zalo
Những thói quen xấu của bố mẹ gây dị tật thai nhi cần phải tránh
Thai kỳ

Những thói quen xấu của bố mẹ gây dị tật thai nhi cần phải tránh

Đào Nhàn
Đào Nhàn

31/03/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Khi mang thai, cha mẹ nào cũng mong muốn làm những điều để tốt nhất cho sự phát triển của con. Tuy nhiên, một số thói quen xấu của bố mẹ dưới đây lại có thể gây dị tật thai nhi.

Dị tật thai nhi là gì?

Trước khi nói đến những thói quen xấu của bố mẹ có nguy cơ cao gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi, chúng ta cần phải hiểu thế nào là dị tật thai nhi?

Dị tật thai nhi là những bất thường xảy ra với thai nhi ngay trong giai đoạn bào thai. Các bất thường đó có thể là bất thường về nhiễm sắc thể hoặc hình thái của các cơ quan.

Hiện nay, mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, khoảng 1.73% (theo số liệu thống kê của WHO). Trong khi đó, tỷ lệ dị tật thai nhi ở việt nam mỗi năm chiếm 2-3% trong tổng số khoảng 1,5 triệu được sinh ra.

Dị tật thai nhi có thể gây ra bởi những thói quen xấu từ bố mẹ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các chuyên gia cho biết, do được tạo nên từ tinh trùng của bố và trứng của người mẹ nên chắc chắn bào thai sẽ có sự tương đồng với bố mẹ. Vì thế, ngoài yếu tố di truyền thì mọi yếu tố liên quan đến chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt,...của cả bố và mẹ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi. 

Theo Tiến sĩ Joanna Kulinska, làm việc tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Georgetown ở Washington DC : “Chế độ dinh dưỡng, nội tiết tố và tâm lý của người mẹ khi mang thai sẽ làm thay đổi cấu trúc cơ quan, phản ứng tế bào và biểu hiện gen ở thai nhi. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy tuổi tác và lối sống của người bố cũng có thể được phản ánh trong phân tử kiểm soát chức năng của gen”.

Vậy những thói quen xấu của bố mẹ khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh là gì?

Thói quen của bố gây dị tật thai nhi

Quan hệ vợ chồng không đúng thời điểm

3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ là thời điểm rất nhạy cảm cho cuộc “yêu” của cha mẹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 10-18% trường hợp phụ nữ mang thai bị sảy vì ảnh hưởng của việc quan hệ sai cách.

Vợ chồng “yêu” sai cách có thể ảnh hưởng đến thai nhi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Lý giải về việc này, các chuyên gia cho biết, 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm thai nhi đang trong quá trình hình thành và phát triển đầy đủ các cơ quan, bộ phận. Việc quan hệ của bố mẹ lúc này cần thận trọng, hết sức nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Trong khi đó, thai nhi ngày càng phát triển mạnh ở 3 tháng cuối, bụng mẹ to và cơ thể sẽ tăng thêm mệt mỏi nếu quan hệ nhiều và lâu. Hơn nữa, đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm nhiễm âm đạo, làm tăng nguy cơ sinh non.

Nhìn chung, quan hệ không nhất thiết phải kiêng trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, để tránh gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, cha mẹ cần lưu ý quan hệ nhẹ nhàng và giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín sau mỗi lần “yêu”.

Vợ chồng thường xuyên cãi nhau

Vợ chồng thường xuyên cãi nhau có thể khiến đàn ông bị vô sinh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tâm tính gia trưởng và luôn tỏ thái độ khó chịu làm tăng khả năng vô sinh của người đàn ông. Trường hợp may mắn thụ tinh được thì những căng thẳng từ người bố cũng có thể dẫn đến sảy thai cho người mẹ. 

Vì vậy, bố và mẹ cần thường xuyên trò chuyện, chia sẻ và lắng nghe nhau thay vì thường xuyên cáu gắt, cãi cọ. Chính sự quan tâm, yêu thương sẽ giúp cho thai nhi phát triển mạnh ngay từ trong bụng mẹ.

Thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào và uống rượu bia

Thuốc lá và rượu chứa chất độc gây biến đổi gen, nguy hiểm cho phôi thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tiến sĩ Joanna Kulinska cho biết thêm, 75% trẻ sinh ra bị mắc chứng ngộ độc rượu ở thai nhi FASD là bị ảnh hưởng từ cha. Trẻ mắc chứng bệnh này sẽ có biểu hiện đầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ và tư duy.

Còn bên trong thuốc lá có tới 20 chất gây nguy hiểm cho phôi thai, làm biến đổi gen. Hậu quả của việc người chồng hút thuốc lá trước mặt vợ có thể dẫn tới nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Bên cạnh đó, sức khỏe của mẹ bầu cũng bị đe dọa khi nguy cơ mắc ung thư từ việc ngửi mùi thuốc lá cao gấp 5 lần so với người hút trực tiếp.

Bố bị stress nặng và béo phì

Béo phì và stress làm chất lượng tinh trùng kém.(Ảnh: Sưu tầm Internet)

Cha bị stress thường xuyên khiến chất lượng tinh trùng kém, khiến phôi thai khó phát triển, nguy cơ dễ bị sinh non hoặc sảy thai. Đối với những đứa trẻ được sinh ra từ ông bố thường xuyên bị stress cũng rất dễ mắc các vấn đề về tâm lý.

Ngoài ra, những ông bố đã lớn tuổi thụ thai có thể làm tăng tỷ lệ trẻ sinh ra bị tự kỷ, tâm thần phân liệt và mắc các dị tật bẩm sinh khác. Bố béo phì sinh con cũng dễ bị béo phì, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao, khó kiểm soát cân nặng, dị tật đường tiêu hóa hoặc ung thư não.

Sinh con muộn

Sinh con muộn cũng là nguyên nhân khiến chất lượng tinh trùng giảm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Không chỉ ở nữ giới mà nam giới sinh con khi đã lớn tuổi cũng được coi là thủ phạm gây ra dị tật ở thai nhi. Lý do bởi càng lớn tuổi, chất lượng tinh trùng giảm và có những biến đổi gen dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm. 

Những nghiên cứu mới đây chỉ ra một số loại bệnh trẻ có thể bị mắc phải khi được sinh ra từ người đàn ông lớn tuổi như: tự kỷ, Alzheimer, hội chứng tâm thần phân liệt, hội chứng Apert, dị tật tim bẩm sinh, dị tật vành tai bẩm sinh, ung thư, chậm phát triển trí tuệ,...Độ tuổi tốt nhất để nam giới sinh con khỏe mạnh được các bác sĩ khuyến cáo từ 20-30 tuổi.

Thói quen của mẹ gây dị tật thai nhi

Mẹ thường xuyên căng thẳng, stress, cáu gắt 

Mẹ bầu căng thẳng, mệt mỏi ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần thai nhi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi mang thai, nội tiết tố và thể trạng của người phụ nữ thay đổi khiến mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và rất dễ cáu gắt. Nếu mẹ bầu thường xuyên phải đối mặt với những yếu tố làm tăng căng thẳng sẽ có những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của thai nhi.

Tâm trạng của người mẹ còn góp phần quyết định hình thành nên tính cách của trẻ sau khi sinh, thậm chí có nguy cơ khiến mẹ bầu sinh non. Vì vậy, giữ tâm trạng thoải mái, tránh suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến mẹ cảm thấy dễ chịu hơn và tốt cho cả thai nhi trong bụng.

Hút thuốc lá, uống rượu bia chứa cồn

Mẹ bầu cần tránh tuyệt đối khói thuốc lá. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thuốc lá, rượu bia và các loại nước uống chứa cồn khác có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, các chất độc hại bên trong thuốc lá, rượu bia còn có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Xem thêm:

Uống thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ

Uống thuốc tùy tiện làm tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi mang thai, việc bà bầu uống thuốc Tây mà không có sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi trong thành phần của một số loại thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh cho các bé từ khi còn chưa được chào đời. Thực tế, tình trạng này rất nhiều mẹ bầu mắc phải, đặc biệt là khi bị cảm cúm đã tự mua thuốc uống mà không đi khám bác sĩ.

Ngay cả khi uống thuốc bổ sung vitamin, canxi, sắt và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, các mẹ cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Ngoài ra, trước và trong giai đoạn mang thai, chị em cũng chú ý tiêm phòng đầy đủ để giữ an toàn cho sức khỏe thai kỳ.

Phơi nhiễm các chất phóng xạ, tia X-quang

Tia X-quang có thể gây dị tật thai nhi, mẹ bầu cần tránh khi mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi mang thai, nếu mẹ tiếp xúc với các chất phóng xạ hoặc tia X-quang, máy CT có nguy cơ cao gây dị tật thai nhi. Mẹ cần lưu ý tránh tuyệt đối các khu vực này. Trường hợp vô tình chụp X-quang, tiếp xúc với chất phóng xạ khi mang thai, mẹ cần tiến hành sàng lọc dị tật trước sinh càng sớm càng tốt. Từ đó có thể phát hiện những nguy cơ dị tật sớm nhất và có cách xử lý kịp thời.

Sơn móng tay

Không nên sơn móng tay khi mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Phụ nữ ai cũng có quyền làm đẹp mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe cho thai nhi, các mẹ bầu không nên sơn móng tay bằng hóa chất. Thay vào đó nên sử dụng các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên, có nguồn gốc rõ ràng.

Xịt nước hoa

Các thành phần của nước hoa không những có khả năng gây dị tật ở thai nhi mà còn có thể gây rối loạn nồng độ hoóc môn, gây ức chế sữa sau sinh và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của người mẹ sau này. Tốt nhất mẹ bầu nên tránh sử dụng nước hoa từ khi bắt đầu mang thai đến khi kết thúc giai đoạn cho con bú.

Ăn uống không khoa học

Mẹ bầu không nên ăn các thực phẩm cay nóng, đóng hộp. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có thể nói, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng cho sức khỏe người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, không ít chị em lại thường có thói quen ăn uống đồ hộp, đồ ăn sẵn để tiết kiệm thời gian mà không hề hay biết tính độc hại của chúng. 

Bên trong các loại đồ ăn này có chất độc BPA có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản và dễ gây dị tật bẩm sinh thai nhi. Bên cạnh đó, các loại đồ cay, nóng và một số thực phẩm khác có nguy cơ gây sảy thai, sinh non, mẹ bầu cần lưu ý không sử dụng trong thai kỳ.

Sử dụng kem dưỡng da chống lão hóa

Chất làm chậm quá trình lão hóa khiến thai nhi bị dị tật. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tất cả các loại kem dưỡng dạ, mặt nạ chống lão hóa trên thị trường hiện nay đều chứa retinoids, có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa. Chất này có tác động tiêu cực đến phôi thai trong 2 tuần đầu tiên và gây hệ lụy trong thời gian dài. Mẹ bầu sử dụng các sản phẩm này nguy cơ khiến thai nhi bị dị tật tim mạch, sọ mặt hoặc hệ thống thần kinh,...

Thường xuyên tiếp xúc với chất tẩy rửa

Chất tẩy rửa khiến mẹ bầu có thể bị ngộ độc khí. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Chất tẩy rửa cũng là một loại hóa chất độc hại khiến mẹ bầu dễ bị ngộ độc khí. Hậu quả của việc thường xuyên tiếp xúc với chất tẩy rửa là khiến thai phụ bị nôn mửa, ngất xỉu, thậm chí gây ra dị tật ở bào thai.

Lời khuyên của chuyên gia giúp phòng tránh nguy cơ dị tật thai nhi

Các chuyên gia chia sẻ, để giảm tránh nguy cơ gây dị tật cho thai nhi, bản thân mẹ bầu và cả những người thân trong gia đình cần chú ý những điều sau:

Trước khi mang thai

Mẹ bầu nên tiêm phòng trước khi mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Khám sức khỏe của cả bố và mẹ trước khi có ý định mang thai để phát hiện ra những bất thường sức khỏe và điều trị dứt điểm tránh ảnh hưởng cho con.

  • Mẹ bầu bổ sung sắt và axit folic trước khi mang thai ít nhất 3 tháng để phòng chống dị tật bẩm sinh.

  • Tiêm phòng đầy đủ các bệnh như: viêm gan B, cúm, rubella,...

Trong thai kỳ

Trong thai kỳ cần siêu âm và xét nghiệm sàng lọc dị tật. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Siêu âm thai định kỳ, đặc biệt các mốc từ tuần 11-13, tuần 18-22 và tuần 28-32 và kết hợp xét nghiệm sàng lọc trước sinh để theo dõi sự phát triển và phát hiện bất thường của thai nhi.

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất và năng lượng cần thiết cho cơ thể, tránh các loại thực phẩm chất độc, cafein, cocain,...

  • Không nên tiếp xúc với chó mèo khi mang thai. Bởi trong phân của các loài vật này chứa vi khuẩn Toxoplasmosis. Nếu bị nhiễm vi khuẩn này trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất, tỉ lệ thai nhi bị dị tật tăng lên đến 40%. Các loại dị tật thai nhi có thể mắc phải như đầu nhỏ, kém phát triển trí tuệ, điếc bẩm sinh.

Nhìn chung, dị tật thai nhi là điều không cha mẹ nào mong muốn. Chính vì thế, ghi nhớ và tránh mắc phải những thói quen xấu là điều quan trọng các bố mẹ cần làm để đứa trẻ được chào đời khỏe mạnh, phát triển bình thường.

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!