Suy dinh dưỡng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Dinh dưỡng gia đình

Suy dinh dưỡng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Đào Vân
Đào Vân

15/07/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Giữa thế kỷ 21, suy dinh dưỡng vẫn đang là vấn để báo động mang tính chất toàn cầu. Với số liệu hơn 460 triệu người lớn và 150 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp suy dinh dưỡng là một trong những mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe cộng đồng. Vậy suy dinh dưỡng là gì? Cùng Monkey tìm hiểu khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa căn bệnh này. 

Monkey Math
Monkey Junior
Tiếng Anh cho mọi trẻ em
Giá chỉ từ
699.000 VNĐ
1199.000 VNĐ
discount
Save
40%
Xem đặc điểm nổi bật
Đặc điểm nổi bật
  • Khởi đầu tốt nhất cho con bắt đầu học tiếng Anh. Con học càng sớm càng có lợi thế.
  • Tích lũy 1000+ từ vựng mỗi năm và 6000 mẫu câu tiếng Anh trước 10 tuổi.
  • Linh hoạt sử dụng trên nhiều thiết bị.
Monkey Math
Monkey Stories
Giỏi tiếng anh trước tuổi lên 10
Giá chỉ từ
699.000 VNĐ
1199.000 VNĐ
discount
Save
40%
Xem đặc điểm nổi bật
Đặc điểm nổi bật
  • Thành thạo các kỹ năng tiếng Anh ngay trước 10 tuổi với hơn 1000 đầu truyện, hơn 100 bài học, 300+ sách nói. Nội dung thêm mới mỗi tuần.
  • Hơn 1.000 đầu truyện, hơn 300 bài học, gần 300 sách nói - thêm mới mỗi tuần.
  • Phát âm chuẩn ngay từ đầu nhờ Monkey Phonics - giúp đánh vần tiếng Anh dễ như tiếng Việt.
Monkey Math
Monkey Math
Học toán
Giá chỉ từ
499.000 VNĐ
832.000 VNĐ
discount
Save
40%
Xem đặc điểm nổi bật
Đặc điểm nổi bật
  • Tự tin nắm vững môn toán theo Chương trình GDPT mới.
  • Bổ trợ kĩ năng tiếng Anh bên cạnh Toán.
  • Tạo nhiều hồ sơ để cùng học trên 1 tài khoản duy nhất, đồng bộ tiến độ học trên tất cả các thiết bị.
Monkey Math
VMonkey
Học tiếng việt
Giá chỉ từ
399.000 VNĐ
665.000 VNĐ
discount
Save
40%
Xem đặc điểm nổi bật
Đặc điểm nổi bật
  • Đánh vần chuẩn nhờ học phần Học Vần - cập nhật theo chương trình mới nhất của Bộ GD&ĐT.
  • Đọc - hiểu, chính tả tiếng Việt dễ dàng và nhẹ nhàng hơn ngay tại nhà.
  • Bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc (EQ) nhờ hơn 450 câu chuyện thuộc 11 chủ đề, nhiều thể loại truyện.

Giữa thế kỷ 21, suy dinh dưỡng vẫn đang là vấn để báo động mang tính chất toàn cầu. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Suy dinh dưỡng là gì? Phân loại suy dinh dưỡng

Để duy trì và hoạt động trơn tru, cơ thể bạn cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau với một hàm lượng nhất định. Suy dinh dưỡng xảy ra khi các chất dinh dưỡng bạn nạp vào cơ thể không đáp ứng được những nhu cầu cơ bản này. Nó xảy ra khi cơ thể bạn thiếu chất dinh dưỡng tổng thể, cũng có thể do thừa một số loại dinh dưỡng nhưng lại thiếu loại chất dinh dưỡng khác. Ngay cả khi bạn bổ sung thiếu một loại vitamin hoặc khoáng chất nào đó, suy dinh dưỡng cũng có thể xảy ra. 

Suy dinh dưỡng là gì? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Như vậy, suy dinh dưỡng là gì? Suy dinh dưỡng là trạng thái mất cân bằng giữa chất dinh dưỡng mà cơ thể cần với chất dinh dưỡng mà nó nhận được. Tình trạng báo động này diễn ra khi bạn không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống, có thể là sự thiếu hụt hoặc thừa chất dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng được phân thành hai loại cơ bản như sau: 

  • Thiếu dinh dưỡng (Undernutrition): Đây là loại suy dinh dưỡng xảy ra khi cơ thể không nhận đủ hàm lượng protein, calo hoặc vi chất dinh dưỡng thiết yếu (vitamin và khoáng chất). Việc thiếu hụt này dẫn đến các tình trạng: Cân nặng thấp so với chiều cao (thân hình gầy), chiều cao thấp theo độ tuổi (thân hình thấp còi) hay cân nặng thấp so với tuổi (nhẹ cân). 

  • Thừa dinh dưỡng (Overnutrition): Tình trạng cơ thể tiêu thụ quá nhiều một số loại chất dinh dưỡng, điển hình như protein, calo hoặc chất béo… nhưng không nhận đủ vitamin và các khoáng chất cùng một lúc. Tổ chức Y tế Thế giới đã bổ sung “thừa dinh dưỡng” vào định nghĩa của suy dinh dưỡng để khẳng định những tác động tiêu cực của việc tiêu thụ quá nhiều chất dinh dưỡng. Loại suy dinh dưỡng này gây ra thừa cân hoặc béo phì, nguyên nhân chủ yếu là thực phẩm. (Ví dụ: Các thực phẩm chiên rán, nhiều đường chứa nhiều calo và chất béo nhưng lại chứa rất ít các chất dinh dưỡng cần thiết.)

Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em và người lớn

Suy dinh dưỡng xảy ra thường do cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm ăn uống hàng ngày. Sau khi nắm rõ bệnh suy dinh dưỡng là gì, chúng ta cùng tìm hiểu những nguyên nhân gây nên tình trạng này ở trẻ em và người lớn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy dinh dưỡng, nhưng nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ ngoại cảnh như hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế hay thói quen ăn uống sinh hoạt hàng ngày. 

Những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy dinh dưỡng ở trẻ em

Theo BS Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trẻ em bị suy dinh dưỡng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân đơn giản, một phần trong đó là trách nhiệm của bố mẹ (Nguồn: vncdc.gov.vn). Trong đó, điển hình là: 

Tìm hiểu nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con: Chẳng hạn như, bé không được bú đủ sữa mẹ, bé được cho ăn dặm không đúng cách, cho bé ăn quá ít bữa trong ngày, cho bé ăn tùy ý theo sở thích hay kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh… Tất cả những điều này đều có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, trong đó nguyên nhân phần lớn đến từ việc bố mẹ trang bị thiếu kiến thức dinh dưỡng cơ bản. 

  • Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ quá sớm/ quá muộn: Bố mẹ cho bé ăn bổ sung dinh dưỡng quá sớm hoặc quá muộn với thành phần dinh dưỡng không phù hợp hay đảm bảo chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc suy dinh dưỡng. Chẳng hạn, việc cho bé ăn dặm quá sớm, bỏ sữa mẹ có thể làm bé tăng nguy cơ mắc bệnh do thiếu hụt dinh dưỡng và các thành phần miễn dịch. Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng bị dị ứng vì chưa tiêu hóa được các protein có trong đồ ăn. Ngược lại, cho trẻ ăn dặm quá muộn dễ khiến trẻ suy dinh dưỡng do sữa mẹ không còn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng mà cơ thể bé cần. 

  • Cai sữa sớm: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu không được bú đủ sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên có khả năng mắc suy dinh dưỡng cao hơn. Sữa mẹ là một nguồn dưỡng chất hoàn hảo tuyệt vời nhất, nếu bé không uống đủ sữa mẹ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh. Tốt nhất, bé cần được uống sữa mẹ đến 24 tháng tuổi. 

  • Trẻ bị ốm: Cơ thể của bé bị nhiễm khuẩn/ ký sinh trùng đường ruột, nhiễm khuẩn đường hô hấp, biến chứng của các bệnh sởi, viêm phổi… thường gây ra tình trạng biếng ăn và cơ thể kém hấp thu.

  • Thể tạng dị tật: Những bé bị sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, hay gặp những dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, bệnh tim bẩm sinh… rất dễ gặp các vấn đề về suy dinh dưỡng. 

  • Trẻ biếng ăn: Biếng ăn là nguyên nhân thường gặp của bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ. Có thể do bố mẹ chăm sóc bé chưa phù hợp như chế biến đồ ăn không hợp khẩu vị hoặc khiến bé căng thẳng dẫn đến sợ sệt, biếng ăn tâm lý.

Những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người lớn

Nếu như suy dinh dưỡng ở trẻ em do phần lớn cách chăm sóc của bố mẹ, thì sau đây là những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh suy dinh dưỡng ở người lớn. 

Những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người lớn. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Không được tiếp cận với nguồn thực phẩm chất lượng: Những bữa ăn “nghèo nàn” cả về số lượng lẫn chất lượng các dưỡng chất chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt tại các nước nghèo.

  • Cơ thể gặp khó khăn trong việc ăn uống (buồn nôn, khó nuốt, phẫu thuật họng…), tình trạng cơ thể cạn kiệt calo (bệnh nhân ung thư, tiêu chảy mãn tính…). Bên cạnh đó, bệnh nhân được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch trong thời gian dài cũng là đối tượng dễ mắc bệnh suy dinh dưỡng. 

  • Khả năng hấp thu kém các loại chất dinh dưỡng do bệnh lý: Một số tình trạng khiến cơ thể bạn hấp thụ kém các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như bệnh Crohn, bệnh celiac… Các vấn đề về tiêu hóa như sự phát triển quá mức của các vi khuẩn trong ruột cũng là nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở người lớn. Lúc này, dạ dày người bệnh bài tiết dịch vị kém nên hay xuất hiện cảm giác đầy bụng, chướng hơi. Do đó, người bệnh không dễ dàng hấp thu chất dinh dưỡng và điều này sẽ dẫn đến bệnh suy dinh dưỡng nếu không được khắc phục kịp thời. Ngoài ra, một số trường hợp mắc các bệnh lý về gan cũng xuất hiện dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ… khiến người bệnh có khả năng bị suy dinh dưỡng sau một thời gian dài.

  • Rối loạn sức khỏe tâm thần: Kết quả từ một cuộc nghiên cứu cho thấy, những người bị trầm cảm có tỷ lệ bị suy dinh dưỡng cao hơn khoảng 4% so với những người bình thường. Căng thẳng, lo lắng quá độ hay trầm cảm và các tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc suy dinh dưỡng. 

  • Rối loạn ăn uống: Trong nhiều trường hợp, rối loạn ăn uống như chán ăn hoặc ăn vô độ, mất cân bằng hormone cản trở tín hiệu đói và no, rối loạn hấp thu như suy tuyến tụy hoặc viêm dạ dày cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy dinh dưỡng. Những nguyên nhân này khiến người bệnh ăn không thấy ngon miệng, hạn chế việc hấp thu các chất dinh dưỡng vào cơ thể. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cho người bệnh bị thiếu hụt chất dinh dưỡng trầm trọng.

  • Uống quá nhiều rượu: Việc sử dụng nhiều chất kích thích, điển hình là rượu có thể khiến cơ thể không có khả năng hấp thụ đủ lượng protein, calo và vi chất dinh dưỡng cần thiết.

  • Không vận động thường xuyên: Các nhà nghiên cứu đã chứng minh: Những người gầy yếu, kém vận động, thiếu sức mạnh cơ bắp là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh suy dinh dưỡng cao hơn. 

  • Nhu cầu calo tăng: Khi cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng hơn, chẳng hạn như phụ nữ trong thời kỳ mang thai, cho con bú, những người bị xơ nang, người đang hồi phục sau chấn thương hoặc bỏng nghiêm trọng, những người bị run….nhu cầu calo trong cơ thể tăng lên. Nếu những đối tượng này không được bổ sung đủ lượng chất mà cơ thể cần sẽ rất dễ gặp các vấn đề về suy dinh dưỡng.

  • Chế độ ăn kiêng kém khoa học: Khi bạn có một chế độ ăn kiêng sai lầm, việc thiếu hụt quá nhiều chất dinh dưỡng trong cơ thể hoặc không được bổ sung cùng lúc sẽ khiến bạn đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng trong tương lai. 

Những người dễ bị suy dinh dưỡng

Việt Nam nằm trong số 34 quốc gia trên toàn thế giới phải đối mặt với thực trạng suy dinh dưỡng. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, nhưng tình trạng này phổ biến hơn cả ở những đối tượng dưới đây: 

Người nghèo và thu nhập thấp là một trong các nhóm đối tượng dễ mắc bệnh suy dinh dưỡng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Người nghèo và người thu nhập thấp: Cho dù ở một quốc gia phát triển nhất như Hoa Kỳ hay ở các quốc gia kém phát triển với ít nguồn thực phẩm đa dạng, thì những người nghèo vẫn là đối tượng ít được tiếp cận với nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Thực tế cho thấy, tại các nước phát triển, các cộng đồng người có thu nhập thấp thường dễ dàng tiếp cận với thức ăn nhanh, hàm lượng calo cao nhưng giá trị dinh dưỡng thấp. Chính vì nguyên nhân này, họ có khả năng cao hơn nằm trong nhóm người suy dinh dưỡng. 

  • Trẻ em: Khoa học chứng minh rằng, trẻ em có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn người trưởng thành để tăng trưởng và phát triển toàn diện. Trẻ em sống trong điều kiện khó khăn đặc biệt có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao hơn.

  • Người có bệnh mãn tính: Thực tế cho thấy, nhiều bệnh mãn tính có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ăn uống, sự ngon miệng hoặc sự hấp thụ calo của cơ thể. Những bệnh nhân nằm viện trong một thời gian dài cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc suy dinh dưỡng.

  • Người cao tuổi: Dinh dưỡng của người già thường kém đi vì những lý do tuổi tác, bao gồm giảm khả năng vận động, giảm cảm giác thèm ăn và giảm việc hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, người già cảm thấy cô đơn, buồn chán nên ăn uống qua loa. Sự thiếu thốn vật chất, không có điều kiện mua đồ ăn cho mình hay bệnh tật cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo dinh dưỡng của cơ thể, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng.

  • Người ít vận động: Công việc công sở, sức khỏe, thói quen sinh hoạt và các yếu tố xã hội khác khiến nhiều người ngồi cả ngày thay vì vận động. Điều này có thể khiến cơ thể mắc suy dinh dưỡng thể béo phì

Triệu chứng suy dinh dưỡng

Những người suy dinh dưỡng rất dễ bị ốm, bị nhiễm trùng hoặc phục hồi chậm hơn. Vết thương mất rất nhiều thời gian hơn để chữa lành, hoạt động của tim cũng chậm lại. Họ chán ăn, cảm thấy yếu ớt, thờ ơ… cùng những biến chứng nghiêm trọng theo thời gian. 

Điều gì xảy ra với người suy dinh dưỡng? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Một số người mắc suy dinh dưỡng “thừa dinh dưỡng” có thể hấp thụ nhiều calo, nhưng không đủ vitamin và khoáng chất. Trong những trường hợp này, biểu hiện của suy dinh dưỡng có thể ít rõ ràng hơn. Người suy dinh dưỡng có thể thừa cân hay béo phì nhưng cũng có thể có triệu chứng thiếu máu - suy nhược, mệt mỏi - ngất xỉu… Trong một vài trường hợp suy dinh dưỡng quá mức, xuất hiện những triệu chứng của hội chứng chuyển hóa, như huyết áp cao hay kháng insulin.

Triệu chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Những triệu chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em mà ba mẹ cần lưu ý bao gồm: 

Những triệu chứng suy dinh dưỡng ở trẻ em mà ba mẹ cần lưu ý. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Cân nặng của trẻ tăng chậm hoặc không tăng lên trong 3 tháng liên tiếp.

  • Trẻ thường có những thay đổi trong hành vi, ví dụ như ít vui chơi, thường xuyên quấy khóc, kém linh hoạt, cơ thể hoạt động chậm chạp. 

  • Trẻ chậm phát triển vận động (chậm biết lẫy, biết ngồi, bò, đi). 

  • Trẻ chậm phát triển trí tuệ.

  • Trẻ em biếng ăn kéo dài.

  • Trẻ mắc suy dinh dưỡng hay ốm vặt. Đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa (thường xuyên đi ngoài, đi nhiều lần) và đường hô hấp khi thay đổi thời tiết. 

  • Trẻ hay giật mình khi ngủ, ngủ không ngon giấc.

  • So với các bạn cùng tuổi, trẻ không đạt chuẩn chiều cao và cân nặng trung bình. 

  • Trẻ có làn da xanh xao, nhợt nhạt. Các bắp thịt tay chân của trẻ mềm nhão, bụng có dấu hiệu to dần. 

Triệu chứng suy dinh dưỡng ở người lớn

Ở người trưởng thành, đâu là những biểu hiện của suy dinh dưỡng? Dưới đây là một vài biểu hiện bạn nên chú ý: 

Ở người trưởng thành, đâu là những biểu hiện của suy dinh dưỡng? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Trọng lượng cơ thể thấp: Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 18.5 có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, có thể gặp tình trạng: Xương nổi rõ, hệ thống cơ bắp và mỡ cạn kiệt. Tay và chân bị gầy, mặt và bụng có thể bị phù nề.

  • Giảm cân không chủ ý: Giảm 5% - 10% trọng lượng cơ thể hoặc hơn trong 3 đến 6 tháng mà không có sự can thiệp bên ngoài là dấu hiệu chính của suy dinh dưỡng.

  • Tóc và móng tay dễ gãy rụng: Theo nhiều nghiên cứu, protein tập trung rất nhiều ở móng tay và tóc. Do vậy, khi móng tay và tóc gặp tình trạng giòn, dễ gãy rụng nghĩa là cơ thể bạn thiếu hụt lượng lớn protein.

  • Da khô, có nhiều nếp nhăn: Triệu chứng suy dinh dưỡng này ở người lớn thường xảy ra với những trường hợp ăn kiêng không khoa học, lượng chất béo trong cơ thể bị giảm đột ngột. Nguyên nhân là cơ thể không được cung cấp Omega 6 đầy đủ - đây là một trong những axit béo thiết yếu giúp cơ thể chống lại hàng rào mất nước. 

  • Mụn trứng cá, phát ban: Suy dinh dưỡng ở người lớn khiến người bệnh rất dễ bị dị ứng, phát ban hay các bệnh lý về da. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng đó là do cơ thể thiếu kẽm, ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn, các vấn đề về ruột và hệ  thống miễn dịch của cơ thể. 

  • Chảy máu nướu răng, vết thương lành chậm: Đây là triệu chứng suy dinh dưỡng thường gặp ở những người thiết hụt Vitamin C. Nhóm đối tượng điển hình là phụ nữ có thai, mẹ đang cho con bú… 

  • Trầm cảm: Đây là một trong những dấu hiệu suy dinh dưỡng điển hình. Khi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, cơ thể sẽ không đủ sức để chống lại những tác động ngoại cảnh. Vì vậy, những người suy dinh dưỡng thường có tỷ lệ cao mắc chứng trầm cảm.

  • Một số triệu chứng khác như: Suy nhược cơ thể, ngất xỉu và mệt mỏi; cảm giác khó chịu, thờ ơ, không tập trung, thiếu quan tâm đến ăn uống; thường xuyên bị ốm, nhiễm trùng nặng, cơ thể phục hồi chậm; gặp các vấn đề về huyết áp (huyết áp thấp, huyết áp cao); béo phì; bệnh tim và cơ thể kháng insulin.

Triệu chứng suy dinh dưỡng ở người già

Sau đây là những triệu chứng suy dinh dưỡng ở người già mà các thành viên trong gia đình cần quan tâm.

Triệu chứng suy dinh dưỡng ở người già. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Trọng lượng cơ thể thấp, người gầy rạc, thấy rõ xương.

  • Sức khỏe suy giảm.

  • Mắc chứng đãng trí: Tinh thần đờ đẫn, mất tập trung, hay quên… tất cả là dấu hiệu của bệnh suy dinh dưỡng ở người già.

  • Gắt gỏng, khó tính, dễ cáu giận.

  • Da xanh xao, khô ráp, dễ bị bầm tím, vết thương mất rất lâu mới lành lại. 

  • Tóc khô, dễ gãy rụng, móng tay khô nứt.

  • Miệng khô, nhai nuốt khó khăn, hay gặp tình trạng buồn nôn, chán ăn. Miệng và lưỡi thường xuyên lở loét. 

  • Các vấn đề rối loạn tiêu hóa: Đại tiện táo bón, lỏng bất thường.

  • Tim đập nhanh, hơi thở khò khè.

Những triệu chứng suy dinh dưỡng được liệt kê theo 3 nhóm đối tượng trên sẽ giúp bạn sớm nhận biết về tình trạng bệnh của mình và những người thân trong gia đình. Nếu được phát hiện sớm, suy dinh dưỡng sẽ được điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn, hạn chế tối đa những tác động xấu đến cơ thể. 

Xem thêm: Tháp dinh dưỡng là gì? Thành phần và ý nghĩa của tháp dinh dưỡng

Chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng như thế nào?

Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu rõ suy dinh dưỡng là gì, những nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Tùy thuộc vào sức khỏe chung của bệnh nhân và mức độ bệnh, suy dinh dưỡng được chẩn đoán và điều trị với các phương pháp khác nhau. 

Chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng như thế nào? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Chẩn đoán suy dinh dưỡng 

  • Quan sát thể trạng, thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống cùng tình trạng sức khỏe của bạn thường đủ để chẩn đoán tình trạng suy dinh dưỡng. 

  • Bệnh nhân có thể đo chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể được tính bằng cân nặng chia cho bình phương của chiều cao) để xác định mức độ của bệnh. Chỉ số BMI được xác định theo thang điểm phân loại của Tổ chức Y tế thế giới năm 2000 như sau: 17 < BMI < 18,5 là mức độ suy dinh dưỡng độ 1; 16 < BMI < 16,99 là mức độ suy dinh dưỡng độ 2; BMI <16 là mức độ suy dinh dưỡng độ 3.

  • Suy dinh dưỡng ở trẻ em được chẩn đoán dựa vào các chỉ số: Cân nặng và chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao.

  • Nếu có thể, người bệnh sẽ được lấy mẫu máu để kiểm tra sự mất cân bằng các vi chất dinh dưỡng cụ thể. Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán tối ưu có thể xác định được các trường hợp hiếm gặp về tình trạng suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng được điều trị như thế nào?

Để điều trị hiệu quả suy dinh dưỡng, trước hết cần chú trọng giải quyết triệt để các nguyên nhân. Sau khi đã có chẩn đoán về suy dinh dưỡng, tùy vào đối tượng, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị tại nhà hay tại bệnh viện theo từng mục tiêu sức khỏe. 

Thông thường, suy dinh dưỡng được điều trị bằng bổ sung dinh dưỡng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thông thường, thiếu dinh dưỡng được điều trị bằng việc bổ sung dinh dưỡng. Điều này có thể bao gồm việc bổ sung các vi chất dinh dưỡng riêng lẻ hoặc bổ sung một công thức dinh dưỡng có hàm lượng calo cao, được thiết kế riêng để cung cấp đủ những dinh dưỡng cơ thể bệnh nhân đang thiếu. 

Điều trị suy dinh dưỡng theo sự chỉ định của bác sĩ

Với những trường hợp suy dinh dưỡng nghiêm trọng, việc bổ sung nhiều các chất dinh dưỡng ngay lập tức có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là vài ngày đầu. Cơ thể của bệnh nhân phải thay đổi theo nhiều cách để thích ứng với tình trạng thiếu dinh dưỡng nên cần thời gian thích nghi. Tốt nhất, bệnh nhân nên thực hiện kế hoạch ăn bổ sung dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các biến chứng.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân nên thực hiện kế hoạch ăn bổ sung dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể cần giải quyết một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn - nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng, chẳng hạn như bệnh dạ dày, bệnh gan, bệnh tuyến giáp hay rối loạn sức khỏe tâm thần…

Nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc ăn uống và điều này không thể khắc phục bằng cách thay đổi thức ăn, các phương pháp hỗ trợ dinh dưỡng nhân tạo được khuyến nghị, ví dụ như: Ăn qua đường ống (truyền qua mũi hoặc da bụng đưa thức ăn vào dạ dày của bạn), tiêm dinh dưỡng vào đường tĩnh mạch. 

Với các trường hợp trên, các bác sĩ cần tiến hành kiểm tra, giám sát lượng dinh dưỡng thường xuyên để đảm bảo cơ thể nhận đúng lượng calo được khuyến nghị. Nếu cơ thể bệnh nhân đáp ứng tốt, có thể chuyển sang điều trị suy dinh dưỡng tại nhà.

Điều trị tại nhà

Với những trường hợp được chẩn đoán suy dinh dưỡng nhẹ hơn, bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà theo sự tư vấn của các bác sĩ. Phương pháp điều trị suy dinh dưỡng cơ bản nhất là thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. 

Chuyên gia dinh dưỡng sẽ đưa ra lời khuyên về những thực phẩm tốt nhất, bù đắp lượng dinh dưỡng bệnh nhân đang thiếu với mục đích tạo nên một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng bao gồm Vitamin, khoáng chất, protein, Carbohydrate và chất béo. 

Tìm hiểu phương pháp điều trị cơ bản dành cho những người suy dinh dưỡng tại nhà. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Những phương pháp điều trị cơ bản dành cho những người suy dinh dưỡng tại nhà là:

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung nhiều loại thực phẩm giúp tăng cường calo và protein thông qua những thực phẩm nhiều dưỡng chất như thịt bò, hải sản, rau và hoa quả, ngũ cốc… Đừng quên thay đổi đa dạng các thực phẩm trong bữa ăn để tăng cảm giác ngon miệng, kích thích tiêu hóa.

  • Ăn nhẹ giữa các bữa ăn: Một ly sinh tố trái cây tươi, một lát bánh mì nhỏ hay một chút ngũ cốc, sữa, sữa chua, hoa quả sấy… sẽ cung cấp thêm những dinh dưỡng cần thiết, giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn. 

  • Chất bổ sung: Nếu những thay đổi chế độ ăn này vẫn không đủ, các chuyên gia dinh dưỡng có thể đề nghị bệnh nhân bổ sung dinh dưỡng thông qua chất bổ sung, thực phẩm chức năng.

  • Hỗ trợ vận động: Một số bệnh nhân suy dinh dưỡng do không thể vận động cần được hỗ trợ các vấn đề cơ bản như di chuyển, chăm sóc tại nhà…

  • Tắm nắng thường xuyên giúp cơ thể bệnh nhân hấp thu lượng lớn vitamin D, chống lại suy dinh dưỡng.

  • Tập thể dục hàng ngày: Với những bệnh nhân hay gặp các tình trạng đầy bụng, chướng hơi, chán ăn thì việc tập thể dục hàng ngày sẽ cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng đáng kể. Những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, chạy… đều vô cùng hữu ích, giúp người bệnh ăn uống ngon miệng hơn, đồng thời tăng cường sức mạnh cơ bắp.

  • Tạo niềm hứng khởi trong ăn uống: Hãy tạo ra những bữa ăn vui vẻ và ngon miệng hơn bằng cách đi ăn với người thân, bạn bè hay ăn tại một nhà hàng yêu thích. 

Bên cạnh những phương pháp điều trị bệnh suy dinh dưỡng kể trên, người bệnh cần được giám sát chặt chẽ, tái khám định kỳ để đảm bảo quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi và đạt kết quả cao nhất.

Cách phòng ngừa suy dinh dưỡng

Vậy đâu là phương pháp phòng ngừa suy dinh dưỡng một cách hiệu quả?

Xét nghiệm máu thường xuyên là cách dễ dàng nhất để xác định bạn thiếu vi chất nào hay không. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Phòng ngừa suy dinh dưỡng cho người lớn

Để đẩy lùi tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn, bạn hãy chú ý: 

  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng với đầy đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng. Các nhóm thực phẩm chính mà bạn cần bổ sung bao gồm: Trái cây và rau quả, tinh bột, protein, sữa và chế phẩm từ sữa.

  • Xét nghiệm máu thường xuyên: Với một chế độ ăn khá tiêu chuẩn, tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng vẫn có thể xảy ra. Xét nghiệm máu thường xuyên là cách dễ dàng nhất để xác định bạn thiếu vi chất nào hay không. 

  • Chú ý hơn đến những đối tượng đặc biệt: Những người không thể tự vận động (bại liệt, người cao tuổi, người bệnh…) có nguy cơ mắc suy dinh dưỡng đặc biệt cao. Chính vì vậy, những đối tượng này cần được chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe.

  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa: Hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa nếu bạn gặp các vấn đề về sức khỏe có khả năng khiến bạn mắc suy dinh dưỡng cao. 

  • Kết hợp hoạt động thể chất: Thường xuyên thực hiện các hoạt động thể chất để ngăn ngừa tối đa tình trạng thừa cân và béo phì - một loại của suy dinh dưỡng. 

  • Không lạm dụng thuốc: Trong điều trị bệnh, không nên lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh.

Phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ em

Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường bắt nguồn từ những nguyên nhân đơn giản nhất, phần lớn trong đó là trách nhiệm của ba mẹ khi chưa trang bị đầy đủ các kiến thức dinh dưỡng cần thiết trong quá trình chăm sóc trẻ.

Những chú ý trong việc phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ em. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bên cạnh một chế độ ăn lành mạnh và cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng chính, để phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ, các phụ huynh nên chú ý: 

  • Chǎm sóc dinh dưỡng cho mẹ bầu: Phụ nữ có thai cần đạt mức tǎng cân 10-12 cân trong thời gian thai kỳ. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần được khám thai ít nhất 3 lần và tiêm đủ 2 mũi phòng uốn ván.

  • Với trẻ sơ sinh: Trẻ cần được bú sớm trong nửa giờ đầu sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục đến giai đoạn trẻ 18-24 tháng.

  • Cho trẻ ăn dặm: Cho trẻ ǎn các chất bổ sung (ǎn dặm) từ giai đoạn tháng thứ 5. Các chất béo (dầu, mỡ, lạc, vừng) cần được bổ sung, chia thành nhiều bữa.

  • Thực hiện phòng chống thiếu dinh dưỡng: Phụ nữ có thai cần được bổ sung đủ sắt, trẻ em cần được tiêm phòng và uống đủ vitamin đầy đủ. 

  • Vệ sinh sạch sẽ: Ba mẹ cần thường xuyên vệ sinh môi trường, nơi ở, sử dụng nguồn nước sạch, cho bé tẩy giun theo định kỳ, tạo thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… 

  • Cho bé ăn đa dạng nguồn thực phẩm: Bên cạnh những món ăn giàu dinh dưỡng, cân bằng và lành mạnh, ba mẹ nên thường xuyên thay đổi món để kích thích sự thích thú, giúp bé ăn ngon miệng hơn. Thêm một vài bữa nhẹ xen kẽ các bữa ăn chính. 

  • Hoạt động thể chất: Tạo động lực, khuyến khích trẻ tăng cường các hoạt động thể chất thường xuyên hơn để kích thích sự thèm ăn của trẻ.

  • Theo dõi tăng trưởng: Thường xuyên quá trình tăng trưởng, phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ bằng biểu đồ.

  • Tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa: Trong trường hợp bé gặp vấn đề về rối loạn ăn uống, rối loạn tâm thần khác có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, hãy nhờ tới sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Như vậy, bài viết này đã cung cấp đầy đủ các thông tin về suy dinh dưỡng. Hy vọng những thông tin này sẽ có ích cho bạn trong việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất và đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Truy cập website Monkey thường xuyên để nhận thêm nhiều kiến thức bổ ích về dinh dưỡng gia đình. 

Overview-Malnutrition - Ngày truy cập: 11/7/2022

https://www.nhs.uk/conditions/malnutrition/

Malnutrition - Ngày truy cập: 11/7/2022

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22987-malnutrition

Đào Vân
Đào Vân

Tôi là Đào Vân, biên tập viên có hơn 4 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey

Mua nhiều hơn, tiết kiệm lớn với Monkey Junior! Ưu đãi lên tới 50% khi mua combo 3 sản phẩm!

NHẬP THÔNG TIN ĐỂ NHẬN ƯU ĐÃI NGAY!

* Áp dụng giảm thêm 5% và nhận quà tặng kèm khi thanh toán online

promotion 1
promotion 2
promotion 3

NHẬP THÔNG TIN ĐỂ NHẬN ƯU ĐÃI NGAY!

* Áp dụng giảm thêm 5% và nhận quà tặng kèm khi thanh toán online