zalo
Bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?
Thai kỳ

Bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

21/08/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Đau lưng là hiện tượng xảy ra rất phổ biến ở phụ nữ mang thai tháng cuối, thậm chí có những người còn bị đau dữ dội không đi lại được. Vậy nguyên nhân khiến bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội là gì? Đó có phải là dấu hiệu sắp sinh hay không và làm sao để giảm bớt cơn đau? Mời các bạn cùng đọc bài viết này để tìm ra câu trả lời.

Nhận biết triệu chứng đau lưng thường gặp ở bà bầu tháng cuối

Theo thống kê, có tới hơn 60% phụ nữ mang thai tháng cuối đều gặp tình trạng đau mỏi lưng. Một số trường hợp bị đau lưng nhưng ở mức độ nhẹ, cơn đau chỉ thoáng qua nhưng cũng có nhiều người bị đau dữ dội và dai dẳng.

Bà bầu tháng cuối bị đau lưng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thông thường, bà bầu bị đau lưng sẽ thấy đau nhất tại vị trí thắt lưng, ngoài ra còn có thể đau vùng xương chậu hoặc vùng hông. Theo đó, triệu chứng đau lưng ở bà bầu được phân chia thành 3 dạng gồm: đau thắt lưng, đau buốt lưng và đau xương chậu. Cụ thể:

  • Đau thắt lưng: Mang thai tháng cuối là thời điểm bụng bà bầu phát triển to hơn rất nhiều. Điều này khiến trọng tâm cơ thể mẹ bầu bị thay đổi hơi ngửa ra phía sau khiến vùng thắt lưng phải chịu thêm nhiều áp lực. Vì vậy, mẹ bầu cần chịu khó thay đổi tư thế, tránh việc đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ sẽ khiến tình trạng đau lưng tăng nặng hơn.

  • Đau buốt lưng: Hiện tượng đau buốt lưng không phải ai cũng gặp. Hơn nữa, đây còn là dấu hiệu cho biết mẹ sắp chuyển dạ sinh em bé. Vì vậy, thai phụ cần chú ý đến bệnh viện kiểm tra sớm khi thấy đau buốt lưng kéo dài.

  • Đau xương chậu: Tỷ lệ phụ nữ mang thai tháng thứ 9 bị đau xương chậu có tỷ lệ tương đối cao. Đặc điểm của loại đau lưng này là mẹ bầu sẽ thấy đau ở vùng mông, sau đó lan xuống dưới đùi. Những cơn đau này nếu nhẹ sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, nặng hơn thì có thể ảnh hưởng đến khả năng đi lại, vận động và cả quá trình sinh em bé.

Nhìn chung, dù tình trạng đau lưng xảy ra ở bà bầu tháng cuối thuộc loại nào đi chăng nữa thì nó cũng khiến các mẹ thấy khó chịu, mệt mỏi. Thậm chí, cơn đau dữ dội, kéo dài còn khiến thai phụ bị mất ngủ, suy sụp tinh thần. Do đó, để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, mẹ bầu cần chú ý đi khám để được chẩn đoán và có phương pháp giảm đau phù hợp nhất.

Nguyên nhân khiến bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội

Các bác sĩ cho biết, tình trạng đau lưng ở bà bầu có thể xuất hiện từ đầu tam cá nguyệt thứ ba cho đến khi mẹ sinh em bé. Tuy nhiên, trong tháng cuối thai kỳ có lẽ là thời điểm cơn đau đạt đỉnh điểm nhất. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội?

Bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội do ảnh hưởng của thai kỳ hoặc bệnh lý. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay đến đau lưng chính là dấu hiệu cho biết em bé sắp “đòi” ra ngoài. Tuy nhiên, đó chưa phải là yếu tố quyết định bởi bà bầu tháng cuối đau lưng còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa. Cụ thể:

  • Do thai nhi phát triển: Từ tuần thứ 25 trở đi, thai nhi bắt đầu quay đầu hướng xuống phía âm đạo của mẹ để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Đồng thời, kích thước và trọng lượng của thai nhi cũng phát triển to hơn khiến lưng của mẹ phải ngửa ra phía sau để giữa thăng bằng cho cơ thể. Sự “chống đỡ” lưng trong thời gian dài như vậy khiến mẹ bầu tháng cuối đau lưng dữ dội là điều rất dễ hiểu.

  • Hormone thai kỳ thay đổi: Sang tháng cuối của thai kỳ, một loại hormone có tác dụng làm giãn dây chằng và các khớp vùng xương chậu được tiết ra để giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn.

  • Cơ bụng mẹ bầu yếu đi: Cơ bụng có khả năng co giãn linh hoạt khi chúng ta vận động, duỗi lưng hay cúi người,... Tuy nhiên, trong suốt thời gian mang thai, tần suất thực hiện các hoạt động này của bà bầu giảm đi rất nhiều khiến cho vùng cơ bụng bị yếu đi nhiều. Trong khi đó, thai nhi ngày càng phát triển khiến mẹ bầu chịu đựng kém hơn, hậu quả dẫn đến là bị đau lưng.

  • Tâm lý bà bầu thay đổi: Gần đến thời điểm sinh con, tâm lý của bà bầu bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là những trường hợp mang thai lần đầu. Hầu hết đều có cảm giác lo lắng về vấn đề khả năng cũng như chi phí sinh con, chăm sóc và nuôi dạy con cái sau này,... Tình trạng này kéo dài khiến bà bầu bị mệt mỏi, mất ngủ và dẫn đến đau lưng.

  • Bà bầu vận động sai tư thế: Các tư thế như ngồi bệt, ngồi chống hai tay về phía sau để nâng đỡ cơ thể, đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu,...sẽ khiến bà bầu tháng cuối bị đau lưng. Ngoài ra, đau lưng cũng có thể do bà bầu làm việc quá sức, nhất là khi phải mang vác vật nặng.

  • Do bệnh lý: Ngoài những nguyên nhân trên thì bệnh lý cũng là nguyên nhân khiến bà bầu tháng cuối bị đau lưng. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh đau dây thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm, thiếu hụt canxi và khoáng chất,... Để xác định tình trạng đau lưng là dấu hiệu của bệnh gì thì mẹ bầu cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.

Bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội có phải dấu hiệu sắp sinh?

Bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội có thể là dấu hiệu sắp sinh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài những nguyên nhân khiến bà bầu tháng cuối bị đau lưng kể trên thì rất nhiều chị em thắc mắc rằng đó có phải là dấu hiệu sắp sinh hay không?

Theo số liệu thống kê, hầu hết bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội khi ngày sinh nở đang đến gần. Có những trường hợp bà bầu đau lưng sẽ sinh con rất gần sau đó, song cũng có nhiều thai phụ bị đau lưng dữ dội, kéo dài nhiều ngày mới thấy chuyển dạ.

Do đó, có thể coi đau lưng là một trong những dấu hiệu báo sắp sinh. Nguyên nhân là ở thời điểm này, thai nhi đã di chuyển xuống vùng xương chậu của người mẹ. Điều này đã khiến cho dây chằng phải chịu nhiều sức ép và kéo dãn các cơ ở vùng xương chậu. Từ đó đã gây ra chứng đau lưng kéo dài nhiều ngày ở bà bầu tháng cuối.

Thai phụ cần theo dõi vào các dấu hiệu chuyển dạ khác. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, để xác định chắc chắn hơn thì chúng ta cần dựa vào các dấu hiệu chuyển dạ đặc trưng khác như:

  • Âm đạo ra máu báo

  • Dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn

  • Bụng bầu sa xuống thấp hơn

  • Cơ thể mệt mỏi, căng thẳng quá mức

  • Nước ối rỉ hoặc chảy ồ ạt

  • Đau bụng, đau lưng dữ dội…

Nhìn chung, càng gần thời điểm dự kiến sinh, mẹ bầu càng cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường xảy ra. Với triệu chứng đau lưng, nếu bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội một cách đột ngột hoặc đau buốt đã kéo dài nhiều ngày tốt nhất nên nhập viện sớm. Mục đích là để bác sĩ kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe thai kỳ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình sinh nở.

Xem thêm:

Mang thai tháng cuối đau lưng dữ dội có nguy hiểm không?

Tình trạng bà bầu tháng cuối bị đau lưng chắc chắn sẽ cảm thấy rất khó chịu và gặp không ít phiền toái. Đặc biệt là với những trường hợp bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại, đứng lên ngồi xuống và sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, rất may là triệu chứng đau lưng này không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, các chị em không cần quá lo lắng khiến tâm trạng ngày càng stress, sa sút hơn.

Bà bầu tháng cuối đau lưng kéo dài có thể khiến tinh thần suy sụp. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Bởi chính những cảm xúc tiêu cực đó mới chính là tác nhân khiến cơn đau ngày càng gia tăng. Thậm chí, bà bầu tháng cuối bị đau lưng thường xuyên lo âu, suy nghĩ, stress còn cản trở sự phát về thể chất và trí tuệ của thai nhi. Sau khi sinh ra, em bé có thể bị nhẹ cân hơn so với tuổi, ít tăng cân, trí tuệ kém phát triển.

Nhưng nếu bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội kéo dài trên 2 tuần và có kèm theo các triệu chứng bất thường như đau thắt bụng, buồn nôn, sốt cao, đi tiểu nhiều...thì mẹ cần đi viện gấp. Đó rất có thể là dấu hiệu sinh non, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng của cả sản phụ và thai nhi.

Cách giảm đau lưng cho bà bầu tháng cuối hiệu quả

Có thể thấy, việc bà bầu tháng cuối bị đau lưng tuy không đến mức nguy hiểm nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy làm sao để giúp bà bầu giảm bớt triệu chứng đau nhức khó chịu này?

Massage, xoa bóp giúp mẹ bầu giảm bớt triệu chứng đau lưng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Dưới đây là các cách giảm đau lưng cho bà bầu tháng cuối hiệu quả được các chuyên gia hướng dẫn, mẹ bầu hãy lưu ngay để áp dụng!

  • Tuyệt đối nói KHÔNG với giày cao gót, tốt nhất nên sử dụng giày dép bệt.

  • Massage, xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng lưng bị đau.

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh ở lưng nếu cảm thấy đau quá mức.

  • Kiểm soát cân nặng không để tăng quá mức khiến cột sống phải gánh chịu thêm nhiều áp lực.

  • Nghỉ ngơi và làm việc đúng tư thế, giữ thẳng lưng, tránh mang vác nặng và cúi khom người. Nếu mẹ cần lấy vật gì ở dưới thấp thì nên từ từ ngồi xổm xuống để giữ thẳng lưng và lấy đồ vật đứng lên.

  • Nằm ngủ nghiêng người sang trái hoặc sang phải và đặt gối hoặc chăn mềm dưới bụng để giúp tử cung không đè nặng lên xương sống khiến lưng đau mỏi hơn.

  • Thường xuyên tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội,...

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi điều độ, đúng giờ giấc để có đủ sức khỏe.

  • Giữ tâm trạng thật thoải mái, tránh lo lắng, suy nghĩ nhiều để không khiến tình trạng đau lưng nặng hơn.

  • Chườm và xoa bóp lưng mỗi tối để giảm đau lưng bằng ngải cứu rang muối, rượu gừng.

  • Khi thấy cơn đau nhức lan rộng khắp vùng lưng, mông, đùi, cẳng chân, bàn chân,...trong thời gian dài cần đi khám bác sĩ ngay.

  • Có thể sử dụng đai đỡ bụng để giảm bớt áp lực vùng bụng.

Tóm lại, thông qua bài viết này chúng ta đã biết bà bầu tháng cuối đau lưng dữ dội là do đâu và mức độ nguy hiểm như thế nào. Ngoài các biện pháp giúp giảm đau lưng mà Monkey chia sẻ trong bài viết này, mẹ bầu cũng cần lưu ý đi khám định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường xảy ra để tầm soát nguy hiểm kịp thời.

Back pain in pregnancy - Ngày truy cập: 17/08/2022

https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/back-pain/

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey