Bà bầu tháng thứ 8 có nên đi bộ không là điều thắc mắc của rất nhiều người. Trong bài viết này, Monkey sẽ giải đáp thắc mắc đó, đồng thời hướng dẫn các mẹ bầu đi bộ đúng cách và đảm bảo an toàn nhất cho cả thai phụ và thai nhi.
Bà bầu tháng thứ 8 có nên đi bộ không?
Theo các chuyên gia, đi bộ là bộ môn rèn luyện sức khỏe an toàn nhất dành cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, câu trả lời cho thắc mắc bà bầu tháng thứ 8 có nên đi bộ không là hoàn toàn có.
Bởi hoạt động đi bộ rất nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng của bà bầu. Đặc biệt, đi bộ còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của cả mẹ và bé như:
-
Giúp mẹ bầu nâng cao thể lực, cải thiện sức khỏe tim mạch, cơ bắp.
-
Kiểm soát cân nặng của mẹ bầu ở mức lý tưởng, ngăn ngừa nguy cơ béo phì, tiểu đường thai kỳ, thai nhi tăng cân quá mức hoặc suy dinh dưỡng,...
-
Giúp quá trình chuyển dạ của thai phụ dễ dàng hơn, tăng cơ hội sinh thường.
-
Giúp mẹ bầu cân bằng huyết áp, giảm cholesterol, từ đó phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật.
-
Giảm bớt căng thẳng, giúp tâm của cả mẹ và bé trạng thoải mái hơn nhờ endorphin - hormone mang lại cảm giác hạnh phúc được cơ thể sinh ra trong quá trình đi bộ.
-
Giảm bớt tình trạng đau nhức xương khớp.
-
Giúp tăng cường khả năng đưa oxy đưa vào máu của thai nhi, cải thiện quá trình trao đổi chất giúp cho thai nhi phát triển tốt hơn cả về thể chất và trí não.
-
Cải thiện chất lượng giấc ngủ cho bà bầu, giảm bớt triệu chứng táo bón, chuột rút, ốm nghén,...hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã cho thấy, tỷ lệ thai phụ có thói quen đi bộ hàng ngày dễ sinh hơn và gặp ít rủi ro hơn so với các mẹ bầu không đi bộ. Vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo phụ nữ mang thai, đặc biệt là bà bầu tháng thứ 8, thứ 9 nên đi bộ khoảng 20-30 phút mỗi ngày tùy vào từng thể trạng. Điều này nhằm mục đích giúp mẹ “vượt cạn” dễ dàng hơn, phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sinh nở.
Các trường hợp bà bầu tháng thứ 8 không nên đi bộ
Đi bộ luôn là hoạt động được các chuyên gia khuyến khích các mẹ bầu thực hiện nhờ hàng loạt lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo thai phụ không nên đi bộ hoặc cần có sự tham vấn của bác sĩ trước khi đi bộ nếu thuộc các trường hợp dưới đây:
-
Thai phụ có tiền sử sinh non hoặc sảy thai nhiều lần: Việc đi lại nhiều có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của tử cung, đe dọa sự an toàn của thai nhi nên tốt nhất mẹ bầu không nên đi bộ. Thay vào đó, mẹ nên nghỉ ngơi nhiều hơn để giữ cho thai nhi ổn định.
-
Mẹ bầu có vấn đề về tử cung: Ví dụ như bà bầu có tử cung yếu, dị dạng tử cung,...sẽ có nguy cơ cao bị sảy thai nếu đi lại nhiều.
-
Mẹ có tiền sử bị tiền sản giật và mắc bệnh huyết áp, đặc biệt là huyết áp cao: Đi bộ nhiều có thể khiến huyết áp tăng cao, tim đập nhanh, dẫn đến đau tim, thậm chí là bị đột quỵ rất nguy hiểm.
-
Bà bầu mắc bệnh tiểu đường thai kỳ: Hành động đi bộ quá sức có thể khiến thai phụ mệt mỏi, không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
-
Thai phụ trên 35 tuổi: Đi bộ khiến huyết áp có thể tăng, giảm đột ngột trong khi khả năng ổn định lại huyết áp của bà bầu lớn tuổi rất chậm. Vì vậy, điều này cực kỳ nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.
Như vậy, không phải đối tượng phụ nữ mang thai nào cũng nhận được những lợi ích từ việc đi bộ. Do đó, bà bầu tháng thứ 8 có nên đi bộ hay không còn tùy thuộc chủ yếu vào tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu sức khỏe tốt và không nằm trong các đối tượng được các chuyên gia cảnh báo kể trên thì thai phụ hoàn toàn nên đi bộ đều đặn mỗi ngày.
Xem thêm:
- Bà bầu bị cảm cúm ở tháng thứ 8 có nguy hiểm không? Mẹ cần làm những gì?
- 7 dấu hiệu có thai với người kinh nguyệt không đều và cách xác định chuẩn nhất
Hướng dẫn bà bầu tháng thứ 8 đi bộ đúng cách và an toàn
Khi mang thai tháng thứ 8, bà bầu có thể đi bộ theo các mức độ từ: nhẹ - trung bình - nâng cao tùy theo thể trạng sức khỏe của bản thân. Trong đó:
-
Mức độ nhẹ: Bạn có thể bắt đầu tập đi bộ với 10 phút mỗi ngày và duy trì 4-6 ngày/tuần. Tùy vào sức khỏe của bản thân, mẹ bầu có thể điều chỉnh thời gian tăng lên hoặc giảm xuống. Dần dần, bạn nên tăng thời gian đi bộ lên khoảng 15-30 phút mỗi ngày và đi bộ khoảng 5-6 ngày/tuần.
-
Mức độ trung bình: Khi đã quen dần việc đi bộ ở mức độ nhẹ, bà bầu có thể tăng thời gian đi bộ lên khoảng 10-20 phút/ngày và duy trì 4-6 ngày/tuần. Bạn có thể ngừng tập hoặc giảm thời gian khi cảm thấy mệt mỏi hoặc nghỉ đi bộ một ngày giữa tuần. Giai đoạn cuối của mức độ trung bình cần đạt được là bạn có thể đi bộ từ 20-45 phút mỗi ngày và duy trì 5-6 ngày/tuần.
-
Mức độ nâng cao: Thời gian bắt đầu tập đi mỗi ngày dao động từ 20-50 phút và đi 4-6 ngày/tuần. Bạn có thể đi chậm lại hoặc dừng lại khi có dấu hiệu mệt mỏi.
Ngoài thời gian đi bộ lý tưởng theo từng cấp độ trên thì để đảm bảo an toàn trong quá trình luyện tập, bà bầu tháng thứ 8 đi bộ còn cần lưu ý các vấn đề dưới đây:
-
Mẹ cần chú ý động tác đi bộ cần kết hợp vảy 2 cánh tay, nhìn thẳng về phía trước để tránh dồn toàn bộ trọng lực về sau lưng.
-
Thời gian đi bộ phụ thuộc vào sức khỏe của thai phụ. Nếu cảm thấy mệt mỏi và khó khăn di chuyển do bụng bầu to, mẹ nên đi chậm rãi và đi ít hơn, không nên cố gắng đi thật nhiều đến mức độ nâng cao.
-
Đối với những thai phụ có sức khỏe không tốt nên hỏi ý kiến của bác sĩ về cường độ và thời gian luyện tập để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
-
Lựa chọn cung đường đi bộ dễ đi, không trơn trượt, đường dốc hay ổ gà,...dễ vấp ngã. Đi bộ bằng máy trong nhà cũng là một lựa chọn phù hợp trong điều kiện thời tiết mưa, nắng to hoặc trời lạnh để đảm bảo an toàn cho mẹ bầu.
-
Trước khi đi bộ nên khởi động chân tay, vận động nhẹ nhàng và giữ tinh thần thoải mái, thư giãn trong suốt quá trình tập thể dục và sau khi đi bộ.
-
Lựa chọn đôi giày vừa chân, có độ bám tốt để tránh nguy cơ bị ngã khi đi bộ.
-
Trước khi tập đi bộ khoảng 30 phút, thai phụ nên ăn nhẹ với các món như: chuối, sữa chua, táo, bơ, sinh tố,...để đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng luyện tập. Cần tránh ăn quá no sẽ khiến mẹ bị đau bụng khi đi bộ lâu.
-
Mẹ nên đem theo chai nước để uống khi thấy khát, tránh nguy cơ bị mất nước.
-
Mẹ nên đi bộ vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh nắng. Sử dụng thêm kem chống nắng SPF 30 trở lên để bảo vệ làn da dưới sự tác động của ánh nắng mặt trời, giảm tình trạng bị nám, sạm, tàn nhang,...
-
Nếu mẹ bầu đi bộ mà bị đau lưng hoặc đau vùng chậu cần nói ngay với bác sĩ để được điều trị và hướng dẫn điều chỉnh phù hợp.
Khi nào mẹ bầu tháng thứ 8 cần dừng việc đi bộ và đi khám sớm
Ngoài những điều cần lưu ý trong quá trình đi bộ, các mẹ bầu cũng cần lưu ý dừng ngay việc đi bộ và đến gặp bác sĩ khám ngay khi thấy các dấu hiệu sau:
-
Mẹ bầu có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, quay cuồng, thậm chí ngất xỉu.
-
Tim đập nhanh, mạnh hoặc không đều, đau ngực
-
Khó thở, hụt hơi
-
Chuột rút, đau bụng
-
Thị lực giảm
-
Âm đạo bị ra máu, rỉ ối
-
Các cơ bắp sưng, đau
-
Thai nhi vận động ít hơn bình thường.
Đây đều là những dấu hiệu bất thường có nguy cơ cao mẹ bị động thai, suy giảm sức khỏe hoặc sắp chuyển dạ,... Vì vậy, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý đến những dấu hiệu này nếu thấy xuất hiện cần đi khám ngay để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Như vậy, bài viết này đã giúp các bạn giải đáp thắc mắc bà bầu tháng thứ 8 có nên đi bộ hay không và hướng dẫn mẹ đi bộ đúng cách, an toàn. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp mẹ bầu có sức khỏe tốt để “vượt cạn” thành công.
Is It Safe to Walk for Exercise in Every Trimester of Pregnancy? - Ngày truy cập: 2/8/2022
https://www.healthline.com/health/pregnancy/walking-during-pregnancy