Covid là một căn bệnh khá nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ có thai. Nếu chẳng may nhiễm covid khi mang thai thì thai phụ cần làm gì? Những thông tin được chia sẻ trong bài viết này sẽ giảm thiểu tối đa những nguy cơ không mong muốn đối với mẹ và bé.
Biểu hiện mẹ bầu bị Covid
Bệnh Covid có thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 14 ngày, trung bình từ 5 đến 7 ngày. Một số dấu hiệu covid khi mang thai mà mẹ bầu có thể phát hiện sớm bao gồm:
-
Cơ thể sốt và lạnh người;
-
Ho khan hoặc ho có đờm, viêm họng, hơi thở ngắn, khó thở, thở gấp;
-
Đau cơ, mệt mỏi, toàn thân nhức mỏi;
-
Mất vị giác hoặc khứu giác, đau đầu;
-
Sổ mũi, nghẹt mũi;
-
Có cảm giác buồn nôn hoặc nôn;
-
Tiêu chảy.
Trong trường hợp nhiễm Covid ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể tự hồi phục sau từ 7 đến 10 ngày. Có đến 80% người bệnh không triệu chứng, 20% còn lại diễn tiến nặng như tím tái, khó thở, suy hô hấp cấp, suy tim, suy thận… cần điều trị hồi sức tích cực.
Mẹ bầu bị covid khi mang thai nguy hiểm như thế nào?
Cơ thể mẹ bầu có hệ miễn dịch yếu nên khi nhiễm bệnh, mẹ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Một số vấn đề mà covid người mang thai gặp phải sẽ tùy thuộc thể trạng như:
Đối với thai phụ bình thường
Ở thai phụ khỏe mạnh, mắc covid làm tăng nguy cơ sinh non, thai lưu, thai chậm phát triển. Những nguy cơ này thường xảy ra khi mẹ mang thai vào tuần đầu hoặc trong tam cá nguyệt thứ nhất. Trong thời gian điều trị, bác sĩ sản khoa sẽ căn cứ vào tuổi thai cũng như sức khỏe của mẹ bầu để tìm được hướng chữa bệnh thích hợp.
Đối với thai phụ có bệnh lý
Những mẹ bầu mắc nhiều bệnh lý như tăng huyết áp hoặc tiểu đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ nhập viện nếu mắc covid. Bệnh nhân covid mang thai có nguy cơ sinh non, thai chết lưu… Căn cứ vào tình trạng hô hấp, chức năng sống của mẹ, tuổi thai thì bác sĩ sẽ cân nhắc có nên chấm dứt thai kỳ trước ngày dự sinh không.
Đối với thai nhi
Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng chứng minh sự lây truyền của covid từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Ngoài ra, chưa có kết luận nào về việc thai nhi bị dị tật bẩm sinh hay sảy thai nếu mẹ bầu bị nhiễm covid. Nguy cơ lây nhiễm theo chiều dọc trước khi sinh từ mẹ sang bé dường như không có hoặc có nhưng rất thấp, rơi vào khoảng 1%.
Phương pháp điều trị đối với người mang thai bị mắc Covid
Mẹ bầu hãy bình tĩnh khi mắc Covid và có thể được điều trị theo từng trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp cách ly điều trị tại nhà
-
Nếu mẹ bầu là F0 không có bệnh nền hoặc đã điều trị ổn định bệnh nền, không bị béo phì: Sau 7 ngày điều trị tại cơ sở y tế, kết quả xét nghiệm PCR âm tính thì được cho về nhà tự cách ly và điều trị.
-
Nếu mẹ bầu dương tính nhưng nồng độ virus thấp (giá trị CT>=30): Có thể được theo dõi điều trị tại nhà vì khả năng lây nhiễm thấp.
-
Mẹ bầu là F0 sẽ được tiếp tục xét nghiệm PCR vào ngày thứ 14 và thứ 21.
Trong thời gian được cách ly và điều trị tại nhà, mẹ bầu hãy nhớ:
-
Thường xuyên mang khẩu trang trừ lúc vệ sinh cá nhân hoặc ăn uống.
-
Mỗi ngày thay khẩu trang 2 lần, dùng cồn khử khuẩn trước khi bỏ khẩu trang.
-
Thường xuyên khử khuẩn tay, vật dụng cũng như bề mặt tiếp xúc như bàn, tay nắm cửa, bồn rửa mặt, bồn cầu…
-
Mỗi ngày đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần, nhất là lúc có dấu hiệu sốt. Nhiệt độ bình thường là 36 – 37,5 độ C; sốt nhẹ là 37 – 38 độ, sốt vừa khoảng 38 – 39 độ, sốt cao từ 39 – 40 độ, sốt quá cao trên 40 độ.
Một số loại thuốc mà mẹ bầu có thể sử dụng trong giai đoạn này là:
-
Paracetamol: Uống tối đa mỗi ngày 2 - 4 viên, mỗi lần cách nhau 4h, có tác dụng sau khi uống 30 phút. Nếu mẹ có bệnh lý về gan trước đó thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
-
Ibuprofen: Không dùng cho mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ đang cho bé bú.
-
Sốt trên 38.5 độ C nếu bị dị ứng với Ibuprofen và Paracetamol thì mẹ có thể cân nhắc uống Celecoxib, Aspirin, Diclofenac.
-
Uống nhiều nước theo tỉ lệ 40ml/kg cân nặng/ngày hoặc bù nước với nước điện giải Oresol.
-
Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tập thể dục, tập thở mỗi ngày ít nhất 15 phút với động tác hít thở sâu, từ từ.
-
Lưu số điện thoại của nhân viên y tế để kịp thời liên hệ nếu cần tư vấn hoặc hỗ trợ.
Khi triệu chứng trở nên nặng hơn
Tình trạng nhiễm covid khi mang thai sẽ diễn tiến nặng nếu mẹ mắc phải các triệu chứng sau:
-
Có thai trên 35 tuổi
-
Chỉ số BMI cơ thể lớn hơn hoặc bằng 25.
-
Có bệnh lý nền như huyết áp cao, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ…
Khi mẹ bị sốt cao trên 38 độ, mất khứu giác, khó thở, ho, tức ngực… thì mẹ cần báo ngay cho cơ sở y tế hoặc liên lạc với bác sĩ khám thai. Mẹ cũng có thể gọi đến hotline 115 để được hỗ trợ kịp thời. Điều đặc biệt quan trọng là mẹ hãy giữ vững tâm lý, không hoảng loạn và nghiêm túc tuân theo hướng dẫn điều trị.
Xem thêm: Mẹ bị chàm thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Cách chữa trị?
Khi nào cần nhập viện?
Nếu phát hiện thai phụ có các triệu chứng dưới đây, người thân hãy ngay lập tức đưa đến cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu:
-
Dấu hiệu nặng: Đau tức ngực, thở nhanh hơn 20 lần/phút, sốt trên 38,5 độ, đo SpO2 dưới 95%.
-
Dấu hiệu cấp cứu: Thở nhanh hơn 30 lần/phút, chỉ số SpO2 dưới 93%, tím môi hoặc đầu chi, lì bì, lừ đừ, khó đánh thức.
Mẹ bầu cần mang theo những vật dụng sau khi nhập viện:
-
Khẩu trang y tế và kính chắn giọt bắn, chai khử trùng;
-
Nước rửa tay, xà phòng rửa tay, găng tay dùng 1 lần;
-
Khăn mặt, khăn tắm;
-
Quần áo gọn nhẹ dùng trong 14 ngày;
-
Vật dụng vệ sinh cá nhân, giấy tờ tùy thân, tiền mặt vừa đủ dùng;
-
Nhiệt kế;
-
Thuốc và viên sắt được kê toa bởi bác sĩ.
Hệ miễn dịch của mẹ bầu yếu hơn so với người bình thường, đặc biệt là khi bị nhiễm covid. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp mẹ hiểu được những điều nên làm nếu mắc covid khi mang thai. Mẹ bầu cần chủ động tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho cả hai mẹ con. Khi mắc bệnh, mẹ hãy bình tĩnh, thực hiện liệu trình điều trị đúng như bác sĩ chỉ định để sớm khỏi bệnh.