zalo
Lì xì tết - Truyền thống và cách dạy trẻ về quản lý tiền tết
Kỹ năng sống

Lì xì tết - Truyền thống và cách dạy trẻ về quản lý tiền tết

Phương Hoa
Phương Hoa

05/02/20243 phút đọc

Mục lục bài viết

Nhắc đến Tết Nguyên Đán, người ta không thể không nhắc đến phong tục lì xì. Đây là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam, mang ý nghĩa cầu chúc một năm mới an lành, may mắn cho trẻ em. Lì xì Tết cũng là một cơ hội để cha mẹ dạy trẻ hiểu về giá trị đồng tiền và cách quản lý tiền bạc.

Tìm hiểu về truyền thống lì xì trong nền văn hóa Tết Việt Nam

Lì xì (hay còn gọi là hồng bao) là tục lệ mừng tuổi trẻ em vào dịp Tết Nguyên Đán ở các nước Á Đông. Theo đó, mọi người sẽ đặt tiền vào trong một chiếc phong bao lì xì nhỏ được trang trí đẹp mắt để mừng tuổi cho trẻ em và kèm theo những lời chúc Tết.

Ý nghĩa của truyền thống lì xì

Không phải bỗng dưng người ta có câu “thấy lì xì là thấy Tết”. Bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ thì phong bao lì xì là thứ không thể thiếu trong dịp lễ đặc biệt này. Bởi lẽ, lì xì không chỉ là món quà vật chất, mà còn là món quà tinh thần vô giá, mang đến may mắn cùng niềm vui, hạnh phúc. Hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên cầm trên tay những phong bao lì xì đỏ thắm chính là thứ khiến cho không khí ngày Tết thêm phần tươi vui, rộn ràng.

Lì xì Tết là một món quà tinh thần vô giá (Ảnh: Sưu tầm internet)

Lịch sử và truyền thống lì xì trong gia đình Việt Nam

Tục lệ lì xì có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam từ rất lâu đời. Theo nhiều câu chuyện dân gian, lì xì Tết bắt nguồn từ một con yêu quái có tên là Tụy. Tụy có thói quen xoa đầu trẻ em vào đêm giao thừa khiến lũ trẻ khóc thét rồi sinh bệnh. Nhờ sự giúp đỡ của 8 vị tiên, người ta đã nghĩ ra cách đặt tiền xu dưới gối trẻ em vào đêm giao thừa. Khi Tụy đến xoa đầu trẻ em, thấy những đồng tiền xu lóe lên thì sợ hãi bỏ chạy. Từ đó, phong tục lì xì Tết ra đời và trở thành một “lá bùa” xua đuổi những điều xui xẻo, mang đến điềm lành.

Vậy nên, người Việt Nam theo tục lệ xưa, bắt đầu từ thời khắc giao thừa, khi mọi thành viên trong nhà sum họp, người lớn tuổi trong gia đình sẽ và nhận lời chúc Tết và  lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may cả năm. 

Những đứa trẻ chúc Tết ông bà, cha mẹ và nhận lại những phong bao lì xì

Làm sao để lì xì Tết thật độc đáo?

Nếu như năm nào Tết đến cũng chỉ nhận những phong bao lì xì bình thường cùng những lời chúc không có sự đổi mới thì Tết sẽ trở nên nhàm chán. Dưới đây là một số gợi ý để phong tục lì xì Tết được độc đáo hơn: 

  • Lì xì với bao lì xì đẹp: Mẫu bao lì xì là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự độc đáo và ý nghĩa cho phong tục lì xì ngày Tết ở Việt Nam. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều mẫu bao lì xì độc đáo với nhiều hình ảnh, câu chữ thú vị, mang đến tiếng cười cho người nhận. 
  • Lì xì với số tiền may mắn ý nghĩa: Nhiều người Việt vẫn quan niệm rằng "điều tốt luôn đi đôi", do vậy, tiền đặt trong bao lì xì phải là số chẵn, tượng trưng cho sự tốt lành. Ví dụ như số 6 là “Lộc”, hay số 8 nghĩa là “Phát”, số 168 là “Phát lộc phát tài”.
  • Lì xì kèm lời chúc hóm hỉnh: Những câu chúc lì xì đầu năm hóm hỉnh cũng góp phần làm cho phong tục lì xì Tết thêm phần thú vị và ý nghĩa. Những lời chúc này thường sử dụng những từ ngữ, hình ảnh gần gũi và mang đến sự vui vẻ.
  • Lì xì quà (không phải là tiền): Ngoài tiền mặt, bạn cũng có thể “lì xì” cho trẻ em những món quà khác như đồ chơi, đồ dùng học tập, sách, truyện,.. để trẻ có được trải nghiệm mới mẻ.

Những điều cần tránh khi lì xì tết

Lì xì ngày Tết dù đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, tuy nhiên, không phải ai cũng biết những điều kiêng kỵ khi lì xì Tết là gì. Một số điều nên tránh khi lì xì Tết có thể kể đến như:

Đối với người tặng

  • Không lì xì tiền cũ: Tết đến, ai cũng đều mong muốn bỏ lại những chuyện cũ để tiếp nhận những điều mới, vì vậy thường dịp cuối năm mọi người sẽ đi đổi tiền mới để mừng tuổi đầu năm. Bên cạnh đó, tiền cũ cũng được cho là sẽ mang lại âm khí xấu, không nên sử dụng để mừng tuổi cho trẻ nhỏ.
  • Không lì xì bằng 1 tay: Phong tục lì xì ngày Tết ở Việt Nam không chỉ là mừng tuổi trẻ nhỏ mà còn có để chúc thọ người già. Vậy nên khi tặng phong bao cần tặng bằng hai tay để thể hiện sự tôn trọng.

Cho và nhận lì xì Tết bằng cả hai tay để thể hiện sự tôn trọng đối phương (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đối với người nhận

  • Không đòi thêm tiền lì xì: Việc vòi vĩnh hay đòi thêm tiền lì xì từ người thân không chỉ thể hiện sự bất kính mà còn làm mất đi ý nghĩa vốn có của bao lì xì ngày đầu năm.
  • Không bóc lì xì trước mặt người tặng: Mặc dù việc tò mò về số tiền được lì xì là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hành động bóc lì xì trước mắt người tặng  là rất thiếu tinh ý, cho thấy việc xem nặng đồng tiền hơn tấm lòng người tặng.

Hướng dẫn trẻ quản lý số tiền lì xì một cách thông minh

Đối với trẻ nhỏ, khoản tiền lì xì ngày Tết là một số tiền lớn. Vậy nên nếu không hướng dẫn trẻ quản lý tiền lì xì sẽ dễ khiến trẻ có cái nhìn lệch lạc về đồng tiền và sử dụng sai cách. Để giúp trẻ sử dụng khoản tiền này hợp lý, cha mẹ có thể dạy trẻ những điều sau:

Ý thức về giá trị của tiền

  • Giải thích cho trẻ hiểu rằng tiền là một loại tài sản quý giá, được tạo ra từ công sức làm việc và sự đóng góp của con người. Kiếm tiền không hề dễ dàng vậy nên trẻ cần học cách trân trọng đồng tiền.
  • Khuyến khích trẻ hiểu rõ giá trị của số tiền lì xì, không nên tiêu xài phung phí.

Phương pháp quản lý tiền thông minh

  • Tạo nguyên tắc tiết kiệm và đầu tư từ khi còn nhỏ, giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư.
  • Lập kế hoạch sử dụng số tiền lì xì một cách có tổ chức, giúp trẻ sử dụng tiền một cách hợp lý. Cha mẹ có thể tham gia cùng trẻ thảo luận cách sử dụng tiền để mua những thứ mà trẻ muốn.

Trẻ có thể tiết kiệm tiền lì xì để dành mua những thứ mình thích

Cho trẻ trải nghiệm thực tế và thực hành

  • Cho trẻ tham gia các hoạt động kiếm tiền, giúp trẻ hiểu được giá trị của lao động.
  • Học qua ví dụ và thảo luận gia đình, giúp trẻ hiểu được cách quản lý tiền từ những người lớn xung quanh.
  • Chia sẻ câu chuyện về việc quản lý tiền từ người lớn để trẻ có thêm động lực và kinh nghiệm trong việc quản lý tiền.
  • Thảo luận cách sử dụng số tiền lì xì một cách có ích, giúp trẻ có ý thức trách nhiệm với xã hội. Ví dụ, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ sử dụng số tiền lì xì để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,...

Thông qua việc thực hiện các việc trên, cha mẹ có thể giúp trẻ em hiểu được ý nghĩa và cách sử dụng tiền lì xì một cách hiệu quả, góp phần hình thành những thói quen tốt trong việc quản lý tiền bạc của trẻ trong tương lai.

Việc dạy trẻ quản lý số tiền lì xì và giữ gìn giá trị truyền thống là một việc làm cần thiết và ý nghĩa. Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của tiền lì xì không chỉ là món quà vật chất mà còn là lời chúc may mắn, an lành, thể hiện tình cảm của người lớn dành cho trẻ. Để truyền thống lì xì được thực hiện một cách ý thức và ý nghĩa, hãy trao tặng những bao lì xì Tết một cách chân thành và dạy trẻ biết nói lời cảm ơn khi nhận lì xì từ người lớn.

Phương Hoa
Phương Hoa

Các chuyên gia trẻ em nói rằng thời điểm vàng uốn nắn con trẻ là khi bé còn nhỏ. Vì vậy tôi ở đây - cùng với tiếng Anh Monkey là cánh tay đắc lực cùng cha mẹ hiện thực hoá ước mơ của mình: “yêu thương và giáo dục trẻ đúng đắn”. Ước mơ của bạn cũng là ước mơ của chúng tôi cũng như toàn xã hội.

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!