Phương pháp kích sữa Power Pumping là một trong những lựa chọn được nhiều mẹ bỉm sữa ưu tiên sử dụng. Cách kích sữa này đòi hỏi mẹ phải kiên trì thực hiện trong một thời gian dài mới mang lại hiệu quả. Để hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động cũng như ưu nhược điểm, cách thực hiện kích sữa PP, hãy tham khảo bài viết sau mẹ nhé.
Phương pháp kích sữa Power Pumping là gì?
Power Pumping là phương pháp kích sữa mô phỏng theo cách cho bú theo cữ. Sự khác biệt của nó là gia tăng tần suất hút sữa thường xuyên hơn, để kích thích cơ thể sản xuất nhiều sữa hơn.
Việc tiết sữa của cơ thể mẹ hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu ti của trẻ. Do đó, khi trẻ ti nhiều, cơ thể mẹ sẽ tiết nhiều sữa, và ngược lại. Xuất phát từ cơ chế này, mẹ càng hút sữa nhiều và thường xuyên thì cơ thể sẽ sản xuất ngày càng nhiều.
Việc áp dụng phương pháp kích sữa PP thường mang lại hiệu quả rất tốt. Nó được thiết kế dựa trên chính cơ chế hoạt động của cơ thể. Vậy nên nó thường có hiệu quả rõ rệt chỉ sau vài ngày áp dụng.
Mẹ nên áp dụng phương pháp kích sữa Power Pumping trong những trường hợp sau:
-
Mẹ mới sinh, chưa có sữa tiết ngay.
-
Lượng ti của em bé giảm sút đáng kể do bị ốm, bắt đầu ăn dặm hoặc một nguyên nhân bất kỳ.
-
Mẹ sử dụng thuốc và lo ngại việc sẽ mất sữa nếu không cho con bú trực tiếp.
-
Mẹ sắp trở lại làm việc, muốn kích sữa để gia tăng lượng sữa.
Ưu nhược điểm của phương pháp kích sữa PP
Trên thực tế, không phải đối tượng nào cũng phù hợp với phương pháp kích sữa PP. Tùy theo cơ địa của mỗi mẹ, hiệu quả nó mang lại sẽ khác nhau. Hãy tìm hiểu kỹ hơn về ưu nhược điểm của biện pháp kích sữa PP này nhé.
Ưu điểm
-
Kích thích tiết sữa tốt: Cơ chế hoạt động của phương pháp kích sữa Power Pumping dựa vào quy luật cung cầu. Khi mẹ hút sữa nhiều lần sẽ gửi tín hiệu cho cơ thể biết rằng nhu cầu sữa tăng lên. Do đó, tuyến sữa sẽ hoạt động tốt hơn để cung cấp đủ sữa cho cơ thể.
-
Phù hợp với các mẹ ít sữa, mất sữa: Một số phương pháp kích sữa khác như L2, L3, L4,... không hiệu quả hoàn toàn với trường hợp mẹ bị mất sữa. Nhưng kích sữa PP là cực kỳ hiệu quả trong những trường hợp này. Khi mẹ bị mất sữa, việc hút sữa thường xuyên với tần suất dày sẽ kích thích tuyến sữa tốt hơn.
Nhược điểm:
-
Tốn thời gian: Mất thời gian là nhược điểm lớn nhất của phương pháp kích sữa PP. Để thực hiện hút sữa theo phương pháp pp, các mẹ có thể mất tới 70 phút cho mỗi lần kích. Nếu mẹ không có thời gian thì không thể thực hiện tốt cách kích sữa này.
-
Gây tổn thương bầu ngực: Việc hút sữa liên tục trong một thời gian dài có thể khiến đầu ti và bầu ngực của mẹ bị tổn thương. Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây đau đớn và kích ứng mạnh mỗi khi chạm vào.
Cách kích sữa theo phương pháp Power Pumping
Nếu áp dụng cách kích sữa PP để làm tăng thêm lượng sữa của mình, mẹ có thể thực hiện theo một trong 3 hướng dẫn dưới đây. Mỗi cách sẽ có ưu nhược điểm khác nhau và phù hợp với một đối tượng nhất định. Mẹ hãy lựa chọn cách thực hiện phù hợp nhất với mình nhé.
Cách 1: Thực hiện kích sữa mỗi lần 70 phút.
Quy trình thực hiện:
-
Hút lần 1: 10 phút - nghỉ 10 phút.
-
Hút lần 2: 10 phút - nghỉ 10 phút.
-
Hút lần 3: 10 phút - nghỉ 10 phút.
-
Hút lần 4: 10 phút - kết thúc
Phương pháp kích sữa này thường làm mất khá nhiều thời gian để thực hiện. Do đó, nó phù hợp với các mẹ đang trong thời gian thai sản. Khi này, các mẹ sẽ có nhiều thời gian rảnh để kiên trì thực hiện kích sữa một lần 70 phút. Đồng thời, nếu mẹ nào đang bị mất sữa cũng nên áp dụng kích sữa PP 70 phút một lần để sữa nhanh về hơn.
Cách 2: Thực hiện kích sữa mỗi lần 60 phút
Quy trình thực hiện
-
Hút lần 1: 20 phút - nghỉ 10 phút
-
Hút lần 2: 10 phút - nghỉ 10 phút
-
Hút lần 3: 10 phút - kết thúc
Tương tự với cách kích sữa 70 phút, thực hiện kích sữa PP mỗi lần 60 phút cũng chỉ phù hợp với các mẹ đang trong thời kỳ thai sản. Khi này mẹ sẽ có nhiều thời gian để thực hiện kích sữa hơn. Đối với các mẹ bị mất sữa nhưng đã đi làm có thể tham khảo cách kích sữa 25 phút dưới đây.
Cách 3: Thực hiện hút sữa mỗi lần 25 phút
Quy trình thực hiện.
-
Hút lần 1: 5 phút - nghỉ 5 phút
-
Hút lần 2: 5 phút - nghỉ 5 phút
-
Hút lần 3: 5 phút - kết thúc
Thực hiện hút sữa 25 phút mỗi lần sẽ giúp các mẹ tiết kiệm thời gian, tránh gây nản chí khi thực hiện. Thế nhưng, hiệu quả của cách này sẽ lâu hơn so với hai cách nêu trên. Vậy nên, nếu mẹ bị mất sữa, mong muốn gọi sữa về sớm thì không nên áp dụng cách này. Tuy nhiên, nếu mục đích kích sữa của mẹ là duy trì nguồn sữa dồi dào, có thể áp dụng hút sữa mỗi lần 25 phút.
Lưu ý khi thực hiện phương pháp kích sữa PP
Để thực hiện kích sữa theo phương pháp Power Pumping đạt hiệu quả tốt nhất, mẹ cần lưu ý những điều sau:
Bổ sung dinh dưỡng để tăng chất lượng sữa
Sau khi sinh, sức khỏe của chị em phụ nữ thường giảm sút đáng kể. Vậy nên để nhanh hồi phục sức khỏe và tăng chất lượng sữa, một chế độ dinh dưỡng khoa học là cực kỳ cần thiết.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, để tăng chất lượng mẹ, mẹ bỉm sữa nên ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất, chất xơ.
Cụ thể, những dưỡng chất này thường có nhiều trong các thực phẩm sau:
-
Tinh bột: Khoai lang, yến mạch, gạo.
-
Protein: Thịt bò, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng.
-
Chất béo: Cá hồi, sữa, dầu, thịt cừu, thịt bò.
-
Vitamin và khoáng chất: Các loại trái cây, hạt dinh dưỡng,...
-
Chất xơ: Rau xanh như: rau cải bó xôi, rau ngót, súp lơ,...
Ngoài ra, nước là dinh dưỡng không thể thiếu trong sinh hoạt của mẹ sau sinh. Trên thực tế, nước chiếm gần 90% thành phần của sữa mẹ. Do đó, nếu mẹ muốn có nguồn sữa dồi dào, chất lượng, bổ sung nhiều nước là điều tất yếu. Mỗi ngày, mẹ nên uống tối thiểu 2 đến 2,5l nước lọc. Ngoài ra, mẹ còn có thể bổ sung thêm một số loại nước lợi sữa khác như nước lá đinh lăng, nước bồ công anh, nước chè vằng,...
Duy trì sức khỏe tốt
Phương pháp PP yêu cầu mẹ thực hiện kích sữa liên tục trong một thời gian dài. Bởi vậy, nếu muốn cách làm này phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả tốt mẹ cần có sức khỏe tố để duy trì được hoạt động kích sữa.
Ngoài ra, sức khỏe của mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa của trẻ. Khi sức khỏe mẹ tốt, hệ miễn dịch tốt, kháng thể trong sữa cũng nhiều và khỏe mạnh hơn. Ngược lại, khi sức khỏe mẹ không tốt, hệ miễn dịch kém, dưỡng chất trong sữa cũng sẽ ít đi.
Kiên trì thực hiện
Theo khuyến cáo, phương pháp pp sẽ phát huy tốt sau 1,5 đến 2 tháng thực hiện liên tục. Vậy nên mẹ cần kiên trì duy trì thực hiện kích sữa Power Pumping ít nhất 2 tháng. Nếu sau 2 tháng không có hiệu quả rõ rệt, mẹ mới nên đổi phương pháp kích sữa. Tuyệt đối không vội vàng mà thay đổi nhiều phương pháp kích sữa trong thời gian ngắn, sẽ không mang lại hiệu quả tốt.
Tạo tinh thần thoải mái, thư giãn
Căng thẳng kéo dài sẽ khiến cơ thể tiết hormone cortisol. Khi nồng độ hormone cortisol tăng cao sẽ làm giảm lượng hormone prolactin và oxytocin. Đây là hai hormone đóng vai trò chính trong việc tiết sữa. Vậy nên khi mẹ căng thẳng thường xuyên sẽ không tốt đối với tuyến sữa. Cách tốt nhất để việc kích sữa mang lại hiệu quả là mẹ nên tạo tinh thần thoải mái để tuyến sữa hoạt động tốt hơn.
Một số phương pháp kích sữa mẹ có thể tham khảo
Ngoài phương pháp kích sữa PP nói trên, mẹ còn có thể thực hiện kích sữa bằng việc cho trẻ bú trực tiếp. Ngoài ra, cho con bú kết hợp hút sữa cũng là phương pháp mang lại hiệu quả tốt mẹ có thể tham khảo. Cụ thể như sau:
Cho trẻ bú trực tiếp
Cơ chế tiết sữa của cơ thể mẹ dựa vào sự hoạt động của 2 loại hormon chính: Prolactin và oxytocin. Khi mẹ cho trẻ bú trực tiếp sẽ kích thích 2 hormone này hoạt động hiệu quả gần như tuyệt đối. Vậy nên, thời gian kích sữa của mẹ cũng sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc cho trẻ bú trực tiếp để kích sữa có thể khiến trẻ bị cáu gắt, quấy khóc. Bởi thời gian đầu khi mẹ mất sữa hoặc ít sữa, không đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
Cho trẻ bú mẹ kết hợp hút sữa
Cho con bú mẹ kết hợp đồng thời hút sữa là phương pháp phổ biến được rất nhiều mẹ áp dụng. Cách làm này vừa giúp trẻ không quên ti mẹ, vừa kích sữa hiệu quả. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là trẻ có thể không được ti trọn vẹn dinh dưỡng trong sữa mẹ. Bởi khi nhu cầu ti của trẻ không cao, chỉ ti một phần sữa đầu và bỏ phần sữa cuối. Nếu phần sữa cuối được hút ra thì rất có thể trẻ không được ti trọn vẹn. Về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Trên đây là những kiến thức về phương pháp kích sữa Power Pumping. Mong rằng những thông tin trong bài đã giúp mẹ hiểu rõ hơn về cách kích sữa này. Đồng thời qua đó mẹ sẽ biết nên chọn cách kích sữa thế nào để phù hợp nhất với thời gian và sức khỏe của bản thân. Chúc mẹ và bé sẽ có một hành trình sau sinh khỏe mạnh, vui vẻ.
Can Power Pumping Increase Your Milk Supply? - Truy cập ngày 27/9/2022
https://www.healthline.com/health/breastfeeding/power-pumping
What Is Power Pumping? - Truy cập ngày 27/9/2022
https://www.verywellfamily.com/what-is-power-pumping-4589765