hợp biến chứng thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung như: chảy máu âm đạo, đau bụng dưới và lưng, bụng trên căng tức. Khi thai ngoài tử cung phát triển sẽ có triệu chứng rõ hơn như đau vùng chậu, đau vai, choáng váng hoặc ngất xỉu. Tuy nhiên, thai phụ cần đi khám bác sĩ ngay khi thấy những triệu chứng bất thường để được chẩn đoán chính xác hơn, tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. 

Trường hợp mẹ mang thai ngoài tử cung không thể di chuyển thai đến tử cung cũng không thể sinh được, bắt buộc phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe sinh sản và tính mạng cho người mẹ.

Sảy thai

Biến chứng sảy thai thường xảy ra trong khoảng 20 tuần đầu tiên của thai kỳ.  Số liệu thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ cho biết, tỷ lệ sảy thai chiếm từ 10 - 15% tổng số ca mang thai, trong đó có đến hơn 80% trường hợp sảy thai trong 12 tuần đầu.

Khi sảy thai, sản phụ thường sẽ có biểu hiện rỉ máu âm đạo, đau bụng và bị chuột rút. Vì thế, nếu thấy có những dấu hiệu như vậy, mẹ bầu cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ khám để được can thiệp kịp thời.

Tỉ lệ sản phụ bị sảy thai khá lớn. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các bác sĩ chuyên khoa phụ sản cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sảy thai. Trong đó chủ yếu là do sự bất thường nhiễm sắc thể trong trứng đã được thụ tinh. Ước tính có tới 50-70% số ca sảy thai liên quan đến lý do này.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu bị sảy thai như thai phụ có vấn đề về tử cung, bị đa nang buồng trứng, các bệnh lý nội khoa, viêm nhiễm hoặc thường xuyên sử dụng các chất kích thích gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc dị tật phôi thai / trứng được thụ tinh cấy ghép không đúng cách.

Sinh non

Sinh non là một trong 5 biến chứng sản khoa thường gặp nhất. Trẻ được sinh ra ở thời điểm trước 37 tuần tuổi thai được gọi là sinh non hoặc sinh thiếu tháng. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, sức đề kháng kém. 

Một số triệu chứng cảnh báo tình trạng mẹ bầu dễ bị sinh non thường gặp như:

  • Tăng tiết dịch âm đạo cao hơn bình thường

  • Dịch tiết âm đạo thay đổi, có thể có máu

  • Trong một giờ xuất hiện cơn co thắt từ 4 lần trở lên, có thể đau bụng và chuột rút

  • Áp lực vùng chậu tăng cao

  • Đau thắt lưng

Để tránh bị sinh non, việc thai phụ cần làm là nghỉ ngơi, chăm sóc thai kỳ thật tốt và đi khám ngay khi thấy có những triệu chứng bất thường.

Tiền sản giật

Tiền sản giật là biến chứng thai kỳ rất nguy hiểm, thường có nguy cơ cao xảy ra ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba hoặc có thể là giai đoạn sau khi sinh 6 tuần. Hiện tượng tiền sản giật phát triển do sự phát triển bất thường của các tế bào khiến các mạch máu bị co lại. Có thể là do dòng máu không đủ, tổn thương mạch máu hoặc các vấn đề về hệ miễn dịch. Hệ quả là gây tăng huyết áp, làm tổn thương các cơ quan khác như não, gan và thận, thậm chí là đe dọa tính mạng thai phụ.

Sản phụ có thể nhận biết triệu chứng của tiền sản giật như: sưng hoặc xuất hiện bọng quanh vùng mắt, phù tay, chân và cả mắt cá chân, tăng cân bất thường trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thai phụ có các triệu chứng đó nhưng không phải bị tiền sản giật. Nếu có thêm biểu như: đau đầu, buồn nôn, thị lực thay đổi đi kèm với các dấu hiệu trên thì cần phải đi khám ngay.

Ngoài ra, để ngăn ngừa biến chứng tiền sản giật, các mẹ bầu nên bổ sung canxi, vitamin C,D,E,... và giảm muối ăn. Đồng thời đừng quên kiểm soát cân nặng cũng như các điều kiện gây nên bệnh tiểu đường thai kỳ.

Nhiễm trùng khi mang thai

Khi mang thai, giữa mẹ và thai nhi luôn có một mối liên kết đặc biệt. Chính vì vậy, nếu mẹ ăn uống tốt, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp thai nhi phát triển tốt. Ngược lại, trường hợp sức khỏe của thai phụ không được tốt cũng sẽ gây bất lợi đến thai nhi.

Mẹ bị nhiễm trùng có thể dẫn đến biến chứng thai sản nguy hiểm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nhiễm trùng cũng là một trong những biến chứng thai kỳ, có nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà mẹ bầu cần biết. Khi mẹ bầu bị nhiễm một số loại virus hoặc vi khuẩn gây bệnh có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh, sinh non, thậm chí là chết lưu. Cụ thể:

  • Viêm nhiễm phụ khoa do vi khuẩn (Bacterial Vaginosis): Có khoảng 10 – 20% trường hợp thai phụ bị viêm phụ khoa do vi khuẩn. Nguyên nhân là do sự sản sinh vi khuẩn quá mức bên trong âm đạo hoặc sự thay đổi hormone. Nếu mẹ bầu bị viêm phụ khoa sẽ tăng nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.

  • Nhiễm Streptococcus nhóm B (Group B Strep): Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo, đây là loại vi khuẩn nên được tiến hành sàng lọc định kỳ cho phụ nữ có thai. Vi khuẩn này có khả năng gây viêm bàng quang và tử cung của sản phụ, nghiêm trọng hơn là trường hợp thai chết lưu.

  • Cytomegalovirus (CMV): Các chuyên gia y tế cho rằng, tỷ lệ nhiễm loại virus này tại các nước đang phát triển hiện nay lên đến 90%. ⅓ số trẻ có nguy cơ mắc nếu người mẹ bị nhiễm. CMV có thể gây ra một số dị tật cho trẻ, nổi bật nhất là bệnh đầu nhỏ, ngoài ra còn bị mất thính lực, thị lực và một số khuyết tật khác.

  • Toxoplasma: Là một loại ký sinh trùng vô hại với sức khỏe của người bởi cơ thể có cơ chế miễn dịch tự nhiên khi có sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, loại ký sinh trùng này truyền từ mẹ sang con sẽ rất nguy hiểm, gây sảy thai hoặc chết lưu, nhẹ hơn sẽ khiến trẻ khuyết tật, giảm thính giác và thị lực.

  • Nhiễm trùng niệu: khiến trẻ bị sinh non.

Một số lưu ý tránh biến chứng thai sản mẹ bầu cần nhớ

Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, rất nhiều loại biến chứng thai sản nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn của cả mẹ và thai nhi. Tùy từng loại biến chứng mà thai phụ sẽ gặp các biểu hiện, triệu chứng khác nhau, đồng thời cách xử lý cũng sẽ khác nhau.

Khám thai định kỳ để tránh biến chứng thai sản nguy hiểm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy một vài dấu hiệu bất thường chung của các biến chứng thai kỳ như: chảy máu bất thường, đau bụng dữ dội, huyết áp tăng bất thường, thai nhi ít cử động ở giai đoạn sắp sinh,... Ngoài ra, một số hiện tượng như: sốt cao, ngất xỉu, dịch âm đạo có mùi nặng, máu chảy nhiều sau sinh,... Khi đó, nhất định các mẹ bầu cần đi khám ngay tại cơ sở y tế, bệnh viện uy tín và gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Có thể thấy, biến chứng thai sản gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng dẫn tới ảnh hưởng tâm lý, không tốt cho con. Thay vào đó, phụ nữ khi mang thai cần thăm khám định kỳ, chăm sóc sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ, nhất là những người có nguy cơ cao bị biến chứng thai sản.

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!