Mẹ bầu tuần 33 đã dần đi đến những tuần cuối cùng của thai kỳ. Ở giai đoạn này, mẹ đã dần làm quen với sự ảnh hưởng của việc mang thai và em bé cũng ngày càng phát triển hoàn thiện.
Sự phát triển của thai nhi 33 tuần tuổi
Tuần 33 là thời điểm bé có sự phát triển vượt trội so với trước đó:
-
Cân nặng khoảng 2kg và chiều dài cơ thể tăng 2,5cm đạt khoảng 32cm tính từ đầu xuống mông.
-
Mắt tiếp tục phát triển, có thể quan sát môi trường xung quanh. Đồng tử đã có thể nở ra hoặc co lại.
-
Cơ thể bắt đầu phát triển hệ thống miễn dịch độc lập với cơ thể mẹ.
-
Có thể sử dụng giác quan để quan sát môi trường xung quanh.
Bà bầu tuần 33 có thể gặp những vấn đề gì?
Mẹ bầu 33 tuần đã dần quen thuộc với những ảnh hưởng của việc mang thai trong suốt 7 tháng vừa qua. Tuy nhiên ở mỗi giai đoạn thì những vấn đề mà phụ nữ mang thai gặp phải đều có sự thay đổi.
Các nốt đỏ, ngứa
Ở tuần 33, thai phụ rất dễ gặp tình trạng mẩn ngứa, mề đay hay nốt sần thai kỳ. Tình trạng này là do mẹ tăng cân quá nhanh khiến các tế bào da phát triển không kịp dẫn đến rạn da kèm theo triệu chứng khó chịu là da đỏ, ngứa.
Tuy không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng tình trạng này làm các mẹ bầu khá khó chịu, nhất là khi khả năng hoạt động bị hạn chế do mang thai.
Mệt mỏi
Ảnh hưởng của thai kỳ đến cơ thể khiến mẹ bầu tuần 33 rất dễ căng thẳng. Cùng với việc thường xuyên mất ngủ vì phải thức dậy đi tiểu đêm và lật trở người để được tư thế thoải mái nên mẹ cảm thấy mệt mỏi là rất dễ hiểu. Lúc này mẹ hãy làm mọi việc một cách thật nhẹ nhàng và chậm rãi.
Mất ngủ
Mất ngủ trong giai đoạn cuối thai kỳ xuất hiện ở khoảng 75% thai phụ. Đối với bà bầu tuần 33 thì mất ngủ có thể do sự lo lắng và căng thẳng khi mẹ thường xuyên suy nghĩ về việc sinh nở sắp tới hoặc suy nghĩ về những việc cần làm trước và sau khi sinh do đây đã là giai đoạn cuối kỳ mang thai.
Thai nhi giảm chuyển động
Gần về cuối thai kỳ, một số mẹ có thể cảm thấy con chuyển động ít đi. Điều này có thể đơn giản là vì con lớn dần nên có ít không gian hơn để “tung hoành” hơn thôi.
Tuy nhiên nếu thấy bé chuyển động ít đi hoặc thói quen chuyển động của con có thay đổi đột ngột, bất thường thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy con đang không khỏe.
Lúc này mẹ nên gặp bác sĩ để được thăm khám ngay, không nên trì hoãn hoặc chờ đến lịch hẹn khám vì vấn đề của bé có thể nguy hiểm hơn.
Suy tĩnh mạch
Thai phụ dễ bị suy tĩnh mạch do sự chèn ép của tử cung lên tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch là triệu chứng thường gặp phổ biến với hầu hết các mẹ bầu tuần 33 vì ở thời điểm này thai đã khá to.
Đau dây chằng tròn
Theo thống kê từ chuyên gia, đau dây chằng tròn xảy ra ở khoảng 10–30% phụ nữ mang thai. Triệu chứng này xuất hiện khi sản phụ thay đổi vị trí đột ngột, khi ho, hắt hơi hoặc cười. Cơn đau nhoi nhói ở bụng hoặc háng, có thể đau thoáng qua hoặc kéo dài trong vài giờ.
Móng tay
Sự thay đổi nội tiết tố thai kỳ của bà bầu tuần thứ 33 khiến cho móng tay mọc nhanh hơn và dễ gãy hơn do móng bị giòn. Nếu gặp vấn đề này, mẹ bầu nên bổ sung thêm biotin trong thực đơn hằng ngày bằng cách ăn nhiều chuối, bơ và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
Khó thở
Khi mang thai, hormone progesterone của mẹ thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp ở não của thai phụ dẫn đến tình trạng khó thở và thở gấp hơn bình thường. Ngoài ra, tử cung phát triển to có thể gây chèn ép đến phổi khiến cho phụ nữ mang thai khó thở.
Hay quên
Hội chứng hay quên khi mang thai là do việc thiếu ngủ, mệt mỏi và sự thay đổi hoạt động của não. Khối lượng tế bào não của phụ nữ mang thai thực sự giảm đi trong ba tháng cuối của thai kỳ khiến cho nhiều bà bầu không thể nhớ được những gì vừa đọc.
Tuy nhiên, bộ não của mẹ sẽ hoạt động bình thường trở lại sau vài tháng sau sinh.
Cơn co tử cung
Những cơn co tử cung chủ yếu xuất hiện vào những tuần cuối của thai kỳ và những bà bầu đã từng mang thai sẽ cảm nhận rõ cơn co thắt hơn. Tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu của việc chuyển dạ.
Đau thắt lưng
Khi em bé lớn dần thì áp lực tác động lên vùng dây thần kinh tọa của bạn cũng lớn hơn. Điều này dẫn đến tình trạng đau vùng thắt lưng hay còn được biết đến là đau thần kinh tọa.
Sưng phù chân
Mẹ bầu tuần 33 sẽ thấy rằng mắt cá chân và bàn chân bị sưng phù nhiều hơn so với những tháng trước đó. Lúc này tử cung đang lớn dần và gây áp lực lên tĩnh mạch ở chân và bàn chân khiến cho mắt cá chân và bàn chân bị sưng phù nên.
Thay đổi về tâm lý
Bà bầu tuần thứ 33 thường cảm thấy nóng ruột, thiếu kiên nhẫn về thời điểm chào đời của con mình. Thai phụ thường suy nghĩ và tự hỏi rất nhiều về hình dáng của em bé.
Hãy kiên nhẫn vì em bé vẫn đang lớn và sẽ ra đời khi bé đã sẵn sàng. Hạn chế suy nghĩ tiêu cực vì có thể gây ra tình trạng trầm cảm trước sinh rất nguy hiểm.
Một số triệu chứng khác
Ngoài các triệu chứng đã được nói ở trên, mẹ bầu tuần thức 33 còn có thể gặp một số các triệu chứng khác như ợ nóng, đầy hơi, táo bón,... Nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng âm đạo hoặc nhiễm trùng đường tiểu.
Đừng quá lo lắng vì đây đều là các triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai giai đoạn này.
Xem thêm: Mẹ bầu 32 tuần quan hệ có sao không? Biện pháp an toàn nhất cho thai phụ
Những điều bà bầu tuần thứ 33 cần đặc biệt lưu tâm
Tuần thứ 33 đã là giai đoạn cuối của thai kỳ. Bà bầu cần đặc biệt lưu tâm một số điều sau để chuẩn bị chào đón em bé ra đời.
Dấu hiệu sinh sớm
Giai đoạn này của thai kỳ là lúc bạn cần phải nắm rõ những dấu hiệu sinh sớm, bao gồm:
-
Những cơn đau vùng lưng dưới xuất hiện từng cơn một và không giảm đi cho dù đã thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi.
-
Rỉ dịch âm đạo.
-
Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
-
Tăng áp lực ở âm đạo hoặc khung chậu.
-
Tăng tiết dịch âm đạo.
-
Chảy máu âm đạo.
Dấu hiệu tiền sản giật
Các dấu hiệu tiền sản giật bao gồm tăng cân đột ngột, đau đầu dai dẳng, thay đổi thị lực, sưng bọng mắt, đau bụng trên. Đây đều là những dấu hiệu của hiện tượng rối loạn huyết áp liên quan đến mang thai dẫn đến tiền sản giật.
Cảnh giác với liên cầu khuẩn nhóm B
Liên cầu khuẩn nhóm B là chủng vi khuẩn rất phổ biến. Ảnh hưởng của liên cầu khuẩn nhóm B cho thai kỳ bao gồm thúc đẩy chuyển dạ sinh non, làm vỡ màng ối non và viêm màng ối. Mẹ nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để phòng tránh loại vi khuẩn này.
Quan hệ tình dục
Ở tuần 33 vẫn có thể quan hệ tình dục miễn là bạn phải đảm bảo an toàn sức khỏe thai kỳ.
Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kiến nghị nên hạn chế chuyện quan hệ như:
-
Vỡ nước ối.
-
Cổ tử cung có vấn đề.
-
Mang thai đôi hoặc đã từng sinh non.
Kiểm tra số lần đạp của thai
Đếm số lần bé đạp là một cách để xác định tình trạng sức khỏe của bé. Đếm bất kì chuyển động nào của bé kể cả lắc hay cuộn tròn trong vòng 1 giờ.
Nếu như không đạt 10 cái trong vòng 1 giờ thì mẹ nên ăn nhẹ và thử lại lần 2. Nếu như vẫn chỉ có ít hơn 10 chuyển động trong vòng 1 giờ tiếp theo thì bạn hãy đến bác sĩ để kiểm tra lại.
Chế độ dinh dưỡng
Mẹ bầu tuần 33 nên xây dựng một thực đơn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển của bé. Mẹ nên thêm vào thực đơn mỗi ngày những loại thực phẩm sau:
-
Cá và các loại thịt đỏ chứa nhiều sắt, protein, khoáng chất,...
-
Rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ,...
-
Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp canxi, kali, protein, …
Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần tránh tiêu thụ các thực phẩm như các loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt mẹ bầu không nên uống rượu, bia và các loại đồ uống có chứa caffeine.
Chế độ vận động
Vận động giúp cơ thể mẹ bầu trở nên dẻo dai hơn, làm tăng trương lực cơ có lợi cho quá trình sinh con. Tuy nhiên bà bầu tuần 33 chỉ nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng, vừa phải để không ảnh hưởng đến thai nhi.
Chăm sóc bản thân
Phụ nữ mang thai luôn cần được nghỉ ngơi ở bất kỳ giai đoạn nào. Do đó, mẹ hãy chăm sóc bản thân thật tốt để thật sự thoải mái, đặc biệt là trước và trong khi ngủ. Tắm nước ấm và uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ là phương pháp giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn.
Ngoài ra thai phụ cũng nên tránh tập thể dục hoặc ăn uống quá gần giờ vì rất dễ mất ngủ.
Lên kế hoạch chuẩn bị sinh
Việc lên kế hoạch chuẩn bị sinh ở thời điểm 33 tuần là không hề sớm. Mẹ hãy chuẩn bị đồ dùng cho mẹ và em bé khi đi sinh ngay từ bây giờ đề phòng trường hợp khẩn cấp. Bà bầu có thể tham khảo danh sách những thứ cần mua, kinh nghiệm khi đi đẻ để tránh bỡ ngỡ.
Một số xét nghiệm mẹ bầu tuần 33 cần biết
Ở thời điểm 33 tuần, bác sĩ đã có thể dự đoán về thời gian mà mẹ sắp sinh. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và nhu cầu cụ thể mà mẹ sẽ được thực hiện các kiểm tra và xét nghiệm sau:
-
Đo cân nặng.
-
Đo đường và đạm trong nước tiểu của mẹ.
-
Kiểm tra tình trạng sưng bàn tay và chân, giãn tĩnh mạch chân.
-
Kiểm tra cổ tử cung ( tử cung mỏng dần và bắt đầu giãn nở).
-
Đo chiều cao đáy tử cung.
-
Đo nhịp tim của thai.
-
Kiểm tra kích thước tương đối của thai nhi, hướng sinh, vị trí thai bằng cách sờ nắn.
Thai giáo đúng cách
Thai giáo giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ và gần gũi với bố mẹ hơn ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Ngoài việc giao tiếp với con hàng ngày, một phương pháp thai giáo phổ biến là cho bé nghe những bài hát hoặc câu chuyện ngắn. Đây cũng phương pháp thai giáo được đề cử bởi nhiều chuyên gia giáo dục.
Nếu bạn vẫn đang tìm kiếm nguồn bài hát và câu chuyện phù hợp cho bé thì hãy tham khảo tại app VMonkey, Đây là ứng dụng có những bài hát, câu chuyện tiếng Việt được chọn lựa kỹ càng bởi các chuyên gia, giúp phát triển tư duy, khả năng nhận biết và cảm xúc của bé.
Cùng với đó, để phát triển khả năng ngôn ngữ của con thì ba mẹ hãy tìm hiểu thêm app Monkey Stories với những bài hát, câu chuyện bằng tiếng Anh. Nghe tiếng Anh ngay từ trong bụng mẹ sẽ giúp bé tiếp thu nhanh hơn trong việc học ngoại ngữ sau khi chào đời.
Lời khuyên từ chuyên gia
Mẹ bầu tuần 33 hãy luôn ghi nhớ và thực hiện những lời khuyên từ chuyên gia để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh:
-
Đi khám thai 2 tuần/lần để nắm rõ sự phát triển của bé.
-
Duy trì những thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh.
-
Đảm bảo việc quan hệ tình dục không làm ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
-
Giữ trạng thái tâm lý luôn bình tĩnh và ổn định.
-
Tìm hiểu về cách cho con bú đúng cách để bé có thể bú càng sớm càng tốt.
-
Tập thể dục nhẹ giúp cho cơ thể trở nên dẻo dai và việc sinh nở của mẹ cũng dễ dàng hơn
-
Giảm sưng phù chân do suy tĩnh mạch bằng cách kê cao chân khi nằm ngủ hoặc vận động chân thường xuyên bằng các bài tập thích hợp nhằm lưu thông máu.
Mong rằng mẹ bầu tuần 33 đã tìm thấy những thông tin cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh qua bài viết trên. Chúc mẹ có những tuần cuối thai kỳ thật khỏe mạnh và thuận lợi chào đón em bé ra đời.
Week 33 – your 3rd trimester - Truy cập ngày 19/05/2022
https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/3rd-trimester/week-33/
33 Weeks Pregnant - Truy cập ngày 19/05/2022
https://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-33.aspx
Week 33 of Your Pregnancy - Truy cập ngày 19/05/2022
https://www.verywellfamily.com/33-weeks-pregnant-4159211
33 Weeks Pregnant: Symptoms, Tips, and More - Truy cập ngày 19/05/2022
https://www.healthline.com/health/pregnancy/33-weeks-pregnant