zalo
Trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu- 6 biểu hiện cha mẹ không thể bỏ qua
Kỹ năng sống

Trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu- 6 biểu hiện cha mẹ không thể bỏ qua

Hồng Nhung
Hồng Nhung

30/09/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Trẻ nhỏ ở độ tuổi 3-5 tuổi hay bị ngã do trẻ ở độ tuổi này khá hiếu động, con có thể bị ngã trong quá trình chơi đùa, chạy nhảy hay xô ngã lẫn nhau. Rất nhiều cha mẹ lo lắng trong tình huống con bị ngã đập đầu không biết liệu trẻ có bị tổn thương nặng hay không bởi đầu là khu vực vô cùng nhạy cảm. Dưới đây là X dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu cha mẹ cần lưu ý để có thể xử lý kịp thời.

Các nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu

Nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trẻ 3 tuổi có thể bị ngã bởi một trong số những nguyên nhân dưới đây như:

  • Trẻ bị ngã khi chạy nhảy

  • Trẻ bị ngã do trượt cầu thang

  • Trẻ bị ngã do xô đẩy lẫn nhau

  • Trẻ trượt ngã do sàn nhà trơn trượt

  • Trẻ leo trèo nghịch ngợm nên bị ngã từ cầu thang, kệ tủ, bàn ghế cao

  • Trẻ bị ngã đập đầu do rơi từ trên giường xuống đất

  • Trẻ bị vấp ngã vào đồ đạc trong nhà khiến bị ngã đập đầu

  • Trẻ ngã đập đầu trong khi chơi thể thao

Trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu có bị tổn thương nặng hay không phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Yếu tố độ cao: Trẻ bị ngã ở độ cao càng lớn thì mức độ tổn thương càng nhiều vì thế nếu trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu ở độ cao trên 1.5m cha mẹ cần cực kỳ lưu ý để có thể bảo đảm sức khỏe cho trẻ

  • Yếu tố vật cản: Trong quá trình bị ngã nếu trẻ bị va vào các vật sắc nhọn như cạnh bàn ghế hay mảnh thủy tinh, trẻ có nguy cơ bị tổn thương nặng hơn, có thể gặp các chấn thương với các vết rách sâu gây nguy hiểm cho bé.

  • Yếu tố bề mặt tiếp xúc: Trẻ bị ngã rơi vào các bề mặt mềm như chăn gối hay có đệm lót sẽ bị tổn thương nhẹ và không nguy hiểm như khi bị ngã vào các bề mặt cứng như nền đất, bê tông.

Trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu cần xử lý như thế nào

Kỹ năng sơ cứu cho trẻ khi gặp tai nạn như bị ngã vô cùng quan trọng, thực hiện đúng cách sẽ giúp con hạn chế được tổn thương và bảo vệ sức khỏe lẫn tính mạng của trẻ. Cha mẹ nên trang bị cho mình kỹ năng sơ cứu để phòng trường hợp trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu như sau:

Hướng dẫn sơ cứu trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu đúng cách

Trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu cần xử lý như thế nào. (Ảnh: Nguồn Internet)

Khi phát hiện trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu xuống đất phụ huynh không nên bế trẻ lên ngay và cần bình tĩnh trấn tĩnh trẻ. Cần quan sát tình trạng ban đầu của bé để xem xét mức độ tổn thương và đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

Trong trường hợp trẻ chỉ bị chấn thương nhẹ như bong gân, chảy máu ở miệng, trầy xước nhỏ trên da, bầm tím, sưng tấy,...cha mẹ có thể tiến hành các bước sơ cứu nhanh như sau:

  • Sử dụng đá lạnh bọc vào khăn sạch rồi chườm lên vết sưng u, bầm tím của trẻ trong 10-15 phút. Nếu vết sưng vẫn chưa xẹp bớt có thể thực hiện lặp lại nhiều lần trong ngày. 

  • Với các vết xước nhỏ có chảy máu nhẹ, cha mẹ tiến hành sát khuẩn cho trẻ bằng cách sử dụng nước muối sinh lý hoặc nước sạch để rửa vết thương. Sau đó băng bó nhẹ để tránh trẻ bị nhiễm khuẩn.

  • Sau khi tiến hành các bước sơ cứu ban đầu, cha mẹ cần quan sát và theo dõi trẻ trong  24 - 48 giờ đầu để phát hiện ra những dấu hiệu chấn động não kịp thời.

Nếu trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu gặp phải các chấn thương nặng hơn như chảy máu, co giật, ngã đập đầu có liên quan đến chấn thương sọ não, cha mẹ cần đưa trẻ đi cấp cứu càng sớm càng tốt để có thể bảo cứu chữa cho trẻ kịp thời.

Không nên làm gì khi trẻ bị ngã đập đầu

Không nên xoa dầu gió lên vết thương của trẻ. (Ảnh: Nguồn Internet)

Cha mẹ cần tránh một số sai lầm dưới đây để có thể sơ cứu cho bé đúng cách, tránh làm vết thương của trẻ bị nặng hơn. 

  • Không làm nóng vết thương bằng bất kỳ hình thức nào bởi sau khi bị ngã, các mạch máu đang bị giãn nở, việc chườm ấm sẽ khiến mạch máu bị giãn nở nhiều hơn, khiến máu chảy nhiều và làm các vết bầm tím bị nặng và lâu lành hơn. 

  • Bôi dầu gió: Dầu gió có nhiều trong các tủ thuốc của các gia đình và được sử dụng nhiều bởi chúng có công hiệu làm ấm khá hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng dầu gió để xoa vào các vùng da bị sưng và bầm lại không tốt, chúng khiến vết thương càng nặng hơn do quá trình xoa thường tác dụng lực tay day vào vết thương khiến các mạch máu càng bị chảy nhiều hơn. 

  • Không di chuyển nạn nhân một cách vội vàng: Trong trường hợp chưa xác định được chính xác mức độ tổn thương của trẻ, cha mẹ tuyệt đối không di chuyển bé bởi trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm hơn nếu mắc phải các tình trạng như chấn thương sọ não, cột sống, gãy cổ,...

Xem thêm: Cách làm giảm sưng, bầm tím cho trẻ bị ngã đập đầu phía trước

Cẩn thận với 6 biểu hiện nguy hiểm khi trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu

Khi trẻ bị ngã đập đầu cũng rất khó để biết chắc chắn rằng liệu cú đập đầu của bé có ảnh hưởng đến não hay không. Nếu bé có một trong những dấu hiệu dưới đây cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được các bác sĩ thăm khám và điều trị để hạn chế các biến chứng và đảm bảo an toàn tính mạng của trẻ.

Bé bất tỉnh

Bất tỉnh sau ngã là một trong những dấu hiệu của tụ máu não. (Ảnh: Nguồn Internet)

Bất tỉnh sau ngã là một trong những biểu hiện của tình trạng tụ máu não. Cha mẹ cần lưu ý khi bé bị bất tỉnh dù chỉ là vài giây sau ngã cũng cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Rối loạn tri giác

Một số trẻ sau khi bị ngã đập đầu vẫn tỉnh táo bình thường nhưng sau một khoảng thời gian lại có một số biểu hiện bất thường như kích động, khóc liên tục không thể dỗ được, lơ mơ, không còn khả năng giao tiếp bình thường. Ví dụ như bé không tập trung chú ý vào người khác, không thể giao tiếp bằng mắt, không thực hiện theo được các yêu cầu đặt ra hay không nhận ra được những người thân trong gia đình,...

Nôn từ 3 lần trở lên

Trẻ nôn nhiều và liên tục cần đưa đến bệnh viện để điều trị. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trẻ nhỏ sau khi bị ngã có thể bị nôn 1 -2 lần do não bị va đập nhẹ hay do bé hoảng sợ nên khóc hay ho. Trong vài giờ đầu sau ngã nếu bé bị nôn, cha mẹ có thể cho bé uống một ít nước lọc và cho bé nghỉ ngơi và quan sát, hạn chế cho bé ăn thức ăn đặc. Nếu bé bị nôn liên tục từ 3 lần trở lên, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức bởi bé có nguy cơ bị chấn thương sọ não.

Mất thăng bằng

Quan sát trẻ xem có các dấu hiệu mất thăng bằng hay không. (Ảnh: Nguồn Internet)

Nếu sau khi bị ngã đập đầu bé có các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, không giữ được thăng bằng, dễ bị ngã sau khi di chuyển thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Quan sát trẻ thường xuyên ngay cả khi trẻ đang chơi hay sinh hoạt bình thường, nếu bé có các biểu hiện như ngồi không thẳng, đi lại không vững, đi đứng loạng choạng, kéo lê chân hay mất phương hướng thì ngay lập tức hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị.

Dấu hiệu mắt

Một số trẻ sau khi bị ngã sẽ có các dấu hiệu về mắt như mắt bị lác, đồng tử không đều, bé hay bị vấp ngã hoặc lao vào các đồ vật bởi không thể nhìn rõ chúng. Trẻ bị ngã có thể bị mờ mắt, nhìn không rõ hoặc nhìn một thành hai. Nếu trẻ bị chảy máu hay nước dịch từ mũi hoặc tai, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Ngủ nhiều

Ngủ quá nhiều cũng là một trong những biểu hiện cha mẹ cần lưu ý. (Ảnh: Nguồn Internet)

Sau khi bị ngã bé thường bị mệt mỏi do đó có thể ngủ thiếp đi. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý tới dấu hiệu này đặc biệt nếu bé ngã vào thời điểm buổi tối hoặc gần giờ ngủ trưa. Nếu bé ngủ quá nhiều so với bình thường, ngủ li bì gọi không tỉnh thì cần đưa bé tới bệnh viện để kiểm tra bởi bé có thể có nguy cơ bị chấn thương sọ não. Tốt nhất cứ cách 2 tiếng nên kiểm tra bé một lần để xem bé có đang thật sự ổn không.

Một số trường hợp trẻ bị chấn thương sọ não do ngã nhưng chưa có biểu hiện khi thăm khám nên sẽ được các bác sĩ cho về nhà. Tuy nhiên, cha mẹ cần theo dõi trẻ liên tục trong vài giờ đầu, thậm chí là vài ngày sau đó. Nếu bé có các biểu hiện bất thường như quấy khóc, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, không tỉnh táo, bị co giật hay không di chuyển một cách bình thường,...cần đưa trẻ đi khám ngay. Nếu quá trình theo dõi bé không có biểu hiện bất thường thì không đáng lo ngại.

Chăm sóc trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu như thế nào

Chăm sóc trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu như thế nào để bé nhanh chóng hồi phục, hạn chế các tổn thương không đáng có và đảm bảo bé được an toàn.

Ăn uống

Sau khi trẻ bị ngã nên bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là các loại thực phẩm có công dụng bổ máu, bổ não như cá hồi, quả bơ, các loại hạt dinh dưỡng, thịt bò, đậu,...

Thời gian đầu có thể cho bé ăn thức ăn dạng lỏng để dễ tiêu hóa hơn, ăn làm nhiều bữa trong ngày để bé dễ hấp thụ.

Nghỉ ngơi

Cho bé nghỉ ngơi để hồi sức. (Ảnh: Nguồn Internet)

Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ để bé có thể hồi phục tốt hơn. Tạo không gian thoải mái để bé dễ ngủ tránh ồn ào, hạn chế vận động mạnh cho đến khi bé hồi phục và hoàn toàn khỏe mạnh để tránh ảnh hưởng đến các vết thương của trẻ.

Quan sát các biểu hiện lạ

Khi trẻ có dấu hiệu lạ cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. (Ảnh: Nguồn Internet)

Trong quá trình chăm sóc trẻ cha mẹ cũng nên quan sát các biểu hiện lạ của bé. Nếu bé luôn cảm thấy mệt mỏi, cơ thể uể oải, hay đau đầu, chóng mặt, nôn nhiều, chán ăn, ngủ nhiều hay bị thay đổi về mặt cảm xúc,...Cha mẹ hãy đưa bé đi thăm khám để được chẩn đoán một cách chính xác nhất.

Đề phòng nguy cơ bị ngã đập đầu ở trẻ 3 tuổi

Cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ bị ngã đập đầu cho trẻ 3 tuổi bằng cách áp dụng các cách sau: 

  • Áp dụng các biện pháp giữ an toàn tại nhà: Để giảm thiểu tối đa những vùng nguy hiểm trong chính ngôi nhà đang ở, hãy cảnh giác bằng các cách như lắp cửa an toàn ở lối trên và dưới cầu thang cũng như lắp chắn an toàn cửa sổ. Tốt nhất nên làm điều này trước khi trẻ biết đi bước đầu tiên.

  • Trẻ nằm võng hoặc nôi cần được che chắn để không bị rơi xuống sàn khi thay đổi tư thế. Dây cột võng của trẻ cần phải chắc chắn, đưa lắc nhẹ nhàng.

  • Không bao giờ để con một mình trên đồ vật cao như giường, bàn thay đồ hay ghế cao. Đặc biệt là với những bé mới biết trườn, bò, đứng, đi,...

  • Luôn đội mũ bảo hiểm và các thiết bị an toàn khi đạp xe, trượt patin, ván trượt, trượt tuyết hay trượt băng. Đội mũ bảo hiểm vừa đầu giảm tỷ lệ bị chấn thương đầu khoảng 85%

  • Luôn luôn thắt dây an toàn trong xe đẩy và trên ghế cao hay trên bàn thay đồ cho bé

  • Giữ những vật dụng có thể leo lên tránh xa khu vực cửa sổ để bé không thể leo lên mở cửa (ngay cả khi cửa sổ có chắn bảo vệ)

  • Hạn chế sử dụng dụng cụ tập đi vì bé có thể bị ngã ra ngoài hoặc ngã xuống cầu thang.

  • Luôn luôn thực hành sân chơi an toàn. Quan sát con khi trẻ chơi bên ngoài và giữ trẻ trong tầm với cánh tay bạn khi để bé ở bề mặt cao.

  • Nếu bạn có thảm chơi hay xích đu trong sân, hãy lót phía dưới và xung quanh bằng vật liệu mềm để hạn chế va đập khi trẻ ngã.

  • Nếu có rung lắc, va đập xảy ra, giữ tâm trạng con thoải mái và nghỉ ngơi. Không được chơi thể thao tiếp cho đến khi nào bác sĩ cho phép (nếu não bị chấn động tiếp khi đang trong giai đoạn lành dần, sẽ cần thời gian lâu hơn rất nhiều để lành hẳn chấn thương)

  • Với trẻ lớn trong độ tuổi đi học, cần giảng giải cho trẻ biết nguyên nhân, hậu quả và các cách phòng tránh tai nạn.

Trẻ 3 tuổi bị ngã đập đầu có thể gặp các chấn thương nguy hiểm vì thế cha mẹ cần cực kì lưu ý phòng tránh và trang bị các kỹ năng sơ cứu để có thể xử lý nhanh và chính sách trong trường hợp cần thiết. 

Head injury from falls in children younger than 6 years of age - Ngày truy cập: 26/9/2022

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4680174/

Children And Brain Injury - Ngày truy cập: 26/9/2022

https://www.nbia.ca/children-and-brain-injury/

Hồng Nhung
Hồng Nhung

Tôi là Hồng Nhung, biên tập viên có nhiều năm kinh nghiệm làm việc bên lĩnh vực mẹ và bé. Hy vọng sẽ đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho người đọc.

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!