zalo
Chỉ số đường huyết thai kỳ có ý nghĩa như nào đến sức khỏe mẹ bầu?
Thai kỳ

Chỉ số đường huyết thai kỳ có ý nghĩa như nào đến sức khỏe mẹ bầu?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

12/04/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc phải căn bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng. Vậy bệnh lý này có ảnh hưởng xấu gì đến sản phụ và thai nhi hay không? Tại sao cần quan tâm đến chỉ số đường huyết thai kỳ? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin giúp bạn phòng ngừa và tránh tình trạng xấu xảy ra. 

Chỉ số đo đường huyết thai kỳ là gì?

Trước hết, chúng ta cần phải nắm được định nghĩa về chỉ số đường huyết thai kỳ. Đây là con số đánh giá lượng đường (glucose) chứa trong máu của thai phụ. Mức đường huyết này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của mẹ và sự phát triển của thai nhi.

Để kiểm tra được kết quả chính xác nhất, thai phụ cần phải nhịn ăn trong khoảng thời gian từ 8-12 tiếng. Mức đường huyết này sẽ được bác sĩ xét nghiệm bằng phương pháp dung nạp glucose. 

Trong quá trình này, thai phụ được uống một cốc nước đường và thực hiện lấy máu 3 lần. Lần 1 là khi đường huyết đói (trước khi uống nước đường), lần 2 là 1 giờ sau khi uống nước đường và lần 3 là 2 giờ sau khi uống nước đường. 

Chỉ số đường huyết thai kỳ ở mẹ bầu. (Ảnh: Toihuongdan.com)

Trường hợp đường huyết thai kỳ cao, mẹ bầu cần phải chú ý những tư vấn từ phía bác sĩ và uống thuốc đầy đủ theo đơn được kê. Điều này có ích cho sức khỏe của cả mẹ và con.

Những đối tượng cần kiểm tra chỉ số đường huyết thai kỳ thường xuyên

Chỉ số đo đường huyết thai kỳ phản ảnh được kết quả chính xác nhất là vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của quá trình mang thai. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt thì cần phải tiến hành kiểm tra thường xuyên. Bởi vì những triệu chứng khi lượng glucose trong máu cao thường không biểu hiện rõ ràng. Nhưng để tình trạng này diễn ra quá lâu sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường và khó để chữa trị.

  • Thai phụ có tiền sử tiểu đường: Trong giai đoạn mang thai lượng đường trong máu sẽ tăng rất nhanh. Dù các chị em đã chữa trị được căn bệnh này trước lúc mang thai nhưng vẫn có nguy cơ tái bệnh lại rất lớn.

  • Người mang thai bị béo phì: Với trường hợp này bạn càng phải kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên hơn và chú ý đến thói quen ăn uống, luyện tập thể thao.

  • Tiền sử gia đình thai phụ: Nếu chỉ số đường huyết của bố hoặc mẹ thai phụ cao, rất có thể người đó cũng di truyền từ gia đinh.

  • Thai phụ có huyết áp cao: đây là một trong những biểu hiện dễ thấy nhất của chỉ số đường huyết cao. Trường hợp khi huyết áp tăng mà lượng đường trong máu chưa vượt ngưỡng cho phép thai phụ cũng cần chú ý đến thói quen hàng ngày.

Mẹ bầu cần kiểm tra chỉ số đường huyết thai kỳ thường xuyên. (Ảnh: Canva.com)

Tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh, mỗi thai phụ sẽ có tần suất và thời gian kiểm tra chỉ số đường huyết thai kỳ khác nhau. Bạn cần phải chú ý đến vấn đề này vì nếu làm sai lệch sẽ đưa ra kết quả không chính xác và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

  • Mẹ bầu bị tiểu đường trước khi mang thai: Đối với trường hợp này sẽ được tiến hành xét nghiệm mức đường huyết trước bữa ăn, sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.

  • Mẹ bầu bị tiểu đường trong khi mang thai: Bệnh lý này được đưa ra kết quả tốt nhất khi xét nghiệm vào buổi sáng. Thai phụ sẽ được tiến hành kiểm tra trước ăn sáng, sau ăn sáng 1 giờ và cuối cùng là lấy chỉ số đường huyết thai kỳ sau ăn 2 giờ.

  • Mẹ bầu bị tiểu đường loại 1: Khác hoàn toàn với những trường hợp trên, phụ nữ mang thai cần phải kiểm tra vào nửa đêm, khoảng 3 giờ sáng. Ngoài ra, bạn cần quan tâm đến nồng độ ceton trong nước tiểu khi đói. 

Chỉ số đường huyết thai kỳ an toàn là bao nhiêu?

Hội Đái tháo Đường Hoa Kỳ (ADA) đã đưa ra thông tin rất chính xác về những chỉ số đường huyết thai kỳ an toàn. Các chị em có thể yên tâm về số liệu này vì đã được kiểm chứng và được các bác sĩ áp dụng vào trong nghiên cứu và khám bệnh. Theo ADA, chúng ta cần phải quan tâm đến 3 mốc trong bảng đường huyết thai kỳ.

  • Đường huyết đói: ≤ 92 mg/dl (5.1 mmol/l).

  • Đường huyết sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (10 mmol/l).

  • Đường huyết sau ăn 2 giờ : ≤ 153 mg/dl (8.5 mmol/l).

Chỉ số đường huyết thai kỳ an toàn. (Ảnh: Npnutri.vn)

Mẹ bầu bị đường huyết thai kỳ cao có nguy hiểm không?

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, ở giai đoạn đầu khi chỉ số đường huyết thai kỳ bắt đầu tăng cao sẽ không có nhiều biểu hiện cụ thể. Những triệu chứng bệnh lý thường thể hiện rõ nhất ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 và tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ.

Nếu để tình trạng đường huyết thai kỳ cao quá lâu sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sản phụ và thai nhi. Chính vì thế, các chị em phải đi kiểm tra định kỳ để phát hiện bệnh sớm, tránh được những biến chứng có thể xảy ra.

Ảnh hưởng của đường huyết thai kỳ cao. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với mẹ bầu

Chị em có thể phải đối mặt với những biến chứng của tiểu đường thai kỳ dưới đây:

  • Sảy thai

  • Sinh non

  • Hội chứng tăng huyết áp thai kỳ

  • Đa ối

  • Khó sinh do thai nhi phát triển quá mức, dễ gây rối loạn tuần hoàn và hô hấp cho mẹ, lúc sinh dễ gây ra sang chấn.

  • Tăng nguy cơ xảy ra tiền sản giật - sản giật.

  • Dễ xảy ra nhiễm trùng, viêm thận, viêm bể thận và băng huyết sau sinh.

  • Mẹ ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều (nước tiểu có đường), nguy cơ bị nấm candida tái phát nhiều lần.

Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đối với thai nhi

Tác hại khi lượng đường trong máu quá cao đối với thai nhi là rất lớn. Bao gồm:

  • Thai nhi phát triển quá mức, bất thường về hình dạng, dị tật bẩm sinh về thần kinh, cơ,...

  • Bị thương khi sinh ra vì bị kẹt vai trong bụng mẹ bầu.

  • Hạ đường huyết ở trẻ mới sinh, nguy cơ về các bệnh đa hồng cầu, cơ tim phì đại.

  • Suy giảm các chức năng, tăng khả năng chết lưu.

Cách duy trì chỉ số đường huyết thai kỳ ở mức ổn định

Những tác hại của bệnh tiểu đường thai kỳ với sản phụ và thai nhi là vô cùng nghiêm trọng. Để tránh khỏi những trường hợp không may xảy ra, trước tiên thai phụ cần biết được đường huyết thai kỳ bao nhiêu là cao và có những biện pháp duy trì chỉ số thai kỳ trong giới hạn cho phép.

Xem thêm: 

Cân bằng chế độ ăn uống

Không phải cứ ăn nhiều chất đạm như các loại thịt, cá, trứng là thai nhi phát triển khỏe mạnh và thông minh. Mẹ bầu cần tuân thủ tháp dinh dưỡng đủ 5 nhóm chất bao gồm:  protein, chất sắt, axit folic, chất xơ và vitamin C. 

Phụ nữ mang thai cần ăn đủ các nhóm chất. (Ảnh: Canva.com)

Ngoài ra, thai phụ nên tránh những sản phẩm dễ làm tăng chỉ số đường huyết thai kỳ như: thực phẩm chứa nhiều đường hóa học, đồ ăn đóng gói, các chất kích thích,...

Giữ thái độ vui vẻ, thoải mái

Trong thời gian mang thai, đôi lúc tâm trạng của các chị em lên xuống thất thường. Tuy nhiên, thai phụ hãy cố gắng làm cho tâm trạng tích cực. Tâm trạng không tốt cũng là một nguyên nhân làm mất sự cân bằng chỉ số đường huyết thai kỳ.

Tích cực vận động

Thường xuyên vận động sẽ giúp các tế bào trong cơ thể khoẻ mạnh, máu lưu thông tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ chỉ số đường huyết quá cao. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động sẽ kích thích tinh thần, giảm stress cho các chị em.

Mẹ bầu nên vận động thường xuyên. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, mức độ hoạt động của mẹ bầu nên dưới 40 phút mỗi ngày. Một số bài tập chị em có thể sử dụng như: đi bộ, các động tác yoga đơn giản, bơi lội,...

Uống nhiều nước

Mẹ bầu nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Nước giúp cho quá trình lưu thông máu diễn ra tốt hơn và cung cấp lượng oxy cần thiết cho thai nhi. Uống nước còn giúp mẹ bầu cắt được cơn thèm những thực phẩm không tốt cho cơ thể.

Trên đây là những thông tin cần thiết về chỉ số đường huyết thai kỳ và cách duy trì lượng đường phù hợp. Mong rằng, chúng sẽ giúp ích cho các mẹ bầu trong thời gian mang thai.

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!