Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng trên thế giới có gần 2 tỷ người thừa cân (béo phì) và 462 triệu người thiếu cân, tất cả đều được coi là suy dinh dưỡng. Nhiều người lầm tưởng suy dinh dưỡng chỉ xảy ra ở những người thiếu cân, gầy gò, biếng ăn… nhưng thực tế tồn tại cả trường hợp suy dinh dưỡng thể béo phì. Cùng Monkey tìm hiểu chi tiết tình trạng này là gì, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa.
Hiểu đúng suy dinh dưỡng thể béo phì là gì?
Ngay cả thời đại hiện nay, hàng triệu người trên thế giới vẫn đang bị suy dinh dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp suy dinh dưỡng là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe cộng đồng và có tới 20-60% bệnh nhân nhập viện liên quan đến suy dinh dưỡng, trong đó có suy dinh dưỡng thể béo phì.
Suy dinh dưỡng được định nghĩa là một chế độ dinh dưỡng không phù hợp do không được cung cấp đầy đủ, không cân bằng chất dinh dưỡng hoặc quá trình hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể bị suy giảm.
Suy dinh dưỡng không chỉ liên quan đến các biểu hiện giảm khối lượng cơ thể mà còn liên quan đến béo phì. Thực tế, người có cân nặng vượt quá mức bình thường cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở những người béo phì cao hơn so với những người có trọng lượng cơ thể bình thường trong cùng độ tuổi và giới tính.
Suy dinh dưỡng thể béo phì là một trạng thái ngược của bệnh suy dinh dưỡng, mặc dù tiêu thụ quá nhiều năng lượng nhưng lại thiếu hụt các nguyên tố vi lượng cần thiết. Sự thiếu hụt hoặc thiếu cân bằng của các vi chất dinh dưỡng này có ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái thể chất, trạng thái trí tuệ và cảm xúc của cơ thể.
Đối tượng dễ bị suy dinh dưỡng thể béo phì
Trẻ em (bao gồm cả trẻ sơ sinh) là đối tượng có tỉ lệ mắc suy dinh dưỡng thể béo phì cao nhất. Tại Việt Nam, theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em béo phì đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP HCM (hơn 50%) và Hà Nội (41%).
Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 20 loại vitamin, khoáng chất, dưỡng chất thiết yếu đều không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể trên các nhóm đối tượng này, đặc biệt mức đáp ứng vitamin D cực thấp (chỉ đạt 17,5%).
Nhiều ba mẹ vẫn nghĩ rằng suy dinh dưỡng chỉ xảy ra ở em bé biếng ăn, gầy gò, ốm yếu. Nhưng ngược lại, trẻ có cân nặng vượt mức bình thường cũng có khả năng mắc suy dinh dưỡng thể béo phì. Đây là tình trạng trẻ bên ngoài có thể trạng béo tốt, nhưng lại thiếu các vi chất cần thiết như canxi, thiếu máu, vitamin D… Điều này xuất phát từ chế độ ăn uống thiếu khoa học và kiến thức dinh dưỡng chưa đầy đủ của nhiều ba mẹ.
Tiết lộ 5 nguyên nhân gây suy dinh dưỡng thể béo phì
Giải thích các trường hợp trẻ mắc suy dinh dưỡng thể béo phì, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Thu Hương, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Thực tế trẻ béo phì là một dạng của biếng ăn đặc biệt, có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thể ẩn nghiêm trọng. Hầu hết trẻ em béo phì thường chỉ thích ăn những thực phẩm giàu năng lượng (chất béo, chất đường, đạm, tinh bột) và lười ăn các thực phẩm giàu vi chất cần thiết (sắt, kẽm, canxi, photpho, vitamin, khoáng vi lượng)... Điều này dẫn đến hiện tượng là cơ thể trẻ bị thừa năng lượng, thừa cân béo phì nhưng lại thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển.” (Theo báo Vnexpress.net)
Sau đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ em:
-
Ba mẹ chăm sóc chưa đúng cách: Cụ thể là ba mẹ chưa chú ý đến việc cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm hàng ngày. Một sai lầm của hầu hết ba mẹ khi chăm con là luôn đồng ý cho con ăn những món ăn yêu thích mà quên mất rằng, việc cân bằng dinh dưỡng với đa dạng các thực phẩm khác nhau là điều vô cùng quan trọng. Trong hơn 90 dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện, trẻ có thể cùng lúc bị thiếu những vi chất dinh dưỡng khác nhau, điển hình là canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D, B... Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ đối mặt với các nguy cơ: chậm phát triển chiều cao, suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh, mệt mỏi, khó ngủ, kém linh hoạt, kém tập trung… Suy dinh dưỡng thể béo phì có thể gây ra hậu quả khó lường cho trẻ nếu ba mẹ không phát hiện và điều trị kịp thời.
-
Trẻ ít vận động: Ba mẹ không tạo cơ hội và khuyến khích trẻ vận động thường xuyên cũng khiến trẻ có nguy cơ mắc suy dinh dưỡng thể béo phì.
-
Thiếu Vitamin D tự nhiên: Trẻ em không được hấp thụ vitamin D tự nhiên qua việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.
-
Với trẻ sơ sinh: Các bé có thể mắc suy dinh dưỡng thể béo phì do không nhận được đầy đủ hàm lượng canxi từ sữa mẹ, hoặc được uống các loại sữa không phù hợp. Việc ăn dặm quá sớm cũng có khả năng dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa, giảm khả năng hấp thụ canxi trong cơ thể của bé.
-
Bệnh di truyền: Trong một số trường hợp, trẻ mắc các bệnh di truyền, nhiễm khuẩn sơ sinh kết hợp với chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và kịp thời cũng gây nên suy dinh dưỡng béo phì.
10 dấu hiệu cảnh báo suy dinh dưỡng thể béo phì ở trẻ
Suy dinh dưỡng thể béo phì là một bệnh rất khó nhận biết, vì thể trạng bên ngoài của trẻ vẫn phát triển bình thường. Vì vậy, nếu thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau đây, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
-
Trẻ ngủ không sâu giấc, hay giật mình, quấy khóc, ra mồ hôi trộm.
-
Trẻ chậm mọc răng, chậm đi và chậm nói.
-
Trẻ sơ sinh có thóp mềm và chậm liền thóp.
-
Trẻ có hiện tượng phù trắng, toàn thân mềm: Việc giảm đạm và albumin trong máu làm giảm áp lực keo, tăng thoát nước ra khoảng gian bào, khiến cơ thể của trẻ phù trắng và mềm.
-
Trẻ rối loạn sắc tố da.
-
Trẻ có những biểu hiện của thiếu máu: Da xanh xao, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng…
-
Còi xương do tình trạng thiếu vitamin D.
-
Trẻ bị như khô giác mạc, quáng gà… do thiếu vitamin A
-
Trẻ chậm phát triển vận động và tâm thần
-
Trẻ gặp phải các triệu chứng bệnh như suy tim, gan thoái hoá mỡ, giảm tiêu hoá hấp thu…
Như vậy, suy dinh dưỡng thể béo phì có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ như các bệnh về đường hô hấp, hệ tiêu hóa, tim mạch, gan... ảnh hưởng đến chất lượng sống của con rất nhiều.
Xem thêm: Tháp dinh dưỡng là gì? Thành phần và ý nghĩa của tháp dinh dưỡng
Nguyên tắc điều trị tình trạng suy dinh dưỡng thể béo phì
Khi trẻ mắc suy dinh dưỡng thể béo phì, việc thiếu vi chất, suy dinh dưỡng này thường chỉ phát hiện khi trẻ được khám dinh dưỡng toàn diện. Bác sĩ Thu Hương cho biết, khi đã chẩn đoán chính xác bệnh thì việc điều trị trẻ mắc suy dinh dưỡng thể béo phì không quá khó. Trong điều trị suy dinh dưỡng, có 3 nguyên tắc quan trọng nhất, đó là: Trẻ cần được thăm khám chuyên sâu, đảm bảo dinh dưỡng đầu vào một cách cân bằng, đầy đủ; giúp trẻ hấp thụ, tiêu hao năng lượng một cách khoa học để phát triển toàn diện.
Thực tế, có thể áp dụng nhiều cách điều trị trẻ suy dinh dưỡng khác nhau, nhưng sau đây là những cách khắc phục cơ bản nhất ba mẹ nên biết:
-
Ba mẹ đưa trẻ có dấu hiệu suy dinh dưỡng thể béo phì đến các cơ sở y tế để thăm khám chuyên sâu để bác sĩ phân tích các chỉ số dinh dưỡng thừa và thiếu hụt để theo dõi và lên một liệu trình điều trị hiệu quả nhất.
-
Ba mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn cân bằng, tiêu chuẩn với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết thông qua đa dạng các loại thực phẩm. Hạn chế những loại thực phẩm giàu chất béo, tinh bột như đồ chiên rán, thức ăn nhanh… Hãy đảm bảo cho trẻ uống sữa hàng ngày, vì sữa là nguồn cung cấp canxi, khoáng chất hiệu quả.
-
Ba mẹ cần cho trẻ tắm nắng 15 phút mỗi ngày để cung cấp đủ lượng vitamin D từ thiên nhiên. Đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
-
Ba mẹ cần khuyến khích, tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động thể lực, giảm bớt năng lượng thừa.
Phòng ngừa suy dinh dưỡng thể béo phì như thế nào?
Suy dinh dưỡng béo phì có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho trẻ như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, khiến trẻ phát triển chậm cả về thể chất và trí tuệ. Vì thế, việc ba mẹ phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ từ ban đầu là điều hết sức quan trọng. Suy dinh dưỡng thể béo phì cũng có thể được phòng ngừa ngay từ khi mẹ bầu mang thai đến khi em bé ra đời và tăng trưởng. Vậy phòng ngừa suy dinh dưỡng thể béo phì như thế nào?
-
Chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng: Để đề phòng và khắc phục hiệu quả suy dinh dưỡng thể béo phì, các bác sĩ chuyên khoa khuyên ba mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ theo nhu cầu của cơ thể, phù hợp với thể trạng và độ tuổi. Ba mẹ cần biết bé cần bao nhiêu chất đạm, chất béo, tinh bột… trong khẩu phần ăn để bổ sung kịp thời. Tăng cường cho trẻ uống sữa, ăn rau xanh và trái cây, hạn chế cho bé ăn các thực phẩm giàu chất béo, năng lượng nhưng ít dinh dưỡng như đồ chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.
-
Kết hợp vận động: Bên cạnh một chế độ ăn lành mạnh, ba mẹ hãy khuyến khích bé vận động thường xuyên bằng việc vui chơi, tập thể dục, tham gia các lớp nhảy, múa,…
-
Với mẹ đang mang thai: Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần đảm bảo được bổ sung đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của em bé.
-
Trẻ sơ sinh nên được uống sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, kéo dài đến năm 2 tuổi hoặc hơn để đảm bảo bé được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu.
-
Trẻ không nên ăn dặm quá sớm: Độ tuổi tiêu chuẩn để trẻ ăn dặm là 6 tháng tuổi. Ăn dặm quá sớm là một nguyên nhân tăng nguy cơ suy dinh dưỡng thể béo phì ở các bé. Bên cạnh đó, chế độ ăn dặm ở trẻ cũng cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất với đa dạng nguồn thực phẩm.
-
Hấp thụ vitamin tự nhiên: Cho trẻ hấp thụ vitamin D tự nhiên từ 7 giờ sáng đến 8 giờ sáng.
Như vậy, qua bài viết này, ba mẹ đã hiểu rõ về suy dinh dưỡng thể béo phì, những nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phục và phòng ngừa căn bệnh này. Hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho ba mẹ trong việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để bé phát triển khỏe mạnh và toàn diện nhất. Truy cập website Monkey mỗi ngày để nhận thêm nhiều kiến thức bổ ích về dinh dưỡng gia đình và chia sẻ bài viết nếu bạn thấy có ích nhé!
Malnutrition in Obesity: Is It Possible? - Ngày truy cập: 21/6/2022
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34749356/
Malnutrition in the Obese: Commonly Overlooked But With Serious Consequences - Ngày truy cập: 21/6/2022
https://www.jacc.org/doi/10.1016/j.jacc.2020.06.059