Chiều cao, cân nặng bé gái 6 tháng và các tiêu chuẩn phát triển được đề cập trong bài viết này sẽ giúp ba mẹ đánh giá chính xác sức khỏe của con. Ngoài ra, những lưu ý quan trọng trong quá trình chăm sóc kèm theo sẽ giúp bé gái dễ dàng đạt chuẩn tăng trưởng.
Tiêu chuẩn cân nặng bé gái 6 tháng theo WHO
Khi chào đời, cân nặng trung bình của bé gái sơ sinh đạt chuẩn là 3.2kg và giới hạn an toàn là 2.8 - 3.7kg. Sau 6 tháng, bé đã trải qua 2 giai đoạn tăng trưởng cân nặng tốt nhất từ 0 - 3 tháng và từ 4 - 6 tháng, trung bình mỗi giai đoạn tăng khoảng 0.5 - 1kg/tháng.
Theo đó, trong 6 tháng đầu, bé gái sơ sinh tăng tối thiểu 2.5 - 4kg được coi là phát triển bình thường. Cân nặng chuẩn theo WHO của bé gái 6 tháng là 7.3kg và giới hạn tốt nhất là 6.5 - 8.2kg theo dữ liệu tính toán mới nhất trong năm 2022.
Chiều cao chuẩn của bé gái 6 tháng
Tương tự chỉ số cân nặng, chiều cao bé gái 6 tháng đầu thuộc giai đoạn tăng trưởng tốt nhất và có thể tăng từ 1.5 - 2.5cm/tháng. Thời điểm tròn 6 tháng, chiều dài chuẩn của bé gái sơ sinh đạt 65.7cm hoặc nằm trong khoảng 63.5 - 68cm là đạt chuẩn WHO. Kết hợp với chỉ số trọng lượng thuộc giới hạn an toàn thì bé được đánh giá là tăng trưởng tốt.
Thực tế, chiều cao của bé gái thường thấp hơn bé trai từ khi sinh cho đến khi trưởng thành do sự phát triển cơ xương của bé trai vượt trội hơn, dài và nặng hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến cân nặng bé trai lớn hơn bé gái. Bởi vậy, đôi khi bé gái có ngoại hình lớn hơn nhưng cân nặng có thể tương đương bé trai và ngược lại.
Đặc điểm phát triển của bé 6 tháng tuổi
Vượt qua 2 giai đoạn tăng trưởng đầu tiên đồng nghĩa là bé gái 6 tháng đã phát triển tương đối về mọi mặt gồm: thể chất, vận động, nhận thức và các giác quan. Ba mẹ có thể nhận thấy sự thay đổi này khi theo dõi con thường xuyên.
Thể chất & vận động
Về thể chất, bé có sự tăng trưởng rõ rệt về cân nặng và chiều cao khi đạt mốc 6 tháng tuổi. Nếu chỉ số của con nằm trong mức cho phép hoặc đúng bằng số đo trung bình trên bảng chuẩn có nghĩa là con phát triển tốt.
Về vận động, con có thể thực hiện một số động tác khó như:
-
Giơ chân lên cao đồng thời 2 tay chống đỡ toàn thân khi nằm sấp. Lúc này, trẻ có thể ngóc đầu, ngó nhìn xung quanh.
-
Khi được người lớn đỡ dậy, trẻ có thể giữ thăng bằng lưng, hông và ngẩng đầu.
-
Bé có thể ngồi vững trên mặt phẳng khi chống 2 tay hoặc ngồi trên ghế đệm bồng bềnh nếu có chỗ dựa và cầm đồ chơi dễ dàng. Nếu không may bị ngã, con cũng có thể tự ngồi dậy. Thời gian ngồi kéo dài khoảng 30 phút do xương của trẻ còn yếu, tư thế ngồi có xu hướng đổ về phía trước do chống tay.
-
Con có thể tự cầm bình sữa hoặc tự lấy, cầm lắc món đồ chơi yêu thích. Một số bé xuất hiện thói quen ngậm đồ chơi trong miệng.
Giao tiếp
Ở tháng thứ 6, ba mẹ sẽ có thêm 1 người bạn là cô công chúa nhỏ của mình. Lúc này, con đã biết cách “kết nối” với ba mẹ và người thân bằng nhiều cách khác nhau như: phát ra âm thanh cùng biểu cảm gương mặt; ngẩng đầu, hướng mắt và biểu lộ sự hào hứng khi người quen gọi tên và có thể khóc mếu, đẩy tay nếu nhìn thấy người lạ. Ngoài ra, trẻ cũng thể hiện rõ sự vui vẻ, thích thú khi gặp những người bạn cùng tuổi, nhỏ bé giống mình.
Nhận thức
Phản ứng lại với âm thanh nghe được, phân biệt rõ màu sắc và nhận ra người quen, món đồ chơi yêu thích là 3 điểm đánh dấu sự phát triển về nhận thức của bé gái 6 tháng tuổi. Nếu ba mẹ nhận thấy con có đủ những dấu hiệu này là bé đang phát triển tốt. Hãy giúp bé nâng cao nhận thức bằng cách cho trẻ gặp nhiều người, chơi nhiều món đồ chơi phức tạp và nghe nhiều loại âm thanh với cường độ khác nhau.
Giấc ngủ
Để đáp ứng các tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, bé gái 6 tháng tuổi cũng cần đảm bảo các tiêu chí phát triển về giấc ngủ. Cụ thể, thời gian ngủ của trẻ dài hơn, có thể ngủ xuyên đêm từ 6 - 8h và không cần bú. Trong khi ngủ, bé có thể lăn qua lại, nằm sấp, xoay vòng nên đôi khi sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của ba mẹ nếu con nằm chung.
Các giác quan
Về giác quan, bé gái 6 tháng có thể đạt được những cột mốc dưới đây:
-
Trẻ có thể chạm vào nhiều đồ vật, sự vật và nhận ra sự khác nhau giữa chúng.
-
Tầm nhìn xa và bao quát hơn giúp bé quan sát được các vật thể có kích thước lớn, độ sáng cao, nhiều màu sắc ấn tượng.
-
Khi được mẹ vỗ về, trêu đùa, bé sẽ cảm thấy được an ủi và đáp lại bằng nụ cười mỉm hoặc tiếng cười thích thú.
-
Con bắt đầu khám phá nhiều món đồ chơi, đưa chúng lên miệng để “thử”.
Xã hội và cảm xúc
Song song với sự phát triển về nhận thức và các giác quan, các kỹ năng xã hội, bộc lộ cảm xúc của bé cũng thay đổi rõ rệt giúp ba mẹ hiểu bé nhiều hơn, đáp ứng đúng nhu cầu mong muốn.
Bằng cách quan sát kĩ, bạn sẽ thấy con thích chơi gì làm gì với ai, con thích món đồ chơi nào nhất, thích nghe nhạc gì, v.v…Càng lớn, trẻ sẽ càng bộc lộ rõ qua tiếng khóc kết hợp một số cử chỉ, tiếng nói ê a với độ dài ngắn khác nhau. Ngoài ra, sự biểu cảm qua gương mặt sẽ giúp bạn nhận biết những thứ bé thích, bé ghét một cách dễ dàng.
Một số lưu ý chăm sóc bé gái 6 tháng giúp con đạt chuẩn tăng trưởng
Như vậy, trải qua 6 tháng đầu đời, bé trai hay bé gái đều đã phát triển tương đối về mọi mặt. Để con có thể duy trì cũng như đạt chuẩn tăng trưởng trong các cột mốc tiếp theo, ba mẹ cần lưu ý một số vấn đề về chăm sóc, đặc biệt là những điểm khác biệt với bé trai.
-
Trò chuyện, tương tác nhiều hơn với bé
Từ tháng thứ 6, kỹ năng giao tiếp xã hội và cảm xúc của bé phát triển tương đối nhanh. Đây cũng lúc bé bắt đầu hình thành tính cách nên ba mẹ cần có sự tương tác nhiều hơn nhằm tránh tình trạng tự kỷ, trầm cảm hoặc tăng động ở trẻ. Dù bận rộn, bạn hãy cố gắng dành một chút thời gian trò chuyện, kể chuyện cho bé nghe hoặc cùng con nghe những bản nhạc và hát theo. Tuy đơn giản nhưng tình cảm giữa con và ba mẹ sẽ được gắn kết nhờ những việc làm này.
-
Khuyến khích và trợ giúp con vận động
Tuy chưa thể đi lại, chạy nhảy nhưng bé gái sơ sinh 6 tháng có thể thực hiện những động tác đơn giản như: đưa tay chân lên xuống, xoay vòng, sang 2 bên, v.v… Ngoài ra, khi bé tập ngồi, lăn lộn trên giường cũng là lúc bé đang vận động và ba mẹ nên khuyến khích, trợ giúp mỗi khi con di chuyển.
-
Tích cực hoạt động ngoài trời
Một buổi đi dạo ngoài trời cùng ba mẹ không chỉ giúp bé được hít thở không khí trong lành nâng cao sức khỏe, ngắm nhìn không gian mới lạ nhiều màu sắc mà còn cải thiện tâm lý, mang lại cho bé nguồn năng lượng tích cực giúp bé luôn vui vẻ và thoải mái.
-
Bổ sung thực phẩm tốt cho bé gái
Ở tháng thứ 6, ngoài sữa mẹ, bé gái đã có thể ăn dặm khi bé biết nhai bằng nướu, nuốt dễ dàng khi được hỗ trợ ngồi thẳng và đặc biệt là tăng nhu cầu ăn, ăn đủ sữa mà vẫn đói. Chú ý khi chuẩn bị đồ ăn dặm, bạn cần đảm bảo đủ các dưỡng chất quan trọng như sắt, canxi, axit béo Omega-3 và các vitamin A,C,D.
Một số thực phẩm tốt cho chế độ ăn dặm của bé 6 tháng gồm:
Ngũ cốc: bột gạo nấu, cháo loãng.
Chất đạm: nước luộc các loại thịt.
Chất béo: dầu ăn cho trẻ dưới 1 tuổi, nên chọn dầu oliu, dầu gấc, v.v…
Trái cây: trái cây mềm như chuối, quýt, cam, nước ép quả.
Rau củ: nước luộc rau củ hoặc xay nhuyễn trộn cùng bột ăn dặm.
-
Vệ sinh đúng cách bảo vệ sức khỏe vùng nhạy cảm
Do cấu tạo bộ phận sinh dục khác nhau nên cách vệ sinh bé gái có phần phức tạp hơn bé trai. Nguyên tắc vệ sinh đúng là từ trên xuống dưới, lần lượt sang 2 bên. Không làm ngược lại vì có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây viêm nhiễm, khó chịu cho bé.
Trên đây là những chia sẻ về sự phát triển chiều cao, cân nặng bé gái 6 tháng cũng như cách chăm sóc đã được nhiều ba mẹ áp dụng hiệu quả. Monkey hi vọng ba mẹ và bé sẽ vượt qua giai đoạn đầu đời dễ dàng, đạt được những cột mốc tăng trưởng tốt nhất.
Weight-for-age: Simplified field tables - Ngày truy cập: 14/4/2022
https://www.who.int/tools/child-growth-standards/standards/weight-for-age
Lenght/Height-for-age: Simplified field tables - Ngày truy cập: 14/4/2022
https://www.who.int/tools/child-growth-standards/standards/length-height-for-age