zalo
Bé không chịu ngồi ghế ăn dặm: ba mẹ phải làm sao?
Giai đoạn đầu đời của bé (0-1 tuổi)

Bé không chịu ngồi ghế ăn dặm: ba mẹ phải làm sao?

Lê Hương
Lê Hương

17/09/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Bé không chịu ngồi ghế ăn dặm luôn là vấn đề khiến cho các bậc làm cha mẹ phải đau đầu. Đặc biệt là những bé không chịu “hợp tác”, luôn quấy phá, khóc lóc không chịu ngồi yên. Bài viết sau đây xin được chia sẻ một số cách giúp trẻ ngồi ghế ăn dặm ngoan ngoãn, hiệu quả bất ngờ cho ba mẹ. Hãy cùng theo dõi ngay nào!.

Thời điểm nên cho bé ngồi ghế ăn dặm?

Với những phụ huynh chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ con sẽ không biết được thời điểm nào nên cho bé ngồi ghế ăn dặm thì tốt. Theo thông tin từ các chuyên gia cho hay, việc vận động sẽ tạo điều kiện giúp trẻ phát triển đầy đủ các giác quan cũng như thu nhận kiến thức xung quanh.

Bé khoảng 6 tháng tuổi có thể cho ngồi ghế ăn dặm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Cha mẹ cho con tập những hành động đơn giản nhất như sờ, cầm, nắm đồ vật, thức ăn. Hoặc cho bé ngồi ghế ăn dặm nhằm giúp cố định và tạo tư thế ăn dễ dàng, hỗ trợ cho trẻ nhận thức cũng như phát triển tốt não bộ.

Bình thường từ tháng thứ 6 trở đi trẻ không thích nằm bú sữa nữa mà thay vào đó là dần tập quen với việc ăn dặm. Đây chính là thời điểm tốt nhất mà ba mẹ nên tập cho bé ngồi ghế ăn dặm. Việc này giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ xử lý dễ dàng thức ăn hơn, khi ăn không bị trớ hay nghẹn hóc như được bế hay nằm ăn.

Những lý do khiến bé không chịu ngồi ghế ăn dặm?

Hiển nhiên việc cho bé ngồi ghế ăn dặm mang đến khá nhiều lợi ích nhưng vẫn có không ít bé không chịu ngồi ghế ăn dặm. Có không ít lý do khiến cho trẻ khó chịu với việc này, một trong số đó là:

Bé bị mỏi

Nguyên nhân làm cho con không thích ngồi ghế ăn dặm là do 1 số loại ghế có khay ăn cao hơn so với trẻ. Điều này làm cho con ngồi được một lúc đã thấy bị mỏi, khóc quấy đòi ra.

Bé ngồi ghế ăn dặm không phù hợp. (Ảnh sưu tầm Internet)

Để giải quyết tình trạng này, ba mẹ có thể chèn thêm gối ở phần lưng và mông ngồi cho trẻ. Như vậy, con sẽ ngồi cao hơn và bằng với khay ăn, không bị mỏi khi ngồi ghế ăn dặm nữa.

Bé không cầm được đồ ăn khi ngồi ghế 

Lý do bé không chịu ngồi ghế ăn dặm có thể là vì không cầm nắm hoặc không đưa được đồ ăn lên miệng. Thức ăn mà ba mẹ chuẩn bị cho bé quá mềm hoặc quá ngắn, dễ bị đứt gãy hay nát bấy.

Vì còn bé không biết phải làm như thế nào nên chỉ còn cách quấy khóc và đòi ra khỏi ghế. Lúc này, cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên do từ đâu rồi tìm cách trấn an và khắc phục tình trạng trên vào lần tập ngồi ghế sau.

Bé quen với ẵm bồng, không chịu gò bó 

Một số cha mẹ khá thương và chiều con nên đã tạo thành thói quen không tốt cho trẻ khi ăn như: bế bồng, chơi đùa, xem tivi, điện thoại lúc ăn…Việc làm này dẫn đến tình huống bé thường không chịu ngồi yên trên ghế để ăn mà cứ đòi phải ẵm bồng.

Bé không chịu ngồi ghế ăn dặm do quen được ẵm bồng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ghế ăn dặm không thoải mái, khiến con bị đau hoặc khó chịu 

Có nhiều trẻ khá nhạy cảm khi ngồi ghế ăn dặm, đặc biệt là khi ngồi trên những chiếc ghế không phù hợp. Điều này làm con không thoải mái, bị đau, khó chịu và có cảm giác như bị bó buộc ở trong không gian nhỏ hẹp khiến trẻ sợ hãi, quấy khóc không muốn ngồi ghế.

Bé bị mệt, gặp vấn đề sức khỏe 

Trẻ nếu đang gặp vấn đề về sức khỏe như ốm sốt hay mệt mỏi đều không chịu ngồi yên ở trên ghế để tập ăn dặm. Cho dù bố mẹ có dỗ dành như thế nào cũng đều khóc lóc đòi ra nên hãy đảm bảo cho con được no bụng trước 1 tiếng rưỡi khi ăn dặm như cho bú sữa trước.

Bé không chịu ngồi ghế ăn dặm ba mẹ phải làm sao?

Tình trạng bé không chịu ngồi ghế ăn dặm khiến cho bố mẹ không biết phải làm như thế nào. Tập vài lần nhưng con vẫn không ngoan ngoãn ngồi yên cho tới khi ăn xong.

Việc bé không hợp tác, uốn khóc, hất đổ đồ ăn, la hét đòi ra khỏi ghế khiến ba mẹ rất vất vả. Khi gặp những trường hợp này thì bạn hãy tham khảo những cách tập cho con ngồi ghế ăn dặm vô cùng hiệu quả ngay sau đây:

Đảm bảo tư thế ngồi của con thoải mái nhất 

Có những chiếc ghế ngồi cho trẻ ăn dặm không phù hợp với con như quá cao, quá cứng…Khi ngồi sẽ gây ra đau mỏi, khó chịu cho con nên không chịu ngồi yên để tập ăn dặm là hết sức bình thường.

Luôn đảm bảo tư thế ngồi ghế ăn dặm thoải mái nhất cho trẻ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì thế, bạn hãy đảm bảo tư thế ngồi của trẻ phải thoải mái, dễ chịu nhất. Đặc biệt, bé sẽ thích ngồi trên ghế mà chân chạm vào được nền nhà hay có chỗ để. Kèm theo đó là một chiếc đệm lót lưng hoặc mông êm ái, nhất định bé sẽ thích chí và ngồi yên cho đến khi ăn xong.

Hạn chế bế con đi ăn rong và ẵm bồng con khi ăn 

Có không ít phụ huynh khi cho con ăn tạo thành thói quen không tốt như: ẵm bồng, đi rong, chơi đùa, xem tivi, điện thoại…Cho nên, khi tập cho con ngồi ghế ăn dặm thì trẻ không chịu ngồi yên và luôn quấy khóc đòi ra, bắt bế, chơi đùa với trẻ.

Nên hạn chế bế bồng hay cho con đi ăn rong. (Ảnh sưu tầm Internet)

Chính vì vậy, ba mẹ hãy giúp con từ bỏ thói quen xấu như hạn chế bế rong đi ăn hay bế bồng, nô đùa,...Hãy tập cho trẻ thói quen ngồi yên, tập trung, tự giác trong bữa ăn ngay từ giờ.

Cho con ăn thức ăn con yêu thích trước

Bé không chịu ngồi yên ăn dặm có thể là do đồ ăn không ưa thích hay không đủ ngon. Con sẽ không ngồi yên trên ghế để ăn mà sẽ la quấy, hất đổ đồ ăn đi và tỏ thái độ khó chịu.

Giải pháp cho ba mẹ lúc này là nên xem lại thực đơn mà mình nấu cho con ăn. Chuẩn bị những món ăn hấp dẫn, bắt mắt, không bị ngấy để kích thích cho con ăn ngon, chịu ngồi yên trên ghế để ăn xong hết bữa.

Giới hạn giờ ăn uống của con 

Có những trẻ không thích ngồi ghế ăn nên hay kéo dài thời gian khi ăn như: thường quậy phá, ngậm đồ ăn trong miệng lâu…Ba mẹ không thể để tình trạng này kéo dài, nên giới hạn giờ ăn uống của con trong tầm 20 - 25 phút.

Nếu quá thời gian này mà trẻ chưa ăn xong thì nên dừng lại, cất đồ ăn và không tiếp tục cho ăn nữa. Điều này duy trì khoảng 4 - 5 lần sẽ giúp cho trẻ dần quen và nhận thức được. Về sau trẻ sẽ tự chủ động ngồi ngoan trên ghế để ăn đến khi hết mà không cần phải ai nhắc nhở.

Cho con tham gia quá trình chuẩn bị món ăn 

Nếu bé không chịu ngồi ghế ăn dặm thì bạn có thể sử dụng phương pháp cho con tham gia quá trình chuẩn bị bữa ăn. Ví dụ như nhặt rau, nếm thức ăn, ngồi xem bạn nấu…

Cho bé tham gia quá trình chuẩn bị món ăn để tạo sự kích thích. (Ảnh sưu tầm Internet)

Như vậy, bé sẽ được trải nghiệm việc được tận tay làm hay thưởng thức mùi vị của món ăn. Làm phát triển đầy đủ các giác quan của trẻ cũng như khiến con cảm thấy mình quan trọng, đã làm ra món ăn này nên nhất định sẽ ăn hết mà không bỏ phí. Trẻ sẽ tự động ngồi ngoan trên ghế, cầm sẵn muỗng thìa, tự đòi đồ hoặc xúc ăn ngon miệng.

Hãy để con đói khi ăn 

Thông thường, khi bụng no bé sẽ không chịu ngồi yên trên ghế để ăn mà chỉ thích chơi đồ chơi, chạy nhảy lung tung. Vì vậy, khi thấy con đói như: liếm môi, khóc tìm, mút tay, tém miệng…. thì ba mẹ hãy đặt con vào ghế ăn dặm là sẽ tự ngồi lên và ăn ngon luôn.

Cho bé ngồi chơi trên ghế trước khi ăn 

Để trẻ có thể ngồi yên trên ghế khi ăn thì bạn nên tạo cảm giác thích thú cho con. Ví dụ như: đặt xe ô tô đồ chơi nhiều sắc màu trên bàn ăn dặm, đặt các hình khối Domino rồi xếp, đẩy ngã cho chúng chuyển động….

Cho bé ngồi chơi trên ghế ăn dặm trước khi ăn. (Ảnh sưu tầm Internet)

Tạo những hoạt động vui chơi cho trẻ khi ngồi ghế trước khi ăn sẽ thu hút các bé. Trẻ sẽ dần có nhận thức ghế ngồi ăn là vật quan trọng nên tiếp nhận ngồi nhanh và hợp tác ăn hết đồ ăn.

Ngồi bên cạnh con

Nếu bé không chịu ngồi ghế ăn dặm thì bạn nên ngồi ăn cùng bàn với con. Điều này giúp gắn kết sâu sắc giữa cha mẹ và con hơn bao giờ hết. Bé sẽ bắt chước theo hành động của bạn như cầm thìa muỗng lên, xúc ăn.

Ngồi cạnh con giúp bé ngồi ghế ăn dặm tốt hơn. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Chưa kể, khi ngồi bên cạnh bé còn là cơ hội tuyệt vời để giao tiếp, truyền đạt sự hứng thú cho trẻ trong bữa ăn. Giúp con tự tin, yên tâm, vui vẻ tập trung ngồi giỏi ăn ngon.

Khen ngợi và cổ vũ con 

Nên khen ngợi, cổ vũ cho bé khi đặt con ngồi ghế ăn dặm lần đầu sẽ khiến con tự tin vào bản thân hơn. Những câu nói nhẹ nhàng, giản đơn nhưng tràn đầy ấm áp luôn tiếp thêm động lực cho bé và khiến con hứng thú khi ngồi ghế ăn dặm.

Lưu ý khi sử dụng ghế ăn dặm 

Dưới đây là một số lưu ý dành cho các bậc phụ huynh khi cho bé ngồi ghế ăn dặm không nên bỏ qua:

Vệ sinh các bộ phận của ghế thường xuyên và sạch sẽ

Vào giai đoạn đầu mới tập ăn cho trẻ, thông thường thức ăn luôn được đặt lên khay 1 cách trực tiếp. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải vệ sinh phần khay ăn thật sạch sẽ cho con.

Nên vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên ghế ngồi ăn dặm của trẻ. (Ảnh sưu tầm Internet)

Nhất là mỗi lần bé ăn xong, bạn nên rửa khay đồ ăn luôn rồi để nơi thông thoáng, khô ráo. Lưu ý không nên cho con ăn ngay sau khi vừa rửa xong vì khay lúc này đang còn ẩm ướt, hóa chất từ dung dịch nước rửa bát vẫn còn chưa bay hết. Điều này dễ làm ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ.

Đừng quên thắt đai an toàn cho con 

Khi bé chưa được 3 tuổi, việc thắt đai an toàn cho bé khi ngồi ghế ăn dặm vẫn nên duy trì. Đặc biệt là với những loại ghế ngồi ăn chân cao thì nên chú ý đảm bảo an toàn thắt dây đầy đủ cho bé.

Nên thắt đai an toàn cho bé khi ngồi ghế ăn dặm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Xem thêm: Ghế ăn dặm Autoru có tốt không? Những lời khuyên chọn ghế mẹ nên biết

Trên đây là những chia sẻ về các phương pháp giúp bé không chịu ngồi ghế ăn dặm. Hy vọng rằng với những kiến thức hữu ích này sẽ giúp cho cha mẹ tập được thói quen ngồi ngoan trên ghế suốt bữa ăn dặm cho bé. Nếu có băn khoăn hay thắc mắc, vui lòng liên hệ với Monkey để nhận được giải đáp kịp thời nhé.

1. What to do when your toddler hates their high chair - truy cập ngày 17/9/2022

https://www.todaysparent.com/toddler/toddler-behaviour/baby-toddler-hates-high-chair/ 

2. When Your Toddler Say No More High Chair! - truy cập ngày 17/9/2022

https://alphamom.com/parenting/toddler-parenting/refusing-to-sit-in-high-chair/ 

 

Lê Hương
Lê Hương

Tôi là Hương - chuyên viên sáng tạo nội dung tại Monkey Việt Nam. Tôi đã có hơn 3 năm kinh nghiệm sản xuất content chuyên nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, sức khoẻ, du lịch, tài chính, công nghệ,...

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!