Trẻ nhỏ bị ngã có thể dẫn tới va đập phần đầu khiến tổn thương vùng đầu như sưng u, bầm tím, xây xước, thậm chí gặp các tổn thương nặng. Trong trường hợp trẻ bị ngã sưng đầu cha mẹ nên xử lý như thế nào?
Trẻ bị ngã sưng đầu có nguy hiểm không?
Với trẻ dưới 3 tuổi, hiện tượng bị ngã đụng đầu khá thường gặp. Tuy nhiên, vì đầu là bộ phận chứa nhiều cơ quan quan trọng nên khiến rất nhiều phụ huynh rất lo lắng đặt câu hỏi “Trẻ bị ngã sưng đầu có nguy hiểm không?”.
Đa phần các trường hợp đụng, ngã đơn thuần khi bé nghịch chơi hoặc rơi từ ghế thấp, giường thấp xuống,... đều chỉ bị chấn thương nhẹ, ngoài da như sưng bầm nhẹ, trầy xước hoặc đôi khi bị chảy máu do xây xát nhẹ. Tuy nhiên, da đầu là nơi có nhiều mạch máu nuôi dưỡng nên khi bị tổn thương có thể gây ra vết bầm to hoặc gây chảy máu nhiều nên khiến cha mẹ rất lo lắng.
Theo thống kê, trong 100 ca chấn thương đầu, chỉ có 1 - 2 ca có thể gây nứt xương sọ. Đa số các trường hợp nứt xương sọ chỉ gây đau nhức ở nơi bị nứt và thường không cần can thiệp vì có thể lành hẳn trong vài tuần. Nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro ở những trẻ bị ngã đập đầu. Một số biến chứng có thể xảy ra khi não bên trong bị tổn thương, gây chấn động não.
Não là một khối mềm, được bảo vệ bởi xương sọ bên ngoài và dịch não giúp giảm chấn động và giảm chấn thương khi bị tác động từ bên ngoài. Khi đầu chịu một lực mạnh tác động thì dịch não có thể không bảo vệ một cách hoàn toàn cho não, khiến não bị rung lắc, đụng vào thành cứng của xương sọ và gây chấn động não. Lực va đập quá lớn có thể khiến não bị dập, bầm hoặc thậm chí làm vỡ các mạch máu nuôi não, gây hiện tượng xuất huyết não. Các biến chứng này có thể ảnh hưởng tới tri giác, hệ thần kinh của trẻ và thậm chí dẫn tới tử vong. Biến chứng này có thể xảy ra sau sau khi trẻ bị chấn thương hoặc diễn ra chậm sau một vài ngày hoặc một vài tuần.
Hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị ngã sưng đầu
Theo thống kê, chỉ có khoảng 2 - 3% các cú ngã dẫn đến vỡ xương sọ tuyến tính đơn giản và hầu hết chúng không gây ra các vấn đề thần kinh. Và chỉ khoảng 1% các ca vỡ xương sọ liên quan đến tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng.
Do đó, điều quan trọng là các gia đình cần theo dõi các triệu chứng của chấn thương sọ não ở trẻ, bao gồm cả chấn động não, thường xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau ngã để có các biện pháp xử trí kịp thời.
Trong thời gian theo dõi các dấu hiệu của chấn thương đầu nghiêm trọng, bạn có thể thực hiện chăm sóc trẻ bằng cách:
-
Chườm lạnh cho trẻ
-
Làm sạch vết thương và băng bó mọi vết cắt hoặc trầy xước nhỏ trên da
-
Theo dõi trẻ trong khi trẻ ngủ trưa và ngủ đêm
-
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn nếu bạn lo lắng
Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây sau khi bị ngã sưng đầu, hãy gọi 115 hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức:
-
Chảy máu không kiểm soát được từ vết cắt
-
Vết lõm hoặc chỗ phồng mềm trên hộp sọ
-
Bầm tím và/hoặc sưng tấy quá mức
-
Nôn nhiều hơn một lần
-
Buồn ngủ bất thường và/hoặc khó tỉnh táo
-
Mất ý thức hoặc không phản ứng với giọng nói/xúc giác
-
Máu hoặc dịch nhầy chảy ra từ mũi hoặc tai
-
Trẻ bị co giật
-
Nghi ngờ trẻ bị chấn thương cổ hoặc tủy sống
-
Khó thở
Làm thế nào để giảm sưng đầu cho trẻ sau bị ngã
Một số mẹo giúp làm giảm sưng đầu cho trẻ sau khi bị ngã cha mẹ có thể áp dụng tại nhà cho trẻ.
Dùng nước muối sệt
Để tránh những vết thương ngoài da bị nhiễm trùng, bố mẹ hãy lấy một ít muối để pha thành dung dịch sệt rồi rửa và ray nhẹ nhàng vùng da trẻ bị tổn thương khi bị ngã. Dung dịch này vừa để sát khuẩn vừa làm giảm các vết sưng phồng và vết thâm tím nhanh chóng.
Chườm đá lạnh
Chườm đá lạnh là cách giúp làm giảm những vết bầm tím và sưng phồng hiệu quả. Bố mẹ hãy lấy một vài viên đá nhỏ bọc khăn xô rồi chườm trực tiếp lên những vết tím, sưng rồi day đi day lại nhiều lần. Chườm đá còn là cách giúp làm dịu cơn đau của bé hiệu quả, đồng thời kích thích các mạch máu bị tổn thương để co bóp lại, giảm sưng tím hiệu quả.
Chườm ấm
Những vết tím xuất hiện sau khi trẻ bị ngã sưng đầu là do máu khó lưu thông hay gọi là hiện tượng đông máu bên trong. Do vậy bố mẹ hãy sử dụng một chiếc khăn ấm chườm lên vết thương để giúp làm giảm các vết bầm tím, xoa bóp nhẹ nhàng để máu được lưu thông, tan cục máu bầm.
Nha đam và ngò tây
Đây là hai loại kháng sinh cực tốt bổ sung Vitamin và giúp vết thương mau lành hơn. Điều đó sẽ giúp làm giảm tình trạng sưng viêm. Bố mẹ hãy xay nhuyễn ngò tây và nha đam rồi bôi hỗn hợp này lên những vết bầm tím ngày 3 lần để làm giảm nhanh những vết máu bầm và giảm đau hiệu quả.
Lăn trứng gà luộc còn nóng
Đây chính là cách không còn mấy xa lạ trong phương pháp dân gian giúp làm tan nhanh vết bầm. Các mẹ sau khi luộc trứng xong hãy vớt ra rồi để bớt nóng lăn lên vùng vết thương của bé. Nhiệt của trứng cao sẽ tạo nên áp suất để hút vào lòng đỏ quả trứng. Kiên trì thực hiện biện pháp này cho đến khi vết sưng bầm tan biến.
Nghệ tươi và phèn chua
Nghệ tươi có tác dụng rất tốt cho kháng khuẩn. Ngoài việc giúp loại bỏ vi khuẩn gây viêm cho trẻ còn giúp làm giảm các triệu chứng bầm tím khi trẻ bị ngã. Cách này rất đơn giản: Hãy giã nát nghệ với phèn chua rồi đắp lên vùng da bị tổn thương.
Cà phê
Tuy cách này rất đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý khi trẻ bị ngã sưng đầu bằng cà phê. Bố mẹ hãy dùng bột cà phê để đắp lên vùng da bị thâm tím rồi dùng băng gạc quấn lại để trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Lưu ý cần tránh đắp cà phê vào mắt bởi rơi vào mắt rất nguy hiểm cho con.
Khi nào trẻ bị ngã sưng đầu cần đưa tới bệnh viện
Trẻ bị ngã sưng đầu cần đi gặp bác sĩ ngay lập tức khi có những biểu hiện nghi ngờ chấn thương sọ não ở dưới đây:
Rối loạn tri giác
Trẻ sau khi bị ngã vẫn có thể tỉnh táo nhưng một khoảng thời gian sau, trẻ có những biểu hiện bất thường như lơ mơ, kích động, mắt lờ đờ không nhận ra người thân trong nhà, không làm theo yêu cầu của bạn…
Bất tỉnh
Trẻ bị ngã sưng đầu và bất tỉnh dù chỉ trong vài giây thì rất có thể gây nên khối máu tụ do lực va đập mạnh. Nếu trẻ khóc thét sau khi ngã thì bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm là con mình vẫn còn tỉnh táo.
Đi loạng choạng, mất thăng bằng
Nếu sau khi ngã trẻ bị mất thăng bằng và ngã xuống thì cần phải đưa trẻ đi khám các bác sĩ ngay. Còn trường hợp trẻ kêu bị chóng mặt thì hoàn toàn bình thường, bố mẹ chỉ cần theo dõi thêm những biểu hiện chơi đùa của con.
Nôn mửa
Nhiều trẻ sau khi bị ngã nhẹ có biểu hiện chóng mặt thì rất dễ buồn nôn 1,2 lần thì đây là bình thường. Nhưng nếu như trẻ nôn nhiều trong vòng vài giờ đầu thì cần phải đưa trẻ đi thăm khám gấp. Ngoài ra bố mẹ hãy cho trẻ ăn uống những loại thực phẩm lỏng như bú mẹ hoặc cháo, súp để giúp để ăn dễ dàng và hấp thụ nhanh.
Ngoài những biểu hiện nguy hiểm trên thì khi gặp những biểu hiện dưới đây, bạn cùng cần đưa trẻ đi gặp các bác sĩ:
-
Trẻ quấy khóc nhiều, không thể dỗ được.
-
Trẻ bị đau đầu liên tục và không thể dỗ.
-
Yếu liệt chân tay
-
Máu chảy nhiều, có thể từ lỗ mũi hoặc tai.
Cẩn trọng trong việc chăm sóc trẻ- đề phòng té ngã ở trẻ nhỏ
Để hạn chế các tổn thương vùng đầu trẻ có thể gặp phải. Cha mẹ nên lưu ý một số thông tin dưới đây:
-
Phụ huynh cần cẩn thận khi trông giữ trẻ, không để trẻ chơi một mình, đặc biệt là với những bé mới biết trườn, bò, đứng, đi,...
-
Nên làm các tấm chắn nơi giường của trẻ nằm và lối đi ra cầu thang, ban công, phòng bếp,...
-
Cửa sổ cần phải có chấn song, được khóa kỹ để tránh trẻ leo trèo lên;
-
Trẻ nằm võng hoặc nôi cần được che chắn để không bị rơi xuống sàn khi thay đổi tư thế;
-
Nên trải nệm dưới chân giường để nếu trẻ bị ngã sẽ giảm đau và hạn chế chấn thương;
-
Dây cột võng của trẻ cần phải chắc chắn, đưa lắc nhẹ nhàng;
-
Khi cho trẻ ngồi vào ghế cao hoặc xe đẩy thì cần có dây đai giữ;
-
Không để sàn nhà trơn trượt hoặc ẩm ướt;
-
Không để trẻ dưới 10 tuổi trông giữ trẻ dưới 3 tuổi một mình;
-
Với trẻ lớn trong độ tuổi đi học, cần giảng giải cho trẻ biết nguyên nhân, hậu quả và các cách phòng tránh tai nạn.
Cha mẹ không nên chủ quan trước việc trẻ bị ngã sưng đầu. Nếu không chú ý tới những biểu hiện bất thường của trẻ thì có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng cho bé. Do đó, cần thận trọng trong việc trông giữ và nuôi dạy trẻ, phòng tránh các nguy cơ té ngã, chấn thương cho bé. Đồng thời, khi thấy bé có những dấu hiệu bất thường sau khi bị té ngã thì nên đưa bé đi thăm khám ngay để đảm bảo an toàn.
My Child Has a Bruise: When Should I Worry? - 23/9/2022
What to Do When Baby Falls Off the Bed - 23/9/2022
https://www.healthline.com/health/parenting/baby-fell-off-bed