Trường hợp một em bé sơ sinh 2 tháng tuổi có cân nặng 7kg có được xem là phát triển bình thường? Trẻ sơ sinh tăng cân nhanh có sao không? Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này là gì, cùng Monkey tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Trẻ sơ sinh tăng cân nhanh có nguy hiểm không?
Tăng cân nhanh hay tăng cân mất kiểm soát so với lứa tuổi được xem là rất nguy hiểm. Tình trạng thừa cân ở độ tuổi trẻ em có thể khiến trẻ dậy thì sớm và dễ mắc một số bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, xương khớp hay các bệnh viêm nhiễm. Tăng cân nhanh làm trẻ trở nên chậm chạp hơn các bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, ở độ tuổi sơ sinh nhất là khi trẻ đang bú mẹ trong 6 tháng đầu, hiện tượng trẻ sơ sinh tăng cân quá nhanh không nguy hiểm.
Những tháng đầu đời là giai đoạn trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh về cân nặng. Thông thường, trẻ sơ sinh có thể tăng gấp đôi trọng lượng trong chưa đầy 6 tháng và tăng gấp ba lần khi lên 1 tuổi. Mỗi em bé sẽ có một tốc độ phát triển khác nhau tùy vào khả năng hấp thụ của con và chất lượng dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Sau 6 tháng, cân nặng của trẻ sẽ tăng chậm hơn để nhường chỗ cho sự phát triển về chiều cao và não bộ. Nếu trong giai đoạn này, em bé vẫn tiếp tục tăng cân nhiều, cha mẹ nên đưa trẻ đến với các cơ sở y tế để nhận được sự thăm khám nhằm tránh nguy cơ béo phì cho trẻ cũng như các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác trong tương lai.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh tăng cân quá nhanh
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng bé sơ sinh tăng cân nhanh hầu hết đến từ các vấn đề về dinh dưỡng.
Sữa mẹ bị thừa chất
Đầu tiên là lượng dinh dưỡng quá nhiều trong sữa mẹ. Trong quá trình cho con bú, có thể mẹ đã bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng vượt ngưỡng cần thiết dẫn đến việc trẻ hấp thụ thừa chất.
Đa phần, tâm lý chung của các mẹ cho con bú đều cảm thấy phải bổ sung càng nhiều nhóm chất dinh dưỡng càng tốt. Tuy nhiên, các mẹ nên lựa chọn một chế độ ăn phù hợp và khoa học nhằm đảm bảo cung cấp dưỡng chất cho bé ở mức vừa đủ.
Sữa công thức của bé không phù hợp
Sữa công thức có thành phần gần giống công thức hóa học của sữa mẹ nên có thể dùng để thay thế hoàn toàn hoặc một phần cho sữa mẹ. Giống với sữa mẹ, sữa công thức chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Nên nếu cách pha hay sử dụng sữa công thức không phù hợp cũng dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh ở trẻ sơ sinh. Bởi, các thành phần trong sữa công thức đều rất có lợi cho sự phát triển của trẻ. Vậy nên, nếu cha mẹ cho bé uống quá liều lượng quy định sẽ đồng nghĩa với việc cho con hấp thụ thừa chất dinh dưỡng.
Để lựa chọn sữa công thức sao cho phù hợp với trẻ, mẹ cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe. Đối với trẻ thừa cân hay có sức hấp thụ tốt, tỉ lệ đạm tiêu chuẩn trong sữa cần ở mức DHA, ARA, Beta-Glucan… trong sữa cũng rất cần thiết trong việc hỗ trợ hệ miễn dịch và phát triển não bộ ở trẻ.
Khẩu phần dinh dưỡng của bé giàu chất béo
Trên thực tế, lượng chất béo trong sữa công thức cao hơn sữa mẹ rất nhiều lần. Khi con hấp thụ dinh dưỡng dư thừa hơn so với nhu cầu sẽ dẫn đến tình trạng béo phì. Để khắc phục tình trạng này, mẹ nên thay đổi khẩu phần dinh dưỡng bằng cách giảm lượng sữa công thức xuống và duy trì cho bé bú mẹ nhiều hơn.
Xem thêm: [CHÚ Ý] Trẻ sơ sinh không tăng cân có phải dấu hiệu suy dinh dưỡng?
Giải pháp điều chỉnh cho trẻ sơ sinh tăng cân quá nhiều
Tình trạng tăng cân nhanh nếu diễn ra trong thời gian dài có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Vậy nên, cha mẹ cần áp dụng một số giải pháp điều chỉnh cân nặng hợp lý sau:
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mẹ và bé
Trước tiên là điều chỉnh hợp lý chế độ dinh dưỡng của cả mẹ và bé. Để xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, các mẹ cần nắm được các chỉ số calo trong khẩu phần ăn nhằm kiểm soát lượng chất béo nạp vào cơ thể mà vẫn đảm bảo trẻ có thể đầy đủ các nhóm chất cần thiết khác.
Các nhóm chất quan trọng mà mẹ không thể thiếu đó là: chất đạm, iod, sắt, acid folic, các acid béo chưa no (DHA, ARA)... có trong các loại thực phẩm như: rau ngót, súp lơ, rau chân vịt, thịt nạc thăn, cá hồi, ức gà, khoai lang, khoai tây, cà rốt, bí đỏ,...
Để mẹ và bé hấp thụ cân đối lượng dinh dưỡng, việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày rất cần thiết. Nhất là đối với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ sơ sinh, việc chia các cữ ăn sẽ giúp cơ thể con có thời gian tiêu hóa và hấp thụ tốt hơn. Còn đối với mẹ, việc chia nhỏ các bữa sẽ giúp hạn chế tình trạng ợ nóng, buồn nôn, chán ăn, khó tiêu,...
Lưu ý, trong quá trình cho con bú, mẹ cần tránh các thực phẩm có hại cho sức khỏe mẹ và bé như: các loại thịt hay hải sản sống (sushi, gỏi cá, hàu, trứng sống, các loại phô mai mềm, thịt xông khói, thịt nguội…), các đồ ăn chiên rán, nước ngọt có ga hay các loại nước có nồng độ cồn, đồ ngọt, đồ ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn.
Cho bé ngủ đúng giờ đúng giấc
Chế độ sinh hoạt, nhất là chất lượng giấc ngủ của trẻ sơ sinh cũng đặc biệt quan trọng. Để đảm bảo một sức khỏe tốt, trẻ cần ngủ đủ giấc và đúng giờ. Không gian ngủ của con cần đảm bảo sự yên tĩnh, thoải mái và không quá sáng chói, ồn ào tránh làm trẻ giật mình hay tỉnh giấc giữa chừng.
Khuyến khích bé vận động
Để cân bằng cân nặng về mức tiêu chuẩn, vận động được xem một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp trẻ có thể chuyển động nhiều hơn. Khi tham gia vào các vận động như: bò, lẫy, tập đi,... các chức năng tăng trưởng trong con sẽ được kích hoạt khiến trẻ trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn hơn.
Ngoài ra, mẹ nên áp dụng một số phương pháp massage cơ bản với các động tác nhẹ nhàng để trẻ lưu thông máu tốt hơn đồng thời giúp cho các hệ cơ và xương chắc khỏe. Việc này còn hạn chế được tình trạng táo bón và đầy hơi ở trẻ. Mẹ nên cho bé vận động một cách nhẹ nhàng để cơ xương của trẻ được dần hoàn thiện và kích thích trẻ phát triển.
Bí quyết giúp trẻ sơ sinh tăng cân đều và đúng chuẩn. (Ảnh: Internet)
Theo dõi thường xuyên và thăm khám khi cần thiết
Cuối cùng, để nhận biết trẻ sơ sinh có bị thừa cân hay không và cần làm gì để cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả nhất, sự quan sát theo dõi và thường xuyên cho trẻ đi khám định kỳ theo lịch là vô cùng cần thiết.
Giai đoạn sơ sinh là giai đoạn vô cùng nhạy cảm đối với trẻ nhỏ nên nếu cha mẹ thấy bé có những thay đổi bất thường về chỉ số chiều cao, cân nặng, hãy nhanh chóng đưa con đến các trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Trên đây là toàn bộ thông tin bổ ích xoay quanh vấn đề trẻ sơ sinh tăng cân nhanh, hy vọng bài viết của Monkey đã đem đến cho cha mẹ những kinh nghiệm bổ ích trong hành trình nuôi dạy trẻ.