Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi là bệnh thường xuất hiện ở trẻ em. Tuy nhiên chúng khiến rất nhiều cha mẹ lo lắng không biết trẻ có đang gặp vấn đề nào không? Liệu bé bị chảy máu cam một bên mũi có đang gặp nguy hiểm hay chỉ do một nguyên nhân đơn giản khác.
Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu mũi 1 bên
Chảy máu mũi ở trẻ có thể bị xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên mũi. Tình trạng này xuất hiện khá phổ biến ở trẻ nhỏ, gần như ai cũng đã bị ít nhất một lần.
Chảy máu mũi 1 bên không phải là bệnh mà là những triệu chứng, dấu hiệu của vấn đề sức khỏe trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất có thể gây nên chảy máu mũi ở trẻ:
-
Trẻ cho tay vào ngoáy mũi vô tình để móng tay làm tổn thương các mao mạch bên trong mũi khiến chúng bị tổn thương, rách gây chảy máu.
-
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt như quá lạnh hay quá nóng khiến cho lớp niêm mạc mũi trẻ bị khô, rất dễ bị rách gây chảy máu.
-
Cơ thể bé đang bị thiếu các loại vitamin như vitamin C hoặc vitamin K- các vitamin có tác dụng giúp thành mạch niêm mạc bền bỉ hơn tham gia vào quá trình đông máu. Khi 2 loại vitamin này bị thiếu hụt có thể gây ra tình trạng xuất huyết, chảy máu cam ở trẻ em.
-
Trẻ bị rối loạn đông máu có kèm theo các bệnh cấp tính như thủy đậu, thương hàn, sốt rét, sốt xuất huyết, cúm,…Rối loạn đông máu (hay còn gọi là rối loạn chảy máu) là tình trạng ảnh hưởng tới việc máu đông lại, chuyển từ chất lỏng thành rắn nhằm ngăn chặn chảy máu một cách bình thường.
-
Trong một số trường hợp, trẻ bị chảy máu mũi một bên có thể là dấu hiệu của các khối u trong mũi như u mạch máu dưới mũi, ung thư vòm họng, polyp mũi thể chảy máu,…
Các dạng chảy máu mũi ở trẻ
Chảy máu cam ở trẻ nhỏ xảy ra khá phổ biến ở độ tuổi từ 2-10 tuổi, hầu hết trẻ nhỏ đều bị chảy máu cam một lần trong đời. Có 2 loại chảy máu cam đó là chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau:
Chảy máu mũi trước
Chảy máu mũi trước chiếm khoảng 90% các ca chảy máu mũi. Xuất phát từ phía trước mũi tại vị trí Kiesselbach ở phần dưới vách ngăn mũi (do chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ).
-
Thường gây chảy máu một bên, máu mũi chủ yếu chảy ra từ phía trước với lượng ít.
-
Thường xảy ra với trẻ em ở trong môi trường hanh khô, sử dụng lò sưởi, điều hòa thời gian dài. Tình trạng khô niêm mạc kéo dài dẫn đến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và dễ chảy máu.
Chảy máu mũi sau
Chiếm khoảng 10% trường hợp, thường xảy ra tại vị trí các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Thông thường chảy máu mũi sau khiến máu bị chảy cả hai bên, máu mũi chảy nhiều ra phía sau và đi xuống họng, có thể nguy kịch.
Chảy máu mũi sau ít xảy ra nhưng mức độ nguy hiểm lại cao hơn do khó kiểm soát hơn, vi thế cần nhờ đến chăm sóc y tế. Cũng có thể xảy ra ở người cao tuổi, huyết áp cao hoặc trong các chấn thương vùng mũi, mặt.
Trẻ bị chảy máu mũi một bên có nguy cơ mắc bệnh gì không?
Chảy máu cam do rất nhiều nguyên nhân khác nhau vì thế tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà tình trạng chảy máu mũi có nghiêm trọng hay không.
Đa phần các trường hợp chảy máu cam ở trẻ không quá nghiêm trọng với các trường hợp bé bị chảy máu cam với số lượng ít và tần suất thấp. Thông thường chỉ sơ cứu đúng cách và chăm sóc bé cẩn thận đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho trẻ là ổn.
Tuy nhiên, với các trường hợp bé bị chảy máu cam một bên mũi liên tục và lượng máu chảy nhiều cho thấy bé có thể đang mắc một bệnh lý nào đó như:
-
Bệnh u xơ vòm mũi họng: xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ em từ 6 – 15 tuổi đang trong giai đoạn tiền dậy thì. Những bé trai thì có nguy cơ nhiều hơn bé gái.
-
Hội chứng giãn mạch gây chảy máu.
-
Bệnh viêm xoang mạn tính: thường gặp nhiều hơn ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi bị gầy yếu, suy dinh dưỡng hoặc thường xuyên mắc những bệnh liên quan đến đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng,…
Để có thể xác định chính xác việc trẻ có bị mắc bệnh hay không tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện đề được thăm khám và đưa ra kết quả chính xác nhất.
Cần làm gì khi trẻ bị chảy máu cam một bên mũi
Hướng dẫn xử lý trẻ bị chảy máu cam cho trẻ tại nhà cho các bậc cha mẹ:
-
Cha mẹ cần giữ bình tĩnh xử lý, tránh làm bé hoảng loạn bởi trẻ thấy máu có thể bị sợ và khóc nhiều.
-
Cho bé ngồi thẳng, đầu hơi cúi về phía trước
-
Rửa tay sạch sẽ, dùng hai ngón tay trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi của trẻ, không bóp phần xương mũi. Giữ nguyên tay trong vòng 10 phút để máu ngừng chảy. Với các bé lớn, có thể hướng dẫn bé tự làm để bé có thể chủ động thực hiện khiến bé dễ chịu, thoải mái hơn
-
Sau khi bấm đồng hồ được khoảng 10 phút có thể thả tay ra để kiểm tra. Nếu máu đã ngừng chảy thì cho bé nghỉ ngơi, để bé nằm nghiêng để tránh làm máu chảy xuống họng. Không để trẻ nuốt máu bởi bé có thể bị sặc, nôn, thậm chí bị ngộ độc.
-
Rửa tay sạch sẽ và bóp phần nửa dưới của mũi. Giữ chặt như vậy trong khoảng 10 phút. Nếu bé lớn, bạn có thể hướng dẫn bé tự làm để con được cảm thấy thoải mái, dễ chịu.
-
Sau 10 phút nếu máu vẫn chưa ngừng chảy thì thực hiện lại thao tác vừa rồi một lần nữa. Không nên thả tay kiểm tra liên tục bởi máu cần có thời gian để đông lại, kiểm tra thường xuyên sẽ làm gián đoạn quá trình đông máu, gây kéo dài thời gian cầm máu.
Nếu không cầm được máu cho trẻ hoặc bé xuất hiện các biểu hiện dưới đây, cần cho bé nhập viện để được bác sĩ hỗ trợ.
-
Máu chảy liên tục hơn 20 phút và diễn ra nhiều lần.
-
Máu không chỉ chảy từ mũi mà còn chảy ra từ miệng khi bé ho hoặc nôn mửa.
-
Bé chảy máu cam, đồng thời xuất hiện cả máu trong nước tiểu, phân.
-
Bé chảy máu cam kèm xuất huyết dưới da (những vết bầm tím không rõ nguyên nhân trên cơ thể).
-
Bé chảy máu cam nhiều lần và nghẹt mũi kinh niên.
-
Bé tái xanh, nhợt nhạt, đổ mồ hôi nhiều, không phản ứng, kém ăn, gầy yếu, hay nhức mỏi, nổi hạch, gan lách to,…
Phòng ngừa bé bị chảy máu cam
Phòng ngừa bé bị chảy máu cam bằng các biện pháp dưới đây:
-
Không để trẻ ngoáy mũi quá nhiều, quá mạnh, rất dễ khiến mũi bị chảy máu;
-
Sử dụng khẩu trang cho trẻ để bảo vệ mũi cho trẻ trong thời tiết hanh khô hay thay đổi thất thường
-
Không nên cho bé ngồi trong điều hòa, máy sưởi quá lâu, đặc biệt là nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao
-
Hãy thường xuyên thay đổi không khí sinh hoạt cho con;
-
Thường xuyên vệ sinh mũi sạch sẽ bằng nước mũi sinh lý hoặc dung dịch vệ sinh mũi chuyên dụng để ngăn khô mũi,...
Ngoài ra, việc bổ sung dinh dưỡng cho trẻ vô cùng quan trọng bởi thiếu chất cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam. Vậy trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì để có thể hạn chế được tình trạng này?
-
Tăng cường vitamin C và K cho trẻ là việc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý bởi thiếu hụt hai loại vitamin này cũng khiến trẻ bị chảy máu cam.
-
Mẹ có thể cho con ăn các món ăn chứa nhiều dinh dưỡng và tốt cho trẻ như: canh mướp nấu thịt nạc, canh rau má tôm nõn, bông cải xanh, dưa leo, bắp cải…
Trên đây là các thông tin cho câu hỏi “bé bị chảy máu cam một bên mũi có bị bệnh gì không?” cùng với hướng dẫn cách xử lý và chăm sóc cho cha mẹ. Hy vọng rằng với các thông tin trên cha mẹ đã có thêm nhiều kiến thức hơn để chăm sóc trẻ cũng như trang bị kỹ năng sơ cứu cần thiết trong một số trường hợp cần thiết.
Nosebleeds- Ngày truy cập: 14/10/2022
https://kidshealth.org/en/parents/nose-bleed.html#
Nosebleed (Epistaxis) in Children- Ngày truy cập: 14/10/2022
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/nosebleeds