zalo
Bảng cân nặng trẻ sinh non: Con tăng cân thế nào là bình thường? Các vấn đề thường gặp và cách chăm sóc an toàn
Giai đoạn đầu đời của bé (0-1 tuổi)

Bảng cân nặng trẻ sinh non: Con tăng cân thế nào là bình thường? Các vấn đề thường gặp và cách chăm sóc an toàn

Phương Đặng
Phương Đặng

31/03/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Nhằm giúp ba mẹ theo dõi sự phát triển của bé thiếu tháng, Monkey sẽ chia sẻ bảng cân nặng trẻ sinh non chuẩn cũng như các vấn đề sức khỏe thường gặp trong bài viết này. Kèm theo đó là cách chăm sóc để bé cải thiện sức khỏe và tăng trưởng tốt như bé sinh đủ tháng.

1. Bảng cân nặng trẻ sinh non: Con tăng cân thế nào là bình thường?

Sinh non trong y học là một dạng tai biến sản khoa có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của bác sĩ, con có thể an toàn ra đời và phát triển bình thường theo bảng tiêu chuẩn dưới đây.

1.1. Bảng cân nặng trẻ sơ sinh non

Bảng theo dõi chiều cao cân nặng trẻ sơ sinh non chuẩn. (Ảnh: WHO)

Trẻ sinh non tăng cân như thế nào là chuẩn? Thông thường, trẻ thiếu tháng sau sinh cần được nằm viện để chăm sóc cho đến khi sức khỏe ổn định. Sau đó, ba mẹ có thể đưa bé về nhà để theo dõi dựa theo bảng cân nặng trẻ sơ sinh non tiêu chuẩn của WHO. 

Ngoài chỉ số cân nặng, bạn cũng có thể xem xét thêm chiều dài chuẩn của trẻ theo từng tháng để đánh giá chính xác về sức khỏe của trẻ.

1.2. Thế nào là trẻ sinh non?

Sinh non được chẩn đoán đối với trẻ ra đời từ tuần 22 - 37 trong tổng số 40 tuần của thai kỳ. Dựa vào thời điểm chào đời ở tuần thứ bao nhiêu, bác sĩ sẽ xác định mức độ sinh non của trẻ với 4 cấp độ:

Cực non: trẻ sinh trước 28 tuần tuổi thai

Rất non: trẻ sinh ra trong giai đoạn 28 - 31 tuần 6 ngày

Non trung bình: bé sinh trong khoảng 32 - 33 tuần 6 ngày

Non muộn: bé sinh ở khoảng 34 - 36 tuần 6 ngày.

1.3. Tăng cân ở trẻ sinh non thế nào là tốt? Có gì khác với bé đủ tháng?

Như đã đề cập, trẻ sinh non sau khi nằm viện chăm sóc cần đảm bảo một số tiêu chí nhất định mới được cho phép nuôi dưỡng tại nhà. Thời gian bé nằm viện bao lâu còn phụ thuộc vào sự tiến triển sức khỏe của bé qua các biểu hiện:

  • Da hồng hào, có thể bú mẹ dễ dàng, bú đủ lượng tối thiểu mà không bị suy hô hấp.

  • Tăng 10 - 15g/ngày trong 3 ngày liên tiếp.

  • Thân nhiệt ổn định và không xuất hiện cơn ngừng thở nặng, nhịp tim chậm trong vòng 5 ngày.

  • Ba mẹ có thể tự chăm sóc trẻ theo hướng dẫn và trẻ không có các biểu hiện xấu về sức khỏe.

Khi chăm sóc con tại nhà, đa số các mẹ đều quan tâm trẻ sinh non 1 tháng tăng bao nhiêu kg là tốt và đủ chuẩn. Theo nguyên tắc, cân nặng sau 1 tháng trẻ sinh non nuôi ngoài phải tương đương hoặc lớn hơn 1 tháng trong bụng mẹ. Tức là trẻ sinh cực non ở tuần 27 (tháng thứ 7) thì sau 1 tháng trọng lượng cần đạt tối thiểu là tuần 32 (tháng thứ 8).

2. Nguyên nhân khiến trẻ sinh thiếu tháng

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100 - 110 nghìn ca sinh non và nguyên nhân được chẩn đoán chủ yếu gồm:

Trẻ sinh non do nhiều nguyên nhân. (Ảnh: Twitter)

  • Thời điểm mang bầu trước 20 tuổi hoặc quá 35 tuổi.

  • Mẹ bầu không được chăm sóc kỹ trước sinh hoặc mẹ gặp vấn đề sức khỏe như suy dinh dưỡng, không tăng cân, mắc các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, gặp chấn thương vùng bụng, lao động nặng, làm việc ở môi trường ô nhiễm, v.v… có thể tăng nguy cơ sinh non.

  • Một số thai phụ có tiền sử bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim mạch, hô hấp, gan, thận cũng có tỷ lệ sinh con thiếu tháng.

  • Các trường hợp mẹ bị hở eo cổ tử cung 100% sẽ sinh non nếu không can thiệp sớm. Ngoài ra, các mẹ bầu đa thai, có tình trạng rau tiền đạo, nhiễm trùng ối, vỡ ối sớm, rau bong non thì tỷ lệ sinh non rơi vào khoảng 10 - 20%.

3. Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sinh non 

Sức khỏe của bé thiếu tháng thường không tốt như bé đủ tháng, do đó ba mẹ cần nhận biết các vấn đề này trong quá trình theo dõi cân nặng trẻ sinh non để đưa con đi thăm khám kịp thời.

Trẻ sinh non thường gặp nhiều vấn đề về hô hấp. (Ảnh: Sưu tầm internet)

  • Các vấn đề về hô hấp: khó thở, suy hô hấp, thi thoảng xuất hiện cơn ngừng thở trong những ngày đầu sau sinh. Bé cũng rất dễ mắc phải các bệnh viêm phổi, viêm phế quản dẫn đến những biến chứng như rối loạn hô hấp mạn tính, có nguy cơ tử vong cao.

  • Rối loạn tiêu hóa, viêm ruột hoại tử có tỷ lệ cao mắc ở trẻ sinh non do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.

  • Rối loạn máu: tình trạng này thường có biểu hiện thiếu máu, vàng da, nhiễm trùng máu do các tế bào máu chưa phát triển đầy đủ.

  • Hệ miễn dịch yếu: trẻ dễ mắc bệnh và phải điều trị lâu hơn so với bé đủ tháng.

  • Chuyển hóa bất thường: quá trình trao đổi trong cơ thể bé sinh non thường không ổn định dẫn đến sự tăng trưởng của bé chậm hơn so với bạn sinh đủ tháng.

  • Các vấn đề về thị lực, thính lực: bé sinh thiếu tháng dưới 30 tuần, cân nặng thấp hơn 1.5kg có nguy cơ cao mắc bệnh lý võng mạc nếu không được điều trị kịp thời. Khi trưởng thành, khả năng nghe nhìn của bé sinh non sẽ được cải thiện nếu được theo dõi đầy đủ và can thiệp khi cần thiết.

4. Cách chăm sóc trẻ sinh non giúp bé phát triển khỏe mạnh.

So với trẻ sinh đủ tháng, để đảm bảo cân nặng bé sinh non cũng như sự tăng trưởng tốt, ba mẹ cần thực hiện chăm sóc bé theo hướng dẫn chi tiết từ bác sĩ chuyên khoa.

4.1. Theo dõi và thăm khám định kỳ 

Ba mẹ có thể theo dõi sức khỏe của bé tại nhà dựa trên tiêu chuẩn bảng cân nặng trẻ sinh non của WHO. Để chắc chắn hơn, bạn có thể kết hợp cho trẻ khám định kỳ 3 tháng/lần cho đến khi trẻ được 2 tuổi và phát triển bình thường. Các giai đoạn tiếp theo, bạn chỉ cần đưa trẻ đi khám khi con xuất hiện những dấu hiệu sức khỏe không tốt, nếu bé ăn ngủ khỏe, chơi ngoan và không quấy khóc nhiều thì ba mẹ có thể yên tâm.

Thăm khám 3 tháng/lần đảm bảo sức khỏe của bé. (Ảnh: Sưu tầm internet)

4.2. Chú ý dinh dưỡng của bé

Đối với trẻ sinh non, dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp con cải thiện cân nặng và sức khỏe. Mẹ cần cho trẻ bú đúng cách và bú đủ lượng theo nhu cầu của bé đồng thời kiểm soát dinh dưỡng của bản thân để nâng cao chất lượng sữa. Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn dặm sữa ngoài để tăng thêm dưỡng chất hỗ trợ con phục hồi sức khỏe khi sinh thiếu tháng.

Khi trẻ sang giai đoạn ăn dặm, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với đủ nhóm chất, khẩu phần và độ thô. Không nên tăng thô quá nhanh, nêm gia vị quá sớm vì có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa khiến bé chậm tăng cân.

4.3. Giữ ấm cơ thể cho bé

Thân nhiệt của bé sinh non thường không ổn định do đó bác sĩ thường áp dụng phương pháp ấp Kangaroo để cải thiện tình trạng trẻ sinh non tăng cân chậm sau sinh. Mẹ sẽ thực hiện đặt con da kề da trên ngực, bằng cách này nhiệt độ cơ thể của bé luôn được duy trì ở mức 37 độ nhờ hơi ấm từ mẹ.

4.4. Chăm sóc giấc ngủ 

Việc ngủ ngon, ngủ sâu giấc và đủ số cữ trong ngày sẽ cải thiện cân nặng và sức khỏe của trẻ đáng kể. Không chỉ vậy, trong khi ngủ, trí não của trẻ cũng phát triển và các kỹ năng sẽ được hình thành trong thời gian này.

4.5. Massage thường xuyên

Massage không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn cải thiện hệ tiêu hóa giúp bé ăn ngon, ăn đủ. Mặt khác, massage giúp bé dễ dàng vào giấc, ngủ ngon và đúng giờ. Nhờ vậy mà ba mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi trong quá trình chăm con thiếu tháng đầy vất vả.

4.6. Cho bé nghe nhạc

Mẹ có thể kết hợp cho bé nghe nhạc trong quá trình thực hiện massage. Các bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ thư giãn, cảm thấy an toàn và ngủ ngon hơn vào giấc đêm.

Nghe nhạc giúp bé thư giãn và ngủ ngon. (Ảnh: Sưu tầm internet)

4.7. Vệ sinh đúng cách

Cuối cùng, việc vệ sinh đầy đủ, đúng cách với bé trai và bé gái giúp bé tránh nguy cơ nhiễm trùng đồng thời tăng cường miễn dịch, từ đó bé dễ tăng cân. Mặt khác, các món đồ chơi, giường ngủ, chăn gối cũng cần đảm bảo sạch sẽ để phòng ngừa các bệnh về hô hấp, viêm nhiễm cho bé sinh non.

Chăm sóc bé sinh thiếu tháng vất vả và khó khăn hơn so với trẻ đủ tháng, bởi vậy Monkey hi vọng những thông tin chia sẻ về bảng cân nặng trẻ sinh non cũng như các vấn đề sức khỏe và cách chăm sóc sẽ hỗ trợ ba mẹ cùng con vượt qua giai đoạn sơ sinh dễ dàng.

Phương Đặng
Phương Đặng

Tôi là Phương - Biên tập viên Content Marketing hơn 3 năm kinh nghiệm đa dạng lĩnh vực.

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey