zalo
Bị huyết trắng có mang thai được không? Ra huyết trắng do bệnh lý cần phải làm gì?
Chuẩn bị mang thai

Bị huyết trắng có mang thai được không? Ra huyết trắng do bệnh lý cần phải làm gì?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

22/04/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Trước thực trạng vô sinh hiếm muộn ở nữ giới ngày càng cao thì “bị huyết trắng có mang thai được không” luôn là vấn đề được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm. Lý do bởi tình trạng này xảy ra khá phổ biến. Vậy câu trả lời chính xác như thế nào?

Giải đáp: Bị huyết trắng có thai được không?

Huyết trắng là chất dịch nhầy màu trắng trong, hơi dai và có mùi tanh tiết ra từ âm đạo người phụ nữ. Đây là dấu hiệu sinh lý hết sức bình thường, xuất hiện khi con gái bước sang tuổi dậy thì và hết hẳn khi đến tuổi mãn kinh. Vì thế, huyết trắng bình thường còn có tên gọi là huyết trắng sinh lý.

Huyết trắng được tiết ra từ âm đạo của phụ nữ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Huyết trắng sinh lý có vai trò giữ ẩm vùng kín, cân bằng độ PH để ngăn chặn các vi khuẩn, nấm gây bệnh xâm nhập. Đồng thời, nó còn có tác dụng bôi trơn, giúp quá trình quan hệ tình dục diễn ra thuận lợi, thăng hoa và dẫn lối tinh trùng vào tử cung dễ dàng hơn.

Hàm lượng estrogen trong cơ thể mỗi người phụ nữ khác nhau nên tính chất và lượng huyết trắng được tiết ra cũng sẽ khác nhau. Đó là lý do khi con gái chưa đến tuổi dậy thì huyết trắng chưa xuất hiện. Chỉ đến khi dậy thì, cơ quan sinh sản đã phát triển đầy đủ, buồng trứng mới kích thích ra các nội tiết.

Ngoài ra, huyết trắng còn xuất hiện nhiều hơn khi nữ giới đang được kích thích nhu cầu tình dục, cơ thể căng thẳng hoặc đến chu kỳ kinh nguyệt. 

Điều đáng nói là khi huyết trắng ra nhiều nhưng có mùi hôi, màu sắc thay đổi,... Đấy chính là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm vùng kín. Khi đó, người ta không còn gọi là huyết trắng sinh lý nữa, thay vào đó là huyết trắng bệnh lý. 

Âm đạo của người phụ nữ vô cùng nhạy cảm. Khi vùng kín bị vi khuẩn và mầm bệnh xâm nhập khiến “cô bé” luôn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và “bốc mùi”. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, nguy cơ phát triển thành các bệnh nghiêm trọng hơn như tắc vòi trứng, thậm chí là vô sinh rất cao. Vì vậy, nhiều chị em lo lắng “bị huyết trắng có thai được không” cũng là điều rất dễ hiểu. 

Phụ nữ bị ra nhiều huyết trắng khó có thể mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trên thực tế, tinh trùng có thể sống 7 ngày trong cơ thể nữ giới. Tuy nhiên, môi trường âm đạo khi bị bệnh huyết trắng không còn an toàn, tinh trùng có thể chết khi vừa mới vào. Điều này dẫn đến khả năng thụ thai giảm đi đáng kể. 

Các bác sĩ chuyên khoa phụ sản cũng cho biết thêm, khả năng thụ thai thành công sớm hay không còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh của phụ nữ. Tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé khi thụ thành thành công, các chị em nên khám và điều trị bệnh sớm.

Cách nhận biết huyết trắng khi mang thai và huyết trắng bệnh lý

Như đã nói ở trên, huyết trắng được chia làm 2 loại gồm: huyết trắng bệnh lý và huyết trắng sinh lý. Nếu là huyết trắng bệnh lý thì điều quan trọng cần làm đầu tiên là chị em cần đi gặp bác sĩ để khám và điều trị sớm. 

Ngược lại, nếu dấu hiệu huyết trắng bình thường thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, không thể ngoại trừ trường hợp bạn đang có “tin vui”. Vì vậy, chúng ta cần phải phân biệt được 2 loại huyết trắng này để có cách xử lý phù hợp nhất.

Huyết trắng khi mang thai

Huyết trắng cuối thai kỳ có thể màu hồng hoặc đỏ nhạt. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Phụ nữ bị huyết trắng có thai không? Câu trả lời là rất có khả năng. Bởi một trong những dấu hiệu cho biết bạn mang thai sớm là vùng âm đạo tiết ra nhiều huyết trắng hơn bình thường vì nội tiết tố progesterone trong cơ thể tăng cao. Khi đó, huyết trắng sẽ có những dấu hiệu như sau:

  • Lượng huyết trắng tiết ra nhiều hơn bình thường.

  • Màu sắc huyết trắng thay đổi nhẹ

  • Huyết trắng lỏng, dính và nhầy hơn

  • Không có mùi hôi

Ngay cả trong suốt thai kỳ, huyết trắng sẽ tiết ra ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là những tuần cuối trước khi sinh. Ở tuần 39, 40 của thai kỳ, huyết trắng còn có thể đổi thành màu đỏ hoặc hồng nhạt. Đây được xem như dấu hiệu chuyển dạ, báo hiệu em bé sắp chào đời.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào chất dịch nhầy tiết ra từ âm đạo thì chưa thể khẳng định 100% phụ nữ đã mang thai. Để kết quả chắc chắn hơn, bạn nên áp dụng các biện pháp thử thai như: que thử, siêu âm, xét nghiệm máu hoặc nước tiểu,...

Huyết trắng bệnh lý

Huyết trắng bệnh lý. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Huyết trắng ra nhiều khiến môi trường âm đạo luôn ẩm ướt, tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm sinh sôi phát triển. Tùy vào tình trạng bệnh và vi khuẩn gây bệnh, huyết trắng sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:

  • Nhiễm trùng âm đạo: Viêm âm đạo là tình trạng khá phổ biến ở nữ giới do vi khuẩn gây ra. Dấu hiệu của bệnh này là dịch huyết trắng tiết ra nhiều, có mùi hôi và tanh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không có triệu chứng nào cả. Hầu hết những phụ nữ quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc quan hệ bằng miệng rất dễ bị viêm nhiễm vùng âm đạo.

  • Nhiễm nấm Candida albicans: Đây cũng là bệnh phụ khoa rất phổ biến, được gây ra khi phụ nữ mang thai, bị suy giảm miễn dịch hoặc dùng kháng sinh trong thời gian dài. Triệu chứng của huyết trắng có màu trắng đục, vón cục, kết dính thành từng mảnh, tuy không có mùi hôi nhưng khiến âm hộ luôn cảm thấy ngứa rát khó chịu.

  • Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis: Người mắc căn bệnh phụ khoa này có lượng huyết trắng ra vừa phải nhưng có màu trắng đục hoặc vàng xanh, có bọt và đặc quánh. Bệnh này để lâu không điều trị khiến âm đạo khô rát, ngứa ngáy, đau rát khi quan hệ, chất dịch tiết ra sẽ đóng thành mảng ở quần lót.

  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Huyết trắng của người bị viêm lỗ tuyến cổ tử cung có màu sữa đục, hôi và dính thành từng mảng, âm đạo ngứa ngáy. Những dấu hiệu này sẽ ngày càng tăng lên khi tình trạng viêm nặng hơn. Một điểm nhận biết khác là khi quan hệ, âm đạo nữ giới sẽ bị chảy máu. 

  • Viêm vùng chậu (PID): căn bệnh này rất dễ lây lan qua đường tình dục. Triệu chứng nhận biết phụ nữ bị viêm vùng chậu là huyết trắng vón cục như bã đậu, mùi hôi khó chịu, âm đạo bị xuất huyết, đau rát khi quan hệ và đau bụng dưới.

Chỉ qua một chút chất dịch nhầy tiết ra từ âm đạo nhưng lại cho ta thấy được rất nhiều mầm bệnh đang ẩn náu và phát triển trên cơ thể người phụ nữ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì không chỉ cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng mà còn làm suy giảm chức năng sinh sản vô cùng nghiêm trọng.

Xem thêm:

Ra nhiều huyết trắng cần phải làm gì?

Những ảnh hưởng do bệnh huyết trắng gây ra

Phụ nữ bị bệnh huyết trắng phải chịu nhiều ảnh hưởng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Đã là bệnh thì bất kể loại bệnh nào cũng đều gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Đối với bệnh huyết trắng, phụ nữ không những bị ảnh hưởng đến thể chất mà cả tinh thần cũng phải chịu tác động xấu. Cụ thể:

  • Ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt vợ chồng: Bệnh huyết trắng gây những triệu chứng ngứa ngáy, đau rát, thậm chí là chảy máu khi quan hệ. Điều này khiến nữ giới không còn muốn gần gũi người bạn đời, suy giảm chất lượng cuộc sống quan hệ vợ chồng. Lâu dần, tình trạng này có thể đe dọa đến hạnh phúc gia đình.

  • Ảnh hưởng tâm lý người bệnh: Vùng kín luôn tiết ra dịch khiến chị em cảm thấy ẩm ướt, ngứa ngáy và có mùi hôi khó chịu khiến phụ nữ ngày càng mất tự tin trong quá trình sinh hoạt, giao tiếp, đặc biệt là với bạn tình của mình.

  • Đe doạ sức khoẻ sinh sản của phụ nữ: Mặc dù bệnh huyết trắng không gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nhưng lại có thể gây ra hàng loạt biến chứng thai sản nghiêm trọng khác. Đặc biệt là trong quá trình mang thai, các bệnh phụ khoa làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, thậm chí là vô sinh hoặc mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Cách điều trị huyết trắng ra nhiều

Bệnh huyết trắng có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho phụ nữ như ung thư cổ tử cung và vô sinh. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị bệnh là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro xảy ra với người bệnh.

Điều trị bệnh huyết trắng ở nữ giới. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngay khi thấy có những dấu hiệu bất thường ở huyết trắng, các chị em nên đến các cơ sở y tế uy tín để khám và được chẩn đoán tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Để chữa bệnh phụ khoa, các bác sĩ thường kê thuốc uống, thuốc đặt âm đạo và các loại dung dịch vệ sinh vùng kín.

Hiệu quả chữa bệnh tốt hay không còn tùy thuộc vào mức độ hợp tác của bệnh nhân. Để bệnh khỏi nhanh và phòng ngừa nguy cơ tái lại, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh còn phải kết hợp với vệ sinh vùng kín sạch sẽ và thực hiện lối sống tình dục lành mạnh để phòng tránh nguy cơ lây bệnh.

Phương pháp phòng tránh huyết trắng hiệu quả cho chị em phụ nữ

Có một chân lý luôn đúng từ xưa đến nay là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đúng vậy! Thay vì lo lắng sốt sắng đi chữa bệnh vừa tốn tiền mà sức khỏe đã bị ảnh hưởng, thậm chí còn không thể hồi phục hoàn toàn thì tại sao chúng ta không tự bảo vệ sức khỏe bản thân từ trước? Điều đó sẽ giúp cơ thể chúng ta có sức đề kháng tốt, chức năng của các cơ quan, bộ phận không bị suy giảm do bệnh tật. 

Phòng tránh bệnh huyết trắng để không suy giảm chức năng sinh sản. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Một số phương pháp phòng tránh bệnh huyết trắng cho các chị em phụ nữ như:

  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ vùng kín, đặc biệt vào những ngày “chị nguyệt” ghé thăm, trước và sau khi quan hệ tình dục. Lưu ý nên sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có độ PH phù hợp với môi trường âm đạo và tuyệt đối tránh sử dụng xà phòng.

  • Rửa âm đạo một cách nhẹ nhàng, không nên thụt rửa mạnh vào sâu bên trong.

  • Mặc quần lót chất liệu cotton thoáng mát, thấm mồ hôi tốt, không nên mặc các loại quần chật, bó sát vào “cô bé”. Thay quần lót mỗi ngày và giặt sạch sẽ trước khi tái sử dụng.

  • Quan hệ tình dục lành mạnh, nên sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh phụ khoa, bệnh xã hội nguy hiểm cho bạn tình.

  • Khám phụ khoa thường xuyên để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Vừa rồi là toàn bộ những thông tin chia sẻ của Monkey về căn bệnh huyết trắng. Qua đó giúp các chị em hiểu rõ bị huyết trắng có mang thai được không? Hy vọng phái đẹp chúng mình luôn biết cách chăm sóc cho “cô bé” thật tốt để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh huyết trắng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Thick White Discharge: What It Means - Ngày truy cập: 22/04/2022

https://www.healthline.com/health/thick-white-discharge

Cervical Mucus  - Ngày truy cập: 22/04/2022

https://my.clevelandclinic.org/health/body/21957-cervical-mucus#:~:text=This%20causes%20cervical%20mucus%20to,your%20chances%20of%20getting%20pregnant

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!