Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ là cách thúc đẩy sự tự tin của con bởi đa số trẻ em đều muốn tự làm mọi thứ theo ý mình. Do đó, thay vì quan niệm “con phải làm theo lời mẹ, lời bố”, hãy hướng dẫn và khuyến khích con tự chăm sóc bản thân thông qua việc tự ăn, tự đi vệ sinh, giúp đỡ người khác, v.v…
Vì sao nên dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ từ sớm?
Kỹ năng tự phục vụ là những khả năng được hình thành và phát triển trong quá trình trưởng thành của trẻ. Các nhóm kỹ năng này giúp con tự lập, không cần phụ thuộc vào người lớn và đem đến nhiều lợi ích khác nữa.
Hình thành & trau dồi kỹ năng sống cần thiết
Bằng cách rèn luyện và vận dụng thành thạo các kỹ năng tự lực, bản thân con đã được trang bị đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết. Khi trưởng thành, ngoài việc tự chăm sóc cá nhân, trẻ có thể giúp đỡ người khác và trở thành người có ích cho tập thể, xã hội.
Giúp trẻ sáng tạo chủ động
Thường xuyên luyện tập các hoạt động tự chăm sóc bản thân giúp con chủ động trong mọi việc, kể cả học tập & vui chơi. Ngoài ra, việc khuyến khích trẻ tự nghĩ, tự làm và tự chịu trách nhiệm là phương pháp để con luôn sáng tạo, đổi mới cách thực hiện giúp mọi việc được thuận lợi, có kết quả tốt.
Phát triển thể chất và tư duy
Rèn luyện kỹ năng đồng nghĩa với việc trẻ cần hoạt động thân thể và trí óc nhiều hơn. Chẳng hạn như, trong kỹ năng gấp quần áo, bé cần kết hợp học các kỹ thuật gấp và quan sát để gấp đúng, gấp gọn mà quần áo k bị nhàu. Bên cạnh đó, con cần biết cách gấp phù hợp cho từng loại đồ để có thể xếp vừa vặn trong tủ.
Hỗ trợ bé tự kỷ hoặc tăng động
Kỹ năng tự lực đặc biệt quan trọng và hỗ trợ rất nhiều cho các bé tự kỷ, tăng động. Nếu như bé tự kỷ ngại giao tiếp, không muốn tiếp xúc người lạ thì việc thành thạo các kỹ năng sẽ giúp con tự hoàn thành mọi việc cá nhân. Hơn nữa, quá trình hướng dẫn bé cũng là cơ hội để ba mẹ trò chuyện nhiều hơn, giúp con mở lòng và dễ dàng chia sẻ.
Còn với trẻ tăng động, các con hiếu động, rất tò mò và rất thích vận động, do đó thay vì con nghịch ngợm, bạn có thể cho con rèn luyện những hoạt động hữu ích khác như sắp xếp quần áo, dọn dẹp đồ trong nhà, dọn rửa đồ chơi của mình,...
10+ Kỹ năng ba mẹ cần dạy trẻ càng sớm càng tốt
Thông thường, việc dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ sẽ phụ thuộc theo từng lứa tuổi của trẻ. Ba mẹ không thể dạy con cùng lúc nhiều kỹ năng mà cần xem xét đến mức độ phù hợp thông qua tính cách, nhận thức của bé. Việc lựa chọn dạy kỹ năng nào trước sẽ do ba mẹ tự quyết định.
Kỹ năng chia sẻ
Đây là kỹ năng giúp con dễ dàng hòa đồng và được mọi người quý mến, tôn trọng. Bằng việc chia sẻ đồ ăn, đồ chơi cho bạn bè, người thân trong gia đình hay nhường nhịn cho em nhỏ đã giúp con hình thành nhân cách tốt và trở nên thân thiện, gần gũi với mọi người xung quanh.
Biết quan tâm & giúp đỡ người khác
Tương tự như việc chia sẻ đồ ăn, đồ chơi, con cần được hướng dẫn cách chia sẻ sự trợ giúp đúng lúc. Chẳng hạn, nếu có người lớn tuổi gặp khó khăn khi bê đồ nặng, con cần đến và hỏi xem họ có cần giúp đỡ không. Nếu con gặp em nhỏ đang khóc vì lạc ba mẹ, hãy đến và giúp em bé đến đồn công an để được trợ giúp nếu con biết đường.
Cần lưu ý, ba mẹ cần dạy con khi nào thì nên giúp đỡ bởi trong một số trường hợp việc hỗ trợ sẽ khiến con nhiễm thói xấu. Ví dụ, con có thể gặp người lạ và người đó yêu cầu con phải lấy đồ của một ai đó mà con không biết, thậm chí lấy đồ trong các cửa hàng mà không trả tiền. Trường hợp ở trên lớp, trong giờ kiểm tra, nếu bạn muốn quay cóp bài, con cần từ chối và không cho bạn chép bài của mình.
Biết cách gấp quần áo
Gấp quần áo là việc khá đơn giản với các con, bạn có thể hướng dẫn khi trẻ được khoảng 4 5 tuổi. Bước đầu, ba mẹ nên dạy con phân biệt được quần, áo và biết được cách gấp đúng cho mỗi loại. Sau đó, hãy chỉ con cách sắp xếp vào tủ đồ của mình sao cho gọn gàng, ngăn nắp nhé!
Kỹ năng mặc quần áo
Nếu trẻ biết gấp quần áo thì con cũng thích chọn và tự mặc đồ cho mình. Ba mẹ hãy hướng dẫn con cách mặc đồ theo chiều đúng, cách lộn phải áo quần, cách cài cúc áo, cúc quần để việc mặc trang phục luôn chỉn chu, gọn gàng.
Tự đi dép & sắp xếp đúng chỗ
Với những đứa trẻ 3 4 tuổi, thậm chí ngay khi biết đi, con đã có thể tự đi dép mà không cần ba mẹ trợ giúp. Kỹ năng này sẽ giúp con chủ động khi tham gia các hoạt động tập thể dục, ra chơi, giải trí ngoài trời tại trường mẫu giáo.
Cùng với việc đi dép đúng, bạn cần dạy con cất giày dép đúng quy định, nhất là khi đến nơi đông người như trường học, khu vui chơi để tránh mất mát. Mặt khác, việc tự giác cất giày dép khi về nhà sẽ giúp con hiểu trách nhiệm của mình về việc giữ gìn nơi ở gọn gàng và sạch sẽ.
Cất đồ đúng nơi quy định
Tương tự việc cất dép, sắp xếp đồ chơi, đồ dùng học tập gọn gàng sau khi học & chơi cũng là công việc giúp con hình thành ý thức tốt trong việc giữ gọn gàng, ngăn nắp trong nhà. Điều này cũng rất có ích khi trẻ biết tự sắp xếp đồ tại lớp học, khu vui chơi sau khi dùng xong để cả tập thể luôn sạch đẹp.
Tự ăn và tự uống
Trong kỹ năng tự ăn uống, ba mẹ cần dạy trẻ cách cầm thìa, cách xúc cơm và thức ăn sao cho gọn gàng, cách cầm cốc uống nước để không bị đổ, v.v…
Ngoài ra, một số trẻ ở độ tuổi 5 - 6 tuổi có ngồi ăn chung với gia đình, hãy dạy con cách lấy thức ăn đúng cách sao cho lịch sự. Cụ thể 1 số điều không nên làm gây mất vệ sinh như chạm thìa vào mọi miếng trên đĩa, ăn dở bỏ lại vào đĩa ăn chung, cho thìa của mình vào bát canh chung,...
Kỹ năng che miệng khi ho hoặc hắt xì
Ho, hắt hơi đều là nguyên nhân truyền nhiễm bệnh cảm cúm và nhiều bệnh liên quan cho người tiếp xúc gần. Do đó, hãy luôn nhắc nhở con dùng tay che miệng khi ho, sổ mũi để không văng chất bẩn sang người khác. Và sau khi ho, hắt hơi, hãy rửa tay rồi mới được chạm vào đồ dùng chung hoặc chơi cùng các bạn.
Kỹ năng rửa tay
Theo đó, rửa tay cũng là kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe bản thân cho trẻ. Các con cần biết những thời điểm nào cần phải rửa tay (sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi sổ mũi, chơi với chó mèo nuôi trong nhà,...); rửa tay đúng cách gồm những bước gì; sau khi rửa cần lau khô tay mà không được vảy lung tung làm bẩn sàn và ảnh hưởng đến người khác.
Kỹ năng đi cầu thang
Ở những nơi công cộng như trường học, khu giải trí, nhà sách có rất nhiều cầu thang, vì vậy ba mẹ cần giúp con tập luyện đi lên đi xuống cầu thang an toàn.
Với những bé mới biết đi, có thể cho con làm quen bằng cách kết hợp hông và chân để ngồi lê xuống, khi đi lên thì kết hợp tay và chân để bò lên. Với trẻ đã đi vững, hãy dắt con đi lên xuống vài lần, sau đó cho trẻ tự bám vào thành cầu thang rồi để con tự di chuyển. Đừng quên nhắc con quan sát bậc thang để tránh vấp ngã.
Kỹ năng ngồi ghế
Việc ngồi ghế tưởng chừng đơn giản nhưng điều quan trọng là bạn cần dạy con cách ngồi đúng, ngồi lịch sự. Ở nhà, hãy dạy con ngồi ghế đúng khi ăn uống, khi học và chơi. Ở trường học hoặc nơi công cộng, nếu có ghế ngồi, con cần quan sát để ngồi đúng vị trí đã quy định.
Kỹ năng tự đánh răng và rửa mặt
Đây là 2 hoạt động chính sau khi bé thức dậy buổi sáng, bạn cần dạy trẻ để con tự giác thực hiện. Việc này không chỉ hình thành thói quen tốt cho con mà còn giúp bạn tiết kiệm thời gian để chuẩn bị thêm đồ ăn sáng chất lượng cho trẻ, chuẩn bị trang phục và công việc cá nhân để đến cơ quan đúng giờ quy định.
Kỹ năng chải tóc
Đây là một kỹ năng khá hay mà trẻ có thể học được khi chúng đứng cạnh bạn trước gương và bắt chước chuyển động của ba mẹ. Hãy khuyến khích con làm theo và khen thưởng bé nếu con làm đúng nhé!
Gợi ý dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ theo độ tuổi
Có thể thấy, rất nhiều kỹ năng quan trọng trẻ cần học và thành thạo để tự chăm sóc bản thân. Bởi vậy, một số trung tâm dạy trẻ tại nước ngoài đã giúp ba mẹ phân chia các kỹ năng cần học theo độ tuổi như sau:
Độ tuổi |
Kỹ năng cần học |
Trẻ 1 - 2 tuổi |
|
Trẻ 2 - 4 tuổi |
|
Trẻ 4 - 6 tuổi |
|
Lưu ý: Trên đây chỉ là độ tuổi gợi ý, ba mẹ cần dựa vào đặc điểm thích nghi và khả năng tiếp thu của con để dạy trẻ từng kỹ năng một cách cẩn thận, khéo léo.
Tham khảo ngay: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non - Hành trang tốt nhất cho con vào đời!
Phương pháp dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ giúp con thực hành hiệu quả
Rèn trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân là cả quá trình dài, vì vậy muốn đạt hiệu quả cần có phương pháp đúng và có đủ thời gian làm quen, luyện tập. Về cách dạy, ba mẹ có thể tham khảo những hình thức dưới đây:
Dạy qua tranh ảnh
Sử dụng tranh ảnh là phương pháp minh họa tốt nhất giúp con hiểu rõ cách làm từng kỹ năng nói trên. Thông thường, các bộ Flashcard đều có đầy đủ mô phỏng các hoạt động phổ biến như rửa tay, rửa mặt, chải tóc, đánh răng, uống nước, gấp quần áo, v.v… Một số loại thẻ học còn có kèm giải thích hoạt động hoặc có tiếng Anh đi kèm để trẻ học thêm.
Sử dụng sách kỹ năng sống cho trẻ
Trẻ em trong độ tuổi 3 4, 4 5 hoặc 5 -6 tuổi có rất nhiều tài liệu học về kỹ năng. Ba mẹ có thể tham khảo các đầu sách theo lứa tuổi dưới đây:
STT |
Tài liệu |
Link mua tài liệu |
1 |
Bộ sách 100+ Kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho trẻ - Ứng phó với nguy hiểm |
|
2 |
Tủ Sách Bổi Dưỡng Kỹ Năng Sống - Kỹ Năng Tự Thoát Hiểm |
|
3 |
Tủ Sách Bổi Dưỡng Kỹ Năng Sống - Kỹ Năng Bảo Vệ Bản Thân (Tái Bản 2023) |
|
4 |
Cẩm Nang Sinh Hoạt Bằng Tranh Cho Bé Quyển 3 - Kỹ năng đi ra ngoài Quyển 4 - Kỹ năng giao tiếp |
|
5 |
Bộ sách Siêu nhân thoát hiểm |
|
6 |
Bồi dưỡng trẻ 49 kỹ năng sống thực tế |
|
7 |
Bộ sách kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học |
|
8 |
Sách Ngỏ lời khi cần giúp |
|
9 |
Combo sách Giáo dục An toàn giao thông dành cho trẻ 5-6 tuổi (6 cuốn) |
|
10 |
Combo sách Giáo dục an toàn giao thông dành cho trẻ 3-4 tuổi (7 cuốn) |
Kể chuyện hàng ngày
Song song với đọc sách thì kể chuyện cũng rất thú vị. Ngoài các loại sách truyện nói trên, ba mẹ có thể tham khảo các cuốn Ebook hoặc truyện được tổng hợp trên ứng dụng giáo dục cho trẻ nhỏ.
Theo đó, bạn có thể tham khảo danh sách truyện trong VMonkey - Chương trình học tiếng Việt cho bé tiền tiểu học & Tiểu học. Ngoài học các kỹ năng qua truyện, bạn hoàn toàn có thể dạy bé đọc chữ, đánh vần chuẩn bị vào lớp 1 cho bé.
Trò chuyện cùng con về những tình huống thực
Một trong những cách để trẻ có niềm tin vào ba mẹ, sẵn sàng chia sẻ mọi vấn đề đó là trò chuyện cùng bé. Song song với việc hướng dẫn, hãy cùng con chia sẻ các vấn đề hàng ngày để thấu hiểu tâm lý của bé đồng thời giúp đỡ con khi con gặp khó khăn trong lúc thực hiện các kỹ năng nói trên.
Dạy thông qua hoạt động hàng ngày
Việc dạy kiến thức chay có thể khiến trẻ khó hiểu nếu con đang ở độ tuổi mẫu giáo, vì vậy cha mẹ hãy áp dụng phương pháp học qua hoạt động hàng ngày để con có nhận thức rõ ràng. Hơn nữa, cách dạy này cũng góp phần gắn kết tình cảm gia đình thân mật hơn. Đây cũng là cách để ba mẹ trở thành hình mẫu lý tưởng của trẻ trong quá trình con rèn kỹ năng.
Những lưu ý trong quá trình rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho bé
Việc học kỹ năng rất quan trọng nhưng để đạt hiệu quả, ba mẹ cần lưu ý những vấn đề cốt lõi như thời điểm giáo dục, cách hỗ trợ thực hiện, khen ngợi,... Cụ thể:
Lựa chọn thời điểm giáo dục phù hợp
Sự phát triển nhận thức ở mỗi trẻ luôn có điểm khác nhau, vì vậy ba mẹ cần theo dõi để nắm được thời điểm phù hợp dạy con kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Chẳng hạn, trong giai đoạn 1 - 2 tuổi, bé đang dần hình thành kỹ năng đi lại, giao tiếp nên bạn cần chú trọng hướng dẫn trẻ lên xuống bậc thang, tập gọi ba mẹ khi có nhu cầu như ăn, uống, đi vệ sinh,...
Hỗ trợ đúng cách không làm hộ làm thay
Trong quá trình rèn luyện, ba mẹ có thể dùng lời nói và hành động mô phỏng để hướng dẫn con. Khi con đã thực hiện nhiều lần mà chưa nhớ, hãy gợi ý cho bé để con tự nhớ và làm lại. Để trẻ biết tự phục vụ sớm, ba mẹ tuyệt đối không làm hộ nếu đã hướng dẫn con nhiều lần.
Không quát mắng dọa nạt
Nếu trẻ làm sai hoặc trong quá trình rèn luyện con bị ngã, tổn thương, ba mẹ không nên trách mắng mà cần an ủi bé trước. Sau đó, hãy từ từ hướng dẫn con từng bước và hỗ trợ con thực hiện lại đến khi con thành thạo.
Dạy trẻ kỹ năng tự phục vụ khi còn nhỏ là bí quyết để con tự tin và tự chủ trong mọi việc, ở mọi môi trường. Là cha mẹ, bạn hãy luôn đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ đúng lúc để con rèn luyện các bài học kỹ năng thật thành thạo. Cùng với đó, hãy tiếp tục cập nhật kiến thức tại Blog Kỹ năng sống để quá trình phát triển của con được toàn diện nhất!
20 Essential Self Help Skills for Toddlers - Ngày truy cập: 05/092023
https://www.petitjourney.com.au/self-help-skills-for-toddlers/