zalo
Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung và cách điều trị các chị em cần biết
Chuẩn bị mang thai

Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung và cách điều trị các chị em cần biết

Đào Nhàn
Đào Nhàn

11/08/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm thường gặp trong giai đoạn sớm của thai kỳ. Biến chứng này không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ. Vì vậy, các mẹ bầu cần chú ý và nhận biết những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung để kịp thời điều trị.

Thế nào là mang thai ngoài tử cung?

Khi mang thai bình thường, trứng sau khi thụ tinh sẽ ở bên trong tử cung của người mẹ. Còn mang thai ngoài tử cung là tình trạng trứng sau thụ tinh làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung. Đây là tình trạng nguy hiểm dễ gây ra nhiều biến chứng.

Mang thai ngoài tử cung có dấu hiệu gì? (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các vị trí làm tổ bất thường là ở vòi trứng với tỉ lệ cao nhất (95%), ngoài ra còn các vị trí hiếm gặp như: buồng trứng, ổ bụng, sẹo mổ cũ... 

Quá trình phát triển bình thường của một thai kỳ sẽ xảy ra từ việc thụ tinh bên trong ống dẫn trứng. Sau đó, trứng đã được thụ tinh sẽ đi vào trong niêm mạc tử cung để tiếp tục phát triển. Phôi thai dần dần phát triển thành thai nhi.

Nếu không phát hiện dấu hiệu thai ngoài tử cung sớm, phôi thai sẽ không thể phát triển bình thường. Điều này dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như dễ gây chảy máu ồ ạt trong bụng, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tính mạng thai phụ nếu không kịp thời cấp cứu can thiệp. 

Nguyên nhân khiến phụ nữ mang thai ngoài tử cung

Tình trạng mang thai ngoài tử cung xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp, rất khó để các bác sĩ xác định nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên,  đa phần thai phụ đều liên quan đến một trong số những nguyên nhân sau:

  • Nội tiết tố thay đổi hoặc hoạt động bất thường.

  • Tình trạng viêm nhiễm và có sẹo của ống dẫn trứng do thai phụ từng bị nhiễm trùng hoặc trải qua phẫu thuật trước đó.

  • Cơ quan sinh dục dị dạng.

  • Thai phụ mắc bệnh gây ảnh hướng đến hoạt động hoặc hình dáng của ống dẫn trứng hoặc cơ quan sinh sản khác.

  • Một số vấn đề liên quan đến di truyền khác.

Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ gây mang thai ngoài tử cung. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Xuất hiện dấu hiệu có thai ngoài tử cung thường xảy ra với mọi phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Những nguyên nhân dưới đây cũng có thể là yếu tố khiến nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn:

  • Lớn tuổi (trên 35 tuổi): Càng lớn tuổi thì nguy cơ có thai ngoài tử cung càng cao.

  • Đã từng mang thai ngoài tử cung: Phụ nữ có tiền sử mắc bệnh có tới 10% nguy cơ có thai ngoài dạ con trong lần mang thai kế tiếp.

  • Hút thuốc lá: Việc hút thuốc hoặc sống lâu trong môi trường có khói thuốc lá trước khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ dẫn tới tình trạng này. Chất nicotine trong khói thuốc sẽ phá hủy các nhung mao trên thành ống dẫn trứng, giảm cử động vòi trứng gây ra sự khó khăn trong việc di chuyển hợp tử về tử cung.

  • Từng mắc các bệnh phụ khoa: Ví dụ như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu…

  • Đang điều trị vô sinh: Thuốc kích thích rụng trứng hoặc thụ tinh trong ống nghiệm có thể khiến thai phụ dễ mang thai ngoài tử cung hơn.

  • Các bất thường ở ống dẫn trứng: Những bất thường này có thể từ phẫu thuật hoặc bẩm sinh.

  • Từng phẫu thuật vùng chậu: Cắt bỏ u xơ hay mổ lấy thai có thể là nguyên nhân gây ra nguy cơ mắc tình trạng này.

  • Dùng các biện pháp tránh thai: Mặc dù là tình trạng hiếm gặp nhưng thai phụ cũng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung sau khi thắt ống dẫn trứng, đặt vòng hoặc uống thuốc tránh thai.

Cần cẩn trọng với các dấu hiệu có thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung dễ gây biến chứng sức khỏe sinh sản về sau, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng thai phụ. Vì vậy các chị em cần nhận biết những dấu hiệu có thai ngoài tử cung sớm nhất để kịp thời chữa trị.

Cẩn trọng khi phát hiện âm đạo chảy máu bất thường. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thông thường sau 5-10 ngày quan hệ tình dục, trứng và tinh trùng gặp nhau sẽ thụ thai và làm tổ trong buồng tử cung. Nếu có một số dấu hiệu mang thai nhưng khi siêu âm lại chưa thấy thai trong buồng tử cung hoặc có những dấu hiệu khác thường thì bạn cần xem xét đến tình trạng mang thai ngoài tử cung.

“Mang thai ngoài tử cung có dấu hiệu gì?” là câu hỏi được rất nhiều chị em quan tâm. Dưới đây là một số biểu hiện đặc trưng mà phái nữ nên “bỏ túi” để phát hiện bệnh sớm nhất. 

  • Chảy máu âm đạo bất thường: Đây là dấu hiệu cảnh báo sớm của việc có thai ngoài cổ tử cung. Hiện tượng này thường là ra máu chút ít, kéo dài, máu màu đen nâu, có khi lẫn màng. Việc vùng kín chảy máu chút ít sẽ rất dễ khiến chị em bỏ qua hoặc nhầm tưởng là dấu hiệu có thai, trong khi đây lại là hiện tượng cảnh báo sảy thai hay mang thai ngoài tử cung. 

  • Nồng độ HCG trong máu giảm dần: Đối với những thai kỳ bình thường, khi tuổi thai tăng lên, lượng HCG cũng sẽ tăng dần. Vì vậy, việc nồng độ HCG ở phụ nữ mang thai giảm dần chứng tỏ đây là dấu hiệu của có thai ngoài tử cung.

  • Đau bụng: Đau bụng là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung tháng đầu mà các mẹ bầu cần lưu ý. Nhất là việc bị táo bón ngay khi mới mang thai, đau bụng âm ỉ khó chịu đến đau quằn quại một bên, đau nhiều ngày không hết. 

Đau bụng quằn quại một bên có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài ra, thai phụ còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như tay chân bủn rủn, toát mồ hôi nhiều, hoa mắt, chóng mặt, khó thở hoặc thậm chí là ngất xỉu khi chửa ngoài tử cung bị vỡ. Lúc này, sản phụ cần xem xét đến trường hợp có thai ngoài cổ tử cung để kịp thời chữa trị.

Làm sao để xác định có mang thai ngoài tử cung hay không?

Để giúp cho việc chẩn đoán thai có nằm ngoài tử cung hay không một cách chính xác và sớm nhất, thai phụ cần trang bị những thông tin về sinh sản cơ bản trước khi mang thai. Từ những kiến thức đã có được, thai phụ cần lưu ý những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung trong giai đoạn đầu thai kỳ để đến các cơ sở y tế và kịp thời thăm khám.

Hiện nay, ngành Y học đã ngày càng phát triển, các bác sĩ có thể chẩn đoán việc có thai ngoài tử cung thông qua các phương pháp như: siêu âm, nội soi ổ bụng và xét nghiệm máu.

Siêu âm

Đây là phương pháp chẩn đoán an toàn và hiệu quả để phát hiện tình trạng thai ngoài tử cung trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu thai phụ có những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ siêu âm đầu dò âm đạo nhằm xác định vị trí của thai nhi. 

Nhận biết dấu hiệu có thai ngoài cổ tử cung qua phương pháp siêu âm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Kết quả siêu âm sẽ cho kết quả túi thai có ở buồng tử cung hay không hoặc thấy hình ảnh túi thai ở ống dẫn trứng. Đây cũng là phương pháp giúp phát hiện và đánh giá tình trạng chảy máu nếu thai bị vỡ.

Tuy nhiên, để xác định rõ thai phụ có gặp tình trạng mang thai ngoài tử cung hay không, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành xét nghiệm nồng độ HCG trong máu. Thai phát triển trong tử cung nếu nồng độ HCG > 150UI/ml, khả năng là thai ngoài tử cung nếu nồng độ HCG thấp hơn hoặc > 1500 UI/ml mà không thấy thai trong tử cung.

Sau khi thực hiện siêu âm và xét nghiệm nồng độ HCG mà vẫn chưa thể xác định các dấu hiệu nhận biết có thai ngoài tử cung thì bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp nội soi ổ bụng.

Nội soi ổ bụng

Đây là phương pháp giúp chẩn đoán tình trạng thai nằm ngoài tử cung một cách chính xác và nhanh chóng. Nếu thai nằm ngoài tử cung, việc soi ổ bụng sẽ phát hiện tình trạng một bên ống dẫn trứng bị tím đen và căng phồng. Đây chính là khối thai ngoài tử cung.

Các xét nghiệm máu khác

Xét nghiệm máu giúp nhận biết dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài việc xét nghiệm máu nhằm kiểm tra nồng độ HCG tăng hay giảm qua từng thời kỳ, thai phụ có thể được yêu cầu kiểm tra tình trạng máu. Nếu bạn thiếu máu thì cần kiểm tra và truyền máu thông qua các xét nghiệm khác.

Cách điều trị có thai ngoài tử cung

Phương pháp điều trị có thai ngoài tử cung hiện nay gồm có hai phương pháp chính là sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Tùy vào triệu chứng của thai phụ và kích thước hay tình trạng khối thai mà sẽ có những hướng điều trị phù hợp. 

Trong hầu hết trường hợp, việc phát hiện sớm tình trạng này từ những dấu hiệu có thai ngoài tử cung sẽ giúp giảm khả năng xảy ra những biến chứng sinh sản sau này.

Dưới đây là hai phương pháp điều trị chính:

Sử dụng thuốc điều trị

Việc sử dụng thuốc điều trị sẽ áp dụng với những trường hợp được phát hiện sớm. Khi đó, kích thước khối thai chưa lớn, chưa vỡ nên có thể dùng thuốc điều trị. 

Sử dụng thuốc để điều trị trình trạng mang thai ngoài tử cung. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Loại thuốc thường được sử dụng cho thai phụ mang thai ngoài tử cung là Methotrexate. Đây là thuốc giúp ngăn chặn sự phân chia và phát triển của tế bào thai. Vì vậy, khối thai sẽ tự tiêu biến sau 4-6 tuần thai phụ dùng thuốc.

Tuy nhiên, việc uống thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, mệt mỏi, rụng tóc, tiêu chảy, toét miệng… Thậm chí, thai phụ có thể bị suy tụy, suy gan, suy thận. Vì vậy, chị em cần lưu ý chỉ nên dùng thuốc đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ gây ảnh hưởng sức khỏe.

Phẫu thuật

Đối với những khối thai có kích thước lớn hoặc đã bị vỡ thì cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Phụ thuộc vào vị trí và đặc điểm của dấu hiệu của có thai ngoài tử cung mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị phù hợp. 

Trong đó có 2 phương pháp phẫu thuật phổ biến được các bác sĩ áp dụng gồm: phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở bụng.

Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi giúp điều trị tình trạng mang thai ngoài tử cung. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Phẫu thuật nội soi là phương pháp được áp dụng cho những khối thai có kích thước lớn và chưa bị vỡ. Khi đó, bác sĩ thường sẽ tư vấn cho thai phụ lựa chọn một trong 2 phương pháp phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng hoặc phẫu thuật mở thông vòi trứng.

Phẫu thuật mở bụng

Đối với những khối thai phát triển quá lớn và bị vỡ, gây ra tình trạng chảy máu ồ ạt thì cần tiến hành phẫu thuật mở bụng ngay lập tức. Khi đó, ống dẫn trứng cần được loại bỏ vì hầu như đã hỏng hoàn toàn.

Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe sau điều trị mang thai ngoài tử cung

Sau khi điều trị dứt điểm dấu hiệu mang thai ngoài tử cung, bệnh nhân cần được chăm sóc một cách kỹ lưỡng và  giữ vết mổ sạch sẽ, khô ráo cho đến khi chúng lành lại. Đồng thời, chị em nên kiểm tra vết mổ hàng ngày để tránh việc bị nhiễm trùng.

Dưới đây là những dấu hiệu nhiễm trùng vết mổ:

  • Sưng tấy, đỏ.

  • Chảy máu không ngừng hoặc chảy máu quá nhiều.

  • Chảy dịch có mùi hôi.

  • Khi chạm vào có cảm giác nóng ấm.

Bệnh nhân sau khi điều trị mang thai ngoài tử cung cần được nghỉ ngơi đầy đủ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp tình trạng xuất huyết âm đạo nhẹ, điều này có thể kéo dài đến 6 tuần kể từ ngày phẫu thuật. Vì vậy, chị em cần lưu ý những vấn đề quan trọng dưới đây để hạn chế tác động đến vết mổ:

  • Uống nhiều nước ngăn ngừa táo bón.

  • Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, đặc biệt là trong tuần đầu sau phẫu thuật.

  • Không mang vác hay nâng vật nặng.

  • Không sử dụng tampon hay quan hệ tình dục đến khi được bác sĩ cho phép.

  • Không thụt rửa âm đạo.

  • Cần báo ngay cho bác sĩ nếu cơn đau tăng lên hoặc gặp những dấu hiệu bất thường khác.

Việc mang thai ngoài tử cung gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp sớm và xử lý kịp thời. Vì vậy, các chị em khi quyết định mang thai hoặc đang mang thai cần trang bị đầy đủ kiến thức thai sản và để ý những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung hoặc những dấu hiệu bất thường khác nếu có để kịp thời đến cơ sở y tế thăm khám. 

Trên đây là bài viết về dấu hiệu mang thai ngoài tử cung và những cách điều trị phù hợp nhất. Hy vọng rằng thông qua bài viết này, Monkey đã giúp bạn nắm rõ được kiến thức thai kỳ cần thiết để bé được phát triển khoẻ mạnh.

Ectopic (Extrauterine) Pregnancy - Ngày truy cập: 10/08/2022

https://www.webmd.com/baby/pregnancy-ectopic-pregnancy

 

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!