zalo
Chỉ số prolactin cao có khả năng sinh con được không?
Chuẩn bị mang thai

Chỉ số prolactin cao có khả năng sinh con được không?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

06/05/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Prolactin cao là tình trạng thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là các chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ. Vậy chỉ số prolactin cao có con được không? Có gây nguy hiểm gì đến sức khỏe người bệnh không? Và điều trị bệnh bằng cách nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này.

Chỉ số prolactin là gì?

Prolactin là một loại hormone do tuyến yên sản xuất ra. Hormone prolactin có vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản của nữ giới, cụ thể là điều hòa kinh nguyệt, kích thích ngực phát triển và sản xuất sữa cho em bé. 

Chỉ số prolactin cao ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, chỉ số prolactin chỉ cao khi người đó đang mang thai hoặc cho con bú. Ngoài ra, các trường hợp khác đều có chỉ số prolactin thấp. Nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt mà prolactin vẫn vượt ngưỡng tiêu chuẩn thì được gọi là chỉ số prolactin tăng cao trong máu.

Theo đó, chỉ số prolactin ở mức bình thường có nồng độ như sau:

  • Phụ nữ đã trưởng thành: 127 – 637 µIU/mL

  • Phụ nữ mang thai: 200 – 4500 µIU/mL

  • Phụ nữ mãn kinh: 30 – 430 µIU/mL

Các chuyên gia cho biết, prolactin tăng cao là tình trạng xảy ra do rối loạn trục hạ đồi - tuyến yên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này làm giảm nồng độ estrogen, ảnh hưởng đến sự ổn định của chu kỳ kinh nguyệt và chức năng sinh sản của phụ nữ. Vì vậy, tình trạng prolactin cao cần được chẩn đoán và điều trị sớm để không gây ảnh hưởng đến quá trình thụ thai của người bệnh.

Nguyên nhân khiến chỉ số prolactin cao ở nữ giới

Theo chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa sản, có 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng prolactin cao ở nữ giới, trong đó gồm: yếu tố sinh lý, yếu tố bệnh lý và ảnh hưởng tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.

Sinh lý

Hormone prolactin rất dễ bị tăng cao khi có sự tác động đến yếu tố sinh lý như: kích thích núm ti, sau khi quan hệ tình dục hoặc tập thể dục hay tâm trạng căng thẳng,...

Ngoài ra, lượng prolactin trong máu tăng cao trong giai đoạn mang thai là do nồng độ estradiol tăng. Sau khi sinh, nồng độ hormone prolactin chưa trở lại mức bình thường được là bởi nhiệm vụ kích thích tiết ra sữa chưa kết thúc. Sau khi cai sữa mẹ, nếu không vì yếu tố bệnh lý thì prolactin sẽ dần trở về mức bình thường.

Bệnh lý

Phụ nữ mắc một số bệnh lý có thể khiến nồng độ prolactin trong máu tăng cao như: u tuyến yên, suy thận, nhược giáp, xơ gan, hội chứng buồng trứng đa nang,... 

Hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân làm tăng prolactin. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để xác định lý do prolactin cao có thuộc nhóm nguyên nhân bệnh lý hay không, các chị em cần tiến hành một số xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe. Đồng thời, bác sĩ sẽ dựa trên những dấu hiệu khám sàng lọc để chẩn đoán bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là làm tăng chỉ số prolactin trong máu như: thuốc tránh thai có chứa nội tiết tố estrogen, thuốc điều trị bệnh huyết áp cao, dạ dày hay thuốc chống nôn, thuốc chống trầm cảm,... Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì, người bệnh cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc.

Triệu chứng của người bị tăng prolactin máu

Các bác sĩ cho biết, hầu hết các trường hợp phụ nữ bị prolactin cao đều không có triệu chứng đặc biệt nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sẽ xuất hiện những dấu hiệu như kinh nguyệt không đều hay vô kinh, âm đạo khô, nóng, tiết sữa mẹ ngay cả khi không mang thai, mật độ xương thấp,...

Prolactin cao có triệu chứng liên quan đến chức năng sinh sản. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Đây đều là những dấu hiệu của bệnh liên quan đến chức năng sinh sản của phụ nữ. Vì vậy, ngay khi thấy có biểu hiện bất thường, các chị em nên đến bệnh viện sớm để kiểm tra và phát hiện bệnh sớm nếu có. Điều này giúp chúng ta có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra với người bệnh.

Chỉ số prolactin cao có con được không?

Qua phần chia sẻ ở trên có thể thấy, chỉ số prolactin đóng vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản của phụ nữ. Vì vậy, người bị prolactin cao có con được không chắc chắn là vấn đề được rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm.

Theo phân tích của các chuyên gia, khi nồng độ prolactin tăng cao trong máu sẽ gây ức chế hormone GnRH và làm tăng hoạt tính dopaminergic ở vùng hạ đồi. Điều này khiến cho nồng độ FSH và LH cũng bị giảm xuống mức thấp. 

Chỉ số prolactin cao cản trở quá trình thụ thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong khi đó, nồng độ FSH và LH có vai trò kích thích nang trứng phát triển và rụng trứng đúng chu kỳ. Việc nồng độ tụt xuống mức thấp hơn so với tiêu chuẩn gây rối loạn kinh nguyệt, rối loạn quá trình rụng trứng, suy giảm ham muốn tình dục, thậm chí là suy sinh dục,... Đây đều là những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.

Bên cạnh đó vẫn có những trường hợp cơ thể phụ nữ vẫn có kinh nguyệt và rụng trứng bình thường dù chỉ số prolactin cao. Tuy nhiên, việc cơ thể sản xuất hormone progesterone quá ít cũng khiến trứng và tinh trùng không thể gặp nhau để thụ tinh và làm tổ trong tử cung. 

Như vậy, tình trạng prolactin tăng cao làm giảm đi khả năng thụ thai của người bệnh rất nghiêm trọng. Để không gây cản trở đến khả năng làm mẹ thì việc phát hiện và khắc phục sớm tình trạng bệnh là điều vô cùng cần thiết.

Xem thêm:

Chẩn đoán và điều trị tình trạng prolactin cao

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác chỉ số prolactin có tăng cao hay không thì ngoài dựa vào các biểu hiện mà người bệnh gặp phải, các bác sĩ sẽ đánh giá dựa trên kết quả xét nghiệm máu. Trước khi lấy máu, bệnh nhân có thể ăn uống nhẹ nhàng và nên nghỉ ngơi để tránh tình trạng tụt huyết áp.

Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp xét nghiệm máu. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thời gian bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu máu xét nghiệm từ 10-12 giờ sáng. Bởi chỉ số prolactin thường có xu hướng tăng lên, sau đó lại giảm về mức bình thường từ 6-8 giờ sáng.

Ngoài ra, người bệnh có thể tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như XQ, CT, MRI. Hầu hết phương pháp này đều được chỉ định cho bệnh nhân có dấu hiệu tăng PRL lâm sàng như giảm thị lực hoặc xuất hiện khối u choán chỗ,...

Phương pháp điều trị

Để điều trị dứt điểm tình trạng prolactin cao trong máu còn tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của người bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ có những phương án điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

Uống thuốc điều trị prolactin tăng cao. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có hai phương pháp điều trị prolactin tăng cao mà các chị em có thể tham khảo như:

  • Điều trị nội khoa: Đây là phương pháp điều trị rất phổ biến và thường được áp dụng đầu tiên với bệnh nhân bị tăng chỉ số prolactin. Một số loại thuốc bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân là chất đồng vận dopamine như: bromocriptine hay cabergoline. Tác dụng của chúng giúp hạ thấp prolactin, giảm kích thước khối u tuyến yên và phục hồi khả năng sinh sản của người bệnh.

  • Điều trị ngoại khoa cắt bỏ khối u: Thông thường, biện pháp này được chỉ định khi bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng không có hiệu quả hoặc hiệu quả kém. Đồng thời, nếu bệnh nhân có các biểu hiện giảm thị lực hay xuất hiện khối u choán chỗ sẽ cần được phẫu thuật cắt khối u sớm để tránh tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi chỉ số prolactin cao có con được không?và những chia sẻ về phương pháp chẩn đoán, điều trị bệnh. Hy vọng những kiến thức này sẽ bổ ích, góp phần giúp các chị em thoát khỏi tình trạng khó mang thai cùng các vấn đề sức khỏe khác do prolactin tăng cao.

Can Prolactin Cause Recurrent Miscarriages? - Ngày truy cập: 5/5/2022

https://www.verywellfamily.com/can-elevated-prolactin-cause-recurrent-miscarriages-2371371

Prolactin and Infertility - Ngày truy cập: 5/5/2022

https://www.ivf1.com/prolactin-infertility/

What Is Hyperprolactinemia and How Can It Affect Getting Pregnant? - Ngày truy cập: 5/5/2022

https://www.whattoexpect.com/getting-pregnant/prepping-for-pregnancy/hyperprolactinemia/#:~:text=Too%20much%20prolactin%20can%20also,it's%20impossible%20to%20get%20pregnant

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!