Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc một người bị mất gốc tiếng Anh nhưng cũng có rất nhiều cách để giải quyết triệt để vấn đề này. Việc xây dựng một lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc bài bản và phù hợp không đơn giản, đặc biệt khi họ mất động lực và thậm chí sợ việc học tiếng Anh. Trong bài viết này, Monkey sẽ chia sẻ đến bạn những kinh nghiệm học tiếng Anh cho người mất gốc về cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Những lý do dẫn đến việc mất gốc tiếng Anh
Việc mất gốc tiếng Anh bắt nguồn từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Hiểu được nguyên nhân của tình trạng này sẽ giúp bạn có cách giải quyết tốt nhất. Người học cần hiểu được bản chất của tiếng Anh và hiểu về chính con người, tính cách của mình, từ đó có những điều chỉnh về lộ trình cũng như phương pháp sao cho phù hợp. Có 3 lý do chính tại sao một người dễ bị mất gốc khi học tiếng Anh.
Về bản chất, tiếng Anh rất khác tiếng Việt
Tiếng Anh sở hữu lượng từ vựng khủng, khoảng 171.146 từ đang được sử dụng, chưa kể 47.156 từ cổ (theo Oxford English Dictionary). Các nguyên tắc học từ vựng tiếng Anh cũng gây nhiều bối rối cho người học, chẳng hạn như có nhiều từ đồng âm nhưng khác nghĩa, có những từ có nghĩa tương tự như nhau nhưng lại dùng ở các ngữ cảnh khác nhau, thứ tự các từ trong một câu cũng hoàn toàn khác với tiếng Việt,....
Về phát âm, ta không thể dựa vào mặt chữ để đánh vần và đọc giống như trong tiếng Việt. Tiếng Anh gồm 44 âm tiết khác nhau và cùng một chữ cái nhưng có khi lại có đến vài cách đọc khác nhau. Chưa kể, tiếng Anh yêu cầu người nói phải có ngữ điệu, nhấn nhá chính xác trọng âm của từ, của câu để biểu đạt ý.
Ngoài ra, tiếng Anh ở mỗi khu vực, đất nước hay vùng miền khác nhau trên thế giới lại có những đặc tính khác nhau. Giọng Anh - Anh sẽ khác giọng Anh - Úc hay Anh - Mỹ. Về ngữ pháp, tiếng Anh có rất nhiều các nguyên tắc người học cần nắm chắc nhưng đồng thời cũng có hàng loạt các trường hợp ngoại lệ như bảng động từ bất quy tắc.
Tất cả các yếu tố trên đòi hỏi người học phải vừa chăm chỉ ghi nhớ vừa có sự linh hoạt nhất định trong cách tiếp thu kiến thức nếu không sẽ trở nên bị động và lạc lối trong mê cung ngôn ngữ này.
Chạy theo số đông, không có định hướng cụ thể
Vì tiếng Anh đã dần trở thành ngôn ngữ toàn cầu nên người người nhà nhà đổ xô đi học thứ ngôn ngữ này. Xu hướng này dẫn đến việc nhiều người bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông mà không thực sự biết ý nghĩa của việc học tiếng Anh với bản thân mình là gì.
Từ đó, họ không xác định được mục tiêu cụ thể như học tiếng Anh để đi du học, đi xuất khẩu lao động hay để giao tiếp tốt chốn công sở. Và đến khi mọi thứ trở nên khó khăn, nếu chữ “Why” (vì sao) không đủ lớn, ta sẽ dễ dàng mất động lực và bỏ cuộc giữa chừng.
Phương pháp không phù hợp
Phương pháp học ngoại ngữ phổ biến của nhiều người là học tập trung vào ngữ pháp và bỏ qua kỹ năng nghe nói, học vẹt mà không hề hiểu bản chất. Phương pháp này có thể hữu ích trong thời gian đầu nhưng về lâu dài sẽ gây ra tình trạng quá tải kiến thức nhưng thiếu hụt kỹ năng ở người học. Cụ thể là việc một người rất giỏi ngữ pháp nhưng lại chẳng thể nghe hiểu người bản xứ nói gì và cũng chẳng thể tự tin dùng tiếng Anh để thể hiện ý kiến của mình.
Không những vậy, hiện nay nhiều người nghe theo các phương pháp học trên mạng mà không chịu tìm tòi, khám phá và rút kinh nghiệm để tìm phương pháp phù hợp với bản thân. Để giải quyết tình trạng này, bước đầu tiên là xây dựng được một lộ trình học tiếng Anh cho người mới bắt đầu khoa học và bài bản.
Lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc bắt đầu với việc học phát âm và trang bị từ vựng
Khi học bất kỳ một ngôn ngữ nào đó, không chỉ riêng tiếng Anh, phát âm và từ vựng luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Hãy tưởng tượng, khi một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ, điều đầu tiên ba mẹ dạy chúng là cách phát âm sao cho tròn vành rõ chữ vì càng để lâu, phát âm sẽ càng khó sửa. Việc phát âm chuẩn ngay từ đầu sẽ là một lợi thế lớn cho người học ngoại ngữ. Còn từ vựng chính là cốt lõi vì đó là yếu tố quyết định ý nghĩa của một câu nói hay điều mà người nói muốn biểu đạt.
Lộ trình học tiếng Anh cho người mới bắt đầu với kỹ năng phát âm
Về kỹ năng phát âm, người bắt đầu học nên nắm rõ ba yếu tố chính là bảng phiên âm quốc tế IPA (International Phonetics Alphabet), cách nhấn trọng âm của từ đơn lẻ và trọng âm của cả câu. Hãy chắc chắn rằng bạn đã nắm rõ cách phát âm và ký hiệu của 44 âm tiết trong tiếng Anh.
Bạn có thể xem video dạy IPA của Oxford Online English và luyện tập phát âm trước gương. Về cách nhấn trọng âm, đầu tiên hãy ghi nhớ một vài quy tắc như: Một từ chỉ có một trong âm, trọng âm của các danh từ/tính từ hai âm tiết thường rơi vào âm tiết thứ nhất, trọng âm các động từ hai âm tiết thường rơi vào âm tiết thứ hai,..... Còn trọng âm câu thường sẽ rơi vào các từ thể hiện nội dung ý nghĩa của câu như danh từ, động từ, tính từ,....
Tuy nhiên như đã nói ở trên, tiếng Anh có nhiều nguyên tắc nhưng cũng không thiếu những ngoại lệ vì vậy phương pháp tốt nhất là hãy luyện nghe thật nhiều và để ý đến ngữ điệu khi nói của người bản xứ rồi bắt chước theo. Lâu dần bạn sẽ hình thành thói quen mà không cần nhớ quá nhiều quy tắc.
Trang bị từ vựng
Lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc về từ vựng hiệu quả là khi người học có phương pháp phù hợp và chiến lược học đúng đắn. Một gợi ý là hãy bắt đầu với các chủ đề bạn yêu thích để duy trì niềm hứng thú và động lực học tập. Nếu bạn yêu thích thời trang, hãy tìm và học từ vựng về chủ đề này thông qua các video trên youtube, báo, tạp chí hay phim ảnh.
Một lưu ý quan trọng khác về việc học từ vựng cho người mới bắt đầu là học cách tra từ điển. Khi tra từ điển, đừng chỉ quan tâm đến đến mặt chữ và nghĩa tiếng Việt, hãy chú ý đến các yếu tố khác như phát âm, câu ví dụ được từ điển đưa ra và nếu đó là một từ đa nghĩa, hãy xem xét tất cả các nghĩa và các cách dùng được đề cập.
Các bạn mất gốc hoặc là người mới bắt đầu hãy ưu tiên sử dụng từ điển tiếng Việt trước vì lúc này vốn từ vựng của các bạn vẫn còn hạn chế. Nhưng khi đã tích lũy đủ vốn từ hãy làm quen sử dụng từ điển tiếng Anh như Oxford Learner's Dictionary hay Cambridge Dictionary để hiểu tường tận nghĩa của từ trong tiếng Anh.
Và tất nhiên, học phải đi đôi với hành. Hãy cố gắng sử dụng từ vựng nhiều nhất có thể trong cuộc sống hàng ngày để ghi nhớ và nắm chắc cách sử dụng trong ngữ cảnh thực tế. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự đặt 1-2 câu ví dụ với từ đã học, áp dụng từ đã học vào các tình huống giao tiếp hoặc tự đặt lịch kiểm tra định kỳ.
Lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc cả 4 kỹ năng
Sau khi đã trang bị cho mình kỹ năng phát âm bài bản cũng như một lượng từ vựng kha khá về các chủ đề, đã đến lúc bạn bắt tay vào hành trình chinh phục 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong tiếng Anh. Hãy phân bổ thời gian hợp lý cho cả 4 kỹ năng để tránh trường hợp học lệch, chỉ tập trung vào 1,2 kỹ năng mà bỏ qua những kỹ năng còn lại.
Lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc với kỹ năng nghe
Tương tự như khi học từ vựng, hãy nghe những nội dung bạn cảm thấy hứng thú trước để tăng cảm hứng và động lực. Song song với đó, hãy thử tham khảo một số nguồn nghe uy tín sau để mở rộng phạm vi và kiến thức xã hội nhé
- BBC Learning English: Đây là một nguồn luyện nghe hàng đầu cho các bạn mất gốc hoặc mới bắt đầu học tiếng Anh. BBC Learning English bao gồm nhiều chuyên mục khác nhau như 6 minutes English, News Reviews, Improve your pronunciation,.... phù hợp với mọi trình độ người học. BBC Learning English cũng được dẫn dắt bởi các thầy cô vô cùng vui tính và đáng yêu, đảm bảo sẽ tăng niềm say mê và hứng thú học của bạn
- Spotlight English: Trang web luyện nghe bao gồm các chủ đề phổ biến và thông dụng như Education, Sport, Culture, Travel,...được cập nhật thường xuyên hàng tuần. Mỗi bài nghe đều đi kèm transcript với tốc độ vừa phải phù hợp cho trình độ mới bắt đầu. Ngoài ra Spotlight English cũng có chuyên mục Blog chuyên chia sẻ các kiến thức, phương pháp học tiếng Anh hữu ích cho những bạn thích tìm tòi và khám phá.
- Monkey Stories: Đây là một ứng dụng học tiếng Anh toàn diện 4 kỹ năng nghe nói đọc viết thông qua hơn 1000 đầu truyện đa dạng chủ đề đi kèm file audio với phát âm chuẩn Anh - Mỹ. Mặc dù là ứng dụng học tiếng Anh cho trẻ em nhưng Monkey Stories hoàn toàn phù hợp với người mất gốc hoặc người mới bắt đầu học tiếng Anh ở mọi độ tuổi. Các truyện với nội dung hấp dẫn luôn là điểm khởi đầu hoàn hảo cho hành trình học một ngôn ngữ mới.
Về phương pháp luyện nghe cho người mất gốc, hãy bắt đầu với passive listening (nghe thụ động). Bạn có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi hoặc khi làm việc nhà để nghe tiếng Anh. Lúc này, bạn không cần chú tâm 100% vào nội dung mà nói mà chỉ cần cho đôi tai và bộ mình được tiếp xúc với tiếng Anh một cách vô thức. Lợi ích của phương pháp này là nó sẽ tiết kiệm cho bạn kha khá thời gian, đồng thời giúp bạn làm quen với giọng phát âm của người bản xứ một cách tự nhiên và không tốn quá nhiều công sức.
Xem thêm: 10 kênh học tiếng Anh online miễn phí
Sau khi đã quen với giọng tiếng Anh, hãy nâng tầm thử thách bằng việc áp dụng active listening (nghe chủ động). Note - taking (nghe chép chính tả) là một trong những phương pháp luyện nghe phổ biến nhất. Bạn có thể lựa chọn một đoạn audio với chủ đề bất kỳ, nghe và chép lại những gì nghe được ra một tờ giấy. Khi mới bắt đầu, bạn có thể nghe từng câu, tạm dừng rồi chép lại nhưng khi đã quen, hãy cố gắng bật audio liên tục và cố gắng chép được nhiều nhất có thể. Tất nhiên, tốc độ ghi chép của tay sẽ luôn chậm hơn tốc độ audio, điều quan trọng là bạn nắm được ý chính của bài nói và tóm tắt lại được. Spotlight English đề cập bên trên là một nơi hoàn hảo cho bạn luyện kỹ năng này.
Lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc với kỹ năng đọc
Đọc được xem là một kỹ năng khó nhằn với người học bởi không phải ai cũng thích hoặc có thói quen đọc thường xuyên. Tin mừng là bạn hoàn toàn có thể rèn luyện kỹ năng này với những bước nhỏ và đơn giản mỗi ngày. Nếu bạn không thích việc đọc, khi mới bắt đầu hãy dành ra 15-30 phút cố định mỗi ngày cho việc đọc và cam kết hoàn thành nó. Trong thời gian đọc, hãy dành toàn bộ sự tập trung cho hoạt động này để tối đa hóa hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải cứ đọc nhiều là khả năng đọc của bạn sẽ tăng lên. Điều cần làm là xây dựng một lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc kỹ năng đọc với những chiến lược thông minh.
- Về việc lựa chọn sách, về cơ bản có hai loại chính: Sách để luyện kỹ năng Reading từ các nhà xuất bản nổi tiếng như Oxford hay Cambridge. Thứ hai là các cuốn sách, tiểu thuyết hoặc các trang tin tức, blog bằng tiếng Anh trên Internet. Hiệu quả nhất là bạn nên kết hợp cả hai loại trên. Những cuốn sách của Cambridge hay Oxford sẽ cung cấp cho bạn những chiến thuật khi làm bài Reading và một hệ thống bài tập được thiết kế bài bản từ dễ đến khó.Những cuốn tiểu thuyết hay các trang tin tức bằng tiếng Anh sẽ là nơi các bạn áp dụng những chiến thuật được học vào thực tế. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn sách về chủ đề mình yêu thích để vừa học tiếng Anh vừa nuôi dưỡng thói quen đọc. Nếu là người mới bắt đầu, bạn có thể đăng ký nhận newsletter của Quartz - Trang tin tức toàn cầu về nhiều lĩnh vực. Mỗi buổi sáng Quartz sẽ gửi cho bạn một email gồm 5 tin vắn trong ngày.
- Để rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, hãy đặt cho bản thân các câu hỏi trước và sau khi đọc, ví dụ như “Với tiêu đề như vậy, liệu nội dung bài đọc sẽ là gì?”, “Có tên riêng hoặc từ chuyên ngành nào mình chưa biết?”. Sau khi đọc xong, hãy cố gắng tóm tắt lại ý chính của bài đọc trong 1-2 câu. Trong quá trình đọc, hãy tạo thói quen đoán nghĩa từ vựng dựa vào ngữ cảnh thay vì liên tục mở từ điển để tra. Việc này sẽ giúp ích cho sự liền mạch trong quá trình đọc và rèn cho bạn khả năng phán đoán - một kỹ năng cần thiết cho mọi kỳ thi và công việc sau này.
Lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc với kỹ năng nói
Nhiều người nghĩ rằng, để nói tốt được tiếng Anh thì nhất thiết phải có một người để luyện nói cùng hoặc học cùng các giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, có rất nhiều cách để dù chỉ có một mình bạn vẫn có thể tự học kỹ năng nói tiếng Anh hiệu quả.
Luyện tập kỹ năng suy nghĩ bằng tiếng Anh
Một thói quen thường thấy của những người mới học tiếng Anh là dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh trong đầu mỗi khi nói. Và dịch thuật là một việc không dễ dàng, kể cả đối với những người thông thạo nhiều ngôn ngữ.
Quá trình chuyển ngữ diễn ra trong đầu sẽ ảnh hưởng đến độ trôi chảy và mạch lạc của bài nói. Bạn hoàn toàn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách suy nghĩ bằng tiếng Anh về mọi thứ trong cuộc sống hoặc thậm chí là sử dụng từ điển Anh - Anh để tra từ mới. Sau một thời gian, bạn sẽ nhận thấy rằng khi bạn nghĩ bằng tiếng Anh, bạn cũng sẽ dễ dàng nói bằng tiếng Anh hơn.
Đừng quá tập trung vào ngữ pháp, hãy tập trung vào độ trôi chảy
Bạn có nhận thấy mình thường nói ngập ngừng vì còn đang bận phân vân xem nên sử dụng cấu trúc ngữ pháp nào hoặc vì sợ rằng mình nói sai? Điều quan trọng nhất với kỹ năng nói là bạn có thể tự tin truyền tải thông điệp của mình với người nghe một cách rõ ràng và liền mạch.
Bạn có thể rèn luyện kỹ năng nói trôi chảy bằng phương pháp “Shadowing” (nghe và nhại theo) cùng lúc với người nói. Hãy chú ý đến tone giọng, cách nhấn nhá trọng âm của họ và bắt chước giống nhất có thể. Đừng bận tâm nếu bạn bỏ sót một vài chỗ, điều quan trọng là nhại theo liên tục từ đầu đến cuối.
Tập nói trong khoảng 2-3 phút, ghi âm lại và tự khắc phục các lỗi sai
Trong lúc luyện tập đừng quên để ý đến khẩu hình miệng, ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt của bản thân xem đã được tự nhiên chưa để có những điều chỉnh sau đó. Trường hợp bạn không thể nhớ ra từ vựng hoặc gặp khó khăn trong diễn đạt, hãy tìm một cách diễn đạt khác có nghĩa tương tự và tiếp tục bài nói. Đừng dừng lại giữa chừng để tra. Bằng cách này bạn sẽ cải thiện được sự mạch lạc và trôi chảy trong bà nói.
Bạn cũng có thể sử dụng một số ứng dụng hỗ trợ khi luyện speaking như Cambly hay Elsa Speak. Với Cambly, người học sẽ có cơ hội học gia sư 1 kèm 1 với các giáo viên bản xứ từ khắp nơi trên thế giới về đa dạng chủ đề dựa trên sở thích và nhu cầu của người học. Còn ứng dụng Elsa Speak sẽ giúp bạn luyện phát âm bài bản chuẩn bản xứ dựa trên việc áp dụng trí tuệ nhân tạo.
Lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc với kỹ năng viết
Kỹ năng viết tiếng Anh là một kỹ năng quan trọng nhưng cũng đầy thách thức với người học. Để xây dựng một lộ trình học tiếng Anh cho người mới bắt đầu với kỹ năng viết, trước tiên bạn cần trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức ngữ pháp căn bản như các thì trong tiếng Anh, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện,.... Sau đó luyện viết một câu tiếng Anh hoàn chỉnh bao gồm đầy đủ chủ vị, có sử dụng các từ nối như although, because,..... để tăng tính liên kết và mạch lạc.
Ngoài ra, để viết tốt, một điều chắc chắn là bạn sẽ phải đọc rất nhiều bằng tiếng Anh. Việc này sẽ giúp bạn học thêm được nhiều từ vựng và cấu trúc dùng trong văn viết, đặc biệt là viết học thuật (academic writing). Đọc nhiều bằng tiếng Anh cũng sẽ cho bạn cơ hội làm quen với cách hành văn của người bản xứ, từ đó tránh được tình trạng viết câu không tự nhiên hay tối nghĩa.
Điều quan trọng nhất để nâng trình kỹ năng viết tiếng Anh cho người mất gốc là bạn phải tạo được thói quen viết mỗi ngày. Nếu bạn vẫn còn đang phân vân về chủ đề luyện viết, bạn có thể sử dụng trang web Write and Improve - nơi gợi ý cho bạn rất nhiều chủ đề đa dạng. Bài viết của bạn cũng sẽ nhận được đánh giá và góp ý gần như ngay lập tức từ trang web này.
Một trang web khác bạn có thể sử dụng là Grammarly. Grammarly sẽ kiểm tra giúp bạn các lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp và lỗi hành văn. Hai trang web này sẽ là người bạn đồng hành đắc lực giúp kỹ năng viết tiếng Anh của bạn tiến bộ hơn mỗi ngày
Một vài lưu ý khi xây dựng lộ trình học tiếng Anh cho người mới bắt đầu cả 4 kỹ năng
Trước khi bắt đầu tự thiết kế một lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc, người học cần xác định xem trình độ hiện tại của bản thân đang ở đâu để có chiến lược phù hợp. Bạn có thể tự đánh giá trình độ của mình dựa trên thang CEFR (Khung tham chiếu châu Âu về trình độ sử dụng ngoại ngữ). CEFR gồm 6 trình độ trải dài từ A1 đến C2 tương ứng với các cấp bậc từ Beginner (người mới bắt đầu) đến Advanced (Cao cấp). Bạn có thể tự đánh giá trình độ của mình trên trang web của Cambridge.
Xem thêm: Các chứng chỉ tiếng Anh phổ biến nhất hiện nay
Một lưu ý khác cho các bạn mới bắt đầu là nên ưu tiên học hai kỹ năng nghe và đọc trước khi bắt tay vào học hai kỹ năng nói và viết. Nghe và đọc được xem là hai kỹ năng thụ động, nghĩa là bạn sẽ thực dựa trên các dữ liệu có trước. Còn nói và viết là hai kỹ năng chủ động, yêu cầu bạn phải tự tạo ra dữ liệu và truyền tải đến người tiếp nhận.
Quá trình học hai kỹ năng nghe và đọc sẽ là cơ hội để bạn thu nạp các kiến thức cần thiết như từ vựng, cấu trúc và ý tưởng phục vụ cho việc học hai kỹ năng còn lại dễ dàng và hiệu quả hơn.
Và cuối cùng, hãy chuẩn bị một tư duy đúng đắn trước khi bắt đầu. Hành trình học tiếng Anh nói riêng hay ngoại ngữ nói riêng là không hề đơn giản dù xuất phát điểm của bạn ở đâu. Người chiến thắng là người kiên định với lựa chọn của mình và cam kết hoàn thành lộ trình đã đề ra một cách trọn vẹn nhất.
Khi mới bắt đầu, đừng đặt ra những mục tiêu quá to lớn, hãy bắt đầu bằng những bước đi nhỏ để không cảm thấy choáng ngợp. Đừng quên dành cho bản thân những lời khen ngợi và phần thưởng khi nhận thấy mình có sự tiến bộ. Đó sẽ trở thành động lực giúp bạn tiến xa hơn trên con đường này.
Trên đây là những gợi ý của Monkey về việc xây dựng lộ trình học tiếng Anh cho người mất gốc 4 kỹ năng. Hy vọng, bạn đã được truyền thêm thật nhiều kinh nghiệm, kiến thức cũng như động lực để sẵn sàng cho hành trình đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thú vị này.