zalo
Hướng dẫn trẻ tự đi vệ sinh: 6 bước cơ bản dễ thực hiện cho phụ huynh
Kỹ năng sống

Hướng dẫn trẻ tự đi vệ sinh: 6 bước cơ bản dễ thực hiện cho phụ huynh

Phương Đặng
Phương Đặng

27/08/20233 phút đọc

Mục lục bài viết

Hướng dẫn trẻ tự đi vệ sinh giúp con hình thành thói quen tự lập trong sinh hoạt cá nhân, đặc biệt con có thể tự tin giải quyết nỗi “buồn” của mình khi ở trường mẫu giáo. 6 bước cơ bản  dễ thực hiện dưới đây sẽ giúp ba mẹ “huấn luyện” trẻ tự chủ trong vệ sinh cá nhân hiệu quả.

Vì sao ba mẹ nên hướng dẫn trẻ tự đi vệ sinh?

Dạy trẻ biết tự đi vệ sinh không chỉ giúp ba mẹ thoải mái, an nhàn hơn mà còn là phương pháp giáo dục để con hình thành tính tự lập, phát triển nhận thức về thói quen sinh hoạt để tự giải quyết vấn đề cho bản thân.

Đối với ba mẹ, việc dạy bé tự đi vệ sinh sẽ giúp bạn:

  • Có thêm thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm hoặc thời gian để làm thêm việc nếu làm tại nhà.

  • Hạn chế những khoảng thời gian trống khi giúp con đi vệ sinh, dọn dẹp, thậm chí là dỗ con để trẻ đi vệ sinh đúng chỗ, đúng cách.

Dạy trẻ tự đi vệ sinh giúp ba mẹ an nhàn hơn. (Ảnh: Internet)

Đối với trẻ, thành thạo cách đi vệ sinh cá nhân sẽ giúp con:

  • Xây dựng thói quen tự lập từ nhỏ, có thể làm mọi thứ mà không cần ba mẹ trợ giúp. 

  • Tự xử trí các vấn đề cá nhân khi đi học, hạn chế nhờ cô giáo vì trong lớp khá đông bạn, chưa chắc cô có thể kiểm soát hết các hoạt động cá nhân của con. Như vậy, thay vì cô phải dẫn con đi vệ sinh thì con chỉ cần báo cáo và tự làm việc này.

  • Song song với tính tự lập chính là kỷ luật của bản thân, nhận thức rõ ràng về việc con cần phải tự chủ từ các vấn đề cá nhân để hình thành thói quen tốt sau này.

6 Bước cơ bản hướng dẫn con đi vệ sinh dễ dàng hiệu quả

Cách dạy trẻ tự đi vệ sinh cá nhân tốt nhất chính là nắm bắt được thời điểm con “sẵn sàng” tự đi vệ sinh, hướng dẫn con sử dụng thiết bị và dạy con thực hiện các bước để giải quyết “nỗi buồn” một cách sạch sẽ, an toàn.

Dấu hiệu nhận biết trẻ đã sẵn sàng tự đi vệ sinh cá nhân

Nói về thời điểm chính xác tập đi vệ sinh cho bé, thực tế không có độ tuổi cụ thể để bắt đầu vì kỹ năng, thể trạng của mỗi bé là khác nhau. Vì vậy, ba mẹ cần quan sát và nhận biết những dấu hiệu dưới đây để xác định khi nào nên tập cho trẻ tự đi vệ sinh:

Các dấu hiệu con đã sẵn sàng tự đi vệ sinh. (Ảnh: Internet)

Dấu hiệu về thể chất

  • Bé dần hình thành thói quen tiểu tiện, đại tiện

  • Bé đã có thể tự di chuyển và tự đi vào nhà vệ sinh

  • Bé có thể tự kéo quần lên hoặc xuống mà không cần nhiều hỗ trợ

  • khả năng tự kiểm soát của bàng quang đã tăng cao, bằng chứng ở các miếng tã lót bé đang mặc được giữ khô lâu hơn trong khoảng từ 2–3 tiếng.

  • Bé tự ý thức được thời điểm cần đi vệ sinh hoặc có thể nhịn một chút nếu cần.

Dấu hiệu về tinh thần

  • Bé biết phân biệt giữa tiểu tiện và đại tiện, có thể nói về điều đó khi được thay tã

  • Bé hiểu thế nào là ‘ướt’ và ‘khô’

  • Bé có thể đoán biết và nói khi bé “muốn đi vệ sinh”

  • Bé hiểu điều mẹ nói và làm theo những hướng dẫn đơn giản

  • Bé thấy không thoải mái và thông báo hoặc tự tháo tã mỗi khi tã bị dơ

Dấu hiệu về tình cảm xã hội

  • Bé nói “Con làm được”

  • Bé bắt đầu bắt chước hành động của mẹ hoặc người khác

  • Bé bắt đầu thể hiện sự độc lập của mình, thường là bằng câu trả lời “không” khi được yêu cầu làm gì đó

  • Bé biểu lộ mong muốn làm vui lòng người lớn và vui mừng khi được khen

Các bước hướng dẫn con tự đi vệ sinh dễ dàng 

Khi con đã có dấu hiệu sẵn sàng tự đi vệ sinh, bạn cần dạy con cách nhận biết khi nào “buồn” vệ sinh, cách sử dụng các thiết bị trong toilet và cách để đi vệ sinh sạch sẽ.

Các bước hướng dẫn con tự đi vệ sinh dễ dàng. (Ảnh: Internet)

Bước 1: Giúp con nhận biết dấu hiệu “buồn vệ sinh”

Hãy hướng dẫn con khi vùng kín có cảm giác buồn thì lúc đó con có thể cần đi vệ sinh. Lúc đó, hãy gọi ba mẹ trợ giúp hoặc ra tín hiệu bằng cách sờ vào quần để người lớn biết được nhu cầu của con. 

Bước 2: Tập bỏ bỉm & cho bé ngồi bô hoặc bệ có dụng cụ hỗ trợ

Khi con đã nhận biết dấu hiệu “buồn” vệ sinh, bạn hãy tập cho con bỏ bỉm và khuyến khích con ra tín hiệu cho người lớn. Song song với quá trình này, hãy nhắc con khi nào có dấu hiệu tương tự, hãy sử dụng bô của con để đi hoặc tự đi vào nhà vệ sinh nếu con đã đủ lớn. 

Tập bỏ bỉm cho trẻ. (Ảnh: Internet)

Bước 3: Dạy trẻ công dụng & cách dùng bồn vệ sinh

Tiếp đó, khi trẻ đã lớn, hãy chỉ cho bé cách dùng bồn đi cầu ở nhà từ cách đóng nắp bồn dành trẻ em đến việc xả nước sau khi đi xong. Muốn trẻ nắm được cách đi vệ sinh đúng, hãy giải thích rõ công dụng của nắp bồn, nút giật nước để con tự làm khi có nhu cầu.

Bước 4: Dạy con cởi và mặc đồ trước sau khi đi vệ

Để đảm bảo trẻ đi vệ sinh sạch sẽ, bạn cần dạy con cách cởi đồ trước khi đi sao cho chất bẩn không bắn vào quần áo. Sau đó, hãy thường xuyên nhắc con đậy kín nắp bồn khi xả nước để chất bẩn không bắn ra ngoài.

Bước 5: Hướng dẫn con dùng giấy lau 

Khi đi vệ sinh xong, hãy nhắc con sử dụng một lượng giấy vừa đủ để lau sạch. Với những bé lớn biết dùng vòi xịt thì bạn hãy hướng dẫn con cách dùng để đảm bảo an toàn cho bộ phận nhạy cảm. Ba mẹ hãy luôn chuẩn bị đủ giấy và khăn lau sạch để con dùng khi cần thiết.

Hướng dẫn con dùng giấy lau. (Ảnh: Internet)

Bước 6: Dạy con rửa tay sau khi đi vệ sinh

Sau khi hoàn thành các bước đi vệ sinh, ba mẹ cần yêu cầu con rửa tay sạch với xà phòng. Việc này sẽ tránh được vi khuẩn từ tay xâm nhập vào cơ thể giúp con luôn khỏe mạnh, không gặp các bệnh lý về tiêu hóa  & những triệu chứng liên quan.

Lưu ý quan trọng khi dạy trẻ kỹ năng tự đi vệ sinh 

Hướng dẫn trẻ tự đi vệ sinh thành công giúp ích nhiều cho cả ba mẹ & bé. Vì vậy, để đảm bảo việc giáo dục bé vệ sinh cá nhân có hiệu quả, bạn cần lưu ý các vấn đề sau:

Chọn bô phù hợp cho bé trước khi dạy

Tùy vào độ tuổi của trẻ, ba mẹ hãy lựa chọn bô giúp con ngồi thoải mái. Nếu bé đã có thể dùng bồn vệ sinh, hãy lắp thêm công cụ hỗ trợ để tạo khoảng trống vừa vặn với cơ thể bé.

Chọn bô phù hợp cho bé trước khi dạy. (Ảnh: Internet)

Thay tã bỉm bằng quần lót thoải mái cho trẻ

Khi tập cho con đi vệ sinh, bạn cần thay bỉm bằng quần lót để con làm quen với việc khi có nhu cầu cần đi vệ sinh ngay, không được nhịn hoặc tè dầm nữa. Ngoài ra, việc sử dụng quần lót sẽ giúp vùng kín của trẻ được thông thoáng và giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Hướng dẫn kết hợp làm mẫu

Trong quá trình hướng dẫn, ba mẹ cần hướng dẫn kết hợp làm mẫu. Cần lưu ý, bạn chỉ cần mô phỏng động tác và không đi vệ sinh trước mặt con. Mặt khác, bạn có thể kết hợp sử dụng tranh ảnh để mô tả các bước đi vệ sinh, các thiết bị và dụng cụ cần dùng để con nắm được cách dùng khi tự thực hiện.

Hướng dẫn con cách đi vệ sinh qua tranh ảnh. (Ảnh: Internet)

Khích lệ & động viên khi con làm tốt

Tương tự như khi dạy các kỹ năng khác, bạn cần động viên con khi trẻ làm sai và hướng dẫn lại để con hiểu cách làm đúng. Khi đã thực hiện tốt, hãy khích lệ con làm thường xuyên, vỗ tay khen bé để con vui vẻ khi tự lập.

Không quát mắng nếu con lỡ quên và tè dầm

Trong quá trình tập làm quen các kỹ năng, bé sẽ không tránh khỏi tè dầm, đặc biệt là giai đoạn giúp trẻ nhận biết dấu hiệu muốn đi vệ sinh. Hãy từ từ an ủi con rằng điều đó là không xấu và nếu con nhận thấy dấu hiệu tương tự, hãy lấy bô hoặc đi vào nhà vệ sinh để giải quyết ngay. 

Một số thắc mắc về kỹ năng tự đi vệ sinh của trẻ

Huấn luyện con tự đi vệ sinh không dễ và bạn vẫn thường gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy trẻ. Dưới đây là một số thắc ba mẹ thường đề cập:

Bé 2 tuổi không biết gọi đi vệ sinh ba mẹ nên làm gì?

Ở độ tuổi này, ba mẹ đừng lo lắng vì việc dạy trẻ đi vệ sinh cần thực hiện trong giai đoạn từ 18 tháng - 3 tuổi. Khi trẻ tròn 2 tuổi, bạn hãy dạy con cách nhận biết dấu hiệu buồn vệ sinh và hướng dẫn con gọi người lớn trợ giúp. Sau đó hãy luyện tập tự đi vệ sinh cho con theo các bước trên để con làm quen dần. 

Bé 2 tuổi không biết gọi đi vệ sinh ba mẹ nên làm gì? (Ảnh: Internet)

Bé 3 tuổi chưa biết tự đi vệ sinh có đáng lo không? 

Thực tế, mỗi bạn nhỏ đều trải qua những mốc phát triển khác nhau và tiến độ hoàn thành các kỹ năng cũng không giống nhau. Vấn đề tự đi vệ sinh cũng vậy, có những bé 18 tháng có thể biết tự đi nhưng cũng rất nhiều bé 3 tuổi mới tập thói quen này. Vì vậy nếu con 3 tuổi chưa biết đi thì vẫn là bình thường. Ba mẹ chỉ cần kiên trì dạy bé đúng cách thì con sẽ “cai” bỉm hoàn toàn khi đến 4 5 tuổi.

Có nên xi trẻ đi vệ sinh không?

Việc xi tè luôn gặp nhiều ý kiến trái chiều và cho đến hiện tại các mẹ vẫn băn khoăn về điều này. Theo nguyên Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: việc xi tè cho con chỉ là một cách luyện phản xạ có điều kiện khi đi tiểu. Nếu mẹ biết cách xi đúng thì điều này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con.

Theo đó, ba mẹ nên xi tè khi con trên 1 tuổi vì con cần có nhận thức rõ ràng về việc đi vệ sinh trước khi rèn luyện thói quen khác. Ngoài ra, để xác định thời điểm xi tè, mẹ cần quan sát lịch sinh hoạt của trẻ để biết con hay buồn vệ sinh lúc nào.

Có nên xi trẻ đi vệ sinh không? (Ảnh: Internet)

Cách dạy bé trai, bé gái tự đi vệ sinh

Đối với bé trai, bố hãy là người trực tiếp dạy con cách đi tiểu đứng và khi đi bô. Với bé gái thì mẹ sẽ là người hướng dẫn con thực hiện. Về các bước đi vệ sinh vẫn tương tự 6 bước cơ bản trên, chỉ khác biệt giữa hình thức đi của nam và nữ. Điều này thì ba & mẹ sẽ tự dạy để con làm đúng, không dây bẩn vào quần áo hay văng ra ngoài. 

Huấn luyện bé tự đi vệ sinh đúng chỗ nơi công cộng như thế nào?

Nhằm giúp con hình thành thói quen đi vệ sinh đúng chỗ ở nơi công cộng, ba mẹ cần giúp con hiểu rõ những điều sau:

Huấn luyện bé tự đi vệ sinh đúng chỗ nơi công cộng. (Ảnh: Internet)

  • Hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường & nơi công cộng.

  • Giúp con nhận thức về việc giữ vệ sinh chung ở nhà toilet công cộng thông qua việc xả nước sau khi xong, vứt giấy rác vào thùng mà không phải bồn cầu,...

  • Tiếp đó, hãy tạo thói quen và làm gương cho trẻ mỗi khi ra ngoài. Kiên nhẫn duy trì thói quen sẽ giúp con luôn có hành vi đúng mực ở nơi công cộng.

Hướng dẫn trẻ tự đi vệ sinh là một kỹ năng quan trọng và cần duy trì trong thời gian dài. Vì vậy, ba mẹ cần đồng hành, làm gương và động viên con liên tục để trẻ xây dựng thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ. Ba mẹ hãy tiếp tục theo dõi Blog Kỹ năng sống để cập nhật thêm kiến thức về kỹ năng hữu ích cho sự phát triển của con nhé!

Phương Đặng
Phương Đặng

Tôi là Phương - Biên tập viên Content Marketing hơn 3 năm kinh nghiệm đa dạng lĩnh vực.

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!