zalo
Bà bầu 3 tháng đầu có nên đi bộ nhiều? Lợi ích & những lưu ý - Monkey
Thai kỳ

Bà bầu 3 tháng đầu có nên đi bộ nhiều? Lợi ích & những lưu ý - Monkey

Phương Đặng
Phương Đặng

29/12/20233 phút đọc

Mục lục bài viết

Bà bầu 3 tháng đầu có nên đi bộ nhiều? Đi bộ là hoạt động thể thao nhẹ nhàng trong thai kỳ nhưng với các mẹ mới mang thai thì cần chú ý đến mức độ, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Vậy mẹ bầu 3 tháng đầu nên đi bộ thế nào để khỏe mạnh và an toàn?

Lợi ích của đi bộ đối với mẹ bầu

Là một trong những bài tập thể dục tốt cho mẹ bầu cả thai kỳ, đi bộ nhẹ nhàng giúp mẹ giải quyết các vấn đề như cân nặng, ốm nghén, giảm stress và một số bệnh lý khác. Cụ thể:

  • Cải thiện tuần hoàn máu: Đi bộ nhẹ nhàng giúp cải thiện sự lưu thông máu trong cơ thể và ngăn chặn tình trạng phình bụng do tích tụ năng lượng dư thừa.

  • Kiểm soát cân nặng: Đi bộ tuy là hoạt động nhẹ nhàng nhưng vẫn giúp mẹ tiêu hao năng lượng vừa phải trong thai kỳ. Hơn nữa, việc đi bộ cũng giúp quá trình trao đổi chất ổn định, nhờ vậy các chất dư thừa được đào thải và giúp mẹ giữ được cân nặng tốt nhất.

  • Tăng khả năng sinh thường: Đi bộ cải thiện độ dẻo dai, linh hoạt của cơ thể đồng thời làm săn chắc cơ hông, xương chậu giúp các mẹ sinh nở dễ dàng, nhanh hơn và giảm mức độ cơn đau đẻ.

  • Tạo tinh thần thoải mái, vui vẻ: Trong số nhiều hoạt động, đi bộ giúp sản xuất endorphin, "hormone hạnh phúc", từ đó làm tăng cảm giác vui vẻ cho mẹ trong thai kỳ. Ngoài ra, việc đi bộ thường xuyên cũng góp phần thư giãn tâm trí, hạn chế các cơn đau nhức đầu, chóng mặt,...để mẹ luôn cảm thấy thoải mái.

  • Cải thiện giấc ngủ và tình trạng táo bón: Với tinh thần thư giãn, mẹ dễ dàng có những giấc ngủ ngon trong thai kỳ. Bên cạnh đó, thói quen đi bộ sẽ thúc đẩy nhu động ruột hoạt động hiệu quả, mẹ tránh được tình trạng táo bón khó chịu trong thời kỳ mang thai và cả sau sinh.

Lợi ích của đi bộ đối với mẹ bầu. (Ảnh: Internet)

Bà bầu 3 tháng đầu có nên đi bộ nhiều?

Đi bộ giúp bà bầu trong 3 tháng đầu cải thiện tuần hoàn máu, giải tỏa tâm lý căng thẳng và điều hòa nhịp tim. Tuy nhiên, mẹ KHÔNG NÊN đi bộ nhiều trong giai đoạn này bởi:

  • Thai nhi mới hình thành chưa ổn định, chưa bám chắc vào tử cung của mẹ.

  • Việc đi bộ nhiều dễ gây áp lực lên vùng chậu & vùng bụng dẫn đến nguy cơ sảy thai.

  • Đôi khi, đi bộ khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, dễ chóng mặt, chán ăn nếu đi quá nhiều.

Như vậy, trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ chỉ cần đi bộ với mức độ vừa phải. Tốt nhất là nên di chuyển chậm, đi trong khoảng từ 15 - 30 phút hoặc đến khi cảm thấy hơi mệt thì mẹ nên nghỉ ngơi. 

Bà bầu 3 tháng đầu có nên đi bộ nhiều? (Ảnh: Internet)

Những lưu ý cho mẹ bầu đi bộ trong tam cá nguyệt thứ nhất

Đi bộ là hoạt động được khuyến khích trong thai kỳ và mẹ cần lưu ý những vấn đề dưới đây để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con: 

  • Thảo luận ý kiến với bác sĩ: Trước khi bắt đầu bất kỳ bộ môn tập luyện nào, mẹ hãy thảo luận với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình có phù hợp với hoạt động đó không. Điều này cũng có nghĩa là đảm bảo rằng mẹ không có vấn đề sức khỏe nào ảnh hưởng đến khả năng vận động trong thai kỳ.

  • Chọn địa điểm và thời điểm phù hợp: Đi bộ trong thai kỳ, mẹ nên chọn khu vực địa hình bằng phẳng và bề mặt đất êm dịu để giảm áp lực lên cơ bắp và xương. Ngoài ra, cần tránh tập luyện dưới thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

  • Theo dõi cơ thể trong quá trình đi bộ: Trong suốt quá trình đi bộ, nếu có bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào, mẹ hãy ngừng lại ngay lập tức để nghỉ ngơi. Mặt khác, mẹ hãy kiểm tra nhịp tim và đảm bảo rằng không tăng cao quá mức ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

Mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đi bộ. (Ảnh: Internet)

Một số thắc mắc liên quan đến bà bầu đi bộ trong 3 tháng đầu

Cùng với thắc mắc bà bầu 3 tháng đầu có nên đi bộ nhiều không thì những vấn đề dưới đây cũng được các mẹ quan tâm:

Mới mang thai đi bộ có được không?

Theo bác sĩ sản khoa, với các mẹ bầu không nằm trong các trường hợp có cơ địa tử cung yếu, tiền sử không sinh non, lưu thai,... thì có thể đi bộ nhẹ nhàng ngay trong những tuần đầu thai kỳ. Ngoài ra, nếu mẹ không an tâm khi đi bộ lúc mới mang thai thì có thể chọn hình thức đi bộ tại chỗ, các bài yoga hít thở để nâng cao sức khỏe trong thai kỳ.

Bà bầu đi bộ bị đau bụng dưới vì sao? 

Thông thường, hiện tượng đau bụng trong 3 tháng đầu chỉ xuất hiện do thai đang làm tổ trong buồng tử cung hoặc thai phát triển bên ngoài tử cung. Nếu là nguyên do đầu tiên thì mẹ không cần lo lắng vì khi thai ổn định, tình trạng này sẽ hết. Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy đau bụng liên tục và có máu thì có thể là nguyên nhân thứ 2 và cần thăm khám ngay để điều trị kịp thời.

Bà bầu đi bộ bị đau bụng dưới vì sao? (Ảnh: Internet)

Có nên đi lại nhiều trong thai kỳ không?

Bên cạnh việc đi bộ, mẹ vẫn có thể di chuyển bằng các loại phương tiện khác miễn là đảm bảo thai nhi không có bất thường sau mỗi lần siêu âm kiểm tra. Nếu mẹ thường xuyên di chuyển bằng xe máy khi đi làm hoặc các phương tiện khác thì có thể tham vấn ý kiến bác sĩ để đảm bảo không có bất kỳ nguy hiểm nào khi đi lại nhiều trong khi mang bầu.

Thai nhi quay đầu mẹ có nên tiếp tục đi bộ?

Thực tế, đi bộ tốt cho mẹ và bé dù ngôi thai thuận hay ngược. Đặc biệt, đi bộ là cách giúp thai nhi dễ quay đầu hơn, giúp mẹ dễ dàng sinh thường. Vì vậy, mẹ vẫn nên đi bộ khi thai nhi đã quay đầu miễn là đảm bảo sức khỏe. Nếu không an tâm, mẹ nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi đi bộ trong giai đoạn này.

Thai nhi quay đầu mẹ có nên tiếp tục đi bộ? (Ảnh: Internet)

Các điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai

Ngoài việc tránh đi bộ nhiều trong 3 tháng đầu, giai đoạn này mẹ cần kiêng kị những điều dưới đây để thai ổn định hoàn toàn:

Không ngồi xổm hoặc ngồi vươn cao 

Ngồi xổm gây hại cho tử cung, bụng dưới, bàng quang và các phần liên quan. Hơn nữa, ngồi ở tư thế này dễ khiến mẹ bị ngã và có nguy cơ sảy thai. Cụ thể:

  • Tư thế ngồi xổm làm tăng áp lực đè lên tử cung, bàng quang khiến mẹ bị đau bụng.

  • Khi ngồi xổm, chân co lại làm cho các mạch máu lưu thông kém dẫn đến tình trạng tê chân, phù nề hoặc giãn tĩnh mạch.

  • Thêm nữa, ngồi xổm tăng áp lực lên xương bánh chè ở đầu gối và dây thần kinh đùi, vì vậy có thể bị đau chân trong các tháng kế tiếp.

Không ngồi xổm khi mang thai. (Ảnh: Internet)

Không sử dụng chất kích thích

Theo CDC, sử dụng thuốc lá, uống rượu,... trong thai kỳ luôn đi kèm với rủi ro sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi.

  • Trẻ có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh, sinh non, nhẹ cân.

  • Gây loạn chức năng não và phổi đang phát triển của em bé.

  • Uống rượu gây ra các vấn đề có hại cho hệ thần kinh trung ương cũng như các đặc điểm và sự phát triển bất thường trên khuôn mặt của trẻ.

  • Có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu và rối loạn phổ rượu ở thai nhi. (Cấu tạo khuôn mặt bất thường, khả năng phối hợp và trí nhớ kém, chậm nói, IQ thấp, các vấn đề về thị giác & thính giác, tim mạch, thận hoặc xương.)

Tránh làm việc quá sức và tập thể dục quá sức

Mẹ bầu được khuyến khích vận động, thể dục nhẹ nhàng để kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, mẹ không nên làm việc quá sức vì dễ tăng nguy cơ động thai. Đối với việc tập luyện cũng nên chọn bài tập vừa phải để cơ thể thoải mái, thư giãn hơn sau khi tập.

Tránh cạo gió khi bị trúng gió

Tuyệt đối không cạo gió cho mẹ bầu vì những động tác này dễ gây vỡ các mạch máu, gây xuất huyết dưới da và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Thay vào đó, hay xoa dầu kết hợp massage nhẹ nhàng hoặc dùng cao dán có tác dụng điều trị tại chỗ.

Tránh cạo gió cho mẹ bầu. (Ảnh: Internet)

Hạn chế sử dụng mỹ phẩm

Trong thai kỳ, mẹ cần tránh xa các loại mỹ phẩm có chứa các thành phần như: retinol, avobenzone, oxybenzone, homosalate, aluminum chloride hexahydrate,... vì chúng là tác nhân gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến thần kinh và sự phát triển của thai nhi. 

Không tự ý sử dụng thuốc

Trong khi mang bầu, mẹ vẫn có thể bị cảm cúm, đau nhức và gặp 1 số triệu chứng khó chịu. Khi đó, mẹ nên xin ý kiến bác sĩ về loại thuốc có thể sử dụng để tránh gây nên những tác dụng phụ không mong muốn. Kể cả các loại thuốc có thành phần tự nhiên cũng không chắc chắn an toàn nên mẹ cần thận trọng trước khi dùng.

Bà bầu 3 tháng có nên đi bộ nhiều không? cùng các vấn đề liên quan đến việc hoạt động thể thao trong giai đoạn này đều đã được giải đáp chi tiết. Mọi thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, mẹ có thể đọc thêm tại Blog Thai kỳ để cập nhật thêm kiến thức bổ ích nhé!

Chúc mẹ thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc!

Phương Đặng
Phương Đặng

Tôi là Phương - Biên tập viên Content Marketing hơn 3 năm kinh nghiệm đa dạng lĩnh vực.

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!