Chất béo trung tính là một trong những loại chất béo đóng vai trò quan trọng trong cơ thể của chúng ta. Nó được tìm thấy phổ biến trong chất béo động vật và chất béo thực vật. Sau khi được tiêu hóa, chất béo này sẽ lưu thông ở trong máu cho đến những tế bào, từ đó được sử dụng để làm năng lượng nuôi cơ thể.
Chất béo trung tính là gì?
Chất béo trung tính (hay còn gọi là triglyceride) là những hợp chất hóa học được cơ thể tiêu hóa nhằm cung cấp năng lượng cho các quá trình trao đổi chất. Nó được hình thành bởi axit béo và glycerol, xong được lưu trữ tại các mô mỡ rồi cung cấp năng lượng cho cơ thể chúng ta.
Những phân tử lipid này sẽ được hình thành trong ruột non, từ các chất béo mà cơ thể hấp thụ vào. Bên cạnh đó, nó còn được hình thành ở trong gan từ lượng đường dư thừa có trong thức ăn. Ngoài ra, triglyceride còn mang các loại vitamin A, D, E và vitamin K trong máu.
Chỉ số triglyceride
Triglyceride là một dạng chất béo mà cơ thể chúng ta tiêu thụ hằng ngày từ những bữa ăn. Vậy chỉ số triglyceride là gì và nó có vai trò như thế nào? Các bạn hãy tham khảo ngay một số thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về chúng nhé.
Chỉ số triglyceride là gì?
Chỉ số triglyceride là một trong các chỉ số của mỡ máu quan trọng, nó có ý nghĩa và tác dụng trong việc chẩn đoán những bệnh lý về tim mạch cũng như các bệnh liên quan. Nếu như cơ thể tích tụ quá nhiều triglyceride sẽ khiến cho chỉ số mỡ máu cao lên và gây hại cho cơ thể.
Triglyceride sẽ bám vào những thành mạch và gây nên các mảng mỡ bám ở trên động mạch, từ đó cản trở quá trình lưu thông máu. Nếu như chỉ số triglyceride trong cơ thể cao, thì điều đó cảnh báo các bệnh lý nghiêm trọng như mỡ máu, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Cách phân loại mức độ chất béo trung tính trong cơ thể
Các chỉ số triglyceride là chỉ số mỡ máu, bạn có thể xác định những chỉ số này bằng cách xét nghiệm máu. Từ đó dựa vào nồng độ huyết thanh có trong máu mà phân loại được mức độ chất béo trung tính trong cơ thể, cụ thể như sau.
-
Bình thường: Dưới 150 mg/dL
-
Bình thường cao: 150–199 mg/dL
-
Cao: 200–499 mg/dL
-
Rất cao: Trên 500 mg/dL
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phạm vi cho mức chất béo này thấp, nhưng cơ thể của bạn đang có chỉ số triglyceride thấp hơn rất nhiều so với những chỉ số trên thì bạn hãy nhớ lưu ý đến sức khỏe của mình nhé.
Vai trò của chỉ số triglyceride
Việc xét nghiệm chỉ số triglyceride có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kiểm tra trạng thái sức khỏe của cơ thể. Từ đó có thể đánh giá được những nguy cơ mắc bệnh rối loạn lipid có trong máu.
Thông qua những chỉ số xét nghiệm, các bác sĩ chuyên khoa có thể đánh giá được một số mầm bệnh như là tiểu đường, tim mạch… từ đó điều trị kịp thời và giúp duy trì ổn định cho chất lượng của cuộc sống.
Bên cạnh đó, khi thực hiện xét nghiệm những chỉ số triglyceride còn giúp cho các cá nhân điều chỉnh được thói quen sống, cũng như xây dựng được chế độ ăn phù hợp để có được một thể lực tốt.
Chỉ số triglyceride thấp hay cao có ảnh hưởng như thế nào?
Việc lưu ý đến chỉ số triglyceride sẽ giúp cho bạn biết được tình trạng sức khỏe hiện tại của mình. Vì thế sau đây là một số thông tin nhằm giúp cho các bạn hiểu được chỉ số triglyceride như thế nào thì mới ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chỉ số triglyceride thấp
Khi bạn có chỉ số triglyceride thấp thì đừng quá lo lắng nhé, bởi vì nó sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của bạn. Bởi vì ngoài dạng chất béo này thì sẽ còn có rất nhiều loại chất béo khác để đảm bảo cho hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, để giữ sức khỏe tốt nhất, bạn cũng nên cân nhắc bổ sung nhiều dạng chất béo tốt khác cho cơ thể.
Chỉ số triglyceride cao
Đối với chỉ số triglyceride cao thì các bạn cần lưu ý đến sức khỏe của mình, bởi vì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh như sau.
-
Viêm tuyến tụy: Khi chỉ số của triglyceride cao thì nó có thể dẫn đến hiện tượng sưng tụy, khiến cho bụng đau dữ dội. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như là nôn mửa và sốt. Trong trường hợp dịch tiêu hóa bị rò rỉ ra bên ngoài tuyến tụy thì nó sẽ gây nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.
-
Bệnh tim: Khi mà nồng độ của triglyceride cao và tích tụ lâu ngày ở trong các mạch máu, thì nó sẽ cản trở quá trình vận chuyển oxy đến cơ tim. Việc này sẽ làm nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên và gây ảnh hưởng đến cho sức khỏe.
-
Đột quỵ: Chỉ số triglyceride là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc não bị tổn thương do máu không đến các tế bào não đủ. Theo như các nghiên cứu gần đây, nồng độ chất béo trung tính cao chính là nguyên nhân đột quỵ phổ biến ở các phụ nữ lớn tuổi.
-
Ảnh hưởng đến gan: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho gan bị ảnh hưởng chính là do chỉ số triglyceride cao. Gan nhiễm mỡ sẽ làm cho xuất hiện sẹo ở gan, ung thư gan, suy gan và đe dọa tới tính mạng cho người bệnh. Đối với các trường hợp gan nhiễm mỡ không do bia rượu, thì có thể lên đến 10% trọng lượng gan được thay thế bởi chất béo.
Các nguyên nhân dẫn đến việc tăng hay giảm chất béo trung tính trong máu
Để sở hữu được một cơ thể khỏe mạnh, các bạn cần lưu ý đến lượng chất béo trung tính thay đổi ở trong máu. Từ đó điều chỉnh mức độ chất béo này sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.
Tăng chất béo trung tính trong máu
Việc gia tăng lượng triglyceride đang ngày càng phổ biến và xuất hiện ở đa dạng đối tượng. Thường thì nguyên nhân xảy ra hiện tượng này đều được bắt nguồn từ một số vấn đề dưới đây.
-
Chế độ ăn: Nếu như bạn ăn quá nhiều dầu mỡ, đường bột, ăn thiếu chất xơ… thì đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cho lượng triglyceride tăng lên.
-
Yếu tố bệnh lý: Một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến nồng độ chất béo này có thể kể đến như suy giáp, tiểu đường, bệnh thận…
-
Sử dụng thuốc: Các loại thuốc khiến cho lượng triglyceride tăng mạnh như là thuốc tránh thai, lợi tiểu…
-
Nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên, thì việc tăng lượng triglyceride cũng có thể do các bạn hút thuốc, lười vận động, di truyền…
Giảm chất béo trung tính trong máu
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến cho lượng chất béo trung tính có trong máu bị giảm sút, các bạn hãy tham khảo để có thể phòng tránh nhé.
-
Chế độ ăn có ít chất béo: Chất béo là một trong các thành phần quan trọng trong việc trao đổi chất, vì thế việc ăn ít chất béo quá mức sẽ khiến cho cơ thể gặp nguy hiểm.
-
Ăn chay dài hạn: Ăn chay luôn mang lại nhiều hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn ăn chay trong khoảng thời gian dài thì mức độ triglyceride có trong máu sẽ giảm sút đáng kể.
-
Suy dinh dưỡng: Thường thì những người bị suy dinh dưỡng trầm trọng sẽ có chỉ số triglyceride thấp hơn so với người bình thường.
-
Hấp thụ kém: Đây là tình trạng ruột non không hấp thụ đúng chất dinh dưỡng có từ thức ăn. Vì vậy những người gặp khó khăn trong việc hấp thụ này sẽ có mức chất béo trung bình thấp.
Xem thêm: Chất béo thực vật: Tất tần tật những điều mà bạn cần biết
Một số biện pháp kiểm soát chất béo trung tính có trong máu
Việc có nhiều triglyceride trong máu sẽ dẫn đến chỉ số triglyceride tăng lên rất cao, điều này cảnh báo các bệnh lý vô cùng nghiêm trọng. Vì thế các bạn cần lưu ý và kiểm soát được mức chất béo này. Sau đây là một số điều đơn giản cần thay đổi trong lối sống mà bạn có thể tham khảo để kiểm soát được chỉ số triglyceride.
Kiểm soát cân nặng
Theo như nghiên cứu cho thấy, nếu như bạn giảm được 5 - 10% cân nặng thì có thể giảm được 20% mức độ chất béo trung tính có ở trong máu. Vì vậy tốt nhất, bạn hãy đặt mục tiêu chỉ số khối cơ thể khoảng từ 18,5 - 22,9 là phù hợp.
Thay đổi cách sinh hoạt và chế độ ăn uống
Việc áp dụng lối sống lành mạnh là một trong những biện pháp giảm lượng triglyceride tốt nhất. Lựa chọn những thức ăn, đồ uống phù hợp kết hợp với những thói quen sinh hoạt lành mạnh là rất quan trọng trong quá trình duy trì cơ thể khỏe mạnh, cụ thể như sau.
-
Hạn chế đồ uống có cồn: Những thức uống có cồn như là rượu bia không chỉ chứa nhiều lượng calo mà nó còn ảnh hưởng đến mức độ chất béo trung tính. Vì thế nếu như bạn đang có chỉ số triglyceride cao hoặc rất cao thì nên tránh rượu bia hoàn toàn.
-
Từ bỏ hút thuốc: Đa phần số ca tử vong do bệnh tim đều liên quan đến việc hút thuốc lá. Hút thuốc sẽ làm cho lượng cholesterol tốt trong máu bị giảm sút và tăng mức cholesterol xấu lên, gây nguy hiểm đến cho sức khỏe của bạn.
-
Ăn nhiều chất xơ: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như là yến mạch hay gạo lứt là một trong những thực phẩm giúp giảm cholesterol hiệu quả. Bên cạnh đó, chất xơ được biết đến với tác dụng làm tăng HDL, vì thế việc ăn ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày sẽ giúp cho bạn giữ gìn được sức khỏe cực kì tốt.
Điều trị bằng cách sử dụng thuốc
Ngoài những biện pháp trên, thì việc kiểm soát lượng chất béo trung tính có trong máu bằng cách sử dụng thuốc cũng vô cùng hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số loại thuốc như sau.
-
Fibrat: Đây là một trong những loại thuốc điều trị tốt nhờ có tác dụng làm giảm biến cố tim mạch vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, ngoài khả năng làm giảm được lượng triglyceride thì Fibrat còn có thể làm tăng thêm mức độ cholesterol tốt có trong máu của cơ thể.
-
Statin: Statin như Zocor hay Lipitor thường được dùng để giảm lượng cholesterol cũng như giảm vừa phải triglyceride có trong máu. Nếu như điều trị không hiệu quả dù cho đã dùng liều tối ưu, thì bạn có thể kết hợp chúng với ezetimibe hoặc cholestyramine để mang lại kết quả tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến chất béo trung tính mà Monkey đã tổng hợp. Hy vọng với những điều bổ ích đã được cung cấp trên sẽ giúp cho các bạn giữ gìn được sức khỏe cho bản thân cũng như mọi người xung quanh.
1. Triglycerides: Why do they matter? - Truy cập ngày 18/06/2022
2. Triglycerides - Truy cập ngày 18/06/2022