Khi mang thai, mẹ bầu cần bổ sung dưỡng chất đầy đủ giúp thai nhi phát triển tốt cả về thể chất và trí não. Tuy nhiên, thai phụ cũng cần lưu ý tránh ăn các loại thực phẩm gây dị tật thai nhi.
Thế nào là dị tật thai nhi?
Dị tật thai nhi là những biểu hiện bất thường của thai nhi, đó có thể là các bất thường về nhiễm sắc thể, hình thái của một hay nhiều cơ quan trong cơ thể thai nhi.
Tỷ lệ thai nhi bị dị tật ở Việt Nam chiếm khoảng 3%. Có nhiều nguyên nhân gây dị tật thai nhi, chủ yếu xuất phát từ yếu tố ngoại cảnh tác động lên thai phụ. Cụ thể như:
-
Người mẹ mang thai khi ngoài 35 tuổi, nguy cơ thai nhi mắc dị tật tỉ lệ thuận với tuổi của mẹ.
-
Mẹ có tiền sử mang thai bị dị tật hoặc sảy thai nhiều lần, bị bệnh đái tháo đường.
-
Tiền sử gia đình có người bị dị tật thai nhi.
-
Mẹ bị mắc bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ mà chưa được tiêm phòng như Rubella, Herpes, Cytomegalovirus…
-
Mẹ bầu tiếp xúc với tia xạ, hóa chất độc hại.
-
Mẹ bầu ăn các loại thức ăn gây dị tật thai nhi,...
Có quá nhiều yếu tố nguy cơ gây dị tật ở thai nhi khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Vậy các loại dị tật thai nhi thường gặp nhất là gì?
Các loại dị tật thai nhi thường gặp
Theo chia sẻ của các chuyên gia y tế, bất cứ mẹ bầu nào cũng phải đối mặt với nguy cơ thai nhi bị dị tật. Dưới đây là một số loại dị tật thai nhi thường gặp nhất:
-
Khe hở môi và khe hở hàm miệng: Khoảng 500 - 600 trẻ sơ sinh sẽ có một trẻ bị mắc bệnh này. Dị tật thai nhi này thường được phát hiện khi thai nhi ở tuần tuổi thứ 21 đến 24.
-
Dị tật tim bẩm sinh: Tương tự như dị tật hở môi, bệnh tim bẩm sinh cũng có thể được phát hiện trong thời điểm thai nhi được 21-24 tuần tuổi. Bệnh được hình thành do sự bất thường khi phát triển tim và mạch máu lớn.
-
Hội chứng Down: Vì bị thừa nhiễm sắc thể số 21, thai nhi bị mắc bệnh Down. Khi được sinh ra, 50% trẻ bị Down sẽ kém phát triển về thị giác và thính giác. Thai phụ có thể kiểm thai nhi có bị mắc dị tật này hay không khi mang thai ở tuần 12 đến 14.
-
Dị tật bàn chân: đây là một trong số các dị tật thai nhi thường gặp nhất và thường được phát hiện khi mẹ bầu siêu âm ở tuần thứ 12 đến 14.
Ngoài các loại dị tật phổ biến trên còn có một số dị tật khác mà thai nhi có nguy cơ mắc phải như: não úng thủy, dị tật về hộp sọ, khe hở thành bụng, loạn sản xương, hở đốt sống, ngắn chi,...
Tất cả các loại dị tật thai nhi đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của mẹ và bé. Chính vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ gây dị tật cho thai nhi, mẹ bầu không nên sinh con quá muộn và tiếp xúc với các hóa chất trong quá trình mang thai, điều trị bệnh nếu có theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để có đủ năng lượng, sức đề kháng và tốt cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cũng cần lưu ý món nào nên ăn hoặc không nên ăn, tuyệt đối không ăn các loại thực phẩm gây dị tật cho thai nhi.
Xem thêm:
- Nếu thai nhi bị Down phải làm sao? Những điều mẹ bầu cần biết về Hội chứng Down ở thai nhi
- Chế độ ăn cho người tiểu đường thai kỳ đảm bảo dinh dưỡng
Những thực phẩm gây dị tật cho thai nhi mẹ bầu không nên chọn
Cá thủy ngân cao
Các loại thực phẩm nhiễm thủy ngân là một trong những thực phẩm gây dị tật cho thai nhi mẹ bầu cần tránh xa. Lý do bởi thủy ngân có độc tính cao, nó có thể gây độc cho hệ miễn dịch, hệ thần kinh và thận. Nếu mẹ ăn các thực phẩm nhiễm độc thủy ngân còn có thể khiến thai nhi bị dị tật, đặc biệt là cá ở vùng biển sâu tích tụ lượng thủy ngân rất cao.
Các chị em đang mang thai có thể lưu ý một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao để tránh như: cá kiếm, cá mập, cá ngừ, cá ngói, cá thu vua,...
Cá sống hoặc nấu chưa chín
Những ai là “fan cứng” của các món sushi, gỏi,... chắc chắn sẽ không thể bỏ qua cá sống. Tuy nhiên, đây lại là món ăn mẹ bầu không nên ăn vì cá sống hoặc chưa chín có thể gây ra bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng như: Norovirus, Vibrio, Salmonella và Listeria.
Mức độ ảnh hưởng của các món ăn này nếu nhẹ thì chỉ mẹ bị suy nhược hoặc mất nước. Nhưng nếu ảnh hưởng nặng có thể tác động xấu đến thai nhi, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Nội tạng động vật
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, nội tạng động vật chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như: sắt, vitamin A, B12, kẽm, đồng, selen,... tốt cho cơ thể mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nạp quá nhiều vitamin A có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra dị tật ở thai nhi, thậm chí sảy thai. Mức ăn thịt nội tạng khuyến nghị chỉ dưới 100g/tuần.
Thực phẩm chế biến sẵn
Các loại đồ ăn chế biến sẵn là một trong những thực phẩm gây dị tật thai nhi mẹ bầu cần tránh. Lý do vì đồ chế biến sẵn có rất ít giá trị dinh dưỡng lại chứa nhiều đường và chất béo có hại. Khi mẹ bầu tiêu thụ chúng có nguy cơ làm mẹ tăng cân bất thường và mắc các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường thai kỳ,... Từ đó dẫn tới các biến chứng thai sản nguy hiểm và dị tật thai nhi.
Hơn nữa, đối với các loại đồ ăn chiên dầu mỡ còn chứa phèn chua, nhôm. Các chất này đi qua nhau thai đén khi nhôm tích tụ trong não một lượng lớn sẽ hạn chế sự phát triển não. Đó là một trong các lý do vì sao trẻ sinh ra bị chậm phát triển trí tuệ, đần độn.
Sữa, pho mát và nước ép trái cây chưa tiệt trùng
Trong sữa tươi, pho mát chưa được tiệt trùng có chứa các loại vi khuẩn gây hại như Listeria, E.coli, Samonella, và Camoylobacter. Từ đó dẫn tới nguy cơ gây ra các dị tật thai nhi. Sự xuất hiện của vi khuẩn có thể là do nhiễm bẩn trong quá trình tích trữ, bảo quản hoặc tự nhiên.
Vì thế, tiệt trùng là cách vừa có thể tiêu diệt vi khuẩn có hại mà không làm mất giá trị dinh dưỡng của thực phẩm hiệu quả nhất. Để tránh bị nhiễm trùng, mẹ bầu nên chọn lựa các loại sữa, pho mát hoặc nước hoa quả đã tiệt trùng.
Những điều mẹ bầu cần lưu ý để phòng tránh dị tật thai nhi
Ngoài những thức ăn gây dị tật thai nhi, mẹ bầu còn cần lưu ý một số điều để phòng tránh gây dị tật ở thai nhi như:
-
Nên tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai để phòng chống bệnh tật. Lưu ý, dù chỉ mắc những bệnh cúm thông thường như cúm mùa, Rubella, sởi,…cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe của thai nhi. Việc sử dụng thuốc điều trị cũng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc vì có loại thuốc có thể gây dị tật cho bào thai.
-
Không sử dụng các chất kích thích, hút thuốc trong suốt thai kỳ vì chúng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp và hệ tuần hoàn của thai nhi.
-
Siêu âm khám thai định kỳ thường xuyên để sàng lọc, chẩn đoán dị tật thai nhi để có biện pháp can thiệp kịp thời.
-
Chú ý dinh dưỡng trước, trong và sau thai kỳ cần đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ, ngăn ngừa nguy cơ mắc dị tật. Theo đó, mẹ bầu nên ăn nhiều trái cây và rau quả, thực phẩm giàu sắt và protein, sữa và thực phẩm giàu canxi, bánh mì, ngũ cốc để bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cung cấp năng lượng cho cơ thể của mẹ và thai nhi.
Có thể nói, dinh dưỡng thai kỳ đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ và con. Chính vì thế, khi mang thai, các chị em phụ nữ nên chuẩn bị cho mình một chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, các loại thực phẩm gây dị tật thai nhi, các loại có chứa chất bảo quản, bảo vệ thực vật,...tuyệt đối nên tránh xa để mẹ và bé có thể “vượt cạn” an toàn và khỏe mạnh.