zalo
Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam
Kỹ năng sống

Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam

Hồng Nhung
Hồng Nhung

13/10/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Trẻ bị chảy máu cam không phải là hiện tượng hiếm gặp tuy nhiên rất nhiều cha mẹ không có kỹ năng xử lý khiến mọi việc có vẻ trở nên nghiêm trọng. Dưới đây là các thông tin về chảy máu cam cũng như cách xử lý và phòng ngừa cho cha mẹ tham khảo.

Chảy máu cam là gì? Các loại chảy máu cam ở trẻ em

Chảy máu cam (hay chảy máu mũi) là do các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng hết sức phổ biến, xuất hiện nhiều nhất ở độ tuổi từ 2-10 tuổi. Theo thống kê, đa phần các ca chảy máu mũi thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng mà không rõ nguyên nhân. Đa phần các trường hợp trẻ bị chảy máu cam không thể xác định nguyên nhân một cách rõ ràng. Tuy nhiên, chấn thương vẫn là lý do gây chảy máu cam nhiều nhất vì niêm mạc mũi được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu nhỏ nằm rất nông, ngay sát bề mặt.

Chảy máu mũi được chia thành 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.

Chảy máu mũi trước

Chảy máu mũi trước ở trẻ. (Ảnh: Nguồn Internet)

Chảy máu mũi trước chiếm 90% trong số các ca chảy máu mũi. Vị trí chảy máu mũi xuất phát từ phía trước mũi tại vị ví đám rối Kiesselbach ở phần dưới của vách ngăn mũi. Đây là khu vực chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương cục bộ (ngoáy mũi, day mũi).

  • Chảy máu mũi trước dễ xuất hiện tại nơi có thời tiết hanh khô hay môi trường khô (dùng lò sưởi, máy điều hòa kéo dài). Tình trạng khô niêm mạc kéo dài khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.

  • Thông thường chảy máu mũi trước gây chảy máu một bên. Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước, ra ngoài mũi (nếu có chảy xuống họng thì số lượng cũng ít). Tình trạng chảy máu mũi này kéo dài tuy nhiên mỗi lần chảy với khối lượng không nhiều. Máu mũi sẽ ngừng chảy ngay sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu mà không cần can thiệp sâu. Tuy nhiên với các trường hợp bị nặng có thể được chỉ định phương pháp đốt điểm mạch bằng nitrat bạc hoặc hóa chất khác.

Chảy máu mũi sau  

Chảy máu mũi sau ít xảy ra tuy nhiên chúng lại nguy hiểm hơn nhiều. (Ảnh: Nguồn Internet)

Chảy máu mũi sau chiếm khoảng 10% các ca chảy máu mũi và chúng có liên quan tới các mạch máu cao hơn và sâu hơn của mũi.

  • Loại chảy máu mũi này không xuất hiện nhiều ở trẻ em nhưng chúng lại gây nguy hiểm và khó có thể kiểm soát hơn so với chảy máu mũi trước. Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn và thường cần được chăm sóc y tế.

  • Khi bị chảy máu thường chảy máu đồng thời cả hai bên. Do máu mũi bị chảy ngược về sau nên thường đi xuống họng, máu chảy nhiều và gây nguy hiểm. Ngăn chảy máu mũi sau bằng cách nhét bấc hoặc thắt mạch máu.

Các lý do khiến bé bị chảy máu cam

Các nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam. (Ảnh: Nguồn Internet)

Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam có thể do nguyên nhân vật lý (nguyên nhân tại chỗ) hoặc nguyên nhân bệnh lý (liên quan đến vùng tai mũi họng). Bố mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân để có cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam phù hợp, an toàn. 

  • Thời tiết hanh khô, sử dụng điều hòa, máy lạnh, máy sưởi trong thời gian dài khiến mạch máu trong mũi bị khô dẫn đến bị vỡ, gây chảy máu.

  • Trẻ ngoáy mũi quá sâu và mạnh, khiến các mạch máu trong mũi bị tổn thương 

  • Trẻ vô tình gãi, cào hoặc nhét dị vật vào sâu trong mũi.

  • Trẻ bị va chạm mạnh vào mũi trong quá trình vui chơi, chạy nhảy, vận động thể thao,… 

  • Trẻ hắt hơi và xì mũi quá mạnh.

  • Vách ngăn mũi bị vẹo.

  • Hiện tượng dị ứng, nhiễm trùng ở mũi, họng và xoang.

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc xịt mũi.

  • Các khối u (cả lành tính và ác tính) ở vùng tai mũi họng. Tuy nhiên, nguyên nhân này rất hiếm gặp. 

  • Gãy xương mũi, vỡ nền sọ do chấn thương cũng có thể gây chảy máu mũi. Tuyệt đối không chủ quan trong những trường hợp này. 

  • Trẻ mắc một số bệnh liên quan đến huyết học như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, các bệnh về máu gây giảm tiểu cầu (suy tuỷ xương, lơ xê mi cấp,…).

Những sai lầm khi xử lý trẻ bị chảy máu cam

Rất nhiều cha mẹ khi thấy bé chảy máu cam đều hoảng hốt, mất bình tĩnh và không biết cách xử lý chính xác nên rất dễ mắc phải những sai lầm dưới đây.

Cho bé nằm hoặc ngả đầu ra sau

Đây là cách làm sai lầm mà rất nhiều bậc phụ huynh mắc phải khi bé bị chảy máu cam. Việc cho bé nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau khiến máu bị chảy ngược xuống cổ họng của trẻ gây khó chịu, ngạt thở thậm chí khiến bé bị sặc máu do máu chảy qua lỗ thông khí. Thậm chí chúng có thể gây khó thở và ngộ độc máu ở trẻ.

Cầm máu bằng bông, gạc, giấy

Sử dụng giấy lau không đảm bảo vệ sinh khiến bé có nguy cơ bị nhiễm trùng. (Ảnh: Nguồn Internet)

Thông thường khi bé bị chảy máu thì cha mẹ sẽ dùng giấy, gạc hay giấy thấm để nhét vào mũi của trẻ. Tuy nhiên các loại vật liệu trên có thể bị nhiễm khuẩn và chúng có thể tiếp xúc với niêm mạc mũi có thể sẽ gây nhiễm trùng.

Lạm dụng nước muối sinh lý

Nhiều người cho rằng nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên sẽ tạo độ ẩm cho mũi, giúp niêm mạc mũi không bị khô, vì thế, sẽ ngăn được chảy máu cam. Tuy nhiên, nhỏ muối sinh lý quá nhiều có thể chỉ tạo độ ẩm tại thời điểm nhỏ, nhưng lâu dài lại khiến mũi bị khô hơn do phụ thuộc vào nước muối sinh lý.

Trẻ bị chảy máu cam cần xử lý như thế nào

Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam. (Ảnh: Nguồn Internet)

Các trường hợp chảy máu mũi sẽ được ngăn chặn nếu được chăm sóc đúng cách. Khi phát hiện trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ cần bình tĩnh thực hiện các bước sau:

  • Hướng dẫn trẻ xì mũi nhẹ nhàng để loại bỏ các cục máu đông đã hình thành bên trong mũi. Hành động này có thể khiến máu chảy nhiều hơn trong chốc lát nhưng sau đó mọi việc sẽ ổn định trở lại. Nếu trẻ quá nhỏ thì có thể bỏ qua bước này.

  • Giữ cho trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Tư thế này ngăn máu chảy xuống họng, tránh gây nôn và tiêu chảy. Tuyệt đối không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.

  • Sử dụng ngón trỏ và ngón cái của bạn bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) của trẻ. Không bóp vị trí xương sống mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu, cũng đừng ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ chảy máu ở một phía.

  • Bóp giữ cánh mũi trong khoảng 10 phút, dùng đồng hồ để xem giờ cho chính xác. Trong khi chờ đợi, cho trẻ đọc sách hay xem tivi để giúp trẻ phân tâm. Không nên thả tay quá thường xuyên để kiểm tra xem máu ngừng chảy chưa vì điều này cản trở quá trình cầm máu. Máu cần thời gian để để có thể đông lại nên việc thả tay quá sớm hoặc thả tay liên tục có thể khiến chảy máu kéo dài.

  • Có thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá để hỗ trợ quá trình cầm máu. Chườm lạnh giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Tuy nhiên chỉ áp dụng nếu trẻ chịu đồng ý phối hợp tránh gây khó chịu cho trẻ. 

  • Nếu trẻ bị chảy máu ngược vào trong miệng cần hướng dẫn trẻ nhổ máu ra ngoài để tránh trẻ nuốt ngược vào gây nôn

  • Cho trẻ súc miệng và uống nước lọc để đỡ căng thẳng và tẩy bớt mùi máu trong miệng.

  • Sau 10 phút, thả tay xem máu ngừng chảy chưa.

Nếu máu vẫn tiếp tục chảy, không thể ngừng lại thì thực hiện lại các bước trên một lần nữa. Có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy máu, tuy nhiên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Khi nào cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ

Nếu trẻ có các biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để có thể xử lý kịp thời:

  • Không thể cầm máu dù đã áp dụng các biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút.

  • Chảy máu mũi tái đi tái lại nhiều lần.

  • Máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu (hơn một cốc đầy).

  • Chảy máu do chấn thương, ví dụ ngã hay bị đấm vào mặt.

  • Cảm thấy người yếu, chóng mặt.

  • Máu chảy ngược ra phía sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước. Trường hợp chảy máu sau rất nghiêm trọng vì thế luôn cần đến sự trợ giúp của bác sĩ.

  • Chảy máu mũi khi dùng một loại thuốc mới.

  • Chảy máu mũi đi kèm các vết tím bầm dập trên khắp cơ thể hoặc đi kèm chảy máu ở khu vực khác như xuất hiện máu trong phân, nước tiểu.

  • Đang dùng thuốc chống đông máu.

  • Trẻ có bệnh toàn thân khác ảnh hưởng tới đông máu như bệnh gan, bệnh thận, bệnh hemophilia.

  • Mới trải qua hóa trị liệu.

Chăm sóc trẻ sau bị chảy máu cam như thế nào

Sau khi được điều trị chảy máu cam ở bệnh viện cha mẹ có thể đưa bé về nhà để tiện chăm sóc. Có thể tham khảo các thông tin sau để chăm sóc bé đúng cách, ngăn ngừa chảy máu mũi tái phát.

Hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà

Chăm sóc trẻ bị chảy máu cam tại nhà. (Ảnh: Nguồn Internet)

Chăm sóc trẻ bị chảy máu cam sau khi được bác sĩ điều trị tại bệnh viện như sau:

  • Nếu trẻ được nhét bấc mũi thì cần lưu bấc mũi trong vòng 24-48 giờ để giữ cho quá trình. Cha mẹ không nên tìm cách tự tháo bỏ bấc mũi. Sau 48 giờ, cần đưa trẻ trở lại bệnh viện để kiểm tra và tháo bấc. Nếu bấc mũi tự rơi ra và trẻ không bị chảy máu nữa thì không cần quay lại bệnh viện.

  • Trường hợp không cần đặt bấc mũi, bác sĩ có thể yêu cầu bôi thuốc mỡ kháng sinh vào bên trong mũi trong vòng 1 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng.

  • Nếu mũi của trẻ khô và nứt nẻ, cha mẹ có thể dùng đầu tăm bông nhẹ nhàng bôi chút mỡ vaseline vào bên trong mũi. Có thể làm vậy 2 lần mỗi tuần. Không thực hiện động tác này ở trẻ dưới 4 tuổi vì trẻ thường ngọ nguậy và có thể gây chấn thương.

Nếu được điều trị đúng, phần lớn bệnh nhân sẽ hồi phục và không bị ảnh hưởng lâu dài.

Phòng tránh nguy cơ bị chảy máu cam trở lại ở trẻ

Chảy máu cam ở trẻ có thể bị tái phát nếu như không được chăm sóc đúng cách, cha mẹ có thể ngăn ngừa bé bị chảy máu tái phát bằng các cách sau:

  • Cho trẻ nghỉ ngơi ít nhất trong vòng 2 giờ hạn chế vận động mạnh, có thể cho bé đọc sách, vẽ tranh hay xem ti vi để giải trí

  • Hạn chế cho trẻ uống đồ nóng, thức ăn nóng hay tắm nước nóng trong vòng ít nhất 24 giờ sau khi chảy máu cam bởi chúng có thể khiến mạch máu bị giãn nở và gây chảy máu trở lại.

  • Dặn trẻ không ngoáy mũi hay xì mũi trong vòng 24 giờ (và không tác động vào mũi trong 1 tuần nếu trẻ đã được ‘đốt’ điểm mạch).

  • Trong vòng 1 tuần đầu sau chảy máu mũi, trẻ cần tránh các hoạt động mạnh hay các môn thể dục như chạy, tránh nhấc vật nặng.

  • Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung chất xơ để hạn chế việc trẻ bị táo bón. Có thể yêu cầu bác sĩ cho thuốc làm mềm phân nếu trẻ bị táo bón để hạn chế việc rặn.

  • Sử dụng  kem làm ẩm hoặc nước muối sinh lý để làm ẩm mũi

Cho trẻ ăn đồ ăn có tính mát để hạn chế chảy máu cam. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trong trường hợp bé bị chảy máu trở lại:

  • Hướng dẫn bé xì mũi để tống hết các khối máu đông ra ngoài, xì với lực vừa đủ không nên xì quá mạnh

  • Dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào lỗ mũi bị chảy máu.

  • Thực hiện lại các bước sơ cứu nêu ở phần trên. Giữ và bóp hai cánh mũi trong vòng 10 phút.

Trẻ bị chảy máu cam thông thường không quá nghiêm trọng, chỉ cần thực hiện sơ cứu đúng cách bé sẽ được cầm máu hoàn toàn. Tuy nhiên trong trường hợp bé bị chảy máu cam nhiều lần và liên tục cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ lưỡng và chữa trị kịp thời.

Nosebleeds- Ngày truy cập: 13/10/2022

https://kidshealth.org/en/parents/nose-bleed.html#

Nosebleed (Epistaxis) in Children- Ngày truy cập:13/10/2022

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/nosebleeds

Hồng Nhung
Hồng Nhung

Tôi là Hồng Nhung, biên tập viên có nhiều năm kinh nghiệm làm việc bên lĩnh vực mẹ và bé. Hy vọng sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho người đọc.

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!