Vitamin và khoáng chất là dưỡng chất thiết yếu đối với sự hình thành, phát triển của thai nhi. Vì vậy, chuẩn bị mang thai nên uống vitamin gì luôn là vấn đề được nhiều phụ nữ quan tâm, đặc biệt là những người sinh con lần đầu. Trong bài viết này, Monkey sẽ giải đáp rõ thắc mắc đó cho các chị em.
Tầm quan trọng của việc bổ sung vitamin trước khi mang thai
Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ muốn con sinh ra được khỏe mạnh, phát triển tốt cả về thể chất và trí não nên bổ sung đầy đủ vitamin ngay từ giai đoạn chuẩn bị mang thai 3 tháng. Bởi đây là khoảng thời gian đủ để trứng trong buồng trứng của người phụ nữ trưởng thành. Sau đó trứng mới chín và rụng để thụ tinh ngay khi gặp được tinh trùng.
Với những trường hợp gặp vấn đề về rụng trứng như: kinh nguyệt không đều, viêm buồng trứng,...dẫn đến rối loạn rụng trứng, vitamin sẽ góp phần cải thiện tình trạng bệnh. Khi đó, mẹ có thể xác định thời gian rụng trứng chính xác hơn để quan hệ đúng thời điểm, tăng khả năng thụ thai.
Trong khi đó, phôi thai có khỏe mạnh hay không còn tùy thuộc phần lớn vào chất lượng trứng của người mẹ. Vì vậy, người mẹ cần uống đầy đủ vitamin để giúp cho trứng đạt chất lượng tốt. Thai nhi lớn lên trong điều kiện được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất sẽ phát triển tốt cả về thể chất lẫn trí não, giảm thiểu nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh,...
Ngoài ra, cơ thể được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về các vitamin cần thiết sẽ giúp mẹ tránh nguy cơ bị thiếu máu, gây ra tình trạng hoa mắt, chóng mặt, thai nhi chậm phát triển, thậm chí dẫn đến sảy thai, sinh non, tiền sản giật,... Vì vậy, để tránh những rủi ro không may xảy ra, tốt nhất phụ nữ chuẩn bị mang thai nên uống vitamin đầy đủ theo khuyến cáo của chuyên gia.
Các loại vitamin mẹ cần bổ sung trước khi mang thai
Vitamin có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, chuẩn bị mang thai nên uống vitamin gì vẫn là câu hỏi mà nhiều chị em chưa giải đáp được. Dưới đây là 5 loại vitamin cần thiết mẹ nên bổ sung trước giai đoạn mang thai:
Sắt
Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu về sắt tăng lên gấp đôi so với người bình thường. Bởi đây là yếu tố vi lượng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất tế bào hồng cầu.
Khi cơ thể mẹ thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng bị thiếu máu, các triệu chứng thông thường là hoa mắt, chóng mặt. Tuy nhiên, vấn đề này kéo dài sẽ cản trở oxy đi nuôi dưỡng thai nhi khiến trẻ ngày càng còi cọc, chậm phát triển, thậm chí là thai chết lưu, mẹ bị băng huyết sau sinh,...
Vì vậy, để không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên bổ sung sắt càng sớm càng tốt. Liều lượng bổ sung cụ thể nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh tình trạng dung nạp quá ít hoặc quá nhiều.
Bởi nếu bổ sung lượng sắt quá ít sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, hiệu quả bảo vệ sức khỏe thai nhi không đạt được. Trong khi đó, lượng sắt dư thừa tích tụ trong cơ thể có thể khiến gan, hệ tiêu hóa,...bị tổn thương.
Ngoài bổ sung sắt bằng thuốc, các chị em có thể lựa chọn các loại thực phẩm như rau muống, rau ngót, thịt nạc, cá biển,...
Canxi
Canxi là khoáng chất có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xương và răng. Ngay từ khi còn là bào thai, trẻ đã cần một lượng lớn canxi để phát triển xương và giúp cho răng chắc khỏe sau này.
Nếu mẹ bầu không cung cấp đủ nhu cầu canxi, thai nhi sẽ bị còi cọc, chậm lớn, xương bị biến dạng,... Để duy trì sự sống, thai nhi sẽ “hút” canxi từ cơ thể của mẹ, khiến mẹ bị loãng xương với các triệu chứng đau nhức xương khớp, chuột rút thường xuyên, thậm chí bị co giật trong giai đoạn mang thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Để tránh những nguy cơ có thể xảy ra do thiếu canxi, các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ cần bổ sung ngay từ trước và trong giai đoạn mang thai khoảng 1.000 mg/ngày. Mẹ có thể bổ sung từ các thực phẩm giàu canxi như: trứng, sữa, tôm, cua, cá mòi, cá hồi, rau xanh,... Đặc biệt, bổ sung canxi từ dược phẩm là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ về loại thuốc bổ và liều lượng sử dụng cụ thể để đạt hiệu quả tốt nhất.
Axit Folic
Axit folic còn có tên gọi khác là folate hoặc vitamin B9, có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh ống thần kinh, não, hộp sọ và cột sống. Đồng thời góp phần vào sản xuất các tế bào hồng cầu, cung cấp đủ máu cho người mẹ.
Hiệu quả phòng ngừa dị tật ở thai nhi khi phụ nữ uống bổ sung axit folic đều đặn từ khi chuẩn bị mang thai lên đến 70%. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, mẹ bầu cũng giảm thiểu nguy cơ bị sảy thai, nhau bong non, thai chết lưu,...
Thời gian “vàng” để bổ sung axit folic là từ trước khi mang thai 3 tháng và kéo dài đến ít nhất 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi đây là thời điểm trứng trưởng thành, rụng trứng và thụ tinh cho đến khi thai nhi hình thành đầy đủ các cơ quan bộ phận. Mọi tác động không tốt đều có nguy cơ gây dị tật thai nhi, đặc biệt là trường hợp có nguy cơ cao như: bố, mẹ có tiền sử sinh con hoặc người thân bị dị tật.
Vì vậy, các chị em nên lưu ý thời điểm bổ sung axit folic bằng các loại chế phẩm chứa axit folic như: Ferrovit, Adofex, Tardyferon B9, Obimin,...Ngoài ra, các loại sữa và sản phẩm chế biến từ sữa, rau xanh, đậu tương, bơ, ngũ cốc, lòng đỏ trứng gà, trái cây họ cam, quýt,...nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày để tăng cường axit folic.
Xem thêm:
- Những điều cần biết khi chuẩn bị mang thai ở tuổi 40
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai có nên uống saffron? Những điều cần lưu ý khi uống
Vitamin
Mỗi loại vitamin như: vitamin A, C, D, E, B6 và B12,...tuy đóng một vai trò khác nhau nhưng đều chung mục đích hỗ trợ cho thai nhi phát triển khỏe mạnh, bình thường. Trong đó:
-
Vitamin A: Vai trò của vitamin A là giúp tăng cường miễn dịch cho mẹ, tránh nguy cơ mắc bệnh ảnh hưởng đến thai nhi, đồng thời giúp cho bé có đôi mắt sáng.
-
Vitamin C: Giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
-
Vitamin D thường được kết hợp với canxi để giúp cho xương, răng của thai nhi phát triển. Ngoài ra, vitamin D còn tốt cho da và mắt sáng.
-
Vitamin E có vai trò chống lão hóa, giảm stress, ngăn ngừa bệnh ung thư và các biến chứng thai sản như vỡ ối sớm, tiền sản giật, thai nhi chậm phát triển,...
-
Vitamin B6 có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng thai nghén như nôn ọe, mệt mỏi, chán ăn,... Khi mang thai, mẹ bầu nên bổ sung khoảng 1,9 miligam vitamin B6/ngày.
-
Vitamin B12: Loại vitamin này giúp hỗ trợ các tế bào hoạt động tốt hơn, tăng cường chức năng thần kinh và não bộ.
Ngoài việc bổ sung vitamin tổng hợp từ dược liệu, phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng nên lựa chọn thực phẩm giàu vitamin như các loại rau, củ, quả tươi, ngũ cốc, dầu đậu nành, dầu mè,...
Omega 3
Omega-3 tuy không phải là vitamin nhưng nó là một dạng chất béo, có vai trò quan trọng giúp trí não và mắt của bé phát triển tốt. Vì vậy, mẹ nên tăng cường bổ sung omega-3 từ viên thuốc bổ hoặc thực phẩm như cá hồi.
Những điều cần lưu ý khi bổ sung vitamin trước khi mang thai
Theo khuyến nghị của chuyên gia, từ trước và trong giai đoạn mang thai, phụ nữ cần bổ sung khoảng 1000mg canxi, 27 mg sắt và 400 mcg axit folic. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp có thể cần bổ sung với liều lượng cao hơn, mẹ cần đi khám để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn.
Ngoài ra, trong quá trình bổ sung vitamin và khoáng chất, mẹ cần lưu ý những vấn đề để cơ thể hấp thu được tốt nhất như:
-
Mọi loại thuốc trước khi sử dụng cần được bác sĩ tư vấn, chỉ định cụ thể về liều lượng, thời điểm uống phù hợp, đặc biệt là bệnh nhân mắc các bệnh lý nền như gan, thận,...
-
Không dùng quá liều với tất cả các loại vitamin, đặc biệt là vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi, sắt dư thừa gây ra các bệnh về gan, thận,...
-
Kết hợp bổ sung vitamin từ nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe.
-
Tắm nắng buổi sáng sớm để cơ thể hấp thụ vitamin D tự nhiên.
-
Lưu ý thời điểm bổ sung sắt và canxi cần cách xa nhau vì canxi có thể ức chế sự hấp thu của sắt.
-
Bổ sung axit folic khi đói sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn.
-
Ngưng sử dụng các thực phẩm, đồ uống,...có hại cho sức khỏe như: rượu, bia, thuốc lá, đồ ăn chế biến sẵn, đồ chưa nấu chín,...
-
Kết hợp bổ sung vitamin và tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Như vậy, bài viết này đã giải đáp thắc mắc chuẩn bị mang thai nên uống vitamin gì cho các chị em. Hy vọng đó sẽ là những kiến thức bổ ích, góp phần giúp các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Nutrition During Pregnancy - Ngày truy cập: 25/05/2022
https://www.acog.org/womens-health/faqs/nutrition-during-pregnancy