zalo
Bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là hợp lý?
Thai kỳ

Bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là hợp lý?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

20/07/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, việc tăng cân quá nhiều hay quá ít đều có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt. Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là hợp lý thì không nên bỏ qua bài viết này.

Tầm quan trọng của việc tăng cân hợp lý khi mang thai

Có không ít người quan niệm rằng, mang thai là phải “ăn cho hai người”, nghĩa là mẹ bầu cần phải ăn “gấp đôi” thì thai nhi mới khỏe mạnh và phát triển tốt. Tuy nhiên, trên thực tế thì quan niệm đó hoàn toàn sai lầm.

Phụ nữ mang thai cần kiểm soát cân nặng tăng ở mức vừa phải. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Theo lời khuyên của các chuyên gia, phụ nữ mang thai cần chú trọng đến việc kiểm soát cân nặng của mình ở mức hợp lý. Bởi việc tăng cân quá nhiều hay quá ít đều có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi.

Cụ thể, việc thai phụ bị tăng cân quá mức trong giai đoạn mang thai có thể gây ra các vấn đề như:

  • Thân nhiệt mẹ bầu tăng cao, thường xuyên cảm thấy nóng nực, khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến cả tâm lý, cảm xúc.

  • Di chuyển, đi lại khó khăn do sức ép của tử cung gây nên tình trạng phù nề chân, đau lưng,...

  • Cơ thể bị béo phì, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như: tiểu đường thai kỳ, tim mạch, gan, thận, độ quỵ, ung thư, trầm cảm,...

  • Bà bầu tăng nhiều cân có thể bị tăng huyết áp, biến chứng tiền sản giật.

  • Tăng nhiều cân khiến da của mẹ bầu bị rạn, xương chậu bị ảnh hưởng, có thể bị són tiểu không kiểm soát hoặc trĩ.

  • Thai nhi phát triển to quá dẫn đến khó sinh, mẹ có thể phải sinh mổ thay vì sinh thường.

  • Trẻ sinh ra từ người mẹ tăng cân quá nhiều cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, tim mạch,...sau khi chào đời.

  • Mẹ bầu gặp nhiều khó khăn trong việc giảm cân lấy lại vóc dáng sau khi sinh.

Bà bầu tăng cân ít do thiếu hụt dinh dưỡng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong khi đó, các trường hợp thai phụ ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng, cân nặng tăng quá ít cũng có thể gây ra những hậu quả nặng nề như:

  • Thai phụ thiếu năng lượng, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, tụt huyết áp,...

  • Hành trình “vượt cạn” gặp khó khăn do thai phụ không đủ sức.

  • Thai nhi chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí não, sức đề kháng yếu sau khi chào đời và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa,...

  • Gia tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu tháng, thậm chí là sảy thai.

  • Khả năng tiết sữa sau khi sinh của mẹ bầu bị ảnh hưởng, dẫn đến không đủ sữa cho con bú.

Chính vì vậy, phụ nữ khi mang thai cần đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát cân nặng của mình thông qua chế độ dinh dưỡng hoặc chế độ luyện tập. Đặc biệt, đây hoàn toàn không phải thời điểm thích hợp để giảm cân, giữ dáng.

Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của mẹ bầu và tránh ảnh hưởng đến thai nhi là đảm bảo được mức tăng cân hợp lý khi mang thai. Tùy vào từng thể trạng của bà bầu và giai đoạn thai kỳ khác nhau mà mức tăng cân ở từng thai phụ sẽ có sự khác nhau. Song nhìn chung, mức tăng cân hợp lý cho phụ nữ mang thai được khuyến cáo ở mức như sau:

  • Thai phụ có cân nặng trung bình từ trước khi mang thai tăng khoảng 11,3-16 kg.

  • Thai phụ nhẹ cân trước khi mang thai tăng khoảng 12,7 - 18,3 kg.

  • Thai phụ thừa cân trước khi mang thai tăng khoảng 7 - 11,3 kg.

  • Thai phụ mang đa thai tăng khoảng 16 - 20,5 kg.

Bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là đủ?

Theo các chuyên gia, cân nặng của mẹ bầu trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ tăng không đáng kể. Bởi thời điểm này các dấu hiệu ốm nghén vẫn còn xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng của mẹ bầu.

Bà bầu tháng thứ 7 tăng từ 5-6 kg. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ là hai giai đoạn mẹ bầu tăng cân tốt nhất do các dấu hiệu thai nghén giảm, mẹ bầu ăn uống tốt hơn cùng với sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt là 3 tháng cuối của thai kỳ, cân nặng của bà bầu tăng nhiều nhất, đạt mức trung bình từ 5-6 kg.

Tháng thứ 7 của thai kỳ nằm trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3. Tuy nhiên, bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là hợp lý còn tùy thuộc vào mức cân nặng của người mẹ trong giai đoạn trước khi mang thai. Cụ thể:

  • Bà bầu có cân nặng trung bình trước giai đoạn mang thai: Nên tăng khoảng 0,4kg/tuần.

  • Bà bầu có cân nặng thấp trước giai đoạn mang thai: Nên tăng khoảng 0,5 kg/tuần.

  • Bà bầu bị thừa cân từ trước khi mang thai: Mức cân nặng nên tăng chỉ khoảng 0,3 kg/tuần.

Nhìn chung, trong tháng đầu tiên của tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu có thể tăng đến 4 kg, chiếm khoảng 30-40% tổng trọng lượng tăng của cơ thể trong suốt giai đoạn mang thai. Tổng cân nặng của bà bầu tăng lên tính đến hết tuần 28 của thai kỳ khoảng 9kg.

Tính chỉ số BMI để biết bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là hợp lý. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài ra, chúng ta còn có thể tính bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là vừa thông qua chỉ số BMI. Ta có công thức tính chỉ số BMI như sau:

BMI = Cân nặng/ (Chiều cao x Chiều cao)

Trong đó, đơn vị tính chiều cao tính là m (mét) và cân nặng tính bằng kg.

  • Trường hợp thai phụ có chỉ số BMI nằm trong khoảng 18,5 – 24,9 tức là mẹ đang có cân nặng phù hợp.

  • Trường hợp thai phụ có chỉ số BMI < 18,5 tức là mẹ đang bị gầy: Mức tăng cân mẹ bầu cần đạt được khoảng 25% so với cân nặng trong giai đoạn trước khi mang thai.

  • Trường hợp thai phụ có chỉ số BMI > hoặc = 25 cho biết mẹ đang ở thể trạng thừa cân, béo phì: Mức tăng cân mẹ nên đạt chỉ khoảng 15% so với cân nặng trước khi mang thai.

Thông qua mức khuyến nghị và cách tính ở trên đã giúp chúng ta giải đáp: bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg? Để kiểm soát được cân nặng ở mức hợp lý, tốt nhất mẹ bầu nên lập bảng theo dõi cân nặng định kỳ cùng với việc duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ.

Xem thêm:

Bí quyết giúp bà bầu tháng thứ 7 tăng cân hợp lý

Để giúp bà bầu tháng thứ 7 tăng cân hợp lý thì việc thực hiện chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt có vai trò vô cùng quan trọng.

Chế độ dinh dưỡng

Có thể nói, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định cân nặng của phụ nữ mang thai. Để có thể tăng cân ở mức hợp lý, mẹ bầu cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như:

  • Nhóm chất bột: gạo, mì, ngô, khoai, sắn,...

  • Nhóm chất đạm: thịt, cá, trứng, tôm, cua, các loại đậu...

  • Nhóm chất béo: dầu, mỡ, vừng, lạc...

  • Nhóm vitamin A, B, C, D, E, K, khoáng chất (Canxi, axit folic, Omega-3, sắt, kẽm, i ốt,...)và chất xơ: Có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín, thịt đỏ, gan động vật, trứng, sữa, dầu thực vật,...

Bà bầu tháng thứ 7 cần ăn đầy đủ dinh dưỡng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bên cạnh đó, bà bầu tháng thứ 7 cũng cần lưu ý nên uống nhiều nước, tối thiểu 2-2,5 lít mỗi ngày để tránh tình trạng mất nước, phòng ngừa nguy cơ táo bón, nhiệt, nóng trong,... Đồng thời, các loại thực phẩm chiên, rán, xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn chưa chế biến chín hay có quá nhiều gia vị là những thứ mẹ bầu không nên ăn để tránh tình trạng cân nặng tăng mất kiểm soát.

Chế độ sinh hoạt

Cùng với chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu muốn kiểm soát cân nặng tăng ở mức vừa phải thì cần có chế độ rèn luyện sức khỏe phù hợp, đều đặn hàng ngày. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga,...sẽ giúp thai phụ cải thiện chức năng hô hấp, tuần hoàn máu, giúp cho cơ bắp săn chắc và làm mềm khớp,... 

Rèn luyện thể thao vừa sức giúp mẹ bầu tăng cân hợp lý. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Từ đó giúp mẹ có thể kiểm soát được cân nặng, đồng thời giảm bớt những triệu chứng khó chịu trong những tháng cuối của thai kỳ. Trong đó bao gồm các triệu chứng đau nhức xương khớp, chuột rút, phù chân, giãn tĩnh mạch,...

Các bộ môn thể thao nguy hiểm như đá bóng, chạy, nhảy dây,...mẹ bầu cần tuyệt đối tránh xa để không bị sảy thai, sinh non.

Ngoài ra, bà bầu tháng thứ 7 muốn tăng cân hợp lý cũng đừng quên việc thăm khám và theo dõi sức khỏe thường xuyên. Trong những lần tái khám, bác sĩ sẽ theo dõi, kiểm tra sự phát triển của thai nhi và cân nặng của mẹ bầu. Từ các chỉ số đo được, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp nhất dành cho mẹ để có thể kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý nhất.

Bảng tăng cân tiêu chuẩn dành cho bà bầu theo từng tam cá nguyệt

Một điều quan trọng mà chúng ta cần biết chính là tổng số cân nặng của bà bầu tăng trong thai kỳ bao gồm rất nhiều yếu tố như:

  • Trọng lượng thai nhi: Chiếm khoảng 3.200 – 3.600 gram

  • Trọng lượng nhau thai: 500 – 900 gram

  • Lượng nước ối: 900 gram

  • Trọng lượng tử cung: 900 gram

  • Thể tích máu tăng: 1.400 gram

  • Mỡ cơ thể: 2.300 gram

  • Mô và dịch cơ thể tăng: 1.800 gram

  • Phì đại của tuyến vú: 500 gram

Cân nặng của bà bầu tùy thuộc vào nhiều yếu tố. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thông qua bảng tăng cân tiêu chuẩn dành cho bà bầu theo từng tam cá nguyệt dưới đây, Monkey hy vọng sẽ giúp hình dung rõ hơn về quá trình tăng cân của mình khi mang thai.

Bảng tăng cân tiêu chuẩn dành cho bà bầu theo từng tam cá nguyệt

Giai đoạn mang thai

Nhu cầu năng lượng

Trọng lượng bà bầu

Trọng lượng thai nhi

Nơi tích lũy cân nặng

Tam cá nguyệt thứ nhất

Tăng thêm khoảng 200 calo/ngày

Tăng khoảng 1 – 2 kg

5gram tại tuần  thứ 10 của thai kỳ

Các mô của cơ quan sinh sản

Tam cá nguyệt thứ hai

Tăng thêm khoảng 300 calo/ngày

Tăng khoảng

4-5 kg

350gr tại tuần thứ 20 của thai kỳ

Tích lũy trong các mô

Tam cá nguyệt thứ ba

Tăng thêm khoảng 400 - 450 calo/ ngày

Tăng khoảng 

4 – 6 kg

3kg – 3,5kg tại tuần 40 của thai kỳ

Trong sự tăng trọng của thai nhi

Như vậy, thông qua bài viết này chúng ta đã trả lời được câu hỏi bà bầu tháng thứ 7 tăng bao nhiêu kg là hợp lý?” Bên cạnh đó, với những kiến thức giúp mẹ bầu tăng cân hợp lý được Monkey chia sẻ trong bài viết này hy vọng sẽ giúp mẹ và bé có thai kỳ khỏe mạnh và “vượt cạn” thành công.

Gain Weight Safely During Your Pregnancy - Ngày truy cập: 19/07/2022

https://www.webmd.com/baby/guide/healthy-weight-gain

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!