zalo
Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên uống gì giúp mẹ khỏe, bé phát triển tốt?
Chuẩn bị mang thai

Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên uống gì giúp mẹ khỏe, bé phát triển tốt?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

23/05/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Mang thai khỏe mạnh, em bé phát triển tốt luôn là niềm mong ước của mỗi gia đình. Tuy nhiên, để đạt được điều đó không hề dễ dàng, ba mẹ cần phải chăm sóc sức khỏe hết sức cẩn thận. Trong đó, phụ nữ chuẩn bị mang thai nên uống gì là điều mà các bà mẹ cần quan tâm.

Chuẩn bị có bầu nên uống gì để mẹ khỏe, bé phát triển tốt?

Khi hỏi đến “chuẩn bị mang thai nên uống gì?”, chắc chắn câu trả lời đầu tiên sẽ là “thuốc bổ”. Đáp án này chính xác nhưng chưa đủ. Bởi ngoài thuốc bổ, chúng ta còn phải bổ sung một số loại đồ uống cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là nước lọc.

Uống thuốc bổ có vai trò quan trọng khi chuẩn bị mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, trên thực tế còn có rất nhiều chị em mơ hồ, không biết chuẩn bị có thai nên uống thuốc bổ gì? Đặc biệt là những người chuẩn bị mang thai lần đầu còn thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, Monkey sẽ tổng hợp danh sách các loại thuốc bổ và đồ uống tốt cho sức khỏe của phụ nữ chuẩn bị mang thai như sau:

Thuốc bổ hỗ trợ sự phát triển của thai nhi

Khi có ý định mang thai, các chị em cần ghi nhớ bổ sung đầy đủ 5 loại thuốc bổ để tốt cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi gồm: axit folic, canxi, sắt, omega-3 DHA/EPA và vitamin. Trong đó:

Axit Folic

Axit Folic là một loại chất cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong giai đoạn này, thai nhi bắt đầu hình thành đầy đủ cơ quan, bộ phận trên cơ thể. 

Axit folic sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh về xương, chi, não, tim và cột sống tới 70%. Bên cạnh đó, khi cơ thể được bổ sung đầy đủ axit folic, mẹ bầu còn tránh được nguy cơ bị sảy thai, sinh non.

Bổ sung axit folic phòng tránh nguy cơ thai nhi bị dị tật. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo phụ nữ bổ sung axit folic trước khi thụ thai tối thiểu 3 tháng với liều lượng bổ sung khoảng 400mcg/ngày. Một số loại thuốc chứa axit folic thường được bác sĩ kê đơn như: Ferrovit, Adofex, Obimin, Tardyferon B9,...

Tuy nhiên, các chị em nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc và liều lượng cụ thể để phù hợp với thể trạng của bản thân. Không tự ý mua thuốc để tránh gặp phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể dẫn đến hậu quả “tiền mất, tật mang”.

Ngoài ra, thực phẩm cũng là một nguồn cung cấp axit folic khá dồi dào. Vì vậy, bên cạnh việc uống thuốc bổ, phụ nữ chuẩn bị mang thai có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu axit folic trong thực đơn hàng ngày như: rau cải ngọt, cải bông xanh, rau bina, ngũ cốc, nước cam, đậu và các loại hạt,...

Sắt

Vai trò của sắt là để tạo ra hồng cầu và vận chuyển oxy đi nuôi dưỡng thai nhi. Khi mẹ bầu bị thiếu sắt sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu. Điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, khiến bé bị còi cọc, chậm lớn, thậm chí làm tăng nguy cơ bị sinh non, sảy thai, thai chết lưu, băng huyết sau sinh,...

Sắt ngăn ngừa tình trạng thiếu máu. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, sắt là loại thuốc bổ không thể thiếu đối với mẹ bầu và cả phụ nữ chuẩn bị mang thai. Các bác sĩ khuyến cáo, lượng sắt nguyên tố cần bổ sung mỗi ngày đối với người bình thường khoảng 18 mg và tăng lên 27 mg với phụ nữ mang thai. Khi có ý định mang thai, các chị em nên đi kiểm tra sức khỏe để được bác sĩ tư vấn cụ thể về mức độ thiếu sắt và liều lượng cần bổ sung.

Khi bổ sung sắt, các chị em cần lưu ý canxi, thuốc kháng axit và thuốc điều trị trào ngược dạ dày có thể cản trở quá trình hấp thu sắt vào cơ thể. Do đó, thời điểm dung nạp sắt và canxi cần cách xa nhau để cơ thể hấp thu được tốt nhất. Các loại thuốc điều trị bệnh ảnh hưởng đến hiệu quả bổ sung sắt nên hỏi lại bác sĩ về việc tiếp tục sử dụng hay dừng lại.

Ngoài uống thuốc bổ, chúng ta có thể bổ sung thêm sắt từ các loại thực phẩm như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, nội tạng động vật, rau đay, rau muống, rau cần,...

Canxi

Cơ thể chúng ta luôn luôn cần đến một lượng lớn canxi, đặc biệt là giai đoạn mang thai. Vai trò của canxi giúp cho xương, răng của em bé phát triển và chắc khỏe. 

Nếu mẹ bầu không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi sẽ lấy canxi từ xương của mẹ, gây ra tình trạng bị loãng xương, đau mỏi xương khớp, thường xuyên bị chuột rút. Thậm chí còn làm tăng nguy cơ trẻ bị còi xương, chậm phát triển, xương biến dạng, mẹ bị tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non,...

Canxi tốt cho xương và răng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để đảm bảo lượng canxi đủ để đáp ứng cho sức khỏe mẹ và bé trong thai kỳ, các mẹ nên uống thuốc bổ sung canxi khoảng 1000 mg mỗi ngày. Đồng thời hỗ trợ bằng các loại thực phẩm khác giàu canxi như: trứng, sữa, bơ, hải sản, rau xanh,... Lưu ý tránh kết hợp bổ sung sắt, axit folic cùng thời điểm với canxi vì có thể gây cản trở sự hấp thu của nhau vào cơ thể.

Xem thêm:

Axit béo Omega-3 DHA/EPA

DHA và EPA là 2 loại axit béo Omega-3, có vai trò giúp tăng khả năng thụ thai ở nữ giới bằng cách điều chỉnh hormone, kích thích rụng trứng và tuần hoàn máu máu đến các cơ quan sinh sản được tốt hơn. Đồng thời Omega-3 cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển não bộ, thị giác của thai nhi, tăng cường miễn dịch khi trẻ sinh ra.

Bổ sung Omega-3 từ thuốc bổ và thực phẩm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vì vậy, nếu bạn đang mong ngóng có được đứa con, hãy bổ sung thuốc bổ omega-3 có chứa DHA, EPA càng sớm càng tốt. Ngoài thuốc bổ, cá béo, dầu cá, hạt lanh, dầu hạt lanh, hạt chia và quả óc chó là những thực phẩm rất giàu Omega-3 mà bạn nên tận dụng.

Vitamin

Các loại vitamin quan trọng đối để có một thai kỳ khỏe mạnh gồm: vitamin A, C, D và E. Trong đó:

  • Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch cho thai phụ, giúp mẹ tránh mắc mắc phải một số bệnh lý do sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Đây cũng là cách để bảo vệ thai nhi trước mọi bệnh tật, giúp con khỏe mạnh và có đôi mắt sáng.

  • Vitamin C vừa tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh vừa hỗ trợ cơ thể hấp thu chất sắt tốt hơn.

  • Vitamin D góp phần tạo nên cấu trúc của răng và xương, hỗ trợ cơ thể hấp thụ tốt canxi và phốt pho.

  • Vitamin E đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì chức năng của các cơ xương, cơ tim, ngăn ngừa lão hóa và phòng ngừa bệnh ung thư.

Các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có thể thấy, các loại vitamin và khoáng chất trên đều có nhiệm vụ quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Vì vậy, uống thuốc bổ sung vitamin ngay từ trong giai đoạn trước mang thai là điều hết sức cần thiết. Kết hợp tắm nắng vào sáng sớm thường xuyên và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cũng là cách giúp tăng cường vitamin cho cơ thể hiệu quả.

Đồ uống tốt cho sức khỏe

Ngoài việc quan tâm đến chuẩn bị có bầu nên uống thuốc gì thì các chị em còn phải lưu ý bổ sung một số loại đồ uống tốt cho sức khỏe như: nước lọc, nước cam, nước trái cây hay trà gừng.

Nước lọc

Nước lọc tốt cho sức khỏe mọi người không chỉ riêng bà bầu. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Theo kết quả nghiên cứu khoa học, nước đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là với phụ nữ đang mang thai. Cụ thể như:

  • Hỗ trợ quá trình trao đổi chất: Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ gặp khó khăn trong quá trình trao đổi chất. Trong khi đó, nước lại giải quyết rất tốt vấn đề này, giúp cho các cơ quan, bộ phận của cơ thể hoạt động trơn tru hơn.

  • Đào thải chất độc ra ngoài cơ thể: Như chúng ta đã biết, chất độc trong cơ thể được thải ra ngoài qua đường phân và đường tiểu. Khi uống nhiều nước, cơ thể sẽ được thanh lọc, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ như sỏi thận, táo bón,...

  • Cung cấp chất khoáng cho thai nhi: Thành phần của nước chủ yếu là sắt, canxi, kẽm và magie,...rất tốt đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Vì vậy, uống nước mỗi ngày đồng nghĩa với việc cung cấp thêm nhiều dưỡng chất cần thiết cho thai nhi.

  • Giảm nhiệt cho cơ thể: Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu thường nóng hơn so với người bình thường, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng. Uống nước lọc sẽ giúp cơ thể mẹ hạ nhiệt nhanh.

Nước cam

Nước cam giàu vitamin C và chất xơ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ưu điểm của cam là rất giàu vitamin C, ngoài ra còn có thêm các chất dinh dưỡng như sắt và kẽm, rất tốt cho mẹ và bé. Khi uống nước cam, mẹ bầu sẽ nhận được nhiều lợi ích, trong đó có:

  • Tăng cường miễn dịch cho cơ thể: Khi hệ miễn dịch của mẹ tốt thì nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ sẽ giảm đi đáng kể. Nhờ vậy, sức khỏe của bé cũng được an toàn hơn, tránh nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về trí tuệ và thể chất do bệnh lý gây ra,...

  • Tránh táo bón: Chất xơ có trong quả cam đảm nhận vai trò kích thích hoạt động của nhu động ruột, đưa thực ăn đến ruột kết rồi loại bỏ ra ngoài cơ thể. Nhờ vậy, mẹ sẽ tránh được tình trạng bị táo bón, lâu dần sẽ suy giảm sức khỏe của hệ tiêu hóa.

  • Duy trì huyết áp ở mức ổn định: Điều này sẽ giúp mẹ tránh được nguy cơ bị tiền sản giật, đặc biệt là những người có tiền sử mắc bệnh về huyết áp.

  • Làm đẹp da cho mẹ bầu: Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi khiến mẹ bầu nổi mụn, da sạm, tàn nhang,... Vitamin C có trong quả cam có tác dụng giúp cho da căng, mọng, chống oxy hóa, giải quyết mọi tình trạng ngoài da trong giai đoạn thai kỳ.

Trà gừng

Trà gừng có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Gừng có tính ấm, nóng và bên trong gừng có hợp chất Gingerols và shogaols có tác động trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Nhờ vậy, uống trà gừng giúp kiểm soát lượng đường trong máu, điều trị chứng ngộ độc thực phẩm, rối loạn dạ dày, chống viêm, giảm đau...hiệu quả. Hơn nữ, khi uống trà gừng trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ còn giúp giảm bớt triệu chứng ốm nghén. Tuy nhiên, để tránh tình trạng phản tác dụng, có thể gây hại cho sức khỏe, các chị em không nên uống quá nhiều.

Sinh tố trái cây

Bổ sung dinh dưỡng từ các loại sinh tố trái cây. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Sinh tố trái cây đảm bảo một lượng dinh dưỡng rất lớn cho cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa tốt. Điều này giúp mang đến một sức khỏe tốt, tăng khả năng thụ thai ở nữ giới. Đến giai đoạn đầu của thai kỳ, uống sinh tố trái cây còn giúp mẹ bầu giảm bớt triệu chứng nôn, ợ chua của ốm nghén hoặc mắc các vấn đề về đường tiêu hóa. Hơn nữa, đây còn là một loại đồ uống rất thơm, ngon nên không có lý do gì để chúng ta bỏ qua nó khi đang chuẩn bị mang thai.

Uống thuốc bổ khi chuẩn bị mang thai cần lưu ý những gì?

Lưu ý khi uống thuốc bổ trước thai kỳ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi uống thuốc bổ trong giai đoạn chuẩn bị mang thai, chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Uống bổ sung sắt, canxi, axit folic theo đúng liều lượng bác sĩ hướng dẫn. Tránh uống liều quá cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • Bổ sung quá nhiều vitamin A có thể gây dị tật cho thai nhi.

  • Với những người mắc bệnh lý nền, đang uống thuốc điều trị cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung thuốc bổ.

  • Kết hợp bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm.

  • Tắm nắng thường xuyên để tổng hợp vitamin D từ tự nhiên, hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.

  • Thay đổi lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, nói không với rượu, bia và các chất kích thích độc hại để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Trên đây là toàn bộ lời giải đáp cho thắc mắc phụ nữ chuẩn bị mang thai nên uống gì? của các chị em. Monkey hy vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích, góp phần giúp chị em có một thai kỳ khỏe mạnh.

What Should You Drink During Pregnancy? - Ngày truy cập: 18/05/2022

https://wfmchealth.org/maternity-health-care/what-should-you-drink-during-pregnancy/

Best and Worst Drinks for Pregnant Women - Ngày truy cập: 18/05/2022

https://www.whattoexpect.com/pregnancy/eating-well/what-to-drink-during-pregnancy.aspx

Vitamins, supplements and nutrition in pregnancy - Ngày truy cập: 18/05/2022

https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/vitamins-supplements-and-nutrition/

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!